Ghi ở thao trường huấn luyện diễu binh
Để phục vụ Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Công an, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được giao nhiệm vụ huấn luyện 11 khối (2 khối đứng và 9 khối đi).
Tại xã Yên Bài, một trong 3 địa điểm huấn luyện, hơn 800 CBCS Bộ Tư lệnh CSCĐ và học viên các trường CAND tổ chức huấn luyện 8 khối đi, gồm: Khối xe chỉ huy, Tổ Công an kỳ toàn lực lượng CAND; Khối đi nam sĩ quan An ninh nhân dân; Khối đi nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân; Khối đi nam CSCĐ; Khối đi nữ sĩ quan CSGT; Khối đi nam sĩ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Khối đi nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN); Khối đi nam chiến sĩ CSĐN. Những ngày này, lực lượng tham gia diễu binh đang vào giai đoạn tập luyện gấp rút chuẩn bị cho ngày đại lễ…
Thích nghi thời tiết, luyện rèn dẻo dai
5h sáng, toàn doanh trại báo thức, bắt đầu thực hiện các chế độ trong ngày như thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. 6h45 tất cả lực lượng ra thao trường huấn luyện, chia làm 3 giờ: giờ đầu huấn luyện các động tác cơ bản ke chân, ke tay, giờ thứ hai ghép khối, giờ thứ ba hoàn chỉnh các động tác diễu binh. Đến 11h CBCS nghỉ ăn trưa, nghỉ ngơi; 13h45 lại tiếp tục tập luyện đến 17h30. Sau hoạt động thể thao, tắm giặt là đến giờ cơm tối; các học viên sẽ được nghe thời sự, sinh hoạt chính trị, văn hoá văn nghệ trước khi tắt điện đi ngủ vào 21h30.
Liên tục guồng quay chế độ tập luyện kỷ luật, kỷ cương như vậy nên trước khi tổ chức huấn luyện, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã chủ động tham mưu Bộ Công an xây dựng kế hoạch tuyển chọn những cán bộ trách nhiệm, có nhiều kinh nghiệm đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh. Họ là những người sâu sát với học viên, am hiểu chuyên môn, có khả năng huấn luyện tỉ mỉ, phương pháp khoa học, phù hợp với tiến độ tập luyện. "Nắng Sơn Tây - Mây Ba Vì" là câu nói của người dân địa phương về thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng thì gay gắt, mưa thì lạnh buốt. Nhưng CBCS, học viên nơi đây chưa nghỉ tập ngày nào, ngoài chủ nhật hàng tuần được nghỉ giãn cơ. "Chúng tôi vẫn nói vui là nhiều hôm muốn nghỉ lắm mà không được, vì đêm có mưa ầm ầm thì ngày cũng sẽ tạnh, còn mưa lất phất thì coi như không mưa", một cán bộ tếu táo.
Theo Thượng tá Phạm Đại Đồng, Phó trưởng phòng Huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ CSCĐ, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Phó chỉ huy thường trực Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an, những ngày nhiệt độ hạ thấp, các học viên mặc áo giữ nhiệt bên trong, được cán bộ quản lý mua găng tay đeo trong lúc tập luyện, đeo khẩu trang... để giảm gió rét. Doanh trại được hỗ trợ từ Ban Dã ngoại của Trường Sỹ quan Lục quân 1 trang bị hệ thống nước nóng đun bằng củi, nhưng cán bộ của Bộ Tư lệnh CSCĐ là những người vận hành, điều chỉnh van nhiệt sao cho phù hợp. Đáp ứng yêu cầu quân số đông, sinh hoạt tập trung, các cán bộ quản lý đốt lửa từ 14h, kết thúc tập luyện buổi chiều, học viên sẽ có ngay nước nóng để tắm giặt, đảm bảo sức khoẻ.
Những ngày nắng nóng cũng khá vất vả, mồ hôi nhễ nhại, lưng áo ướt sũng, ban đầu một số học viên mệt mỏi, uể oải, lại thêm bước vào giai đoạn hai là tăng cường thể lực, cường độ tập luyện dày hơn, đường tập dài hơn... Thế nhưng, sau một tuần các em đã thích nghi dần. "Chúng tôi có các trạm quân y dã chiến, đảm bảo đầy đủ thiết bị, hệ thống y tế sơ cứu ban đầu để ứng phó với các tình huống xảy ra 24/24h. Đêm ngủ, có cán bộ quân y ngủ cùng phòng học viên, thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ. Giày ghệt mới cấp phát cũng khiến một số bạn bị trớt gót chân, hàng ngày quân y cấp thuốc mỡ, hướng dẫn các bạn ngâm nước muối xử lý, khắc phục, làm lành vết thương...", Thượng tá Phạm Anh Lê, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ I, Phó chỉ huy trưởng Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an nói.
