Kể chuyện làng mình

Thứ Tư, 04/01/2023, 10:32

Thuở chúng tôi là những đứa trẻ đang lớn, đường làng, đường xã đều lầy đất. Trường cấp 1, 2 nằm trên trục đường chính của xã, bám dọc bờ sông Vĩnh Giang, nơi từ đó, làng mạc tỏa ra sum suê thành chòm thành xóm ở hai bên bờ sông bốn mùa xanh tươi cây trái, mở ra với mênh mông đồng lúa.

Con sông Vĩnh Giang là nguồn chính, từ đó, tỏa ra ngang dọc và men theo tất cả các làng mạc xóm thôn là những dòng sông, con ngòi nhỏ. Làng được ôm ấp, bao bọc bởi sông trước, mương sau, tựa như sông là huyết mạch sống còn. Mặt sau của làng xanh xanh những nẻo vườn cây trái, những bờ soi hoa màu tươi tốt gối đầu lên dòng mương trong mát, êm đềm vỗ về đồng lúa kề bên. Có sông, có mương, bốn mùa người làng lấy nước ăn uống, sinh hoạt, tưới tiêu cho ruộng đồng luôn no đầy ăm ắp vào mùa khô nắng, lại đỡ bị úng ngập trong mùa mưa.

rom-vang-trai-khap-duong-lam-8.jpg -0

Vĩnh Giang từng là một dòng sông cổ. Nhiều tư liệu lịch sử nói về vai trò huyết mạch giao thương quan trọng của sông từ thời nhà Trần. Sông chảy qua địa phận các xã thuộc huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, thành phố Nam Định. Trên khắp cánh đồng Mỹ Trung, Vĩnh Giang tỏa ra nhiều nhánh không tên nối với những dòng mương nhỏ, dọc ngang như vắt lụa êm ái giữa cánh đồng làng. Đi hết cánh đồng chiêm trũng này thì gặp một con đê cao lớn. Trong đê, là bờ bãi rộng dài xanh ngút, nơi con sông Hồng (sông Mẹ, sông Cái) ngày đêm thao thiết cuộn lên dòng phù sa đỏ. Nơi nhận về tất thảy mạch nguồn từ trăm sông chảy về dồn tụ. Bên kia sông Mẹ về phía Đông là Thái Bình. Các cửa sông, cửa mương từ trong đồng nối với sông Mẹ, được khép mở linh hoạt bởi hệ thống van cửa phai, dựa theo nhu cầu tiêu thoát nước trong đồng.

Những dòng mương thẳng tắp từ trong đồng chạy ra đến cửa sông Mẹ, là kết quả của những công trình thủy lợi vĩ đại từng tiêu tốn vô cùng sức người sức của, vào cái thời mà thanh niên, sinh viên trên khắp cả nước hân hoan đi từng kỳ lao động công ích, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân. Tôi nhớ mỗi khi có đoàn dân công về làng, nhà nhà thu xếp nhường giường, nhường buồng cho dân công ở, trân trọng như khách quý. Trẻ con vui phơi phới, có khách rồi,  nhà sẽ có bữa tươi. Nhà đứa nào rộng, được nhiều anh chị dân công đến ở là chúng rất sĩ, rất vênh. Bọn con gái được các chị tết tóc xinh, bọn con giai được rửa mặt cho, trông sáng hẳn.

Từ khi có những dòng mương êm mát, vùng chiêm trũng bớt đi nạn ngập úng vào mỗi mùa mưa, lại dẫn được nước từ sông Mẹ về tưới tiêu, bồi đắp phù sa cho đồng ruộng. Cũng từ đó, vùng chiêm trũng cấy được một năm hai vụ chiêm, mùa. Trước kia, khi hệ thống thủy lợi nội đồng chưa có, là chỉ cấy được một vụ lúa chiêm, có khi sắp đến vụ gặt thì bão ập đến. Những khi cả cánh đồng mênh mông lúa đang kỳ đông sữa chìm trong biển nước của trời, thì cả làng cũng ngập trong nước mắt của người. Họa hoằn mới có vài mảnh ruộng có thể gặt chạy lúa non, bà con cuống cuồng chạy gặt như thể cứu nhà đang cháy. Năm ấy y như rằng mất mùa, cả làng rơi vào cảnh chật vật, thiếu đói; đến độ giáp hạt, hợp tác xã phải mở kho phát thóc cứu tế.

