“Gót chân Asin” của Dubai

Thứ Tư, 15/05/2024, 12:35

Đúng nửa tháng trước khi Dubai - “thành phố trong mơ” của Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) chìm trong biển nước, phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng có mặt tại đây khi quá cảnh đi châu Phi.

Thời điểm đó, trong mắt du khách quốc tế, thủ đô xa hoa này giàu có, hiện đại đến mức hoàn hảo. Chỉ đến khi trận lụt lịch sử xảy ra vào giữa tháng 4 vừa qua, một Dubai hiện đại, sầm uất bậc nhất thế giới ấy mới để lộ “gót chân Asin”.

Xa hoa trên cát

Để vượt hơn 8.000 cây số từ Hà Nội đến Nam Sudan thì việc chọn Hãng bay Emirates và quá cảnh ở Dubai là phương án hợp lý để chia đôi quãng đường xa xôi này. Đây la hãng hàng không lớn thứ tư thế giới tính theo doanh thu hành khách và lớn thứ hai về vận tải hàng hóa tính theo kilomet. Mỗi tuần, có đến hơn 3.600 chuyến bay từ đây toả đi hơn 150 thành phố ở 80 quốc gia trên khắp thế giới. Từ Hà Nội, sau gần 7 giờ bay, chúng tôi có mặt ở Dubai. Điện thoại tự động cập nhật giờ địa phương, lúc ấy là 5 giờ sáng. Truy cập mạng “DXB Free Wifi” của sân bay, cả đoàn đã có thể đọc báo, lướt facebook, cập nhật tin tức ở Việt Nam.

“Gót chân Asin” của Dubai -0
Không gian sầm uất bên trong sân bay lớn nhất vùng Trung Đông.

Nhiều người đến đây đều thốt lên rằng sân bay quốc tế Dubai rộng một cách không tưởng. Với diện tích 1.200 ha, sân bay này vượt mặt nhiều ứng cử viên khác để soán ngôi đông đúc và lớn nhất toàn cầu. Nơi đây chẳng khác gì một thành phố thu nhỏ, đường đi lối lại rộng thênh thang, những toà nhà mái vòm với sức chứa khổng lồ. Những cây chà là – loài cây đặc trưng vùng sa mạc được trồng dọc các lối đi. Đi cuồng chân ở sân bay quốc tế Dubai có tên gọi AlMaktoum, chúng tôi đều thấy nơi đây xứng đáng để đón một lượng bước chân khổng lồ của hành khách trên toàn thế giới.

Dù hệ thống biển hiệu, bảng chỉ dẫn rất tỉ mỉ, khoa học ở khắp nơi nhưng vẫn có cảm giác lạc vào mê cung. Ngoài trời còn tối mà góc nào trong sân bay cũng sáng choang, hành khách vẫn đi lại nườm nượp. Những khu bán hàng miễn thuế rực rỡ biển hiệu quảng cáo, bày bán đủ các loại mặt hàng như ở các trung tâm thương mại. Dường như tất cả những nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới ở các lĩnh vực đều có mặt ở đây, từ mĩ phẩm, thời trang, ô tô, đồ điện tử đến bánh kẹo, thuốc lá và rượu,… đủ để hành khách dừng chờ ở bất cứ góc nào của sây bay cũng có thể mua sắm, ngắm nghía hàng hoá đã mắt. Đó là lí do hành khách thường không cảm thấy mệt mỏi, buồn chán trong thời gian quá cảnh nhiều giờ đồng hồ ở Dubai. Tôi phát hiện ra, trong tổ hợp náo nhiệt ấy, vẫn có những góc vô cùng tĩnh lặng. Đó là phòng cầu nguyện trang nghiêm được bố trí ở nhiều nơi để các tín đồ tôn giáo khắp nơi trên thế giới thực hành tín ngưỡng.

Không đơn giản chỉ là ga hàng không, sân bay là một khu du lịch, mua sắm hấp dẫn. Nếu hành khách muốn nghỉ lại, có ngay khách sạn, phòng nghỉ trong khuôn viên sân bay. Hiệu thuốc, máy rút tiền, quầy thu đổi ngoại tệ 24/24, khu vui chơi trẻ em có ở tất cả các nhà ga. Nếu nhiều thời gian, du khách cũng có thể tham quan không gian vườn Zen Gardens được coi là ốc đảo trong sân bay. Thậm chí có cả bể bơi, bể sục, phòng xông hơi đến phòng gym được tính phí theo giờ.

Sân bay Dubai có tổ hợp các nhà ga lớn. Riêng nhà ga số 3 lọt top những nhà ga lớn nhất thế giới với nhiều trang thiết bị, nội thất và chế độ vận hành hiện đại. Điều đặc biệt, tòa nhà khổng lồ này hoàn toàn chìm dưới lòng đất với sức chứa 65 triệu hành khách và có tới gần 200 quầy check-in. Để di chuyển giữa các nhà ga thì việc đi bộ là điều không tưởng. Bù lại, hành khách có thể bắt taxi, xe bus và đi tàu điện. Thật thú vị khi ngồi xe bus trong khuôn viên sân bay mà có cảm giác như đi ngoài phố, vì cũng có làn đường, có cả bùng binh. Phải mất nửa tiếng ngồi xe bus, chúng tôi mới đến cửa bay tới châu Phi. Sân bay chỉ ngăn cách với phố xá bên ngoài bởi lớp hàng rào lưới có quấn dây thép gai. Trên những con đường rộng lớn có tới 7-8 làn xe với tốc độ di chuyển như trong cao tốc, nhan nhản siêu xe của các hãng ôtô nổi tiếng nhất thế giới. Ở Dubai, biển số xe của những người có vị thế trong xã hội thường có 3 số, trong khi xe người dân là biển có 5 số.

