Gieo chữ nơi lõi rừng Pù Mát
Chuyến công tác vào huyện Con Cuông, Nghệ An của chúng tôi vừa kết thúc ít ngày thì cơn bão số 4 ập đến vùng đất này. Nghe tin bão, điều chúng tôi trăn trở nhất là bản Cò Phạt và bản Búng thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông - hai chấm nhỏ xíu có sự tồn tại của con người nơi rừng sâu Pù Mát sẽ ra sao.
“Hai bản ở sâu trong rừng, chìm trong biển nước, điểm trường bị chia cắt, các cô giáo không còn chỗ trú chân, phải đến ở nhờ nhà dân. Điện mất, nước dâng, họ kẹt giữa bốn bề nước, không thức ăn, không nước uống. Thời điểm đó, tôi đã khóc vì thương các thầy, cô giáo của trường mình, vì bất lực không thể làm gì cho họ. Hội nghị công nhân viên chức của trường, chúng tôi lặng lẽ, không một bữa cơm liên hoan, cả trường dồn chút tiền ít ỏi để hỗ trợ các đồng nghiệp ở bản sâu”, cô Võ Thị Hồng Long - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Môn Sơn thông tin với chúng tôi như thế.
Trường lớp có, chỉ lo các em không đi học
Ngược sông Giăng mùa lũ nước cuồn cuộn, đoàn công tác chúng tôi vào bản Cò Phạt - điểm bản về địa giới hành chính thì thuộc xã Môn Sơn nhưng vị trí địa lý lại nằm tít trong lõi vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông. Sau gần 2 giờ đồng hồ, thuyền cũng chạm bến nước là một bờ đất thoai thoải dẫn lên bản Cò Phạt. Một cảm giác sâu hun hút, xa vời vợi, bản Cò Phạt thực sự là một ốc đảo hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của huyện Con Cuông. Một câu hỏi dấy lên trong lòng tôi, làm sao các cô giáo có thể cần mẫn, dũng cảm đến vậy khi hằng tuần vượt quãng đường xa xôi và khúc khuỷu vào nơi thâm sơn cùng cốc này gieo con chữ?
Điểm trường Cò Phạt nằm giữa bản, lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. 5 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, tổng số 63 học sinh cùng 5 cô giáo cũng lọt thỏm trong khuôn viên trường tương đối rộng rãi. Khi chúng tôi đến, các em đang giờ ra chơi. Khoảng sân rộng, một nửa người dân trong bản tận dụng để phơi thóc, một nửa để các em chạy nhảy, nô đùa. Lớp 1D của cô giáo Lương Thị Chín có sĩ số 10 em, ít nhất trong 5 lớp tiểu học, nhưng hôm ấy, chỉ có 9 em đến lớp.
“Lớp có một em học sinh ở bên kia sông, hôm nào nước cạn thì mới đi học được. Hôm nào nước to thì đành nghỉ học. Trường có, lớp có, cô giáo vào tận nơi, chỉ lo các em không đến được trường thôi”, giọng cô Chín trầm buồn.
Trường Tiểu học 2 Môn Sơn có 37 cán bộ giáo viên, công nhân viên thì có đến 10 thầy, cô giáo phải dạy học trong rừng. Ở Cò Phạt, người dân đều thuộc tộc người Đan Lai và đều là hộ nghèo. Cô giáo Võ Thị Hồng Long - Hiệu trưởng mỗi tuần sẽ vào một điểm trường để nắm bắt tình hình dạy và học của cô và trò. Còn các cô giáo đứng lớp thì ở lại điểm trường cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về với gia đình. Không những thế, cô Long phải sắp xếp linh hoạt cho các giáo viên âm nhạc, tin học, tiếng Anh, mĩ thuật hằng tuần vào dạy các em.
