Giảm sốc líp ba ga, quẹo lựa bà con ơi!

Thứ Ba, 21/12/2021, 14:40

Kìa, cô Hai có chuyện này nè, trưa nọ, tôi đang ngủ ngon, hẻm phố yên ắng bỗng nghe lanh lảnh tiếng rao: “Dịp may hiếm có! Nho xổ, nho xổ đây! Giá mềm đồng giá. Mua ngay! Mua ngay!”. Nhiều người giật mình, và ngạc nhiên bởi lâu nay chỉ mới nghe đến nho Đà Lạt, nho Ninh Thuận, nho Mỹ… hoặc các loại như nho xanh, nho tím, nho móng tay… Vậy, nho xổ là loại nho gì?

Nghe lạ tai quá.

Trước hết, ta hãy xét từ xổ, cứ theo như “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: “1. Mở, tháo tung ra cái đang buộc đang trùm phủ: xổ tóc ra; 2. Tẩy: xổ giun; 3. Phát ra, phóng ra từng tràng, từng loạt: xổ ra một băng đạn, xổ ra một tràng tiếng dở tây dở ta; 4. Đâm bổ vào, sấn tới, xông tới một cách mạnh mẻ, đột ngột: chạy xổ ra đường”. Một khi nho đủ loại, không đồng nhất về kích cỡ, không phân biệt thứ hạng chất lượng, tất cả được đem ra bán chung, bán đồng loạt, đồng giá thì đó chính là nho xổ. Cách bán theo lối này, gọi là bán xổ, hiểu theo nghĩa 1.

Ở câu rao trên, có từ “giá mềm”, ta hiểu là giá phải chăng, phù hợp túi tiền trung bình của mọi người, cũng có thể nói là giá rẻ. Trước đây còn có cách nói rẻ như cho không, rẻ như bèo, rẻ rề, rẻ mạt.... Hiện nay, còn có cả cách nói ngộ nghĩnh nhằm gây chú ý là “giá hạt dẻ” - chơi chữ ở đây là sự phát âm lẫn lộn giữa D và R đối với từ “dẻ” mà người nghe ngầm hiểu “rẻ”.

Nếu giá rẻ / giá mềm là giá vừa phải, hợp lý; ngược với mềm là cứng, vậy, ta có “giá cứng”? Không, nói theo ngôn ngữ thời @ đích thị là “giá chát” tức giá đắt/ cao giá. Ngược với rẻ là đắt, trong Nam lại dùng từ mắc/ giá mắc/ bán mắc tỷ như “Mắc tiền mua lấy miếng ngon”, còn có câu nói: “Mắc thầy chạy” là mắc lắm, mắc cực, cực mắc, chứ chẳng đùa. Còn với từ đắt hiểu theo nghĩa giá cao, ta có thể tìm thấy trong câu cửa miệng như “Đắt thóc tẻ, rẻ thóc nếp”, “Khô chân gân mặt, đắt tiền cũng mua”, “Đắt cá còn hơn rẻ thịt”; “Rẻ tiền mặt, đắt tiền chịu”, “Đắt ra quế, ế ra củi”… Có một điều thú vị, bán đắt cũng còn hiểu là bán được số lượng nhiều, “Mua may, bán đắt”, ngược với ế/ bán ế. Éo le trên đời, còn phải kể đến… ế chồng. Đừng lo, cô Hai ơi. Ca dao có câu này thiệt hay:

Canh suông khéo nấu thì ngon

Mẹ già khéo nói thì con đắt chồng

Canh suông là canh không nấu chung với thịt thà, cá mú gì cả nhưng nếu khéo nấu vẫn ngon; tương tự cô gái đó, dẫu không sắc nước hương trời như Thúy Kiều, thậm chí chỉ Thị Nở nhưng nếu người mẹ khéo ăn khéo nói đặng P.R  thì cô cũng tìm được tấm chồng. Đắt chồng trong ngữ cảnh này phải hiểu cô gái đó, có nhiều người tới hỏi, tán tỉnh, thả thính, dặm hỏi, chứ không phải nhiều chồng.

