Giám sát quyền lực cần “thời sự” hơn

Thứ Năm, 10/08/2023, 10:48

Việc kỷ luật, thậm chí xử lý trước pháp luật các cá nhân, tập thể là một quyết tâm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII cho tới nay, có nhiều cán bộ đã nghỉ hưu bị kỷ luật, khởi tố hình sự hoặc tập thể lãnh đạo nhiệm kỳ trước bị kỷ luật đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực như thế nào cho hiệu quả…

1. Ngày 28/7/2023, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn này.

Giám sát quyền lực cần “thời  sự” hơn -0
Bộ Chính trị quyết định kỉ luật cảnh cáo ông Mai Văn Ninh (bên trái), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỉ luật ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Trong 2 nhiệm kỳ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc trong việc cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án sử dụng đất của Tập đoàn FLC; cho chủ trương phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư công thuộc đề án thành phố thông minh; trong quản lý, sử dụng đất và thực hiện dự án Hạc Thành Tower; trong công tác cán bộ; trong lãnh đạo công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập...

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa và gần 20 cá nhân khác trong  Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh bị nhận hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xem xét những hình thức kỷ luật nghiêm khắc...

2. Trước đó, giữa tháng 5/2023, tại Hội nghị lần thứ 7 (hội nghị giữa nhiệm kỳ), Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Ban Bí thư cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Doãn Văn Hưởng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và nhiều cán bộ khác.

Giám sát quyền lực cần “thời  sự” hơn -0
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Vịnh cùng nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai có trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011-2016 vì buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước trong hoạt động liên quan đến khoáng sản. Một số cán bộ, đảng viên trong tập thể này kê khai tài sản thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng kết luận ông Nguyễn Văn Vịnh cùng nhiều thuộc cấp đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ngày 18/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Văn Vịnh và ông Doãn Văn Hưởng về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...

3.Một vấn đề cần đặt ra là tại sao khi các cán bộ này đương chức, đương quyền thì không bị phát hiện sai phạm, mà chỉ đến khi cán bộ nghỉ hưu mới tìm ra khuyết điểm? Như vậy, cơ chế giám sát quyền lực của cá nhân ở đâu? Và, cuối cùng, ai là người phải chịu trách nhiệm vì để sai phạm kéo dài ở tập thể, cá nhân...? Cán bộ khi đương chức họ đã làm sai, đã “kiếm chác” để có thể sống cực kỳ phè phỡn cho nhiều năm sau?

Một thực tế là những người bị kỷ luật không phải là không biết hậu quả việc làm của mình... Nhưng, một khi kiếm tiền đã trở thành “lẽ sống” thì họ bất chấp tất cả. Biết là sai những họ vẫn làm, tất cả chỉ là vì tiền và vì quyền lực của họ.

Có lẽ, họ chỉ bị phát hiện, xử lý khi đã “hạ cánh” vì, khi có chức quyền thì họ có trong tay cả một guồng máy để bóp nghẹt dân chủ và sẵn sàng bịt miệng những người không đồng thuận hoặc có ý kiến phản đối quyết định của họ. Việc không ít người lãnh đạo có việc làm độc đoán, chuyên quyền, bất chấp các quy định của Đảng, của pháp luật đang không còn là “của hiếm” mà là căn bệnh nan y của công tác cán bộ hiện nay.

Nhưng, tại sao họ lại lạm quyền, lộng quyền và độc đoán được và tại sao cả một bộ máy với những tổ chức chặt chẽ mà không ai dám đấu tranh?

Trả lời câu hỏi này không quá khó.

Thứ nhất là tâm lý “ngậm miệng ăn tiền” của cấp dưới. Thứ hai là từ lâu đã có câu “đấu tranh thì tránh đâu”, dại gì mà đấu tranh, khi mà quyền lực trong tay họ, còn nếu mình biết “dĩ hòa vi quý” thì vừa được tiếng là biết “giữ đoàn kết nội bộ” và thế nào cũng có bổng lộc, chẳng qua là ít hay nhiều, tùy vị trí, chức vụ đang đảm nhiệm. Còn nếu “đấu tranh” thì chưa biết chừng “thân bại danh liệt”, mà đâu chỉ có bản thân, còn con cháu, họ hàng, cũng sẽ bị vạ lây. Cho nên, phải biết câu “im lặng là vàng”!

Từ thực tế các vụ kỷ luật tập thể và cá nhân trong thời gian qua, chúng ta thấy một vấn đề, đó là trong khi các quy định của Đảng về quy chế dân chủ và giám sát quyền lực trong nội bộ Đảng là khá đầy đủ. Nhưng, vấn đề là các cấp ủy đảng cơ sở, những người đứng đầu đã phớt lờ tất cả.

Rõ ràng, bộ máy nhằm kiểm soát quyền lực như ủy ban kiểm tra, thanh tra cấp tỉnh vẫn có tình trạng né tránh lãnh đạo địa phương. Tình trạng cán bộ không dám đấu tranh và chỉ biết lo thân mình.

Thời gian qua, công tác cán bộ của Đảng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực còn nhiều hạn chế. Đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng...

Kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là vấn đề trung tâm của công tác kiểm soát quyền lực đối với mọi thể chế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề lớn, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra các khâu then chốt để có thể tìm ra giải pháp đột phá.

Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói là vấn đề cốt tử của mọi cuộc cách mạng và của quá trình xây dựng, phát triển mỗi nhà nước là xây dựng quyền lực nhà nước.

Quyền lực nhà nước được tổ chức, vận hành tốt sẽ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mang tính chiến lược của chủ nghĩa xã hội. Nếu không được tổ chức tốt sẽ dễ dẫn đến bị lợi dụng, lạm quyền, lộng quyền. Do đó, ở đâu có quyền lực, ở đó phải có kiểm soát. Quyền lực càng cao, càng phải kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.

Cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ là tổng thể những cách thức, phương pháp mà chủ thể kiểm soát (cấp ủy, người đứng đầu cấp trên) sử dụng nhằm điều phối mối quan hệ nội tại giữa các bộ phận trong cùng một tổ chức hoặc giữa các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, bảo đảm mọi quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ thẩm quyền, quy trình, nguyên tắc của Cương lĩnh, Điều lệ và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để quyền lực luôn vận hành đúng hướng, hiệu quả, ngăn ngừa, chống lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực.

Từ thực tế thời gian qua đặt ra cho công tác giám sát quyền lực cần phải làm quyết liệt hơn để phát hiện được sai phạm của cá nhân, tập thể ngay khi họ còn đang đương chức, có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Còn để xảy ra hậu quả rồi mới phát hiện, xử lý kỷ luật hoặc pháp luật thì hậu quả họ gây ra đã rất nặng nề và khó khắc phục. 

Phong Sơn
.
.