Elizabeth Holmes: “Kẻ gây rối” hệ thống y tế thế giới

Thứ Bảy, 05/03/2016, 07:34
Elizabeth Holmes là người sáng lập và CEO của Theranos - công ty ở Thung lũng Silicon chuyên về kỹ thuật và dịch vụ thí nghiệm y khoa. Theranos được định giá 9 tỷ USD nhờ phát triển một liệu pháp đột phá: xét nghiệm máu toàn diện sử dụng phương pháp “kim châm”.

Theo đó, chỉ cần một vài giọt máu, trong vòng hai tiếng, Theranos sẽ cho ra đầy đủ toàn bộ kết quả phân tích sức khỏe người bệnh. Elizabeth Holmes thành lập Theranos vào năm 2007, với mục tiêu giúp người dân xét nghiệm máu nhanh, dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với đến bệnh viện. Công ty này được ví là có khả năng thay đổi ngành y tế, như cách Apple thay đổi ngành điện thoại di động.

Tuy chỉ mới 32 tuổi nhưng Elizabeth Holmes đang sở hữu hơn một nửa cổ phần Theranos, và trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ. Cô đã bỏ đại học Stanford từ khi là sinh viên năm hai, quyết định dành toàn bộ tiền bạc và sự tập trung cho việc thay đổi thế giới. Cá nhân Elizabeth Holmes được đánh giá là người đặc biệt khi cô không uống cà phê, không xem ti vi, ít ngủ và rất chăm chỉ làm việc, lại nổi tiếng là trầm lặng.

Elizabeth Holmes thường được so sánh với Steve Jobs vì có thói quen mặc áo len cổ lọ, kín tiếng và ăn kiêng. Dù giàu có, song với Elizabeth Holmes, tiền bạc không phải là tất cả. Sứ mệnh của cô là khiến cho việc xét nghiệm máu trở nên dễ dàng với tất cả mọi người, từ đó giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh được thuận tiện hơn.

Một hiện tượng lạ

Elzabeth Holmes sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức truyền thống. Cha của cô là giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), còn mẹ là chuyên viên đối ngoại và quốc phòng tại Quốc hội Mỹ. Niềm yêu thích đối với ngành kĩ sư và lĩnh vực y tế được khơi dậy trong Elizabeth từ sự nghiệp đáng nể của ông cố nội - một nhà sáng chế, kĩ sư và bác sĩ phẫu thuật.

Không giống như bạn bè đồng trang lứa, Holmes từng dành những năm cấp ba để theo học tiếng Trung tại Trung Quốc, kiếm tiền bằng công việc biên dịch lập trình C++ và bán lại cho các trường đại học tại đây. Với một thành tích ấn tượng, cô dễ dàng trở thành sinh viên chuyên ngành hoá học tại Trường đại học Stanford.

Khi còn bé, Elizabeth Holmes đã chứng kiến việc bà ngoại và mẹ ngất xỉu khi nhìn thấy máu được rút ra từ cánh tay cô mỗi khi cô bị ốm. Đến năm 2003, cô được mời tham gia dự án nghiên cứu về những loại dụng cụ có thể kiểm soát lượng thuốc đưa vào cơ thể con người của Đại học Stanford.

Mùa đông năm ấy, Elizabeth Holmes được giao nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu về SARS khi bệnh bùng nổ ở Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khiến nhiều người tử vong. Công việc này đã thay đổi tư duy của cô gái trẻ, khiến Holmes nghĩ tới việc xét nghiệm chỉ cần vài giọt máu, thay vì phương pháp cổ điển là rút một lượng máu khá nhiều vào bơm tiêm.

Thời điểm đó, việc xét nghiệm máu được thực hiện rất khó khăn và đắt đỏ tại các phòng khám hoặc phòng thí nghiệm. Quá trình xét nghiệm kéo dài hàng tuần, nhưng kết quả vẫn có khả năng sai sót. Chưa kể đến việc châm kim vào người để lấy máu thực sự là một nỗi ám ảnh. Bản thân cũng là một người có hội chứng sợ kim tiêm, mục tiêu của Elizabeth Holmes là tạo ra một công nghệ có khả năng thay đổi quy trình lấy máu xét nghiệm truyền thống, giảm thiểu các nhược điểm cố hữu và tăng tốc độ thu kết quả.

Cuối năm 2003, khi vẫn còn là sinh viên năm thứ hai, Elizabeth Holmes quyết định bỏ dở việc học tập tại Stanford để theo đuổi sự nghiệp của riêng mình. Bị thuyết phục bởi niềm đam mê và hoài bão của con gái, cha mẹ cô đã đồng ý trao cho cô toàn bộ học phí vốn để dành cho việc học đại học. Tháng 11/2007, Elizabeth Holmes được Cục Sở hữu trí tuệ Liên bang Mỹ cấp bằng sáng chế, đồng thời được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép thực hiện rộng rãi kỹ thuật xét nghiệm với vài giọt máu trên bệnh nhân. Kết quả là, công ty Theranos - kết hợp từ hai chữ “therapy” (trị liệu) và “diagnosis” (chẩn đoán) - ra đời.

Gần 10 năm qua, cô đã miệt mài làm việc tại Theranos, trao đổi với các vị giáo sư, tìm kiếm nhà đầu tư và cố gắng để được cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình. Elizabeth Holmes cuối cùng cũng thành công. Thay vì một lọ máu cho mỗi mẫu xét nghiệm, Theranos chỉ cần vài giọt máu thu được từ những cú chích rất nhẹ tại đầu ngón tay để có thể thực hiện hàng trăm xét nghiệm và bài kiểm tra cho bệnh nhân. Và thay vì chờ đợi hàng tuần lễ cho một tờ kết quả mà bản thân người bệnh cũng không hiểu, Theranos chỉ mất khoảng hai tiếng để cung cấp kết quả chính xác, dễ hiểu và rẻ hơn 50% so với phương pháp xét nghiệm thông thường.

