Hà Nội mùa thu, nơi thướt tha màu nhớ

Thứ Năm, 08/09/2022, 10:52

“Hôm nay có phải là thu/ Mấy năm xưa đã phiêu du trở về/ Cảm vì em bước chân đi/ Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn/ Ai về xa mãi cô thôn/ Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà/ Ngày mai em bước chân ra/ Tuy rằng cách mặt lòng ta chưa sầu/ Nắng trôi, vàng chảy về đâu?/ Hôm nay mới thật bắt đầu mùa thu".

Trên dọc đất nước Việt Nam này, ít có nơi nào "lạ" như mảnh đất Hà Nội. Lạ là bởi mảnh đất này đã trầm luân qua quá nhiều những cuộc chiến tranh xâm lăng của các thế lực ngoại bang để nếu ôn cố để tri tân thì quá đỗi dư thừa. Âu cũng là điều hiển nhiên vì Hà Nội là thủ đô của nhiều triều đại - lịch sử đã giao cho Hà Nội một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng nhưng cũng không kém phần bi thiết.

1950_unnamed_1.jpg -0

Bù lại, Hà Nội là nơi sở hữu khoảnh thời tiết được coi là đẹp nhất của đất nước - mùa thu. Chẳng phải nói nhiều đâu, mùa thu Hà Nội làm hao vợi đáng kể bầu mực của biết bao văn nhân nghệ sĩ. Cứ thử vẩy đôi chút màu vàng trong của nắng se trên phiến áo nàng Thu lên nét đài các, chậm dong của đất kinh kì, ta mới thấy hết sự hòa điệu đến thiên vị của tạo hóa. Người ta có thể e sợ cái se sắt của mùa đông, ám ảnh những cơn mưa phùn bất tận của mùa xuân, dè dặt cái oi nồng của mùa hạ, nhưng không ai không yêu cho kì được sự lả lơi, phong tình của mùa thu trên những cây lộc vừng, cây cơm nguội, cây hoa sữa của xứ sở ngàn năm tuổi.

Thu Hà Nội và vị khách đã quen

Tản bước trên đường phố nội đô vào mùa thu khiến những người từng có kí ức về Tây phương không khỏi ngỡ ngàng vì được sống lại kỉ niệm xưa cũ. Trong cuốn "Bắc kỳ - Phong cảnh và ấn tượng" (dịch Đặng Anh Đào, Hoàng Thanh Thủy), người con gái Pháp quốc Hilda Arnhold tỉ mỉ ghi chép lại cảm nhận của mình về mùa thu ở xứ thuộc địa Đông Dương: "Đột nhiên, trên bầu trời u tối, ánh sáng hoàng hôn xuyên qua và dưới tia sáng vàng yếu ớt của mặt trời mùa thu, cảnh vật ấy thoáng một nét mơ màng dìu dịu và lại thơ mộng đến thế, tựa như một mùi hương quá vãng, trong kí ức bạn, những bài thơ cổ và truyền thuyết của nước Trung Hoa xưa lại trở về, bởi không có gì nhạy cảm đối với những bậc hiền nhân và thi sĩ Á Đông bằng linh hồn của thiên nhiên". Đó là dòng viết của nàng khi nhắc nhớ về Hồ Lớn (Hồ Tây, khác với Hồ Nhỏ - Hồ Gươm). Trong kí ức của một người xa vắng, mùa thu Hà Nội cứ mơn man lòng người bằng những khung cảnh sáng tối, nhỏ to. Có khi rảo quanh Hồ Lớn mà men theo chuyến tàu điện lên tới tận Cầu Giấy. Cũng có khi chỉ dạo xe kéo đôi vòng quanh phố rue de la Soie (nay là phố Hàng Đào), đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), hay đại lộ Carreau (nay là phố Lý Thường Kiệt)…

Hà Nội mùa thu, nơi thướt tha màu nhớ -0

Không yêu sao được khi mùa hạ đồng bóng như một cô gái tuổi ẩm ương lúc hờn giận, khi lại ồn ào vậy mà chỉ cần một cơn rùng mình của cỏ cây hoa lá, Hà Nội chợt trưởng thành để đón dáng vẻ dịu dàng của một mệnh phụ duyên dáng, đài các. Hà Nội trong hồi tưởng của nàng hằn ghi còn bởi gương mặt của con người. Đó là bà già có gương mặt nhăn nhúm, miếng vải bẩn buộc trên cái đầu trọc lóc cắp cái thúng bên hông, chân cà nhắc và rao to: "Ai xôi ơi!". Đó là người bán bánh bột rán bọc tôm (bánh tôm) đội trên đầu một chiếc mũ phớt có phần hơi quá bảnh tỏn so với cái việc ông đang làm. Và đó cũng là ông thầy bói mà hay hớm thay nàng lại thuộc đôi vè chế nhạo cái nghề "đức cao vọng trọng" ấy: "Nhà này có quái trong nhà/ Có con chó đực sủa ra đằng mồm". Sinh ra ở một xứ sở văn minh đỉnh cao, vì một nhẽ mà tôi đồ rằng không hoàn toàn mong muốn, nàng lạc bước tới xứ sở Parkha (Bắc Kỳ). Và rồi cũng bằng một cách nào đó, mà tôi lại đồ rằng không hoàn toàn định trước, mảnh đất Bắc Kỳ - mà đặc biệt là Hà Nội, đã có được trái tim nàng giống như chàng hiệp sĩ Lancelot có được trái tim của hoàng hậu Guinevere. Nhưng có một điều chắc chắn, cái kết của đôi tình nhân ấy không đoản hậu như chuyện tình nổi tiếng trong lịch sử châu Âu. Bởi khi trở về "mẫu quốc", nàng vẫn mang theo trái tim với đầy đủ nhịp ngân vang của bầu trời Bắc Việt. Và Hà Nội, bình minh vẫn cứ loé rạng với nguyên vẹn thanh âm trong dáng hình.