Cứ sau một tháng, cô lại quay trở lại điểm trường Cò Phạt. Có lần đi xuồng máy ngược sông Giăng, mất khoảng 2 giờ đồng hồ mới tới nơi. Đi xe máy thì vất vả hơn nhiều. Nhất là sau đợt lũ vừa rồi, những con đường đã hoàn toàn mất dấu, nhìn đâu cũng chỉ thấy đất cát, sình lầy. Mưa lũ không chỉ làm đứt gãy hoàn toàn tuyến giao thông huyết mạch, mà gây mất điện kéo dài cả tháng trời ở bản Búng. Nước to, không thể đi lại được, các thầy cô ở bản Cò Phạt và bản Búng đều phải ở trong bản 2-3 tuần. Những bữa ăn cũng xoay xở một cách khó khăn. Các cô phải đi bắt ốc để nấu bữa, đi xin từng quả đu đủ của người dân để làm rau xanh. Điện mới chỉ được nối lại cách đây vài ngày.
Ngay cạnh Trường Tiểu học 2 Môn Sơn là Trường Mầm non Môn Sơn 2, chỉ cách nhau một tấm lưới sắt. Nói là trường nhưng thực ra chỉ có duy nhất một lớp ghép 23 cháu từ 3-5 tuổi. Cô giáo Trần Thị Kim Anh phụ trách lớp học này. Cô Kim Anh bảo với chúng tôi rằng người Đan Lai ở Cò Phạt có nếp sống riêng.
Một ngày họ ăn 2 bữa lúc 8 giờ sáng và 5 giờ chiều. Do vậy, buổi trưa các con đi học về thường không có cơm ăn. Cô chỉ mong tới đây nguồn nước sinh hoạt tại điểm trường ổn định, cô sẽ tổ chức cho các con ăn cơm bán trú dân nuôi. Bố mẹ sẽ chuẩn bị cơm ở nhà cho các con mang đi. Đến lớp, cô sẽ vừa dạy, vừa kiêm luôn việc dọn rửa, chăm sóc các con.
Dân không đi, cô giáo phải vào
Sao người dân lại có thể ở tít trong rừng sâu, sao họ không tịnh tiến về trung tâm xã để đi lại đỡ khó khăn, để được tiếp xúc với đời sống văn minh? Chúng tôi cứ thắc mắc như thế trên đường vào Cò Phạt. Nhưng, nào có đơn giản thế. Bởi toàn bộ người dân ở Cò Phạt là tộc người Đan Lai, bao nhiêu năm qua họ quen sống tách biệt trong rừng sâu. Từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An". UBND huyện Con Cuông cùng các ban, ngành đã bố trí các điểm tái định cư cho bà con Đan Lai, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hộ tại bản Cò Phạt, bản Búng, xã Môn Sơn. Tuy thế, việc rời bỏ bản làng với bà con quả không hề đơn giản.
Những nuối tiếc, băn khoăn, dè dặt dấy lên. Thế nên, có hộ đã di dời, có hộ vẫn bám trụ lại với rừng núi, sông suối. Cuộc sống dù nghèo khó, tối tăm nhưng họ quen rồi. Vẫn còn gần 500 người Đan Lai sống trong hơn 100 nóc nhà trong rừng sâu. Người dân không rời đi, lũ trẻ vẫn ở sâu trong rừng, vậy là các cô giáo không còn cách nào khác là phải vào với các em. Mà đã vào điểm trường rồi thì dù cuộc sống khó khăn, vất vả là thế, song chưa ai nỡ bỏ mảnh đất này mà đi. Những đứa trẻ Đan Lai khát chữ chính là động lực giữ chân họ, tận tụy gieo những hạt mầm hi vọng cho nơi đây. Cô giáo Hà Thị Thu Giang - giáo viên dạy lớp 4, là cụm trưởng điểm trường Cò Phạt chỉ cho tôi con đường các cô đi hằng tuần. Đó là con đường đất nhỏ, dốc đứng vắt qua vách núi, chỉ nhìn thôi tôi đã thấy rùng mình.