Giảm sốc líp ba ga, quẹo lựa bà con ơi! -0
Ảnh: S.t

Một khi hàng hóa bán không đắt/ không nhiều, có nguy cơ ế ẩm, tồn kho, dẫn tới hư hỏng, lỗ vốn sặc gạch là cái chắc, người ta bèn xổ tất tần tật bán với giá mềm đặng thanh lý càng nhanh càng tốt. Hiểu theo nghĩa này, nếu không nói xổ/ xổ hàng, người ta còn dùng từ xả, thí dụ, hiện nay có câu khá phổ biến: “Xả hàng tồn kho, không lo về giá”. Vẫn chưa ấn tượng à? Thì đây, “Mùa xuân rực rỡ đừng lỡ săn sale”. Vẫn chưa ưng ý à? Thì đây, “Seo ốp tất cả, xả kho giá hời”, đúng là “tân cổ giao duyên” bởi ai cũng biết “seo ốp” là từ vây mượn sale off tiếng Anh, hiểu nôm na là giảm giá tất cả mặt hàng cùng một mức; còn “giá hời” thì sao? Khi Vịnh tiến sĩ giấy, cụ Nguyễn Khuyến mỉa mai:

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh ấy mới hời

“Hời” là rẻ. Giá hời là giá rẻ như cho không, thế thì, đây là dịp tốt đặng mua sắm bằng thích. Ừ, giá hời bởi đang giảm thì mua ngay. Mà giảm cỡ nào? Sổ tay ghi chép của tôi đã ghi nhận: Giảm sốc, giảm cực sốc, giảm bung nóc, giảm bung nhà lồng chợ, giảm thả phanh, giảm hết ga, giảm giá hạ nhiệt, giảm líp ba ga…

Ta hãy dừng lại với từ líp ba ga. Vì rằng, sống ở trên đời, ai cũng mơ ước “Cầu vừa đủ xài”, nhưng có người lại muốn “xài líp ba ga”. Đã xài thì xài cho thỏa thích, cho bưa, cho đã đời, cho đứt đuôi con nòng nọc, cho đã đời con cá chép. Những khẩu ngữ này được tóm gọn trong từ “líp” và “líp ba ga” nhằm chỉ cấp độ cao hơn. Líp là từ vay mượn libre của tiếng Pháp hiểu theo nghĩa là tự do, tùy ý, muốn làm gì thì làm; ba ga vay mượn tiếng Pháp bagage: hành lý. Tại sao khi du nhập vào tiếng Việt, hai từ này cặp kè cùng nhau trở thành “libre bagage” lại hàm nghĩa muốn gì cũng được, không bị giới hạn?

Có thể nói nôm na rằng ngày trước một khi đi xe đò hoặc gửi hành lý nhờ vận chuyển, bao giờ nhà xe cũng tính trọng lượng hành lý rồi quy ra số tiền mà hành khách phải trả. Tiền này gọi "tiền ba ga/ tiền hành lý". Thế thì, một khi nhà xe cho hành khách được đem theo/ gửi vận chuyển bao nhiêu cũng được, không tính trọng lượng của hành lý (để quy ra tiền), tức là cho họ được gửi "líp ba ga". Theo nhà văn hóa Vương Hồng Sển đây chính là “tiếng boy (bồi) của giới bình dân cấu tạo”; “là giới xe đò quen chở dư hành khách và hàng hóa, nay cò lính nhắm mắt cho dư, không tra xét, phạt vạ nữa” (“Tự vị tiếng Việt miền Nam”, NXB Văn Hóa - 1993, tr.450). Dần dà, líp ba ga đã có thêm nghĩa phái sinh, chẳng hạn, lúc đãi tiệc mừng tiệc cưới cho con, chủ nhà hào hứng tuyên bố: "Bữa nay, nhậu vô tư. Các bạn cứ líp ba ga", ta hiểu là nhậu vô tư, “xả láng sáng về sớm”. Thế thì, một khi líp ba ga đi vào câu nói “giảm líp ba ga” tức là người mua khắc hiểu là các mặt hàng đều giảm đến mức không còn có thể giảm hơn được nữa, đã giảm sát đáy, đã giảm hết phanh…

Nếu có ai cắc cớ hỏi, trước khi “líp ba ga” vay mượn tiếng Pháp, theo nghĩa vừa nêu trên, người Việt sử dụng bằng từ nào? Theo tôi, đó là từ “thả giàn”. Ca dao có câu:

