Dự SEA Games"để làm gì"?

Thứ Sáu, 27/05/2022, 21:22

Từng có người nói rằng, đuổi theo đam mê là trò chơi mạo hiểm chỉ nên làm một lần trong đời, bởi kết cục day dứt sẽ là thứ song hành trong mỗi cơn mê. Nhưng, khi vượt qua được danh vọng tầm thường, đam mê lại là thứ khiến chúng ta trân trọng hơn từng phút giây cuộc sống này. Vòng xoay SEA Games để lại biết bao tấm gương nghị lực cho hành trình bước tới vinh quang, nhưng cũng có những người chọn lối đi ngược dòng chỉ để thỏa mãn khoái cảm cả đời đeo đuổi.

Đường cơ, đường đời

Trước khi đến Việt Nam tham dự SEA Games 31, huyền thoại billiard thế giới, Efren Reyes từng nhiều lần tuyên bố giải nghệ. Với một ông lão sinh năm 1954, đó là chuyện nên làm. Nhưng rồi, cứ theo một thói quen đã ăn vào máu, Reyes lại xách gậy đi đánh phủi. Có thắng, có thua, tầm này Reyes cũng không quan tâm nhiều đến kết quả. Nhưng, cảm giác được chơi với đam mê của mình là một chất gây nghiện mà ông không bao giờ muốn cai.

Để rồi, thuận theo tự nhiên, Reyes lại đại diện cho quê hương Philippines một lần nữa. Khi đặt chân đến nhà thi đấu Hà Đông, Reyes trở thành vận động viên nhiều tuổi nhất tham dự SEA Games 31.

Dự SEA Games
Phút "tếu táo" của Efren Reyes trong buổi giao lưu với các cơ thủ Việt Nam tại Hà Nội.

Với một người từng vô địch thế giới nhiều lần và đoạt gần 70 danh hiệu lớn trong sự nghiệp, Reyes đương nhiên gánh trên vai kỳ vọng của quốc gia. Nhưng, thực tế thì trọng trách với bản thân mới nặng nề hơn cả.

Huyền thoại của nội dung pool Reyes lại tham gia carom 1 băng và 3 băng. Tại sao lại như thế?

"Tôi không có sự lựa chọn ở đây", Reyes tâm sự. "Tôi đại diện cho đội Philippines thi đấu nội dung carom bởi vì không có ai chơi carom cả. Những tay cơ trẻ của Philippines không thích carom, đất nước tôi cũng không có bàn carom nào. Bản thân tôi cũng thích pool hơn nhưng người ta dành suất đó cho những vận động viên trẻ".

Vậy đấy, miếng bánh khó ăn nhường lại cho một ông già. Câu chuyện "không ai nhận thì tôi nhận" của Reyes nghe rất giống với tâm sự của huấn luyện viên Mai Đức Chung, một "lão tướng" không bao giờ trái lệnh cấp trên.

Nhưng, khác với ông Chung, Reyes là một vận động viên mang tâm hồn nghệ sĩ. Thứ gắn chặt tên tuổi của ông với hai chữ "huyền thoại" chính là cách đánh tài tử, luôn muốn người khác phải ồ lên của mình.

Carom không phải môi trường thích hợp cho những nghệ sĩ kiểu này. Đây là môn chơi dựa trên toán học, vật lý, với những nước đi được tính toán chi li, tỉ mỉ. Reyes đương nhiên cũng có thể tính toán. Trên thực tế, phong cách chơi pool của ông mang nhiều hơi hướng của carom nên việc làm quen cũng không mấy khó khăn.

Chỉ khác là người ta chơi để thắng, còn Reyes chơi để đẹp. Với yêu cầu đập 1 băng, Reyes vẫn thích phải đập 3 băng, khiến bi cái vẽ ra những đường xẻ dọc bàn đấu. vận động viên chuyên nghiệp rất thích kéo 3 bi về gần nhau để dễ dàng "chăn kiến" trong phạm vi nhỏ nhưng Reyes không thích sự thực dụng đó một chút nào và luôn muốn tạo ra những hình khối của riêng mình.

