Khi cả thế giới trở thành viện bảo tàng
“Một thứ xấu xí, đó chính là bạn khi bạn trở thành một vị khách du lịch...”, nữ văn sĩ nổi tiếng Jamaica Kincaid, một trong những ứng cử viên được đặt cược lớn nhất cho hạng mục văn chương mỗi khi mùa Nobel ập tới, đã viết trong tập tiểu luận “A small place” nổi tiếng của mình.
1. Kincaid mắng nhiếc không chút nương tình với những vị khách du lịch đã tới Antigua, hòn đảo tự trị ở ngoài vùng biển Tây Ấn, nằm ngay trên điểm giao nhau giữa Đại Tây Dương và biển Caribbean, bà gọi họ là “một mẩu rác dừng lại đây đó để ngắm cái này, nếm cái nọ”, không hề hay biết rằng “những người cư ngụ ở nơi mà bạn vừa dừng lại không thể chịu nổi bạn”, và đằng sau cửa nhà “họ cười vào sự xa lạ của bạn”.
Antigua là một hòn đảo du lịch nổi tiếng. Người đầu tiên phát hiện ra vùng đất này, chẳng ai ngoài Christopher Columbus. Cái tên của nó cũng do Columbus đặt từ một bức tranh trong một thánh đường tại Seville. Trong lịch sử, Antigua là vùng đất thuộc địa nơi sản xuất thuốc lá và đường mía, còn ngày nay, 80% GDP của hòn đảo đến từ du lịch.
Nghe có vẻ như hòn đảo ấy đã trở thành một thiên đường Caribbean, nhưng không. Thiên đường ấy chỉ nằm trong mắt những du khách phương Tây tìm tới đây, những người đang cần một kỳ nghỉ thảnh thơi trốn lánh khỏi công việc quen, không gian quen, những mối đau đầu quen, và thói quen. Họ cảm thấy hạnh phúc kể cả khi phải ngồi xe đi trên một con đường đầy sỏi đá lóc cóc. Nếu điều đó xảy ra ở quê hương mình thì họ sẽ phàn nàn sự bê tha của nhà chức trách, nhưng khi điều đó xảy ra ở một nơi xa xôi thì họ lại thấy đó là trải nghiệm tuyệt vời.
Những điều này, bạn có thấy quen thuộc không? Có lẽ bất cứ ai thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội đều từng ít nhất một lần trải qua cảm giác như thế. Chúng ta gần như không biết thực sự thì điều gì đã và đang diễn ra với những con người này, mà ngay cả nếu ta thực sự bận tâm về điều đó thì ta cũng chỉ là người ngoài mà thôi, thương cảm thế thái nhân tình một chút nhưng ta cũng chỉ tới đây vài ba hôm cho biết, rồi ta sẽ trở về nhà. Tệ hơn, nếu chúng ta đi du lịch theo tour với ba chục du khách khác cùng đội một kiểu mũ còn dễ nhận ra nhau và một vị hướng dẫn viên liên tục lùa đi để “check-in” đủ danh sách điểm đến nổi tiếng, và phần lớn thời gian trong ngày ta lắc lư trên chiếc xe máy lạnh, thì cuộc du ngoạn của chúng ta hoàn toàn là cuộc du ngoạn được đóng gói, vùng đất mà ta tưởng mình được tham quan thực ra cũng chỉ là một loạt những tấm bưu thiệp đã được lọc qua bảy bảy bốn chín lớp hiệu ứng. Ta đến với những nơi xa lạ trong tâm thế một người đi ngắm nghía các tác phẩm đặt sau tủ kính ở viện bảo tàng, ngắm nghĩa bên ngoài nhưng không bao giờ thực sự chạm vào nó.