Vườn xuân hoa nở đầy giàn

Ngăn con bướm lại kẻo tàn nhị hoa

Với từ giàn này,” Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: "Tấm ván lớn được đan hoặc ghép thưa bằng nhiều thanh tre, nứa đặt trên cao làm chỗ cho cây leo hay che nắng". Từ giàn này, không chỉ có thế, ngày xưa, khi tổ chức hát bội, tuồng chèo, người ta thường dựng rạp/ rạp hát mà thuở ấy trong Nam gọi là giàn/ giàn hát. Từ năm 1895, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: "Giàn hát: đồ cuộc làm ra có rường, có ván lót để mà hát cùng là coi hát".

Mà đã giàn thì phải vây kín bốn bề, ai đứng ngoài không thể xem ké, vào trong giàn có chỗ ngồi hẳn hòi, muốn vào phải mua vé và giàn chỉ chứa một số lượng nhất định. Nếu vì lý do gì đó, thường chỉ khi gần vãn tuồng, giàn hát mở cửa toang hoác ai muốn vào thì vào, không phải mất tiền mua vé thì lúc đó được gọi "thả giàn/ thả cửa". Không chỉ có "thả giàn", trong lời ăn tiếng nói của người miền Nam xưa còn có "xô giàn/ giật giàn/ thí giàn" - nay do cách thức sinh hoạt trong lễ hội, cách cúng cô hồn các đẳng đã khác trước, vì thế, các từ đó đã đi dần vào quên lãng, mai một dần, ít người sử dụng.

Và một lẽ tất nhiên, các từ ấy phải được bổ sung/ thay thế theo lời ăn tiếng nói của người đương thời. Ngày nay nhiều người đã dùng chữ "thả ga" thay cho "thả giàn", thí dụ: "Vừa rồi sếp kêu gọi nhân viên cứ phát biểu thả ga". Theo nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, ga trong ngữ cảnh này là “Bàn đạp tăng tốc mượn từ accélérateur: nhấn ga, đạp ga để xe chạy nhanh thêm; buông ga, bớt ga để xe chạy chậm lại; chạy hết ga = chạy thả ga, chạy đến tốc độ tối đa". Thả ga ấy, nói cách khác, chính là cách nói bắt nguồn từ "thả giàn" mà ra chăng?

Trở lại với các vụ kêu gọi hàng đang giảm giá hết cỡ thợ mộc, tại các siêu thị người ta còn thòng thêm câu này nữa: “Giảm sốc! Giảm sốc! Quẹo lựa! Quẹo lựa! Bà con ơi”, “Ghé dzô, ghé dzô, quẹo lựa bà con ơi”. Quẹo là ngoặt, là rẽ, là đang từ vị trí này chuyển sang hướng khác. Người miền Trung lại gọi là cua. Với từ cua này, này cô Hai, tôi đây vẫn còn nhớ, thời nhỏ xíu mỗi lần ông hớt tóc dạo đi ngang qua nhà, thấy tóc con cái đã dài, bà mẹ liền gọi, trẻ con ngồi trên chiếc ghế đẩu, bao giờ ông thợ cũng hỏi: “Thích cúp kiểu nào?”, bèn đáp: “Dạ, húi cua” tức cắt/ xén tóc ngắn cho gọn gàng. Thế nhưng, cua đi vào “cúp cua” thì cua là cours hiểu theo nghĩa bài giảng, giáo trình, lớp học. Khi nhà thơ Đinh Hùng viết:

Ôi! khoái lạc những giờ trốn học

Những bình minh xuân đẹp, những chiều thu

Bao cảnh nước mây đằm thắm hẹn hò

Khi biếng gặp nhớ nhung pha màu áo

Câu đầu tiên đã cho biết cậu học trò này “cúp cua” (cours), hoàn toàn khác với court trong “húi cua” nghĩa là ngắn. Ngoài ra vốn từ tiếng Pháp cours/ court còn đồng âm với cua/ con cua. Dù cua và quẹo cùng nghĩa nhưng người ta không dùng “cua lựa” bởi dễ gây hiểu nhầm; cũng không dùng “ngoặt lựa”, “rẽ lựa” bởi từ quẹo/ quẹo lựa phát âm nhanh hơn, dễ nhớ hơn mà nó cũng “ngộ nghĩnh” và ấn tượng hơn. Có phải thế chăng? Có thể lắm, thế thì, cái vụ bán nho xổ/ xổ nho thiên hạ đã quẹo lựa tới đâu rồi? Tới đâu thì chưa biết, biết đâu ai đó vẫn đang chần chừ, chưa vội mua vì đang mải mê suy nghĩ về thêm từ xổ chăng?