Cách chơi của Reyes thực sự không phải để giành huy chương, mà là tận hiến cho môn nghệ thuật của mình. Ngay đến việc phải mặc trang phục chỉn chu, với áo gile khoác ngoài sơ-mi dài tay theo đúng quy định giải đấu cũng khiến ông không thoải mái. Một Reyes quen thuộc trong lòng người hâm mộ mang theo hình ảnh của một ông chú mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ bàn bi-a bụi nào tại châu Á.

Không phải ngẫu nhiên mà Reyes lại thế, ông thực sự muốn hòa mình vào đám đông, muốn giao lưu với khán giả. Một trận đấu đúng nghĩa với Reyes sẽ không chỉ có đối thủ, gậy và bóng, nó còn bao gồm tất cả những người xung quanh cùng với đầy đủ hỉ nộ ái ố của họ.

Reyes muốn kích thích đám đông, muốn họ cũng là một phần của trận đấu, chứ không chỉ là người xem đơn thuần. Từng đường cơ của Reyes đều đậm đặc tính giải trí để không phụ lòng bất cứ ánh mắt dõi theo nào. Có thể nói, Reyes sống vì sự hưng phấn. Cái không khí này là thứ mà Reyes muốn tận hưởng, nên dù có cố cũng không thể ngăn được đam mê của mình.

Reyes vì khán giả, nên khán giả yêu mến ông. Không phải những tay cơ hàng đầu Philippines như Carlo Biado hay Johann Chua, hàng ngàn người hâm mộ tại Việt Nam chạy theo Reyes như minh tinh màn bạc. Cảnh tượng này có lẽ một người chỉ nghĩ đến chiến thắng sẽ không bao giờ được tận hưởng.

"Tôi đã luôn là một người thân thiện, không bao giờ muốn bỏ lỡ các cuộc vui, kể cả khi đối đầu với những tay cơ lạnh lùng nhất", Reyes tinh nghịch. 

"Nếu thi đấu quá nghiêm túc và không thể làm phấn khích khán giả, tôi sẽ không còn là Efren nữa. Tôi luôn muốn người xem được tận hưởng những màn đấu. Bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi làm được điều này".

"Thoải mái", đó có lẽ là thứ duy nhất Reyes mưu cầu khi tham dự SEA Games, cũng là lý do để ông theo nghiệp cầm cơ. Tất cả chỉ đơn giản là mang niềm vui từ quê nhà Philippines sang Việt Nam mà thôi.

Thể thao là một công việc

Giống với Reyes, Peter Gilchrist là vận động viên cao tuổi nhất của đoàn Singapore tham dự SEA Games 31. Nhưng, trái ngược với Reyes, người đàn ông sinh năm 1968 này cầm cơ để chiến thắng, lập kỷ lục và trên hết là hoàn thành xong công việc.

Gilchrist sinh ra ở Anh trong một gia đình có bố là lính cứu hỏa. Ngay từ bé, mọi hành động và tác phong của Gilchrist đều đã được bố rèn như một người lính thực thụ. Giống như việc chữa cháy, chỉ sai một bước là tai họa ập đến, bố của Gilchrist không muốn con trai mình phạm phải bất cứ sai lầm nào.

Thú vui duy nhất của hai bố con là ở bàn bi-a ngay trong nhà để xe của sở cứu hỏa. Chỗ đấy chỉ mở cho con trai của những thành viên trong sở đến chơi từ 9h sáng đến 11h30 trưa hai ngày cuối tuần.

Lúc đỉnh điểm, có tới 500 người tụ lại và nếu thua một ván thì coi như cả buổi chỉ đứng nhìn. Gilchrist không muốn thua bởi nếu bố thấy, cậu sẽ phải về làm việc nhà ngay lập tức. Vậy nên chỉ còn cách là chiến thắng, thắng thật nhiều để không bao giờ phải buông cơ xuống.

