Giá măng trúc, chè mai… thu giá
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sở dĩ đã từng dấy lên cuộc tranh luận trong giới học thuật, chính nằm ở từ "giá".
Giá ở đây hiểu theo nghĩa giá lạnh/ băng giá hay giá đỗ/ giá đậu? Hiểu theo nghĩa nào? Xét về phép đối xứng trong câu thơ này ắt măng trúc phải đi sánh cùng giá đỗ/ giá đậu - cả hai cùng từ loại, chứ không thể ăn… giá lạnh/ băng giá. Vì lẽ đó, ở câu kế của "cặp luận" này, "hồ" cũng đối xứng với "ao".
Khi Trạng Trình cho biết "thu ăn măng trúc", vì ngưỡng mộ cũng như tọc mạch, ta thử hỏi cụ ăn… măng tươi hay măng khô? Không một ai có thể biết chính xác, chỉ có thể khảo sát từ thơ của cụ:
Bóng hoa lệ động, am chưa phất,
Măng trúc còn tươi, bếp mới sôi.

"Am" là ngôi chùa nhỏ, ở đây là nơi ở của người ẩn dật như cụ cho biết: "Bạch Vân am vắng chim kêu muộn", "Bạch Vân, am tớ có hoa tươi"; "lệ" là tiếng Việt cổ, có nghĩa là sợ, là ngại; "động" là động đậy, lay động, lay chuyển, phát khởi; "phất" là quét, phủi, rũ… Trong “Quốc âm thi tập”, cụ Nguyễn Trãi cũng có câu:
Ghé cửa, đêm chờ hương quế lọt.
Quét hiên, ngày lệ bóng hoa tan.
Nếu Trạng Trình ngại làm lay động bóng hoa (in trên sân), vì thế cụ chưa quét am thì cụ Nguyễn Trãi cũng có suy nghĩ tương tự. Rõ ràng tâm thế của hai bậc vĩ nhân không khác nhau. Có thể nhìn ra đây là tứ thơ rất mới, gợi lên một biểu cảm hiện đại, chỉ cần đọc một lần, những câu thơ ấy vừa thoáng qua đã hằn vết khắc sâu trong trí nhớ.
Khi hiểu nghĩa của từ "lệ", ta nhớ đến "e lệ" là từ đôi, cả hai cùng nghĩa,
Thi hào Nguyễn Du miêu tả lúc chị em Thúy Kiều chơi xuân: "Chàng Vương quen mặt ra chào/ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" - là hai nàng bẽn lẽn, thẹn thùng, e thẹn. Tuy nhiên, với người miền Trung lại dùng từ "sượng sùng", ta tìm thấy trong thơ Hàn Mặc Tử: "Lúc chàng ở rể, em nào hay/ Thầy mẹ em đâu có tỏ bày/ Em cứ nhìn chàng, không phút ngượng/ Và sau, em biết, sượng sùng thay". Ở mức độ cao hơn sượng/ sượng sùng là "sượng trân".
Lúc chơi xuân, Thúy Kiều gặp Kim Trọng thì e lệ nhưng về sau, sau lúc trò chuyện với Thúc Sinh ở Quan Âm các: "Nàng càng e lệ ủ ê/ Rỉ tai mới hỏi hoa tì trước sau" thì e lệ ở đây lại là sợ hãi bởi nàng mới biết nãy giờ Hoạn Thư đã nhìn thấy, đã biết tỏng mọi sự. Từ "e lệ" không chỉ có mỗi một nghĩa như “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: "Có vẻ thẹn thùng, ngượng nghịu một cách duyên dáng trông dễ thương", tùy ngữ cảnh còn là sợ hãi. Không sợ hãi sao được, chính Hoạn Thư sai con hầu kẻ ở trừng trị tình địch: "A hoàn trên dưới dạ ran/ Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh"; không sợ hãi sao được, khi Thúy Kiều biết mình đang rơi vào cảnh ngộ "Con ong cái kiến kêu gì được oan"…
Trở lại với câu thơ "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá", có phải cụ Trạng thích… ăn măng? Chưa chắc, bởi cụ cho biết:
Xôi măng trúc đắng thèm thay thịt,
Đắp áo sô to lạnh kẻo chiên.
