“Hố đen”

Thứ Ba, 27/09/2022, 08:36

Khi được hỏi về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Mỹ J.Biden đã lên tiếng cảnh báo: “Đừng! Quyết định đó sẽ thay đổi diện mạo chiến sự nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác kể từ Thế chiến II”.

Vấn đề nan giải

Trả lời phỏng vấn trên đài CBS, Tổng thống Mỹ J.Biden, khi được hỏi về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột ở Ukraine, đã lên tiếng cảnh báo: “Đừng! Quyết định đó sẽ thay đổi diện mạo chiến sự nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác kể từ Thế chiến II”.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí hạt nhân có mức độ công phá thấp có thể sử dụng trên chiến trường. Theo một số nguồn tin, hiện nay Moscow sở hữu khoảng 2.000 đơn vị như vậy phân bổ cho các lực lượng lục, hải, không quân của các lực lượng vũ trang Nga.

Vậy là một lần nữa, tên gọi “vũ khí hạt nhân” lại được nhắc đến khi liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, mà người đưa ra lời cảnh báo là đích thân Tổng thống Mỹ.

“Hố đen” -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo: “Đừng! Quyết định đó sẽ thay đổi diện mạo chiến sự nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác kể từ Thế chiến II”, khi được hỏi về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: L.G

Còn nhớ là chỉ 4 ngày sau khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” (theo cách gọi của Nga) ở Ukraine, Tổng thống Nga V.Putin đã ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân của nước này vào trạng thái báo động cao.

Mệnh lệnh của ông V.Putin khi ấy đã làm lạnh sống lưng nhiều người mặc dù sau đó không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga triển khai bộ ba vũ khí hạt nhân gồm máy bay ném bom chiến lược, tên lửa và tàu ngầm...

Nga đã ngay lập tức đáp trả tuyên bố của ông J.Biden về chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân. Khi được yêu cầu bình luận về phản ứng của Tổng thống Mỹ, RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói ngắn gọn với các phóng viên: "Hãy đọc học thuyết hạt nhân của Nga. Mọi thứ đều được viết ở đó”.

Trước đây, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông D.Medvedev (cựu Tổng thống và Thủ tướng Liên bang Nga) cũng từng có lần đề cập tới những trường hợp mà Nga có thể phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân. Đó là Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân; Nga và đồng minh bị tổn hại khi nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân; Nga bị tấn công vào hạ tầng trọng yếu gây tê liệt năng lực hạt nhân; sự tồn vong của đất nước bị đe dọa.

Trong số những tiêu chuẩn để Nga phải sử dụng đòn hạt nhân (mà nếu diễn ra sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường), có một điều kiện thoạt nghe cực kỳ có lý: “Nếu có thông tin đáng tin về việc phóng các tên lửa đạn đạo nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc đồng minh”.

Nhưng, vấn đề nan giải nằm ở chính khái niệm “lãnh thổ” trong học thuyết này. Lấy một ví dụ như Crimea. Trong xung đột Nga-Ukraine, không phải mới bắt đầu từ ngày 24-2 năm nay mà kể từ năm 2014, bán đảo này đã sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu ý dân. Cứ giả dụ như trong cuộc chiến hiện nay, Ukraine mở những đòn tấn công vào Crimea với danh nghĩa “giành lại lãnh thổ của mình”, trong khi đó Nga lại coi Crimea là lãnh thổ của mình và một cuộc tấn công vào Crimea đồng nghĩa với một cuộc tấn công nhằm trực tiếp vào chính nước Nga! Khi ấy, khả năng thực tế Nga có hay không sử dụng vũ khí hạt nhân nằm ở mức nào?

Không một ai trả lời được câu hỏi này.

Đòn nghi binh tuyệt hảo

Nhưng, câu hỏi của phóng viên CBS đặt ra với Tổng thống Mỹ về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cần được đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn: Ukraine vừa thực hiện thành công cuộc phản công ở khu vực Đông Bắc nước này.

