Hai bài thơ cuối cùng của Bác

Thứ Sáu, 09/02/2024, 10:43

LTS: Nhà văn Xuân Ba, nguyên phóng viên Báo Tiền phong, là người thân thiết với ông Vũ Kỳ, cố Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và là người từng nhiều năm làm thư ký của Bác Hồ nên được chứng kiến nhiều câu chuyện đời thường của Bác. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, ông gửi Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng bài viết này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

"Thói quen! Đầu tiên là người bạn tốt bụng. Rồi dần dà trở thành ông chủ khó tính của bạn". Có câu ngạn ngữ phía trời Tây như thế... Hình như, câu ấy nhắm vào một số thói quen, sở thích đa phần có hại?

Thế nhân bất thức thi tửu gian/ Lạc tại cầm kỳ dư tâm đảng” (Người đời biết trong thơ, cờ và rượu/ Lòng ta cứ mang mang). Cờ - thơ - rượu, thú tiêu khiển được coi là nhã, là ít hại và có tác dụng phấn chấn, di dưỡng tinh thần, các cụ ta ngày trước cũng chỉ coi là nên chừng mực?

Thứ nữa như kích thích như dạng doping nặng hơn thì các cụ luôn cảnh báo, coi chừng. Ấy là Yên/ đổ/ tửu /sắc. Yên (khói) là thuốc phiện. Đổ là đánh bạc/ Sắc thì là... sắc rùi!

Thuốc phiện những thời xa phổ biến. Nhưng, sau này cấm rồi thì ít người dùng.

Nhưng, có thứ na ná lên khói ấy thì có thuốc lá, thuốc lào. Rõ chi là khổ sở khi vướng nghiện thuốc lá, thuốc lào. Mới vướng thì tâm trí lòng dạ lâng lâng (mang mang). Nhưng, nghiện - ghiền rồi thì thứ tâm giao như bạn bè ấy cứ dần bỏ ta mà đi. Và, rất nhanh, thói quen trở thành "ông chủ khó tính" mình phải lụy, phải phụ thuộc vào nó như ngạn ngữ trời Tây đã từng than!

Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Để tránh khỏi tình trạng khổ sở làm đầy tớ, nô lệ cho "ông chủ" có hại cho sức khỏe ấy thì chỉ có cách cai rồi bỏ dần. Về chuyện này, tôi bỗng thoắt nhớ đến chuyện của ông Vũ Kỳ. Đã nhiều bài viết về vị thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một nhân vật lão thực hiếm có.

Lần đầu tôi được ngồi với ông Vũ Kỳ là thời điểm sau 19/5/1990, khi ông kiên quyết thôi chức Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh để nhường chức ấy cho người khác. Buổi ấy ông ngồi lâu hơn với cánh báo chí. Nhiều chuyện về Bác Hồ lần đầu chúng tôi được nghe. Có một chuyện vui và lạ như này.

6-1.jpg -0
Bác Hồ và đồng chí Vũ Kỳ.

Sở dĩ, thói quen hút thuốc lá đeo bám Bác mãi tận sau này là do từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi Người còn là một thanh niên. Người ít khi được yên ổn vì mật thám Pháp theo dõi, đeo bám ở khắp mọi nơi. Người biết bị theo dõi mà không dám quay đầu lại để nhìn. Để có thể quan sát được sự theo dõi, Người nghĩ ra cách... hút thuốc. Mỗi lần như vậy, đi qua thùng đựng rác ven đường cách khoảng 3 bước chân, Người dừng lại châm thuốc hút, rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm. Cách ấy tiện cho việc quan sát xung quanh, liệu cách đối phó với kẻ theo dõi. Do giả mãi thành thật, sau này Bác đã nghiện thuốc lá.

Khi tuổi đã cao, các bác sĩ khuyên Người bỏ thuốc vì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người nói với đồng chí Vũ Kỳ rằng: "Các bác sĩ bảo Bác không hút thuốc lá nữa thì chú thấy thế nào?". Đồng chí Vũ Kỳ trả lời: "Các bác sĩ lo cho sức khỏe của Bác là điều tốt, tôi tán thành". Người lại nói: "Mình đã hút thuốc gần 50 năm, bỏ cũng được, nhưng bỏ thì vẫn ho chứ không phải là hết ho. Nhưng, bác sĩ yêu cầu thì nên thôi, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này. Mà chú quản lý việc này cho Bác đấy nhé".

Từ đó ông Vũ Kỳ bỏ hộp thuốc vào túi, thỉnh thoảng đưa cho Người hút một điếu.

Việc bỏ thuốc lá của Hồ Chủ tịch không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình gian nan khổ ải. Đó là phải đặt ra kế hoạch, có quyết tâm và biện pháp thực hiện. Người nói: "Quyết tâm một, kế hoạch mười, thì biện pháp phải hai mươi, có như vậy mới thực hiện được và bỏ hút thuốc cũng vậy".