Lúc thèm thịt thì ăn măng thay thế. Còn trời lạnh thí đắp vải dày thay chăn, không những thế, cụ còn cho biết: "Lạnh, đà quen đắp ổ rơm". A, khi đọc "Xôi măng trúc đắng", ta biết cụ ăn xôi với măng? Ta còn tìm thấy ở bài thơ khác:
Bếp trà hâm đã, xôi măng trúc,
Nương cỏ cày thôi, vãi hạt muồng.
"Đã" ở đây là xong, là đã làm xong việc hâm trà lại (cho nóng). Rồi, sau đó cụ ăn xôi măng trúc? Không đâu. "Xôi" là từ Việt cổ có nghĩa là nấu lên, là đồ lên bằng lối chưng cách thủy như ca dao có câu: "Em đang vút nếp xôi/ Nghe anh có vợ thúng trôi nếp chìm". Xôi/ nắm xôi không hề có trong câu thơ này. Đọc câu thơ "Bếp trà hâm đã", ta cũng nên cắc cớ hỏi thêm, cụ uống loại trà/ chè gì chứ nhỉ? Đặt câu hỏi như thế, không hẵn tò mò mà còn là cái cớ để chúng ta tìm hiểu rõ hơn nữa về sở thích của một danh nhân văn hóa. Há chẳng là một điều thú vị đó sao? Với câu hỏi về sở thích uống trà của Trạng Trình, thiết tưởng một trong những cách có thể suy đoán vẫn là tìm về thú vui tao nhã “Vang bóng một thời”, từ trang văn của Nguyễn Tuân:
Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.
Hề đồng pha nước bằng loại trà: "Nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà" (Những chiếc ấm đất), là trà Lý Tú Uyên ướp hoa thủy tiên: "Độ mai kia thì giò hoa tách hết màng. Củ nào hoa kép thì đem ủ trà" (Chén trà trong sương sớm). Có thể Trạng Trình cũng tương tự chăng? Không thể suy luận, ta hãy tìm đọc từ thơ của cụ:
Khát uống chè mai hơi ngọt ngọt,
Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu.
"Sốt" là nóng/ nóng sốt/ bức sốt. "Mai" là cây hoa mai, người ta nấu gỗ cây mai già làm nước uống giải khát, ngày xưa các sư trong chùa thường dùng, Trạng Trình cũng thế. Qua khảo sát từ thơ, ta thấy cụ chỉ mỗi một lần cho biết "đông ăn giá" là ăn mầm đậu xanh ngâm. Tuy nhiên, giá còn nhiều nghĩa khác, thí dụ, trước lúc cưới vợ cho con, người vợ bảo chồng: "Bằng giá nào cũng phải xây nhà trước mùa thu năm nay". Giá ở đây là giá tiền phải bỏ ra khi xây nhà. Còn như người vợ bảo: "Việc xây nhà, giá thực hiện năm ngoái thì tốt quá". Giá ở đây lại là nếu: "Giá vua bắt lính đàn bà/ Để em đi đỡ anh và bốn năm" (ca dao).
Câu thơ của cụ Phan Bội Châu: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai". Ta hiểu "ví phỏng" cũng là nếu/ nếu như, giá/ giá như. Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ và “Việt Nam tự điển” (1931) đều khẳng định, "giá" trong nghĩa trên, chính từ "giả" mà ra như giá mà/ giả mà; giá dụ (ví dụ)/ giả dụ; giá sử/ giả sử…
Một phụ huynh sắm quần áo cho con ngày tựu trường, nói với người bán hàng: "Quần thì tôi không trả giá, nhưng hỏi thiệt giá áo chắc giá bao nhiêu?". Rõ ràng, người ấy hỏi về giá tiền cái áo, là giá tiền/ giá cả nói chung. Về giá/ giá cả lại thấy có nhiều từ đồng nghĩa, chẳng hạn, giá hời/ giá rẻ, giá chợ đen/ giá âm phủ, giá sỉ/ giá buôn… Lại còn có câu cửa miệng "Giá cao chém thấp", nếu ra chợ gặp phải người bán hàng nói thách, nói giá quá cao thì kinh nghiệm người mua phải trả thấp, cứ việc trả thấp dần đến lúc nào ưng ý thì "tiền trao cháo múc". Nay đã xuất hiện câu dán chình ình trong các cửa hàng: "Hàng đúng giá. Miễn trả giá", e cách mặc cả trên không "có cửa" nữa rồi.
