“Hãy lên đường”

Thứ Sáu, 27/09/2024, 14:09

Đấy là câu tôi muốn nói với họa sỹ trẻ Chu Nhật Quang khi nhìn cách anh dấn thân vào con đường sáng tạo hội họa và sau khi xem những tác phẩm đầu đời của anh. Tôi chúc vậy bởi trong cách nhìn của tôi, anh đã chọn một con đường cho riêng mình và bởi tôi đã nghe được giọng nói khởi đầu hội họa rất riêng biệt của anh.

Tôi tin anh không bao giờ dừng lại, càng không bao giờ quay lại. Nhưng tôi vẫn sợ nếu một ngày anh dừng lại bởi cá nhân tôi nhìn thấy những tín hiệu khởi đầu quan trọng và đầy cảm hứng của một nghệ sỹ, bởi tôi bắt đầu đợi chờ sự sáng tạo của anh.

Chu Nhật Quang đã chọn một con đường sáng tạo nhiều thách thức: nghệ thuật sơn mài trong hội họa hiện đại. Nghĩa là anh đã chọn " nguồn cội " là nền tảng cho con đường sáng tạo nghệ thuật của mình. Hay nói cách khác là anh đã trở về với nguồn cội để từ đó bắt đầu ra đi trên con đường sáng tạo dằng dặc của mình. Không nhiều họa sĩ trẻ chọn con đường như thế. Ý thức về cội nguồn của Chu Nhật Quang và cách anh đối xử với những giá trị của nguồn cội của anh làm tôi tôn trọng anh và đặt cược niềm tin vào anh.

“Hãy lên đường” -0
Họa sĩ Chu Nhật Quang say sưa bên tác phẩm đang dần hình thành.

Họa sĩ Chu Nhật Quang sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Ông nội anh là hoạ sĩ Chu Mạnh Chấn, một họa sĩ vẽ sơn mài tên tuổi. Hầu hết các tác phẩm sơn mài của họa sĩ Chu Mạnh Chấn là tái hiện những vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Việt: những lễ hội, các di tích lịch sử và văn hóa, các phong tục tập quán đẹp của người Việt Nam...

Bố của họa sĩ Chu Nhật Quang là nghệ sĩ Chu Lượng. Chu Lượng là nghệ sĩ rối nước truyền thống. Nghệ sĩ Chu Lượng là người tôn vinh vẻ đẹp của rối nước trong nghệ thuật biểu diễn và tạo hình những nhân vật rối nước. Nghệ sĩ Chu Lượng đã dùng nghệ thuật sơn mài để sáng tạo những con rối nước đậm tính cách và màu sắc Việt truyền thống.

Họa sĩ Chu Nhật Quang đã thừa hưởng tinh thần của sơn mài và những vẻ đẹp truyền thống của văn hoá Việt từ các thế hệ hoạ sĩ đi trước cùng với cách nhìn của một thời đại mới làm ra thế giới riêng biệt của mình. Hoạ sĩ Chu Nhật Quang vẫn sáng tạo ra những màu mới trên sự định hình của màu sơn mài truyền thống, tạo ra những bố cục mới và những câu chuyện mới trên nền tảng lịch sử và văn hoá truyền thống.

“Hãy lên đường” -0
Họa sĩ Chu Nhật Quang và danh họa Thành Chương.

Họa sĩ Chu Nhật Quang có một thời gian học mỹ thuật tại Mỹ. Anh tiếp cận nhiều trường phái, nhiều tư duy của hội họa phương Tây. Anh đã từng sáng tác một số tác phẩm rất "hiện đại". Nhưng tôi có cảm giác anh không tìm thấy con người mình trong những tác phẩm đó. Anh có cảm giác mình không có bất cứ mối liên hệ gì với màu sắc, bố cục, nhân vật, câu chuyện và không gian trong chính những tác phẩm ấy của anh. Chu Nhật Quang có ID (căn cước công dân) để xác lập danh tính, quốc tịch mình khi anh hiện diện trong đời sống.

Và trong thế giới sáng tạo nghệ thuật cũng vậy, mỗi nghệ sĩ sáng tạo phải xác lập được căn cước của mình để xác lập con người nghệ sĩä của mình và cũng chính là xác lập căn cước cho các tác phẩm của mình. Chu Nhật Quang nhận ra điều sống còn ấy và anh thay đổi. Anh xác lập nguồn cội của mình và ngôn ngữ của mình. Những tác phẩm sơn mài trong triển lãm cá nhân đầu đời của anh đã cho thấy những yếu tố quan trọng đầu tiên trên con đường xác lập căn cước nghệ sĩ của anh. Đấy là chất liệu anh chọn, đề tài anh chọn cùng sự sáng tạo đầy dấu ấn cá nhân trong màu sắc, bố cục, đường nét, nhịp điệu của anh.