Thói quen đó đã theo chân cậu nhóc 12 tuổi tới khi thành vận động viên chinh chiến khắp cả nước ở nội dung Billiards Anh. Sự đặc biệt của Gilchrist không chỉ nằm ở tài năng thiên bẩm, giúp ông lập vô số kỷ lục và giành rất nhiều danh hiệu, mà còn ở tác phong lạnh lùng, quyết đoán và vô cùng gọn gàng.

Dự SEA Games
Peter Gilchrist vẫn miệt mài chinh phục con đường do chính mình đặt ra dù đã no nê danh hiệu ở mọi đấu trường cấp thế giới.

Gilchrist là một người "cuồng" công việc. Ông luyện tập chăm chỉ như một cái máy. Có cảm tưởng Gilchrist đang chơi như bù lại quãng thời gian ấu thơ bị kìm kẹp thời gian, với thói quen luôn phải ngửa mặt lên nhìn đồng hồ xem đã hết giờ chưa.

Với một người như Gilchrist, sẽ không bao giờ là đủ. Ông từng 4 lần vô địch thế giới ở nội dung Billiards Anh nhưng vẫn luôn mong ngóng lần thứ 5. Năm 2006, Gilchrist nhập quốc tịch Singapore và bắt đầu tham dự SEA Games từ năm 2009 tới nay. Không chỉ là chưa bỏ lỡ bất cứ đại hội nào, Gilchrist còn lập nên kỷ lục 6 lần liên tiếp giành huy chương vàng nội dung đơn nam.

Đương nhiên, Gilchrist đến Việt Nam để có lần thứ 7 bước lên bục cao nhất. Nhưng, bất ngờ đã xảy ra khi tay cơ 54 tuổi đã thất bại trước Pauk Sa của Myanmar ở trận chung kết. Đây là một thông tin gây sốc với truyền thông Singapore và bản thân Gilchrist. Nhưng, thay vì ngồi than thở, ông lại xách cơ lên luyện tập.

"Nếu 15 năm trước có ai đó nói rằng tôi sẽ giành được 6 huy chương vàng, 1 huy chương bạc ở SEA Games, tôi cũng sẽ tin", Gilchrist đầy tự tin. "Đây là một hành trình tuyệt vời nhưng hành trình nào dù có đẹp đến đâu cũng sẽ phải kết thúc. Chúng tôi vẫn còn nội dung đôi nam và đó sẽ là nơi chúng tôi mang về huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử Singapore".

Cùng với người đồng hành Yi Wei Puan, Gilchrist đã giữ đúng lời hứa của mình khi đánh bại cặp đôi Min Sithu Tun - Pauk Sa của Myanmar để lần đầu tiên lên ngôi ở nội dung đôi Billiards Anh.

Điều đặc biệt nằm ở phát biểu sau đó: "Tôi sẽ trở lại để giành chiếc huy chương vàng thứ 7 nội dung đơn ở Campuchia và biết đâu sẽ bắt đầu một chuỗi 6 vàng tiếp theo. Tôi không muốn người ta nhớ về tôi chỉ là một kẻ về nhì", Gilchrist đặt mục tiêu cho SEA Games 32 ngay khi còn chưa rời Việt Nam.

Rõ ràng, với người đàn ông này, chiến thắng là công việc mà bạn phải hoàn thành cho xong. SEA Games hay bất cứ giải đấu nào khác chỉ đơn thuần là một bài tập về nhà như bố giao hồi bé và sự thảnh thơi có lẽ chỉ tồn tại trông giấc ngủ mà thôi.

"Tôi còn trẻ lắm, mới 54 mà thôi. Nếu chỉ vì tuổi tác mà không đạt được mục tiêu, tôi đã không còn là mình nữa rồi. Cái đích trong thể thao hay cuộc sống đều là tìm giải pháp cho mọi vấn đề, chứ không phải bao biện nó bằng một lý do dễ cảm thông. Chúng ta có thể không giỏi bẩm sinh nhưng có đủ thời gian để tìm ra thứ mình giỏi khi luyện tập. So với việc bị gọi là kẻ thất bại, tôi ghét bị gọi là kẻ lười biếng hơn", Gilchrist tâm niệm.

Đơn Ca
.
.