Nhà cô giáo Giang ở ngoài trung tâm xã Môn Sơn, cách điểm trường gần 18 km. Năm nay là năm thứ 3 cô Giang vào bản Cò Phạt dạy học. 3 năm, không biết đã bao nhiêu lần vật vã vượt quãng đường rừng hoang vắng để vào trường. Không thể đi một mình, các cô hẹn nhau đi cả nhóm. 6 cô 6 chiếc xe máy, có đoạn nổ máy đi được, có đoạn dắt xe đi bộ, có đoạn hò nhau đẩy xe lên dốc hoặc ghìm xe xuống dốc. Dọc đường, các cô phải dừng lại kê từng hòn đá để đưa xe qua. Hôm nào thuận lợi thì sau 2 tiếng cũng vào đến điểm trường. Vào bản, các cô phải chở theo gạo, thức ăn, quần áo, sách vở. Những hôm trời mưa thì thật là cơ cực. Bánh xe bết bùn đất, trời mưa nên trơn trượt, không thể di chuyển, chỉ còn cách nhấc bánh sau lên và đẩy lên đỉnh dốc, sau đó lấy que chòi đất ra. Có hôm hỏng xe giữa đường, phải dừng lại đợi người vào sửa, khóc không được mà cười cũng chẳng xong.
3 năm rồi mà có những lúc cô Giang vẫn chưa thể quen, vẫn thấy ngợp, thấy lo sợ khi dò dẫm đi xe trên con đường bé tí và dốc đứng, một bên là vực sâu. Sau lũ, đường biến mất, tần suất ngã xe tăng lên, mỗi lần ra vào điểm trường, cô giáo thực sự mất sức.
Một tuần, sau cuộc đi, chưa kịp hồi sức thì đã phải lên đường. Có lúc xe lên dốc nhưng đường trơn nên cả người cả xe cứ thế trượt xuống. Cực quá, nản quá, cô Giang chỉ muốn buông xuôi. Nhưng, nghĩ đến học sinh đang chờ mình nên lại cố gắng lần đường mà đi. Để có đường đến trường mà không phải bơi, phải cõng xe qua sông, không ít lần các cô bỏ tiền lương cùng góp với dân bản làm cầu.
Ở Cò Phạt, các con thiếu thốn đủ thứ, thành ra các cô không chỉ dạy dỗ mà lo cho các con như người mẹ. Cứ đầu năm học, các cô lại bỏ tiền ra mua toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập cho học trò, dần dần tạo nếp đi học đều đặn cho các em. Mỗi chiều, sau giờ dạy, các cô thường theo chân các trò về gia đình để hiểu hoàn cảnh của học sinh, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con cái học hành, tập thói quen cho học sinh học tối. Sau giờ ăn tối, thay vì nghỉ ngơi, các cô lại lên lớp kèm thêm cho các con. Bởi thế, bản nhỏ Cò Phạt, buổi tối đến, điểm trường có lẽ là nơi sáng nhất và rộn rã nhất vì những lớp học vẫn diễn ra. 6 cô giáo ở điểm trường Cò Phạt ngoài giờ lên lớp thì sống gắn bó trong khu nhà ở giáo viên như chị em một nhà. Biết bao nhiêu là kỉ niệm chia sẻ cùng nhau dưới tán rừng buồn lặng. Nhớ nhất những khi mưa lũ, khu nhà bị dột, các cô không có chỗ ngủ, suốt đêm ngồi nghe tiếng mưa. Cuộc sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, những giọt nước cũng khan hiếm, những luống rau cũng cằn cỗi vì đất cằn sỏi đá, con người cũng vì thế mà cằn lại.
Cô Giang bảo với chúng tôi, ở Cò Phạt, các em học sinh tiểu học đã được đi học đủ, nhưng khi lên cấp 2 thì vẫn có hơn 10 em không thể ra trung tâm xã học vì quãng đường quá xa xôi, cách trở, gia cảnh các em hết sức khó khăn.
Bởi thế, các thầy cô càng phải bám bản, để trở thành cầu nối ốc đảo Cò Phạt với cuộc sống văn minh. Các cô giáo ngày ngày bám bản với một niềm mong mỏi những đứa trẻ Đan Lai sẽ đọc thông viết thạo, lớn lên biết làm ăn, xây dựng bản làng. Cuộc sống của các em sẽ không còn bị cái đói rình rập, không còn nạn tảo hôn, không còn những cuộc hôn nhân cận huyết thống. Để có được viễn cảnh ấy thì từng ngày từng giờ, những người thầy người cô vẫn phải miệt mài gieo chữ nơi lõi rừng heo hút.