Giải thưởng Oscar 95: Sự trở lại của "giấc mơ Mỹ" hay sự Mỹ hóa châu Á?

Thứ Ba, 28/03/2023, 13:23

Có gì chung trong bài phát biểu của Dương Tử Quỳnh và Quan Kế Huy khi lần lượt nhận giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và nam diễn viên phụ xuất sắc nhất vừa qua? Họ đều nhắc về những giấc mơ.

Dương Tử Quỳnh bảo rằng: “Hỡi những cô bé, cậu bé với ngoại hình giống như tôi đang xem tối nay – đây là ngọn hải đăng của hy vọng và những gì có thể. Đây là minh chứng rằng hãy mơ thật lớn, và giấc mơ sẽ thành hiện thực”. Còn Quan Kế Huy, sau khi vắn tắt kể lại hành trình phi thường để đến với sân khấu lớn nhất Hollywood, tuyên bố: “Họ bảo những chuyện như thế chỉ có trên phim. Tôi không tin nổi được nó đang xảy đến với tôi. Đây, đây chính là giấc mơ Mỹ”.

1. Giấc mơ Mỹ. Cụm từ mà nhà văn James Truslow Adams đã phổ biến hóa vào qua cuốn “Epic of America” (Sử thi của nước Mỹ): “Đó không phải là giấc mơ đơn thuần về ôtô và lương cao, mà đó là giấc mơ về trật tự xã hội trong đó mỗi người đàn ông và mỗi người phụ nữ sẽ có thể đạt được tầm vóc tối đa với những gì họ có năng khiếu bẩm sinh, và được người khác công nhận vì những gì họ đã thực hiện”. Giấc mơ Mỹ được giải ảo trong những câu chuyện của F. Scott Fitzgerald, như John Steinbeck, và càng ngày mang lại cảm giác châm biếm hay chua chát nhiều hơn là cổ vũ và hy vọng, thì giờ đây lại đường đường chính chính được vỗ tay ngân vang trong sự reo hò của không chỉ những vị khách xuất hiện tại đêm trao giải, mà là hàng triệu người theo dõi Oscar trên toàn thế giới đang hân hoan trước chiến thắng vang dội của người châu Á.

Giải thưởng Oscar 95: Sự trở lại của
Dương Tử Quỳnh và tượng vàng Oscar.

Hollywood – ngành công nghiệp của những giấc mơ – đã cứu lấy giấc mơ Mỹ.

Nhiều khán giả tiếc nuối cho vai diễn của Cate Blanchett cùng vai diễn nữ nhạc trưởng đồng tính Lydia Tar trong bộ phim giả tiểu sử “Tar” – đó là một vai diễn để đời, kiểu vai diễn và kiểu phim ảnh dấy lên những xúc cảm phức tạp và mở ra những câu hỏi thách thức về mối quan hệ giữa nghệ thuật – đạo đức, và vì thế cũng không thể đưa cho ta câu trả lời cuối cùng khi phim kết thúc. Nó khác hoàn toàn với vai diễn Evelyn của Dương Tử Quỳnh trong “Everything Everywhere All At Once”, kiểu vai diễn và kiểu phim ảnh đặt ra những câu hỏi dễ dàng nên cũng trả lời trơn tru, mạch lạc, đưa đến sự thỏa mãn trọn vẹn về cảm xúc. Ta cũng có thể tiếc nuối cho giải thưởng kịch bản gốc đã không thể về tay bộ phim Ireland “The Banshess of Inisherin”, một bộ phim vô cùng quái đản mang đậm chất phi lý trên sân khấu kiểu Beckett, một bộ phim cũng đưa ra những nan đề không dễ tìm lời đáp.

Nhưng có lẽ, cái mà Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ cần lúc này không phải là những câu hỏi mở, cái họ cần là một cái kết có hậu. Hollywood xứng đáng được coi là bậc thầy kể chuyện, và họ không chỉ kể chuyện trong các tác phẩm phim, mà chính giấc mơ Hollywood cùng giấc mơ Mỹ là câu chuyện lớn nhất họ đang viết nên, và họ luôn biết cần những nhân vật ra sao, xuất hiện tại thời điểm nào để làm câu chuyện ấy chạm vào đúng tần số rung động của đại chúng.