Hành động đi trước lời nói

Theranos trở thành một hiện tượng mang tính đột phá lớn, thể hiện sự biến chuyển tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Công ty này đang “đe dọa” thay đổi ngành y tế theo cách mà Amazon thay đổi ngành bán lẻ, Intel hay Microsoft thay đổi công nghệ máy tính, hay Apple thay đổi khái niệm điện thoại di động. 

Các “đại gia” trong ngành xét nghiệm máu ở Mỹ, dù nắm giữ khoảng 80% thị phần và lợi nhuận ước đạt 75 tỉ USD mỗi năm, lại đang đứng trước một thách thức to lớn tới từ Theranos. Đó là một quy trình tự động hóa chu trình xét nghiệm máu từ đầu đến cuối với 5 tiêu chí: lấy máu không cần bơm tiêm, chẩn đoán chỉ bằng vài giọt máu, xét nghiệm bằng phần mềm để tránh nhầm lẫn, kết quả nhanh, độ chính xác 97% và ít tốn tiền.

Theranos thể hiện sự biến chuyển tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, “đe dọa” thay đổi ngành y tế.

Hiện nay, công nghệ xét nghiệm của Theranos đang được nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ áp dụng. Elizabeth Holmes muốn trao quyền chủ động cho người dân, với niềm tin rằng tương lai của ngành y là cho phép mọi cá nhân có quyền làm chủ sức khỏe bản thân. Cô cũng cho biết, mô hình của Theranos sẽ đặc biệt có ích với các bệnh nhân ung thư - những người phải xét nghiệm máu nhiều lần.

Nhiều ý kiến ví Holmes với Steve Jobs khi xét đến tầm nhìn của cô tới thế hệ sau. Khi được hỏi có cảm thấy áp lực khi gánh danh hiệu này không, cô trả lời: “Tôi không nghĩ là sẽ có một Steve Jobs nữa. Ông ấy là doanh nhân mang tính hiện tượng. Chúng tôi đang có cơ hội tuyệt vời để học ông ấy cách thay đổi thế giới, và chúng tôi đang làm việc 24/7 để hoàn thành điều đó”.

Có thể nói, Theranos là một ý tưởng vàng, đưa Elizabeth Holmes trở thành nữ tỷ phú trẻ tuổi khi mới mới ngoài 30, dù khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Hiện tại, Theranos có 700 nhân viên và cơ sở rộng hơn 20ha chuyên sản xuất thiết bị thử máu. Phần lớn lợi nhuận công ty kiếm được là từ việc kết hợp với những “đại gia” trong ngành chế tạo dược phẩm, hay cộng tác và cung cấp những thiết bị xét nghiệm cho quân đội Mỹ.

Holmes nổi lên như hình tượng trong một công ty khởi nghiệp với tôn chỉ mở rộng việc phục vụ đám đông. Cô làm việc hết sức chậm rãi, lại có phần kín đáo. Gần như không một ai biết tới cái tên Elizabeth Holmes cho đến cuối năm 2013, khi Theranos công bố quan hệ hợp tác lâu dài với hệ thống phân phối dược phẩm Walgreens, dẫn đến việc thành lập các điểm xét nghiệm máu tại 8.200 cửa hàng Walgreens ở nhiều bang trên nước Mỹ.

Elizabeth Holmes hành động đi trước lời nói, nhận được sự trân trọng từ nhiều đồng nghiệp, cũng như truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ trong bối cảnh khởi nghiệp ngày nay. Hầu hết các công ty khởi nghiệp trong năm 2015, đặc biệt là những công ty được hậu thuẫn bởi lượng tiền từ Quỹ đầu tư, đều mạnh miệng trước khi họ sống sót trong một năm hoặc có lợi nhuận.

Ngược lại, Theranos im lặng cho đến khi có mối quan hệ đối tác với Walgreens. Holmes luôn giữ vững cam kết với tầm nhìn của mình trong suốt một thời gian dài, vượt qua nhiều thách thức và rào cản trên thương trường, theo đuổi tới cùng tham vọng loại bỏ hệ thống y tế kém hiệu quả và ngột ngạt của Mỹ. Cô không muốn đối thủ cạnh tranh nắm bắt được mình đang làm gì cho đến khi đã tạo ra một thị trường hoàn toàn mới, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong công nghệ y tế tiêu dùng.

Elizabeth Holmes muốn tạo nên một sản phẩm độc đáo, có khả năng phổ biến như thuốc men và được sử dụng rộng rãi hàng ngày. Hành trình từ quá khứ cho đến hiện tại của người phụ nữ trẻ tuổi này rất đặc biệt, khi Holmes được khắc họa như một chuyên gia khoa học vụng về, chứ không phải là một diễn giả được đánh bóng tên tuổi và đang cố gắng đi “PR” sản phẩm để làm hài lòng đám đông.

Đối với những lý luận thực tiễn của cô tại bất cứ buổi thuyết trình nào về các sáng chế mới, Holmes đôi khi gặp khó khăn từ cách trình bày rõ ràng nhưng khô khan về việc làm cách nào Theranos sẽ nâng cao nền tảng y tế dự phòng. Tuy vậy, tính cách cương quyết và nhạy bén vẫn khiến Elizabeth Holmes được giới khoa học tôn trọng, trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới. Sự tôn trọng ấy được hình thành từ cuộc hành trình kéo dài hơn một thập kỷ, là tâm huyết cuộc đời và trở thành biểu trưng cho khát vọng chiến thắng bản thân…

Lê Nam
.
.