Nghệ thuật sơn mài là một di sản lớn của dân tộc. Một nghệ sĩ sáng tạo nếu rời bỏ nguồn cội sẽ dễ rơi vào hoang mang, vào sự cô lập. Nhưng nếu nghệ sĩ đó bị "giam cầm" trong cái gọi là truyền thống thì nghệ sĩ đó không có sự sáng tạo. Chu Nhật Quang chọn những vẻ đẹp tinh hoa của nghệ thuật sơn mài truyền thống nhưng anh đã nỗ lực làm cho những vẻ đẹp ấy hiện ra trong ngôn ngữ thời đại anh sống. Anh tuân thủ một cách hiểu biết về màu sắc, kỹ thuật sơn mài truyền thống cùng với những câu chuyện chứa đựng những vẻ đẹp của lịch sử, văn hoá dân tộc.

Nhưng tất cả những điều đó lại hiện lên trong các tác phẩm của anh với nhịp điệu, bố cục, màu sắc, đường nét và cách nhìn hiện đại đầy tính cách của con người anh. Đấy chính là sự sống còn của nghệ thuật và đấy chính là phong cách của anh. Đấy chính là điều mà anh làm cho cá nhân tôi chào đón anh, đặt niềm tin vào anh và đợi chờ anh.

“Hãy lên đường” -0
“Hãy lên đường” -1
Một số tác phẩm của họa sĩ Chu Nhật Quang.

Đam mê là một phẩm chất lớn và quan trọng đối với mọi nghệ sỹ. Tôi nhìn thấy niềm đam mê ấy trong ý thức sáng tạo, trong ý chí lao động kiên nhẫn im lặng ngày ngày của anh và trong sự run rẩy và quyết liệt ở mỗi tác phẩm của anh. Trong một thời đại có quá nhiều tác động và sự quyến rũ của các trường phái hội họa. Đấy là sự thách thức quá lớn đối với một hoạ sĩ trẻ. Nếu không đủ bản lĩnh, không đủ tự tin và không nghe được giọng nói của tâm hồn mình đang vang lên từ sâu thẳm con người mình thì một hoạ sĩ trẻ như Chu Nhật Quang sẽ bị cuốn đi, bị nhấn chìm trong cơn lũ của các trường phái, các quan niệm và thị hiếu đương thời và sẽ rơi vào hoang mang, rối loạn và dê îlạc đường như không ít những nghệ sĩ trẻ.

Chu Nhật Quang chưa đầy 30 tuổi nhưng tôi nhận ra sự trầm tĩnh trong anh. Sự đam mê và trầm tĩnh sẽ là nguồn năng lượng lớn giúp anh bước đi. Cuộc đời anh còn rất dài, sự sáng tạo bên trong anh là vô tận. Hãy học tất cả và hãy biết quên đi tất cả. Hãy lắng nghe những gì đang vang lên từ chính tâm hồn mình, từ chính đời sống mình đang sống, đừng hoảng sợ kể cả khi không có ai bên cạnh mình. Hãy lên đường và bước những bước can đảm cùng với niềm cảm hứng mãnh liệt và trí tưởng tượng vô tận của mình. Cái đẹp chỉ mở cửa cho những người như vậy.

Hãy lên đường, hỡi chàng trai Chu Nhật Quang.

Hà Đông, 1/9/2024

Họa sĩ Chu Nhật Quang tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghệ thuật. Mỗi câu chuyện của ông nội, của bố tôi và các văn nghệ sĩ bạn bè của gia đình tôi đã tạo nên một không gian nghệ thuật, văn hóa. Và tôi lớn lên trong không gian ấy. Nghệ thuật chính là bầu không khí tôi hít thở ngày ngày, thậm chí cả trong những giấc mơ của tôi. Màu sắc và mùi sơn mài trong xưởng vẽ của ông nội và bố tôi là một phần quan trọng trong ký ức tôi. Những thứ ấy đã trở thành một người bạn của tôi từ thuở ấu thơ.

Đấy là lý do tôi chọn nghệ thuật sơn mài. Nhưng tôi muốn nghệ thuật sơn mài truyền thống không phải là một sự bất động nằm im trong ký ức của tôi mà nghệ thuật ấy phải bước vào đời sống mà tôi đang sống và hiển hiện trong mọi cung bậc của đời sống này. Nó phải mang tiếng nói của thời đại như các họa sĩ sơn mài đã làm trong mỗi thế hệ của mình".

Nguyễn Quang Thiều
.
.