Nói thế không có nghĩa làm giảm giá trị giải thưởng mà Dương Tử Quỳnh và Quan Kế Huy xứng đáng nhận được sau hàng thập niên phấn đấu, điều ấy thì đã rõ, nhưng người ta sẽ còn nhắc tới cả việc Oscar đã tiến bộ ra sao, nước Mỹ đã cởi mở thế nào khi gỡ bỏ những rào ngăn sắc tộc, trao tượng vàng cho hai diễn viên da vàng và một bộ phim kể về người châu Á trên đất Mỹ.

Nước Mỹ và Hollywood, sau đêm trao giải, bỗng lại trở nên đáng mơ ước và đáng thèm khát hơn bao giờ hết. Thậm chí cả chiến thắng của một nam diễn viên da trắng như Brendan Fraser, người tưởng như đã hết thời, người từng bị Hollywood lạm dụng và phũ phàng ruồng bỏ, ở hạng mục nam chính xuất sắc nhất cũng tựa một mạch truyện phụ củng cố cho chủ đề giấc mơ Mỹ, rằng ở nơi đây, mọi bất công đều sẽ được hoàn trả, mọi lỗi lầm đều có thể được sửa chữa.

Một điều thú vị là, trong bộ phim “The Whale” mà Brendan Fraser thủ vai, có một tác phẩm văn chương được nhắc tới liên tục, “Moby Dick” của Herman Melville. Xoay quanh câu chuyện cuộc săn tìm con cá voi quái thú với đoàn thủy thủ là dân tứ chiếng, cuốn tiểu thuyết là ẩn dụ cho cuộc săn tìm giấc mơ Mỹ, trong đó con cá voi huyền thoại mà vị thuyền trưởng Ahab lùng sục đại diện giấc mơ Mỹ đẹp đẽ mà tàn khốc. Ấy thế mà, bài luận văn về “Moby Dick” trong “The Whale” đã thành thật rằng: “Và tôi cảm thấy buồn nhất khi đọc những chương nhàm chán mô tả mỗi về cá voi, bởi vì tôi biết, tác giả chỉ đang cố gắng cứu chúng ta khỏi câu chuyện buồn bã của chính ông ấy, dù trong chốc lát”.

Đó là một bài luận chống lại giấc mơ Mỹ. Cũng như toàn bộ tác phẩm “The Whale” mang cái nhìn bi quan về giấc mơ Mỹ, với những người béo phì đến biến dạng, những gia đình tan vỡ, những đứa trẻ trầm uất nổi loạn và những người nhập cư chán nản. Mà thực ra, “Everything Everywhere All At Once”, với nội dung về một gia đình người Hoa cắm mặt vào tiệm giặt là, vốn dĩ cũng bóc trần sự thật về giấc mơ Mỹ. Song cuối cùng, việc trao giải cho chính các tác phẩm ấy lại như nụ hôn đánh thức giấc mơ Mỹ tỉnh dậy.

Thế nhưng, điều này có tốt đối với châu Á không? Một câu trả lời bề mặt sẽ là: đương nhiên rất tốt. Sự thừa nhận của Hollywood sẽ kích thích một làn sóng châu Á nói riêng và làn sóng da màu trên toàn thế giới. Kể từ nay, tất cả dù xuất phát điểm ra sao đều có quyền mơ giấc mơ chạm vào tượng vàng Oscar và những câu chuyện của nền điện ảnh lớn nhất thế giới sẽ trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