Trong thời gian làm việc ở Phủ Chủ tịch, Người ở 3 nơi: Nhà sàn, nhà 54, nhà 67. Người bảo đồng chí Vũ Kỳ để 3 lọ penicillin ở 3 nơi làm việc.

Tuần thứ nhất, mỗi lần Người hút 2/3 điếu (một ngày nhiều nhất là 10 điếu), mỗi lần hút xong cho vào lọ penicillin thì tắt luôn để nhìn thấy đúng 2/3 thì dừng lại, không hút nữa.

Tuần thứ hai, Người hút 1/2 điếu rồi bỏ vào lọ.

Tuần thứ ba, Người hút 1/3 điếu rồi bỏ vào lọ. Đến tuần thứ tư, Người hút mấy hơi rồi bỏ vào lọ.

Với cách làm đó, Người đã giảm từ cả bao xuống 3-4 điếu một ngày. Cứ như vậy, Người hút thưa dần.

Đầu tháng 3/1968, nhân khi bị cảm ho nhẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định bỏ hẳn thuốc lá. Mấy ngày sau, anh em phục vụ vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Người suốt một tuần liền nhưng Người không dùng.

Trong một tuần thấy Bác quyết tâm như vậy, anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người nói: "Bác đã bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá".

6-2.jpg -0
Bài thơ “Vô đề III” và “Nhị vật” của Bác Hồ. Thủ bút của Xuân Ba.

Tạm ngưng câu chuyện, ông Vũ Kỳ có đọc cho chúng tôi nghe bài thơ chữ Hán của Bác về chuyện bỏ thuốc lá. Lần đầu tôi được nghe bài thơ ấy.

Tam niên bất ngật tửu xuy yên,

Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên.

Hỷ kiến Nam phương liên

đại thắng,

Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên.

Ông Vũ Kỳ dịch nghĩa bài thơ:

Đã ba năm rồi không uống rượu, không hút thuốc lá/ Ở đời không ốm đau chính là tiên thật sự!/ Mừng thấy miền Nam thắng lớn liên tiếp/ Một năm cả bốn mùa đều là xuân.

Sau này, nhiều người đã dịch bài thơ này của Bác nhưng có lẽ bản dịch của nhà thơ Khương Hữu Dụng - Già Khương là chuẩn và đạt nhất. Cứ băn khoăn, Bác viết bài thơ  tháng 3/1968 chẳng hay bản dịch của Già Khương có kịp đến với Người không?

Thuốc kiêng, rượu cữ

đã ba năm,

Không bệnh là tiên,

sướng tuyệt trần,

Mừng thấy miền Nam

luôn thắng lớn,

Một năm là cả bốn mùa xuân.

Hồi ấy chưa có khẩu hiệu “Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhưng đã có câu phổ biến “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Nhớ lâu, nhớ nhiều chất giọng rủ rỉ của ông Vũ Kỳ chiều ấy: "Ta học tập Bác hẵng bắt đầu từ những điều nho nhỏ hằng ngày. Như học Bác cái nghị lực để bỏ thuốc lá vậy".

Tôi cố lần tìm trong di sản lẫn di cảo của Bác, chỉ thấy có bài thơ nhan đề “Vô đề III” - với nội dung như bài thơ trên. Chắc phải có “Vô đề I” và “Vô đề II”, chẳng hay là về đề tài gì? Giờ cụ Vũ Kỳ đã khuất núi, hỏi ai bây giờ?

Rồi một dịp nọ, lần giở Di cảo của Người mới tái bản, tôi bất ngờ gặp được bài thơ chữ Hán “Nhị vật” của Bác. Bài thơ thế này:

Vô yên, vô tửu quá tân xuân,

Dị sử thi nhân hóa tục nhân.

Mộng lý hấp yên,

ngật mỹ tửu,

Tỉnh lai cánh phấn chấn

tinh thần.

Dịch nghĩa:

Qua xuân mới rồi, mà vẫn không thuốc lá, không rượu,/ Dễ khiến nhà thơ hóa thành kẻ tục/ Trong mộng, thấy được hút thuốc lá, uống rượu ngon/ Tỉnh ra tinh thần rất phấn chấn.

Đặc biệt, phía trên đầu bài thơ có dòng chữ của Bác. Nguyên chú: "Đại phu đồng chí môn khuyến dụ "nhị vật": Vật hấp yên, vật ngật tửu. Tự kỷ đề thi vi chứng" (Các đồng chí bác sĩ khuyên "hai điều chớ nên": Chớ hút thuốc lá, chớ uống rượu; tự mình đề thơ làm chứng). Dưới đây là bản dịch của cụ Phan Văn Các, một chuyên viên Hán Nôm:

Thuốc không, rượu chẳng có

mừng xuân,

Dễ khiến thi nhân

hóa tục nhân.

Trong mộng, thuốc thơm

và rượu ngọt,

Tỉnh ra thêm phấn chấn

tinh thần.

Xuân Ba
.
.