Du ký xứ Triệu Voi

Thứ Hai, 16/12/2024, 15:01

Bình yên và thân thuộc, đấy là cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi những vòng bánh xe đầu tiên lăn trên đất Lào - đất nước Triệu Voi vào đầu mùa mưa năm 2024. Con người, đồng lúa, cảnh vật… đem lại cảm giác ấy.

Họa sĩ Đỗ Đức trầm trồ với những đường cong lô nhô trên nền trời của những dãy núi. Vợ chồng người Lào bán những bắp ngô nóng cho đạo diễn Phạm Lộc có gương mặt rất hiền. Nếu không có rào cản về ngôn ngữ, tưởng như mình đang ở một vùng quê thân thuộc nào đó ở Việt Nam…

1. Đường không được tốt nhưng đã khá hơn nhiều trước đây. Đất rộng, người thưa, khả năng kinh tế có hạn, không dễ gì bạn đầu tư cơ sở hạ tầng ở mọi vùng cùng một lúc. Rất may là cơn mưa đầu mùa chỉ làm khó chúng tôi ở một đoạn sạt lở, lầy và trơn trượt. Mọi việc rồi cũng ổn thỏa.

2 .jpg -0
Một góc thủ đô Vientiane nhìn từ đài Độc lập.

Chúng tôi qua cửa khẩu Cầu Treo nằm trên đỉnh đèo Keo Nưa, điểm cuối của Quốc lộ 8 trên đất Hương Sơn (Hà Tĩnh), thông thương sang cửa khẩu Nampgao thuộc Bolikhamxay, một tỉnh Trung Lào có vị trí chiến lược trong hành lang kinh tế Đông-Tây, kết nối giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với người Xiêm.

Con đường chúng tôi đi chạy qua khu đa dạng sinh thái quốc gia Nakai-Nam Theun. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên lớn thứ ba của Lào. Bolikhamxay có nhiều sông. Con sông lớn nhất là Nam Kading, nghĩa là "Nước chảy như chuông", đổ ra sông Mekong. Dãy núi dài nhất của tỉnh là Phou Louang, chạy về phía Tây Nam, dãy Phou Ao chạy về phía Đông Nam; dãy Thalabat chạy về  phía Tây Nam, dãy Pa Guang chạy về phía Đông Bắc. Ở huyện Khamkheuth, danh thắng kiến tạo đá vôi Karst, được cho là kiến tạo có quy mô lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Có rất nhiều đỉnh núi nhỏ hợp thành khu rừng đá.

Chúng tôi ngang qua sông Nam Kading trong một buổi trưa nắng đẹp. Tuy chưa nghe được tiếng "Nước chảy như chuông" nhưng được ngắm nhìn làng xóm bên sông hiền hòa, những bến nước thân thuộc bóng thuyền, bóng người. Khu Rừng Đá là một vẻ đẹp riêng của Bolikhamxay. Ở thị trấn Lak Sao, đá núi mọc liền nhau, như cây trong rừng, lô nhô hai bên đường. Chúng tôi có dịp dừng chân ở khu nghỉ dưỡng có tên gọi lấy cảm hứng từ đá: Rock View Point, ngắm quang cảnh đẹp ở đây. Màu xanh bình yên của cây rừng xen với những ngọn núi đá mang màu xám từ thuở nguyên sơ tạo nên một bức tranh thiên nhiên hấp dẫn. Nhiều du khách nước ngoài đến đây để thưởng thức vẻ đẹp này.

Du ký xứ Triệu voi -0
Rừng đá ở Bolikhamxay.

Paksan, tỉnh lỵ của Bolikhamxay, nằm trên Quốc lộ 13, sát biên giới  Thái Lan. Một thành phố yên tĩnh với những con phố nhỏ ven sông, những ngôi đền và chùa cổ. Paksan đang được mở mang, xây dựng để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch. Cây cầu lớn, nối Paksan với thị xã Meuang của Thái Lan sắp hoàn thành. Chúng tôi đã có một buổi chiều đi dạo ở Paksan, ngắm những dãy phố lên đèn, dùng bữa cơm đầu tiên trên đất Lào với những món ăn riêng của vùng đất này. Giá cả rất phải chăng. Bữa ăn ngon cho 4 người chỉ hơn 300.000 Kip. Chúng tôi nghỉ ở Khem Khong, một khách sạn nhỏ, đủ tiện nghi và sạch sẽ. Giá chỉ 200.000 Kip cho mỗi phòng đơn. Buổi sáng ở Paksan rất yên ả. Nhịp sống chậm là một đặc trưng của người Lào. Các hàng quán đều mở muộn.