2. Sau chiến thắng của Dương Tử Quỳnh, tôi tình cờ đọc được một vài bình luận của khán giả đại chúng so sánh Dương Tử Quỳnh cùng một số minh tinh Hồng Kông cùng thời như Trương Mạn Ngọc, huyền thoại hàng đầu của điện ảnh châu Á song chưa bao giờ đóng phim Mỹ. Cho dù Mạn Thần (biệt danh của Trương Mạn Ngọc) đã giải nghệ từ lâu, các bình luận này vẫn cho rằng bà không có diễn xuất đủ tầm Oscar, và thua xa Củng Lợi – người cũng quen mặt trên ảnh đàn Mỹ, và đương nhiên là không bằng Dương Tử Quỳnh. Tất nhiên, những bình luận thiếu hiểu biết như thế chẳng mảy may ảnh hưởng tới vị thế của Mạn Thần, nhưng xét cho cùng, thế giới có bao nhiêu người thực sự yêu điện ảnh và có sự tìm hiểu đúng đắn với lịch sử dạn dày của điện ảnh châu Á?

Giải thưởng Oscar 95: Sự trở lại của
“Naatu Naatu” là ca khúc châu Á đầu tiên nhận giải Ca khúc hay nhất tại Oscar.

Sự nguy hiểm nằm ở chỗ, con người có xu hướng ký sinh tư duy của mình vào những con cá mập – những cơ quan chính thức, những hiệp hội và viện hàn lâm, những cường quốc, những thế lực giàu có và quyền lực. Do đó, một khi Oscar bắt đầu vinh danh châu Á, thì đồng nghĩa họ cũng đang Mỹ hóa châu Á, và khán giả đại chúng sẽ dễ đi đến hiểu lầm rằng Oscar là đích đến cao nhất của những nhà làm phim và diễn viên châu Á, và hàng tá giải ảnh hậu tại Kim Mã, Cannes, Berlin của Trương Mạn Ngọc cũng chẳng là gì khi mà cô chưa được Hollywood công nhận. Và như thế, sự hay / dở của châu Á lại được đo đạc bằng thước kẻ phương Tây.

“Everything Everywhere All At once” có hay không? Đó là một bộ phim điểm 10. Nhưng trong khi hoan hô nhiệt liệt cho bộ phim này cùng dàn diễn viên da vàng, ta vẫn phải nhớ rằng đó là câu chuyện châu Á được kể theo cách của Mỹ, một câu chuyện châu Á đã được Mỹ hóa, và chưa bao giờ, cũng không bao giờ nên là chuẩn mực hay điển mẫu cho điện ảnh châu Á.

3.Trong số những điều thần kỳ châu Á tại Oscar 95, ngoài “Everything Everywhere All At Once” còn phải kể tới “RRR”, bom tấn Ấn Độ với giải thưởng ca khúc xuất sắc nhất “Naatu Naatu”, vượt qua cả những đối thủ khổng lồ như ca khúc của Lady Gaga trong “Top Gun: Maverick” hay của Rihanna trong “Black Panther 2”. Ngọn nguồn của ca khúc “Naatu Naatu” trong phim là khi hai người đàn ông Ấn Độ bị những tay thực dân người Anh làm nhục, cho rằng dân da nâu chỉ là một lũ thất học không biết gì về nghệ thuật, chẳng biết khiêu vũ flamenco, tango hay swing. Ngay sau đó, hai người hùng Ấn Độ đã biểu diễn một vũ khúc mang tên “Naatu Naatu” của những người bản địa, khiến cho những kẻ kia phải choáng váng. Chẳng cần lấy lòng đôi tai phương Tây, Naatu Naatu là bản nhạc đậm đặc dấu ấn Ấn Độ, không cần sự chấp nhận của phương Tây để biện minh cho sự tồn tại của nó. Dù phương Tây yêu hay ghét nó thì nó cũng là như thế.

Tất nhiên, cuối cùng thì phương Tây đã thích nó. Không những thích, còn trao cho nó giải Oscar, một lần nữa Hollywood và nước Mỹ trở thành giấc mơ lớn có thể thành hiện thực. Và hẳn chiến thắng giòn giã nhất của Oscar 95 không phải là bộ phim “Everything Everwhere All At Once”, mà chính là giấc mơ Mỹ. 

Hiền Trang
.
.