2. Tôi đọc lại cuốn sách của Kincaid sau khi tình cờ lướt qua một bài báo trên New York Times với tựa đề “Được công nhận là di sản thế giới có thể là một may mắn hay một lời nguyền” đăng ngày 25/4/2023. Bài báo có đề cập tới Florence của nước Ý, nơi được công nhận là di sản UNESCO từ năm 1982 và mỗi năm có khoảng 15 triệu du khách tới thăm, nghĩa là gấp 20 lần so với dân số thực sự tại thành phố này, khiến nơi đây quá tải với khách du lịch và những gánh nặng về môi trường, chất lượng cuộc sống, độ an toàn dồn lên người bản địa, dù lợi ích về kinh tế thu được là không thể phủ nhận.
Mới chỉ hai năm trước khi các quốc gia mở cửa trở lại hậu COVID-19, nước Ý thậm chí còn phải lên một chiến dịch mang tên Uffizi Diffusi nhằm chia các tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng Uffizi, nơi lưu trữ bộ sưu tập đồ sộ các bức tranh và tượng điêu khắc từ thời Trung cổ đến nay, ra nhiều địa điểm trên khắp vùng Tuscany thay vì quy tụ lại ở một địa chỉ duy nhất, qua đó giúp giải cứu Florence khỏi biển khách du lịch ùn ùn kéo đến.
Cũng không thể trách UNESCO, vì mặt trái của du lịch là điều mà vào thời điểm đó họ đã không thể lường trước và chỉ những năm gần đây mới có những ý tưởng về “du lịch bền vững”. Ý tưởng về một danh sách di sản thế giới đã nảy sinh từ một dự án bảo tồn các di tích của nền văn minh Nubia tại Ai Cập, với những ngôi đền được chạm khắc vào một vách đá sa thạch từ thế kỷ 13 trước Công nguyên, trước thảm họa lũ lụt. Trong Công ước năm 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, từ khóa “du lịch” chỉ được nhắc đến đúng một lần khi bàn về các mối đe dọa tới những công trình này. Hẳn vì thời điểm đó, du lịch vẫn chưa phải một nền công nghiệp mũi nhọn như ngày nay, hoặc có chăng người ta chỉ du lịch ở những vùng đất gần, còn để đi xa đến đầu bên kia Trái Đất thì có quá ít người có điều kiện.
Ngày nay ta ít phân biệt “du hành” (traveling) và “du lịch” (tourism), và thường dùng lẫn lộn hai khái niệm ấy. Nhưng thực ra chúng khá khác biệt. Bạn có thể gọi sử gia đầu tiên Herodotus, người đi đến cùng trời cuối đất để ghi chép những câu chuyện, là một nhà du hành, nhưng không thể gọi ông là khách du lịch được. Nếu cần chỉ ra một khách du lịch nhang nhác với chúng ta ngày nay thì có thể tìm đến cuốn hồi ký của nhà văn thế kỷ 19, Andersen.
Vị văn sĩ này đi khắp châu Âu thăm thú, ông đi xe ngựa, đi bộ, cưỡi ngựa, cưỡi la, và tất nhiên, không thể thiếu, đi tàu hoả: “Tôi đã nghe một số người bảo rằng, với đường sắt, mọi thi tứ đều tan biến khỏi cuộc hành trình, và bạn vội vã lướt qua những gì đẹp đẽ, thú vị. [...] tôi thì hoàn toàn ngược lại. Chính trong những toa xe chật hẹp, chật chội mà thi tính biến mất; ở đó người ta trở nên bơ phờ, vào mùa đẹp nhất trong năm thì bị quấy rầy bởi khói bụi và cái nóng, còn vào mùa đông thì bởi những con đường xấu”.
Sự thịnh hành của những tuyến tàu hỏa trên khắp châu Âu vào thế kỷ 19 được coi là thời điểm đánh dấu sự ra đời của “du lịch”. Tour du lịch quanh châu Âu này được gọi là “Grand Tour”, với du khách là những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội. Đến năm 1841, nhà truyền giáo người Anh Thomas Cook đã thuyết phục một hãng đường sắt Anh chạy một tuyến đường đặc biệt, gọi là “tour của Cook” - khởi đầu cho ngành công nghiệp du lịch hiện đại với những chuyến đi có tổ chức. Và hai mô tả của Andersen, một của người khác và một của chính ông, dù tưởng như đối chọi, nhưng khi ghép vào lại thể hiện hoàn hảo cảm thức về du lịch: vừa hời hợt, vừa tiện nghi.