Rằng, với từ “xổ”, trong trò chơi múa lân, lúc người thủ trống cầm hai cây dùi đánh lia lịa, nhịp nhàng một hồi kéo dài, nhằm “bật đèn xanh” cho lân lạy, dân trong nghề gọi là “xổ trống”. Ai đã xem múa lân mới thấy lúc này hấp dẫn ghê gớm, tiếng trống khua nhịp nhàng ắt biết sẽ diễn ra động tác cực kỳ sôi động vì qua tiếng trống dồn dập thì lân múa càng nhanh. Tim đập thình thịch. Hồi họp ngóng theo. Thích ghê. Đôi khi vì lý do gì đó, cảm thấy công việc nào đó không hanh thông, người ta bèn “xổ xui” bằng cách… ăn hột vịt lộn. Tại sao như thế? “Bí kíp” của sự lựa chọn này, nghĩ cho cùng là do mỗi từ “lộn”. Lộn là lật ngược, đảo ngược vị trí trong ra ngoài, trên xuống dưới. Trong trường hợp này, ngụ ý lộn cái xui xẻo đó để nó “phắn” quách cho rồi, cút xéo càng nhanh càng tốt. Xổ xui là vậy.

Ai cũng biết, xổ/ xổ hàng cũng đồng nghĩa với xả/ xổ hàng. Mà, tùy ngữ cảnh xã cũng có thể dùng thả/ mở/ tháo/ trút/ đổ/ cổi...  Khi nhà thơ Đoàn Vị Thượng viết truyện dài “Tóc em còn thả mùa đi học”, ta hình dung ra cô gái đó để mái tóc dài lòng thòng xuống vai, không bới lên hoặc kẹp lại; nếu cần, vẫn có thể thay từ “thả tóc” thành “xõa tóc” nhưng vẫn cùng nghĩa. Điều này, cho thấy tiếng Việt cực kỳ phong phú, thừa sức diễn đạt mọi tình huống đâu ra đó.

Ủa, cô Hai đang nôn nóng muốn nhắc lại chuyện trưa nọ nghe câu rao của người bán nho à? Ừ, họ bán theo lối xổ, tức xổ nho ra bán đồng loạt như đã giải thích trên. Không chỉ có thế, ta hãy đọc câu văn này của cụ Vương Hồng Sển. Trong “Hồi ký 50 năm mê hát” (Cơ sở XB Phạm Quang Khai - 1968), cụ bình về cái ngu khi cầm chầu trong hát bội, chẳng ai khen, lại bị: “Kép hát trong buồng nó xổ nho cho nghe mà ngợp” (tr. 16). Nho này hoàn toàn không liên quan gì đến nho/ trái nho mà nho chính là từ dùng để chỉ “Người học sách nho, người theo đạo Nho”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích.

Vậy, xổ nho trong ngữ cảnh này là gì? Là tiếng lóng trong Nam dùng chỉ tiếng chửi thề, nói tục. Thế nhưng vẫn chưa hết đâu, thí dụ ai đó nhận xét về ai đó “hay chữ lỏng”: “Tay X kia, hễ mở miệng là xổ nho”, lại ngụ ý châm biếm X chỉ học hành ất ơ, “dốt hay nói chữ”, có dịp là xổ ra cả tràng chữ nho dù không hiểu ý nghĩa sâu xa, chỉ nhằm lòe thiên hạ, không trúng trật vào đâu. Câu ca dao miền Nam có câu:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho khi tỏ khi lu

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em đợi mười thu em chờ

 Chữ nhu này, đích thị là chữ nho. Tiếng Việt đó, cô Hai mình ơi. Nghe thích chưa?

Dạ, thích ạ.

Lê Minh Quốc
.
.