Tôi nhớ những buổi trưa nắng nung, đi học về đến Cầu Bơi ở đầu làng, trẻ con rú lên khi nhìn thấy dòng mương ăm ắp dào lên ngọn phù sa hồng thắm. Nước đã về! Bọn con giai bất ngờ quăng cặp, lột quần áo trên người, nhảy tùm xuống giữa dòng phù sa sóng sánh. Bọn con gái xấu hổ chạy dạt ra. Những khi đó thường là đầu thu, ông trời mưa ít đi rồi, lúa cần được tắm nước phù sa để ngọn đòng căng mọng. Còn vào độ cuối đông, thường phơi ải đã nỏ thì ruộng đồng cần nước sông Mẹ dội về để vỡ ải. Có nước thì máy bừa hay con trâu mới thay sức người mà bừa cho ruộng nhuyễn, ngấu. Tháng Chạp đến với chút mưa lay phay, khí xuân xấp xới về ngang ngõ, làng có thể xuống mạ cấy cho vụ chiêm. Mẹ tôi vẫn thường tranh thủ đi cấy cho đến ngày cận Tết, kẻo “mạ đợi ruộng”.

Nhớ cái thời hợp tác xã nông nghiệp, cả một cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, tiếng máy cày máy bừa xình xịch, dân có vẻ phấn khởi với phong trào làm ăn tập thể, chia công tính điểm mà phát thóc. Nhưng đói vẫn hoàn đói, cứ tháng ba ngày tám là thấy cái đói hiển hiện trên gương mặt những người mẹ gầy mõ đi, đen sạm lại vì thiếu ăn và lo nghĩ. Trong nhà, đàn bà bao giờ cũng là người lo lắng nhất cho chồng con.

Chiếc máy cày máy bừa sơn màu cam, đỏ nổi bật trên cánh đồng sau vụ gặt chỉ còn là mênh mông đất màu nâu thẳm. Chú công nhân lái máy mặc bộ quần áo màu xanh gọi là xanh công nhân, đội mũ xanh có in hình và chữ màu trắng. Ngày ấy công nhân là hình mẫu mơ ước của mọi người trong xã hội, cũng như giáo viên, như bộ đội. Chiếc áo màu xanh công nhân thì không cần miêu tả nó xanh như thế nào, ai ai cũng biết, tương tự như áo bộ đội, chỉ cần nói là chiếc áo màu bộ đội, không cần nửa từ giải thích thêm. Bọn trẻ con thường thần tượng các chú công nhân lái máy cày. Những cô gái thôn quê ngày ấy chắc cũng tơ tưởng đến “các chú”. Mỗi khi chiếc máy cày xình xịch chạy chậm qua làng, vệt bánh dính bết bùn non hằn lên trên nền đường đất, tất thảy bọn trẻ làng như được đánh thức bởi thanh âm vang động lạ lẫm như đến từ một miền cổ tích. Như khi cả trời đất, xóm làng đang yên ắng đến buồn tẻ mà bất thình lình có tiếng ì ì ầm ầm từ trên trời cao dội xuống, và rồi chiếc “máy bay chong chóng” màu xanh xám hùng dũng quét ngang trên nền trời, để lại một vệt khói dài như con rắn uốn. Có những chiếc máy bay bay thấp đến nỗi một đứa trẻ nào đó sẽ rú lên vì sợ cánh máy bay sẽ quạt tốc mái rạ nhà mình, như một cơn bão quét. Lại có đứa tinh vi nói trạng thì bảo, nó nhìn thấy rõ đầu chú phi công đội mũ, không phải một, mà những là hai chú (?!). May làm sao nó chưa trạng đến nỗi thấy chú phi công cười…

Chiếc máy cày hẳn không đến nỗi khiến bọn trẻ sửng sốt như chiếc máy bay, nhưng cũng đủ hấp dẫn đến độ chúng vỗ tay hoan hô chú máy cày bất cứ khi nào chúng thấy. Và chúng hát: “Cháu xem cày máy/ Cày thay con trâu/ Đường cày đã sâu/ Lại nhanh mà không mệt nhọc/ Mùa về lắm thóc/ Hạt thóc phơi vàng sân/ Ơi chú công nhân/ Lớn lên cháu lái máy cày.…”. (bài hát “Lớn lên cháu lái máy cày” – Kim Hưng). Chú công nhân nghe tiếng hát bọn trẻ thì thích thú cười hết cỡ, huýt sáo điệu nghệ. Bọn trẻ thêm phấn khích chạy theo chiếc máy cày một đoạn đường làng, cho đến khi mỏi chân chúng mới dừng lại. Những cô gái đôi mươi đang giặt áo trên bến sông, nghe tiếng máy cày tới gần thì bất giác đưa tay kéo vành nón cho sụp xuống. Chú công nhân đi ngang, thể nào cũng huýt sáo hoặc buông một câu đùa và bọn trẻ hùa theo gán ghép: “Anh công nhân, chị thôn nữ/ Làng ta no đủ, xình xịch máy cày”. Dưới vành nón, hẳn là các cô gái e lệ đỏ hồng đôi gò má. Cũng có cô mạnh bạo đối đáp lại với chú công nhân hoặc mắng át bọn trẻ, nhưng hãn hữu lắm, thôn nữ họ thường hay ngại.