"Người Hà Nội hôm nay ra đi, mang trong mình bao nhiêu nỗi nhớ…"

Chàng trai Vũ Đăng Bằng (nhà văn Vũ Bằng) đã mang không thiếu một mảnh kỉ niệm nào của Hà Nội hào hoa trên suốt hành trình gió bụi của mình. Hà Nội bé bỏng gói gọn trong hình ảnh bà Quỳ - người vợ tào khang của ông để cái cớ mà ông nhớ về Hà Nội hóa ra chỉ quẩn quanh bên những hồi ức về bà (“Thương nhớ mười hai”). Nào là mấy con ốc nhồi thịt thăn, miến, mộc nhĩ hấp với lá gừng được làm bằng chính tay người vợ tấm mẳn hay những bận vợ rành tính chồng, thường dặn những người gánh cốm Vòng lên bán, dành cho những mẻ cốm thật ngon đem nén rồi đơm vào những cái đĩa con phượng để chồng ngồi nhẩn nha xắt từng miếng nhỏ, ăn kèm với chuối trứng cuốc ngọt lừ, nhấm nháp cùng nước trà ướp trong bông sen hồ Tây thơm ngát.

Hà Nội mùa thu, nơi thướt tha màu nhớ -0

Tôi không hảo ngọt, cũng không phải tín đồ của cốm, nhưng chỉ mường tượng ra cung cách ăn của người Hà thành được Vũ Bằng tỉ mẩn dựng nên bằng hoài niệm sao mà thấy người Hà Nội sang quá! Dĩ nhiên, Hà Nội không thiếu gì những gương mặt lầm than, những kiếp đời hoang hoải ở bên lề xã hội, nhưng điều đó cũng không làm cho phong vị của người Hà Nội bị bình dân hóa. Hà Nội trong nỗi nhớ quắt quay của Vũ Bằng, Hà Nội trong hoài mộng xa xôi của Hilda Arhold là sự cộng sinh của nhiều dòng chảy văn hóa đêm Ta ngày Tàu, mưa Âu gió Á, vậy mà Hà Nội vẫn cứ đứng nguyên vẹn ở đó mặc cho những biến thiên dâu bể. Hà Nội tiễn người ra đi vào những đêm mùa đông năm 1946 và Hà Nội đón người trở về vào sáng mùa thu năm 1954. Hà Nội lại tiễn những người ra đi vào khoảng thập niên 70 của thế kỉ trước rồi Hà Nội lại đón những người còn sống trở về chỉ vài năm sau đó mà thôi. Bây giờ, người ta vẫn hay tranh cãi cặp phạm trù "người hàng phố - người ngoại tỉnh", nhưng tôi xin phép lại đồ rằng, Hà Nội không mấy bận tâm vì chuyện đó. Bởi vì bạn hãy mở cửa sổ căn nhà của mình mà nhìn xem, mùa thu Hà Nội vẫn đẹp nao lòng chẳng kém gì cả trăm năm trước.

"Nắng trôi, vàng chảy về đâu?/ Hôm nay mới thật bắt đầu mùa thu".

Mùa thu không chỉ ghé thăm riêng nhất Hà Nội, mùa thu trải dàn đều khắp Bắc Trung Bộ như một món quà đính kèm bù đắp cho sự khắc nghiệt của hai tiết dài nhất trong năm: đông - hè. Mùa thu cũng từng rơi trong thơ ông Tam Nguyên ở đất Yên Đổ (Hà Nam): "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu/ Nước biếc trông như tầng khói phủ/ Song thưa để mặc bóng trăng vào" (“Thu vịnh”).

Nhưng thú thực, cùng với sự quay cuồng của tốc độ phát triển đô thị ở Hà Nội, cùng với dòng người ngược xuôi như nước như nêm ở khắp nơi đổ về Hà Nội, mùa thu càng trở nên có ý nghĩa hơn, chí ít là với những người ưa liêu xiêu như tôi. Mùa thu kéo những người đang ở Hà Nội sống chậm lại, nói năng chậm lại, nghĩ ngợi chậm lại, đi đứng cũng chậm lại. Như trong cuộc đời này, nếu chỉ để bản thân bị cuốn theo những điều hối hả bất tận mà không cho tâm trí được dềnh dàng, đôi khi chỉ cần dềnh dàng để kịp ngoái lại ngắm nhìn cây lộc vừng 9 gốc đang dội màu đỏ rực ven hồ Gươm, để hiểu rằng chân, thiện, mỹ mới là giá trị đích thực sau cuối thì cuộc đời này thật đáng chán thay.

Hà Nội đang trong những ngày giao mùa, chuyển từ hạ sang thu. Nếu đủ chậm dong, người ta sẽ dễ dàng tìm được một làn gió se mát lang thang cạnh những trảng nắng vàng trên đường phố Hà Nội vào mỗi buổi bình minh. Nếu đủ chậm dong, người ta không khó để thấy tiếng ve đã hồi vãn đằng sau những cây hoa sữa đang theo đà tiễn hương. Và nếu đủ chậm dong, người ta sẽ tìm thấy chính mình giữa muôn vạn bóng hình đang ào ào trên phố.

Hồng Đậu Chân
.
.