Trong suốt nhiều tháng trời, các tướng lĩnh, chính trị gia và kể cả Tổng thống Ukraine, ông Zelensky, đã làm rùm beng về một chiến dịch phản công lớn của phía Ukraine nhằm giành lại vùng Kherson, nằm ở phía Nam Ukraine, đã bị các lực lượng Nga kiểm soát ngay từ đầu cuộc xung đột. Xét về mặt chiến lược, Kherson là vùng đệm cực kỳ quan trọng, tách hoàn toàn khu vực Crimea đã sáp nhập vào Nga hồi năm 2014 ra khỏi phần lãnh thổ Ukraine.

Bởi thế, nếu đánh chiếm lại được Kherson, Ukraine hoàn toàn có thể uy hiếp được Crimea, phá vỡ hành lang chiến lược nối từ hai nước cộng hòa ly khai mà Moscow công nhận ở vùng phía Đông sang khu vực phía Nam mà Nga đã kiểm soát, khóa chặt đường ra biển của Kiev.

Không dừng lại ở các tuyên bố rùm beng, Ukraine đã tiến hành các động thái thực tiễn cho thấy dường như họ nghiêm túc cân nhắc giành lại Kherson. Đạn pháo HIMARS của phía Ukraine liên tục rót xuống các kho đạn và sở chỉ huy Nga, đặc biệt là những cây cầu bắc qua song Dnieper, tạo ra nguy cơ đẩy hàng nghìn binh sĩ Nga đóng tại Kherson vào tình thế bị cô lập.

Bởi thế nên cũng là lẽ tự nhiên khi sau một thời gian phân tích các dữ liệu trên chiến trường cũng như nguy cơ có thể xảy ra nếu Ukraine tái chiếm được Kherson, phía Nga đã âm thầm điều một lực lượng lớn từ các mặt trận, trong đó có cả khu vực Đông Bắc, quay về mặt trận Kherson để sẵn sàng cho trận chiến quyết định với Ukraine. Ít ai biết được là đòn tấn công chính của Ukraine diễn ra cách đó 600 cây số, ở mặt trận phía Đông Bắc Ukraine, trọng tâm là tỉnh Kharkov tiếp giáp biên giới Nga.

Cũng không ai ngờ phía Ukraine lại chọn khu vực này là mục tiêu chính cho đợt phản kích bởi đây là khu vực Moscow chiếm khá nhiều ưu thế do cự ly khá gần lãnh thổ Nga, không quân có thể nhanh chóng hỗ trợ, đồng thời mạng lưới hậu cần, trong đó có tỉnh Lugansk ngay cạnh đó, cũng đã được thiết lập ổn định trong suốt 6 tháng giao tranh.

Đòn nghi binh tuyệt hảo của quân Ukraine đã khiến phía Nga điều động những đơn vị tinh nhuệ nhất của mình ở vùng Đông Bắc về mặt trận Kherson. Thế nên, khi quân Ukraine mở đợt phản kích ở Kharkov, họ đã chiếm ưu thế áp đảo với quân số lớn gấp 8 lần so với quân Nga!

Chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, theo tuyên bố của Kiev, phía Ukraine đã giành lại hơn 6.000 km2 lãnh thổ từ tay đối phương, chủ yếu ở tỉnh Kharkov. Các đơn vị Ukraine cũng đã kiểm soát hầu như toàn bộ cứ điểm dọc biên giới ở phía Bắc và phía Đông, giáp tỉnh Belgorod của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã “tái bố trí” lại lực lượng về mặt trận Donetsk, đồng thời công bố bản đồ rút quân khỏi tỉnh Kharkov.

“Hố đen” -0
Binh sĩ Ukraine bên xác chiếc xe tăng bị phá hủy ở khu vực Kharkov. Ảnh: L.G

Gió chưa đổi chiều

Thế nhưng, nếu trận phản kích chớp nhoáng của phía Ukraine ở khu vực Kharkov mà đã khiến cho phóng viên CBS phải đặt ra câu hỏi với Tổng thống Mỹ J.Biden về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, có lẽ là quá vội vàng.

