Đứng lại, chờ lũ...

Thứ Năm, 28/10/2021, 10:08

"Mưa ầm ầm, gió ào ào suốt mấy ngày nay. Nước đã tràn bờ ruộng, mưa đêm nay nữa là hắn vô đến nhà mình. Chuẩn bị lại lụt rồi, năm ngoái hắn lên tận nóc nhà, khủng khiếp lắm. Bão lũ đuổi sát rồi, nhưng tôi không chạy nữa. Đứng lại, chờ lũ thôi, vì bữa ni nhà tôi được hỗ trợ miễn phí nhà phao rồi, mừng thật là mừng. Cảm ơn các nhà hảo tâm nhiều lắm", trong tiếng mưa gió gào thét, chị Cao Thị Kim Quy ở thôn 3, xã Kim Bảng, huyện Minh Hóa, Quảng Bình cố nói lớn, giọng không giấu nổi niềm vui…

Nửa đời người chạy lũ…

Trong kí ức của chị Cao Thị Kim Quy, từ lúc bé xíu chị đã quen cảnh nước dâng ngập nhà cửa, ao vườn, đôi chân đã quen líu ríu chạy theo bố mẹ di chuyển đồ đạc, thóc lúa khi nước đuổi phía sau. Vùng quê Minh Hóa của chị những ngày mưa bão thoắt biến thành "chảo nước" khổng lồ, cảnh sông nước, núi non đẹp mắt lúc trời yên biển lặng hoàn toàn biến mất.

Đến khi chị lấy anh Trương Tiến Lai là người cùng xã Minh Hóa, sinh hai  người con thì vợ chồng con cái chị lại cùng nhau chạy lũ. Những cuộc chạy nhiều năm ấy đã quen lắm, đã thấm mệt, đã nhiều mất mát, nhưng rồi vẫn cứ phải chạy, không còn cách nào khác. Anh Lai chồng chị ngày thường đi làm mộc, rồi đi xây, chị sớm tối trồng trọt, chăn nuôi, cố lắm cũng không thoát khỏi cái nghèo.

Đứng lại, chờ lũ... -0
Chị Cao Thị Kim Quy ở thôn 3, xã Kim Bảng, huyện Minh Hóa, Quảng Bình trong căn nhà phao được hỗ trợ miễn phí.

Cảnh nhà vốn đã thiếu trước hụt sau, không cố mà giữ lấy đồ đạc và chút lương thực thì sau lũ biết sống bằng gì. Có cái tivi là tài sản quý, chị Quy mang sang gửi nhà họ hàng từ sớm. Mấy bao thóc - nguồn lương thực cho cả nhà sẽ được chị chở lên đồi cao, làm lán che rồi lấy bạt phủ lên, khi nào lũ rút mới mang về. Khổ nỗi, mưa gió nhiều ngày khiến thóc ẩm mốc, cái ăn trở nên khó khăn sau lũ.

Cứ đến mùa lũ về, chả phải riêng chị Quy, mà cả một vùng quê đều phấp phỏng, âu lo. Đêm đến, cả xóm thức trắng canh nước lên, những câu chuyện xôn xao, trông ngóng... Năm nào cũng đón lũ, có năm nước đến lưng nhà, hai năm nay đều ngập nóc nhà. Làng chị chỉ có số ít nhà không bị ngập vì ở trên cao. Còn lại, cứ đến tầm này là ngập hết.

Chỉ cần mưa lớn 2 ngày liền, nước từ các ngả đổ vào suối, đổ vào sông, rồi ào vào nhà dân. Sau lũ, cả một vùng quê sình lầy, nhão nhoét bùn đất. Tủ giường bàn ghế dù có neo chắc để không bị nước cuốn thì cũng bị ngấm nước, hư hỏng phần lớn. Lợn gà, chuồng trại trôi đi hết. Mọi thứ lại gần như trở về con số 0. Lại gượng dậy gây dựng từ đầu để sinh sống.

Chị Quy sinh năm 1976, chồng chị sinh năm 1974, tổng kết lại sau nửa đời người, đây là năm đầu tiên thấy lũ về mà vợ chồng chị vẫn "bình chân như vại". Từ đầu năm, cán bộ xã và nhóm từ thiện đã đến nhà chị khảo sát địa điểm. Sau đó thợ cơ khí mang vật liệu đến thi công, lắp ráp ngay cạnh ngôi nhà chị đang ở. Căn nhà phao rộng chừng 15m2 đã được bàn giao từ tháng 6.

Nhìn căn nhà phao mới tinh, những thùng phuy mới tinh, chị ngỡ như mình đang mơ. Những ngày này, khi mưa lũ kéo về, có bao nhiêu đồ đạc quý giá, thiết yếu chị đã xếp lên nhà phao. Năm nay là năm đầu tiên chị không phải chạy lũ, nỗi lo thiên tai vơi bớt đi nhiều.

Nước nổi thì nhà nổi

Để có được căn nhà phao đẹp và kiên cố tặng cho gia đình chị Quy và nhiều hộ dân vùng rốn lũ, anh Lê Thành Trung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội và nhóm từ thiện đã có hành trình 10 năm đến với miền Trung. Những cuộc đi đã đem lại nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm giúp đỡ bà con. Đến thời điểm này khi mưa lũ ập đến, có thêm 5 căn nhà phao tại thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã được nhóm của anh Trung trao cho người dân.

Đứng lại, chờ lũ... -0
Anh Lê Thành Trung trên một căn nhà phao tặng bà con vùng lũ Quảng Bình.