2. Từ Paksan, chúng tôi ngược lên phía Bắc về phía Viêng Chăn để thăm Wat Phabath, ngôi chùa theo tiếng Lào có nghĩa là Dấu Chân Phật. Rằm tháng Giêng hằng năm là ngày lễ hội ở đây. Trong khuôn viên của chùa có những gốc cây cổ thụ rất lớn. Những pho tượng trong chùa được đắp bằng đất sét, tạc bằng đá hoặc từ gỗ quý. Đường về Viêng Chăn khá tốt. Đây là đường trục nối từ Bắc xuống Nam Lào.

Trở lại Viêng Chăn sau hơn 10 năm, tôi cảm nhận rõ rệt những đổi thay của thủ đô nước bạn. Thành phố rộng lớn hơn, nhịp điệu sống rộn ràng hơn, bên cạnh những nét văn hóa cổ truyền được lưu giữ là những màu sắc mới.

Du ký xứ Triệu voi -0
Đài kỷ niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào ở Xiengkhuang.

Đứng trên đỉnh của Khải Hoàn Môn Patuxay, tôi cảm nhận rõ hơn điều đó. Từ đỉnh của công trình nổi tiếng này nhìn về bốn hướng, người ra có thể thu vào tầm mắt một Viêng Chăn đang xây dựng và phát triển. Bên cạnh Thạt Luổng, các ngôi chùa cổ là những nhà cao tầng, những khu phố mới trải dài bên dòng Mekong, sông Mẹ hiền hòa từ bao đời làm nên nguồn cội sự sống cho thành phố này.

Khải hoàn môn, tiếng Lào là Patuxay, nơi chúng tôi thăm lại trong ngày đầu tiên đến Viêng Chăn. Một ngày bình thường, chúng tôi gặp rất đông du khách nước ngoài đến đây. Patuxay cao 55m, bốn mặt, bề ngang mỗi cạnh là 24 mét, có bảy tầng tháp và hai tầng phụ. Công trình được mô phỏng theo kiến trúc của Khải hoàn môn Paris tuy vẫn có những nét rất riêng biệt của kiến trúc Lào. Các cửa sổ bên cầu thang của tháp được thiết kế theo hình những bức tượng Phật. Bảy tầng tháp được nối với nhau bởi những cầu thang xoắn ốc. Mỗi tầng đều có những trưng bày về văn hóa, đất nước Lào, về quá trình xây dựng tháp. Khải hoàn môn Patuxay được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Lào.

Du ký xứ Triệu voi -0
Hang Pak Ou ở Luang Prabang.

Chúng tôi đến thăm Thạt Luổng ở trung tâm thủ đô, một biểu tượng quốc gia của Lào, gắn với quá trình rời đô từ Luang Prabang về Viêng Chăn vào năm 1563.

Năm 1566, Thạt Luổng được xây dựng trên nền một ngôi chùa cũ.  Thạt Luổng và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào, cao 45m. Bên tháp là khu chùa với bức tượng Phật nằm nổi tiếng. Lễ hội Thạt Luổng tổ chức vào tháng 11 hằng năm với những lễ tắm Phật, lễ dâng cơm, lễ cầu phúc rất trang trọng.

Chúng tôi đã đến thăm ga xe lửa tuyến Viêng Chăn - Côn Minh, một công trình hiện đại, đưa vào hoạt động chưa lâu. Tuyến đường sắt này góp phần đáng kể tăng khối lượng, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm giá dịch vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế, giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch giữa thủ đô Viêng Chăn với các vùng khác của Lào và với các tỉnh của Trung Quốc.