“Gót chân Asin” của Dubai -0
Tác giả bên tượng lạc đà trong sân bay Dubai.

Sau vài giờ dừng nghỉ, chúng tôi tiếp tục hành trình tới châu Phi. Máy bay cất cánh, thành phố Dubai tráng lệ hiện ra dưới nắng chói chang bên bờ vịnh Ba Tư. Những tòa nhà chọc trời san sát, đường sá hiện đại, nhưng chỉ thấy khô khốc một màu xám xịt của xi măng, gương kính, tìm mỏi mắt cũng không thấy màu xanh cây lá. Vì nằm chìm trong sa mạc nên ở Dubai cát nhiều hơn cây, nắng nhiều hơn mưa, trời xanh ngắt không một gợn mây. Những loài cây sống được ở đất này chỉ có cỏ, cây phượng và cây chà là.

Nhìn cả khối bê tông khổng lồ ấy, tôi bất giác thèm cái cảm giác đi trên những con phố Hà Nội rợp bóng cây xanh, nhớ phối cảnh sinh động, vui mắt nơi những vỉa hè Hà Nội. Còn ở Dubai, vỉa hè rộng thênh thang nhưng không một bóng người. Đến cả nhà chờ xe buýt bằng kính cũng phải lắp đặt điều hòa để chống nóng, thành ra nhìn cứ thiếu thiếu, đơn điệu đến lạ mắt.

Điểm yếu chết người

Dubai được xem là thành phố xa hoa, hiện đại bậc nhất trong số 7 tiểu vương quốc của UAE. Nơi đây là địa điểm du lịch quốc tế hàng đầu khi dân số của thành phố luôn ít hơn lượng khách du lịch khắp nơi trên thế giới đổ về. Dubai có đường hầm vượt biển nổi tiếng, có quần đảo nhân tạo lớn nhất thế giới. Trung tâm mua sắm, vườn hoa lớn nhất thế giới cũng tập trung ở Dubai. Ngay đến khách sạn 7 sao đầu tiên sang chảnh cũng hiện diện ở đây. Kể ra để thấy, Dubai quá nổi tiếng về sự giàu có, nhưng những cơn mưa tự nhiên thì muôn đời vẫn là thứ quà xa xỉ mà ông trời không hào phóng ban phát cho vùng đất sa mạc này. Mưa khan hiếm đến mức, một năm có 365 ngày, thì gom góp lại chỉ được khoảng 7 ngày mưa. Khao khát mưa, nên hàng năm Dubai phải đổ cả đống tiền để làm mưa nhân tạo.

“Gót chân Asin” của Dubai -0
Nước ngập bên trong sân bay Dubai sau trận mưa lịch sử.

Có nằm mơ thì người dân Dubai cũng không nghĩ một ngày mưa lại dữ dội và kéo dài đến thế. Vì thế mà cơ sở hạ tầng tưởng như hoàn hảo ở Dubai bao lâu nay đã để hổng một điểm yếu chết người, đó chính là hệ thống thoát nước. Sau cơn mưa lịch sử, một Dubai sầm uất, giàu có bỗng nhiên bị đánh gục. Nước mưa trút xuống không có lối thoát, mặt đường bê tông không thấm hút nên nước tiếp tục dâng cao, nhấn chìm các tuyến đường, sân bay, khu dân cư. Cả vùng sa mạc sũng nước, mọi hoạt động tê liệt. Người dân bị mắc kẹt trong nhà nhiều ngày.

Ngoài phố, những chiếc ôtô hạng sang chìm trong nước, đường giao thông tắc nghẽn. Đường băng hiện đại ở sân bay quốc tế Dubai biến thành hồ nước. Các chuyến bay bị gián đoạn hoặc chuyển hướng. Hành khách bị mắc kẹt, ùn ứ tại các sảnh sân bay với tâm trạng hoang mang, lo lắng. Thật không thể tưởng tượng được cách đó không lâu, tôi còn ngồi ở phòng chờ có sức chứa khổng lồ ở sân bay Dubai. Vậy mà có lúc nơi đó không còn đủ chỗ ngồi cho hành khách bị mắc kẹt tại đây. Hãng bay Emirates đã phải hủy gần 400 chuyến bay và xử lý sự cố.

Trong tình thế đó, giới chức Dubai đã triển khai phương án dùng xe bồn hút nước rồi chở đi xả ở nơi khác. Nhưng giải pháp tình thế này không cứu vãn nổi tình hình. Đây là một đợt thiên tai chưa từng có trong vòng 75 năm qua ở Dubai. Khí hậu ngày càng có những biến đổi khó lường. Trước những thảm họa tự nhiên có thể ập xuống bất cứ lúc nào, thì ngay cả nơi kiên cố, giàu có với hạ tầng giao thông hiện đại như Dubai cũng bộc lộ “gót chân Asin”.

Huyền Châm
.
.