Tự hào được chọn, vượt qua chính mình
Tận tình chỉnh sửa động tác cho học viên, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Dương, cán bộ Phòng Huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ CSCĐ, người có thâm niên huấn luyện diễu binh nhiều kỳ cuộc cấp quốc gia cho biết, đây là lần đầu tiên anh được giao huấn luyện khối nữ.
Nữ khác nam về cả sức khỏe, thể lực, tâm lý, do đó, anh thay đổi phương pháp, rèn dần dần, cường độ không tăng đột ngột mà tiến hành từng bước. "Khối nữ thường nhận được sự chú ý, trong khi một hành động sai nhỏ sẽ ảnh hưởng tới cả hàng. Quá trình tập luyện, chúng tôi vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa tìm cách khơi dậy niềm tự hào trong các em, lấy hình ảnh, động tác đẹp mắt của các chị từng tham gia các kỳ cuộc trước để làm mẫu, khích lệ các em học tập".
Khối nữ CSGT mà Thiếu tá Nguyễn Ngọc Dương huấn luyện gồm học viên của 3 trường: Học viện An ninh nhân dân, Học viện Chính trị CAND và Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, đa phần là học viên năm thứ 2, thứ 3, có những em năm thứ 4, nhiều kinh nghiệm tham gia huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật và rất quyết tâm, cố gắng. "Có em gót chân xước da, sưng tấy vẫn tập, chúng tôi tính toán cho nghỉ nhưng nhất quyết không chịu", anh nói.
Trẻ nhất khối nữ CSGT là Phan Thị Thanh Trà, tân sinh viên Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, vinh dự "là người được chọn trong những người được chọn" tham gia diễu binh. Từ Tây Nguyên ra Hà Nội học, vì thế ngày đầu Trà chưa thích nghi ngay được với thời tiết có những hôm rất lạnh, có hôm lại rất nóng. Nhưng sau thời gian rèn luyện, nay em đã khác, bản lĩnh hơn, tăng khả năng chịu đựng, làm được những việc tưởng chừng không bao giờ làm được. "Trước đây đi 2-3 vòng đã mệt, giờ em có thể đi 7-8 vòng, hành trình này khiến bất cứ ai cũng trưởng thành hơn", Trà bộc bạch. Vào sau 2 tuần, lại là em út trong khối nữ CSGT toàn các chị học viên dạn dày kinh nghiệm, tuy nhiên được các thầy quan tâm, tăng cường chỉ dẫn kỹ càng nên bây giờ cô tự tin đã theo kịp các chị.
Vừa luyện tập động tác đi nghiêm trong Khối nam Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Nguyễn Tuấn Nghĩa, tân sinh viên Học viện An ninh nhân dân vui vẻ chia sẻ: "Em là dân chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe thường xuyên nên có nắng mưa thất thường cũng không vấn đề gì. Chỉ khó nhất là động tác đi nghiêm nhìn bên phải chào". Đi trong khối, quan trọng là gióng hàng, nếu mải đánh mặt cho đúng thì dễ lệch hàng. Nghĩa còn là khối trưởng, khi hô nhìn bên phải chào, đánh mặt sang phải giơ tay chào thì việc bám đường càng khó hơn.
Giữa không gian diễu binh lần lượt các khối, khi tiếng nhạc cất lên, những ca khúc quen thuộc "Chúng ta là chiến sĩ Công an", "Bác đang cùng chúng cháu hành quân"... được học viên hát vang, tạo khí thế phấn khởi, hào hùng. Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tổ chức tập luyện những bài hát này trong giờ sinh hoạt văn hóa văn nghệ với nhiệm vụ "kép", vừa nâng cao đời sống tinh thần cho học viên, vừa thiết thực phục vụ lễ diễu binh, diễu hành. "Tới đây, làm nhiệm vụ tại Điện Biên với quãng đường đi khoảng 4,2 km để biểu dương lực lượng tại các tuyến phố trước khi tập kết tại quảng trường, các bạn sẽ vừa đi vừa hát, vừa khơi dậy niềm tự hào, yêu ngành, yêu nghề, vừa là tiếng hát trên đường hành quân để giữ nhịp cho khối", Thượng tá Phạm Đại Đồng bổ sung thêm.
Cùng với nhiệm vụ huấn luyện diễu binh, Đoàn Nghi lễ CAND, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ Tư lệnh CSCĐ phối hợp tổ chức cho các khối tập luyện, tự biên tự diễn các tiết mục văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, học viên, ghi dấu ấn bằng những bữa tiệc văn hóa văn nghệ đa sắc màu, thắm tình đồng chí, đồng đội...