Ngày ấy, tôi cũng hay ra đứng ở mé vườn, nhìn về phía Tây nơi cánh đồng Bông rộng lớn. Dưới cái nắng mật ong tháng Chín, cả cánh đồng như đang óng ánh hồng lên gương mặt phù sa non mỡ, luênh loang. Mắt tôi dõi theo chiếc máy bừa ban đầu còn ở sát bờ vùng, thật rõ cái màu cam rực lên trong nắng. Giữa cái thời mà người ta đâu đâu cũng toàn thấy những màu đen, nâu, ghi xám, chúng tôi đi học được mặc quần xanh chéo đã là sang, các mẹ ra đồng chỉ rặt một màu đen nhức và nâu đất, thì một chút màu cam, đỏ ở đâu đó cũng thấy tươi vui, sáng láng. Chú công nhân ngồi ung dung trong ô cửa kính vuông vuông. Một mình giữa cánh đồng mà thỉnh thoảng vẫn thấy chiếc mũ lưỡi trai trên đầu chú lắc lư như thể chú đang hát. Khi chiếc máy bừa chạy xa hút về phía cuối cánh đồng, trông nó chỉ còn nhỏ như một chiếc hộp đang lừ lừ chuyển động. Hình ảnh chú công nhân là biểu tượng của một khung trời mới. Hẳn sẽ có nhiều đứa con giai trong làng mơ ước lớn lên được lái chiếc máy cày.

Quê tôi là vùng thuần nông nghèo khó, nhưng chỉ qua cánh đồng làng là chạm chân vào thành phố. Tôi học cấp ba ở ngôi trường nơi cửa ngõ Thành Nam. Chị tôi, mẹ tôi hàng ngày vẫn kĩu kịt oằn vai gánh rau quả vào chợ Khu Tám bán. Đêm đêm, nhà quê tối đen tối thẫm vì không có điện, khung cảnh u tịch càng tô lên nỗi ảm đạm nơi những con người ưa nghĩ ngợi, khát khao. Nhìn qua cánh đồng một dải, là đèn điện giăng mắc tựa sao sa, là mường tượng đến áo hoa, guốc dép xinh đẹp của con gái thành phố. Đứa trẻ mộng mơ trong tôi bắt đầu cựa quậy những ước ao ra khỏi lũy tre làng. Nhất là những khi giỗ tết, bố cho tôi đi ăn cỗ nhà bác họ ở phố Hàng Nâu, có đầy bánh kẹo và hạt dưa, cắn một lúc thì môi đỏ như được tô son vậy. Một trong những bài thơ đầu đời của tôi là “Tự sự”, là để nói về giấc mơ ấy:

“Tôi làm người thơ kể chuyện mình

Ở nơi nào có ngôn ngữ

Có mẹ cha, anh chị, có các em

Tôi làm người thơ hát riêng mình đồng quê của tôi

Có gốc rạ nhọn tôi dẫm vào đau thét/ mà đâm gót chân mẹ, mẹ cười

Có vành trăng treo ngọn tre tôi ngồi mơ mộng/ còn chị thì bật khóc tình yêu đã mất

Tôi hát bình minh dát ngọc sương lên mi cong mắt chớp

Tôi đến trường, mẹ lưng còng bờ rạ

Cho tôi mơ ánh đèn thành phố

Đêm đêm đổ sao xuống cánh đồng làng

Tôi làm người thơ kể chuyện nhân gian…”.

Đến bây giờ, thì có lẽ đúng như bài thơ đã viết. Tôi đi khỏi lũy tre làng để hiện thực hóa mơ ước của đời mình, nhưng tôi vẫn mãi là người kể chuyện làng mình, kể chuyện nhân gian.

Trang Thanh
.
.