Tiện nghi đến mức ngày nay, tắc đường đâu chỉ xảy ra ở Hà Nội hay Bangkok, tắc đường xảy ra cả ở... Everest. Vài năm trước, tấm ảnh về đỉnh Everest với hàng người dài dằng dặc đợi chụp hình lưu niệm gây bão. Ta bàng hoàng nhận ra, du lịch hiện đại đã xâm lấn tới tận những vùng đất tưởng như thần bí và khó chinh phục nhất. Nhưng đằng sau những tấm ảnh thu hút cả ngàn lượt thích trên mạng xã hội có thể là những bãi rác với nào là bình oxy rỗng, lều bỏ không, hộp đựng thức ăn, thậm chí là chất thải để lại sau khi những nhà leo núi rời đi.
Còn hời hợt, vì những điểm đến đã được thu gọn vào một vài thông điệp và khẩu hiệu do một nhóm truyền thông chọn lựa, một khẩu hiệu bắt tai nhưng đồng thời cũng tước bỏ toàn bộ những chiều sâu khác của điểm đến ấy. Mở một cuốn sách cẩm nang hướng dẫn du lịch tới bất kỳ đâu và đập vào mắt bạn là những hình ảnh đã qua chỉnh sửa, hình ảnh nào cũng long lanh như tiên cảnh, được chú thích bởi những dòng đậm đặc sáo ngữ tán tụng cảnh sắc, con người. Chẳng hạn như nghĩ về vùng biển Caribbean là nghĩ đến những bãi cát vàng óng ả, những mặt biển xanh trong vắt, một “thiên đường đánh mất” mà phương Tây đã liên tục lùng tìm kể từ khi John Milton phổ biến hóa ý niệm ấy qua bài thơ kinh điển về Adam và Eve.
Năm 1992, trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương của mình, nhà văn đến từ hòn đảo Saint Lucia, Derek Walcott đã buồn bã nói về “sự bán mình”, “sự xói mòn bản sắc theo mùa” của miền Caribbean, sẵn sàng quảng cáo quê hương mình như “một hồ nước trong xanh, nơi mà thể chế cộng hòa đung đưa bàn chân nối dài của Florida, trong khi những hòn đảo cao su căng phồng nhúc nhích còn những ly nước và những chiếc ô trôi dạt về phía mình trên chiếc bè mảng”, để đổi lại “một tương lai với những bến thuyền ô nhiễm”. Với ông, Caribbean không phải một bài hoan ca, và những người nông dân, ngư dân nơi đây không tồn tại ở đó để được yêu thích hay được chụp ảnh, họ là những cái cây biết đổ mồ hôi, với lớp vỏ bên ngoài phủ muối, trong khi hàng ngày, những kẻ mặc áo vest đến ký các khoản ưu đãi thuế khóa cho các nhà kinh doanh, đầu độc những rừng bàng và những rừng cây gia vị.
Sự tôn thờ chủ nghĩa xê dịch khiến nhiều người đinh ninh rằng cứ đi xa thì ta sẽ trở nên khôn ngoan hơn, và người ta bắt đầu đua nhau về số visa trong hộ chiếu, số biên giới đã băng qua, mặc dù sự thật là việc chạm chân tới một vùng đất trong vài ba ngày không đảm bảo được sẽ thêm cho chúng ta một tri thức thực thụ và trọn vẹn nào về cuộc sống nơi miền đất ấy, mà lắm khi ta chỉ thu thập được vài lầm tưởng lắt nhắt như những món đồ lưu niệm trang trí cho vui.
Sau cùng thì Caribbean không chỉ là những hòn đảo, Paris không chỉ là tháp Eiffel, Ai Cập không chỉ là kim tự tháp, và thế giới này không phải một viện bảo tàng.