Ta còn nhớ đã có lúc dư luận nổi sóng ầm ầm ầm, khi bộ nọ ngang nhiên tung ra từ "thu giá" - nhằm thay thế cho "thu phí". Một khi nói "thu phí", ta hiểu là một khoảng tiền phải bỏ ra cho một công việc phục vụ, dịch vụ nào đó mà mình được hưởng lợi. Một người vào ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền, sau khi làm xong, cô nhân viên bảo: "Với số tiền đã chuyển, ngân hàng thu phí của anh số tiền là X". Chuyện này, "bình thường như cân đường, hộp sữa", chẳng gì phải lăn tăn cũng tựa như thu phí xăng dầu, thu phí cầu đường, thu phí bảo hiểm…
Vậy khi thay thế "thu phí" bằng "thu giá", không gì phải lòng vòng, nói thẳng ruột ngựa, nói toạc móng heo là trong từ điển tiếng Việt, xưa nay không hề có từ "thu giá". Thay đổi này tróe ngoe khiến ai đó cắc cớ thay vì nộp tiền lại nộp bằng… giá đỗ thì sao? Sự xuất hiện ngang xương của từ "thu giá" buộc toàn dân chấp nhận, chỉ góp phần tiêu cực phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt.
Thu cũng có nhiều nghĩa, chứ không chỉ gom lại, bó lại, lấy vào mà còn tùy theo ngữ cảnh. Đôi khi thâu cũng được sử dụng tương tự như thu, chẳng hạn thu thanh/ thâu thanh, thu ngân/ thâu ngân, thu thập/ thâu thập v.v… Thế nhưng câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thu không thể đổi thành thâu: "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao". Ai cũng hiểu sở dĩ không thể hoán đổi qua thâu, bởi thu này là nhằm chỉ mùa thu.
Ta nhớ có lần Từ Hải thổ lộ: "Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì". Với thành ngữ "Giá áo túi cơm", ai cũng hiểu nhằm chỉ hạng người tầm thường, vô dụng, không có chí khí lớn. "Giá" mà Từ Hải nói đến là đồ dùng để treo hay gác vật gì lên, nói cách khác "giá áo" là chỉ cái giá để máng/ mắc áo. Trong thuật ngữ thuộc hệ thống luật pháp ngày xưa có từ "giá tréo", “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích: "Gác tréo đôi ba cây để mà chịu lấy vật gì; thường hiểu về người chết oan chưa chôn được, phép quan dạy phải làm giá tréo mà để cái hòm, nghĩa là treo cái hòm không cho chôn".
Ai cũng biết "giá" còn có nghĩa gả con gái đi lấy chồng, có câu "xuất giá tòng phu"; còn "ở giá" lại mang nghĩa ám chỉ cô gái quá tuổi nhưng không chịu lập gia đình. "Thân này ví biết dường này nhỉ?/ Thà trước thôi đành ở vậy xong" (Hồ Xuân Hương), "ở vậy (cho) xong" chính là ở giá. Xin đừng lẫn lộn với "ở góa" (còn gọi ở hóa/ ở vá) tức sau khi đã yên bề gia thất, chẳng may vợ/ chồng thất lộc, sớm rong chơi suối vàng nhưng người đàn ông vẫn "gà trống nuôi con", người đàn bà vẫn không "đi bước nữa".