Cũng là quá sớm nếu nói rằng đợt phản kích này đã mang lại một bước ngoặt thay đổi quyết định cho cuộc chiến ở Ukraine, với lợi thế dành cho Kiev. Đơn giản bởi vấn đề nằm ở lực lượng, hay nói cho đúng hơn là sự chênh lệch về quy mô lực lượng của hai bên.

Cho đến nay, Moscow vẫn chỉ coi đây là một chiến dịch quân sự chứ không phải là một cuộc chiến tranh, do vậy cương quyết khước từ khả năng ban hành lệnh tổng động viên, một mệnh lệnh có thể dẫn tới việc huy động lực lượng dự bị tới 2 triệu quân. Trong số các lựa chọn của Nga, việc huy động thêm quân số cho chiến dịch quân sự mà họ đang tiến hành ở Ukraine là điều hoàn toàn có thể.

Trong khi ấy, ngay từ những ngày đầu xung đột, Ukraine đã tuyên bố lệnh tổng động viên, huy động hầu như toàn bộ sức mạnh quân sự và quân số vào cuộc chiến. Sau thời gian đầu chống lại đòn tấn công chớp nhoáng của phía Nga nhằm vào Kiev và các thành phố lớn, khi cuộc xung đột chuyển sang hình thức chiến tranh tiêu hao, lực lượng của Ukraine đã bị tổn thất khá nhiều, phải căng mỏng trên nhiều mặt trận, đạt gần mức tới hạn.

Trên chiến trường, mặc dù phải rút lui khỏi vùng Kharkov nhưng các lực lượng Nga vẫn kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ quan trọng của Ukraine, đặc biệt là các thành phố miền Nam như Mariupol, Melitopol, Kherson, cũng như toàn bộ hành lang trên bộ kéo dài từ hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk cho đến bán đảo Crimea, nơi đang tập trung phần lớn binh lực Nga.

Nhiều quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, khó có thể nói gió đã đổi chiều sau đợt phản kích của Ukraine ở Kharkov. Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhận định: “Nga vẫn còn lực lượng rất đáng kể ở Ukraine cũng như các trang thiết bị và vũ khí, đạn dược”.

Trận phản kích của Ukraine ở Kharkov không thể kết thúc chiến tranh mà chỉ tất yếu dẫn tới một số kết quả khác nhau. Mục tiêu của Nga nhằm kiểm soát toàn bộ vùng Donbass, vốn được đặt ra ngay từ đầu giai đoạn 2 của cuộc chiến, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Giờ đây, Nga phải bố trí lại lực lượng để củng cố phòng tuyến Donetsk, tránh khả năng Kiev nhân cơ hội tái chiếm lại các vùng do Nga đang kiểm soát.

Do phía Ukraine đã kiểm soát được khu vực sát biên giới với Nga, các địa phương của Nga ở vùng biên giới sẽ nằm trong tầm hỏa lực của quân Ukraine. Các cơ sở hậu cần, máy bay chiến đấu của Nga sẽ phải bố trí lùi sâu hơn vào khu vực nội địa để tránh nguy cơ bị tấn công, khoảng cách để chi viện cho quân Nga xa hơn, rủi ro tăng lên.

Nhưng, có lẽ tác động lớn nhất của chiến dịch phản kích ở khu vực Kharkov là nó sẽ tiếp tục thúc đẩy Mỹ và phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ý tưởng của Mỹ và phương Tây muốn biến Ukraine thành một “hố đen” nhằm hút cạn kiệt tài nguyên (nhân lực, vũ khí,trang bị, kinh tế...) của Nga cho đến khi sức mạnh của nước này suy yếu một cách đáng kể sẽ có sức quyến rũ hơn đối với các nhà hoạch định chính sách trong các hành lang quyền lực của phương Tây.

Và, đương nhiên, Nga không chấp nhận thực tế là bị mất đi những vùng trước đây đã kiểm soát. Các đòn tấn công của Nga sẽ tiếp tục trên các mặt trận và chiến tranh ở Ukraine còn kéo dài, không biết khi nào chấm dứt.

Yên Ba
.
.