Bao năm qua, người dân vùng rốn lũ đã xoay xở ra sao với lũ? Mang theo câu hỏi đó, anh Trung và nhóm thiện nguyện tìm vào Quảng Bình - nơi có địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, lũ ngập sâu hơn các vùng khác tạo thành rốn lũ. Sẽ đi đến với bà con lúc nào? Đi vào lúc… không có bão lũ. Tức là suốt khoảng thời gian khi lũ vừa tan đến trước khi lũ đến vào năm sau.

Khi đến nơi rồi, mới "vỡ" ra nhiều về lũ, về sự sinh tồn trong lũ. Nếu không đến rốn lũ Minh Hóa, Tân Hóa, ngước nhìn thấy những búi bèo khô giắt trên ngọn cây, trên cột điện thì sẽ không thể tưởng tượng được nước lũ đã dâng lên cao ngất như thế. Không đến tận nơi cũng sẽ không biết được rằng bà con đã phải dạt lên núi cao dựng lều hay ở trong hang đá suốt nhiều ngày để tránh cơn thịnh nộ của đất trời; sẽ không biết đường đến trường của học sinh nhiều nơi là con đường trên sông, trên suối; sẽ không biết đến món cơm bồi - hỗn hợp sắn ngô giã ra đem hấp lên làm lương thực ăn dần, là đặc sản vùng rốn lũ. Và có đến tận nơi mới thấy người dân nổi trên nước nhờ những bè gỗ, bè chuối, ở trong những căn nhà chống lũ tự chế bằng gỗ, mái lợp nứa lá đơn sơ, thiếu an toàn.

Nước lũ mênh mông mà bí hiểm, thường chơi khó người dân nên ào về trong đêm tối khiến họ trở tay không kịp. Lúc đó, trong đêm đen mịt mù, nước ồng ộc từ thượng nguồn đổ về, tràn qua suối, qua lèn đá, tràn vào các thôn xóm. Những gì đáng giá nhất trong nhà đều chìm trong lũ, đến thứ quý giá nhất là mạng sống nhiều lúc cũng không giữ được.

Phải làm gì để lo cho người dân an toàn tính mạng và tài sản từ trước khi lũ về? Làm gì để người dân không phải thắt ruột lo lắng, hoang mang khi nước lũ dâng lên suốt đêm ngày ngập đầu người, ngập mái nhà? Phải dựng nhà chống lũ từ khi trời còn nắng ráo để chờ sẵn lúc mưa giông gió giật. Nơi nào có mực nước dâng cao vừa phải, ổn định thì giúp dân làm nhà vượt lũ có chân đế bằng bê tông, cách mặt đất 4-5m. Nơi nước ngập sâu thì phải dựng nhà phao. 30 triệu là mức kinh phí để dựng một căn nhà phao, nhưng nhiều nhà không có nổi để đảm bảo tính mạng cho chính mình.

Nhiều năm qua, anh Trung và nhóm thiện nguyện đã góp một phần nhỏ bé tạo nên những căn nhà phao tặng miễn phí cho người dân vùng lũ. Những căn nhà phao - niềm mơ ước của nhiều hộ dân đã phát huy hiệu quả trong mùa lũ hàng năm, đặc biệt là trong trận lũ lịch sử năm 2020. Căn nhà phao với mái tôn, vách tôn, sàn gỗ chắc chắn, đặt trên 16 thùng phuy rỗng, có sức nâng 3,2 tấn, tuổi thọ tối thiểu 15 năm, có thể cứu sống một gia đình đông người hoặc vài hộ gia đình neo người dùng chung một nhà khi lũ về. Nước dâng lên đến đâu thì nhà phao nổi tới đó. Lũ rút, nhà phao lại hạ xuống vị trí ban đầu.

Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, nhóm từ thiện đã có 3 đợt tặng nhà cho người dân. Sắt thép, tôn, thùng phuy - nguyện vật liệu làm nhà sẽ được thợ cơ khí vận chuyển và thi công tại chỗ, xong căn nhà nào là bàn giao cho người dân sử dụng luôn. Thêm một chiếc nhà phao dựng lên, bớt đi một mối lo âu, một mối hiểm nguy trực chờ, nhiều mạng người được an toàn

Không chỉ nhà phao, mà những chiếc cặp phao cũng vô cùng hữu ích với các em học sinh đến trường qua sông suối, di chuyển bằng thuyền. Trên vai các em, chiếc cặp là cả nguồn tri thức, nhưng khi lũ về trở thành phao cứu sinh để bảo vệ mạng sống của các em trên con đường đến trường nhiều trắc trở.

Đứng lại, chờ lũ... -0
Các em học sinh ở vùng rốn lũ rất cần cặp phao khi đi học qua sông suối.

Nhóm từ thiện của anh Trung chỉ là một trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ người dân dựng nhà phao chống lũ nhiều năm qua. "Sức mình đến đâu thì giúp dân đến đó. Một căn, hai căn, vài chục căn, hay vài trăm căn nhà đều quý cả. Hãy đến với dân trước khi lũ về, hãy giúp họ thật kĩ càng, để mùa lũ đến, nếu chúng ta không giúp thì người dân vẫn có cuộc sống an toàn", anh Trung chia sẻ.

Đã có đỉnh lũ, rồi lại có một đỉnh lũ khác vượt đỉnh lũ, để thấy rằng thiên tai ở dải đất miền Trung này ngày càng khắc nghiệt, khó lường. Để không còn người chết, người mất tích thì không chỉ cần chương trình cứu trợ mang tính cấp bách tình thế mà còn rất cần những chương trình hỗ trợ mang tính lâu dài để ứng phó với thiên tai… Chỉ khi có những cách giúp người dân "trúng" và "đúng" thì người dân mới thoát nghèo, thoát lũ.

Huyền Châm
.
.