3. Chúng tôi rời Viêng Chăn đi Luang Prabang theo Quốc lộ 13, cung đường dài trên 230 km và có nhiều đoạn khó đi.

Đoạn từ Viêng Chăn đi Văng Viêng, khoảng 100 km khá ổn vì đã có đường cao tốc. Tôi nhớ lần đầu đến Văng Viêng với các đồng nghiệp ở Thông tấn xã Lào KPL hơn 10 năm trước. Một khu du lịch sinh thái giữa núi rừng. Nhiều hoạt động thể thao, vui chơi mang bản sắc Lào. Khách du lịch quốc tế rất đông. Họ leo núi, bơi xuôi sông Văng Viêng, đu cáp treo qua suối hay cắm lửa trại trong rừng. Các bạn Lào đã phát triển được một khu du lịch phù hợp với các tiềm năng ở đây. Lần này trở lại, tôi cảm nhận được nhiều thay đổi đang diễn ra.

Luang Prabang, kinh đô cũ của Lào có một vẻ đẹp hoài cổ. Nơi này từng là thủ đô suốt khoảng thời gian từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI. Bên cạnh những ngôi chùa cổ mang nét truyền thống của Lào là những căn nhà gỗ hai tầng kiến trúc theo kiểu Pháp với lan can ở phía trước, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng. Thời gian đã lưu dấu ở kinh thành này, qua những biến đổi, thăng trầm của lịch sử. Năm 1995, Luang Prabang được UNESCO xếp hạng là Di sản Thế giới về kiến trúc, tôn giáo và văn hóa. Có người nói, Luang Prabang có vẻ đẹp xen lẫn giữa Đà Lạt và Hội An.

Luang Prabang nằm trên một bán đảo giữa sông Mekong và sông Nam Khan, địa hình chủ yếu là đồi núi, có ranh giới tiếp giáp với hai tỉnh của Điện Biên, Sơn La của Việt Nam. Thành phố có cảng hàng không quốc tế, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch; là địa điểm trung chuyển, kết nối giao thông quan trọng với thủ đô Viêng Chăn, đi Thái Lan, Trung Quốc và các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Nhiều hãng hàng không có đường bay đến đây.

Động Pak Ou là một đi tích nổi tiếng ở Luang Prabang, nơi có khoảng 4.000  bức tượng Phật cổ. Chuyện kể rằng, 300 năm trước người dân Lào ban đêm chèo thuyền ngược sông đến hang để cất giấu tượng Phật khi kinh đô Luang Prabang bị giặc ngoại xâm. Ông già người Lào có nụ cười rất chất phác, chở chúng tôi bằng thuyền máy qua sông Nam Khan. Hàng ngàn bức tượng Phật trên những vách hang, với đủ các kích cỡ, kiểu dáng, tạo một không gian rất uy nghiêm, thành kính. Từ Pak Ou, trên đường trở về Luang Prabang, chúng tôi ghé thăm các làng thủ công bên sông với nghề dệt, nấu rượu và trang trại nuôi voi, những địa chỉ du lịch rất hấp dẫn.

Đồi Phousi là một địa điểm nổi tiếng ở Luang Prabang. Chúng tôi đã theo dòng người hành hương qua 338 bậc thang lên ngôi chùa thiêng tọa lạc trên đỉnh đồi. Đây cũng là nơi chúng tôi có thể bao quát toàn cảnh Luang Prabang về bốn phía, ngắm  cố đô khi hoàng hôn xuống.

Những ngày ở Luang Prabang, chúng tôi cũng đã có những buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt. Bà Kiều Thị Hằng Phúc, Tổng lãnh sự và các cán bộ Lãnh sự quán Việt Nam ở Luang Prabang, các bạn trẻ của phòng đại diện thương mại tỉnh Điện Biên tại đây; họa sĩ Vũ Thanh Hải, một người Hà Nội rất thành công ở Luang Prabang… Những cuộc gặp giúp chúng tôi hiểu thêm đời sống cộng đồng người Việt và quan hệ Việt - Lào ở vùng Đông Bắc này.

4. Hành trình về Xiengkhuang vượt đèo cao vách dựng. Lượng xe chạy tuyến này khá nhiều. Nhiều xe tải trọng 30-40 tấn. Xe chở quặng, chở gỗ, nông sản ngược lên phía Bắc, xe chở hàng hóa, thiết bị, máy móc xuôi phía Nam. Với lưu lượng xe như vậy, đường xuống cấp là điều dễ hiểu. Nhiều chỗ cua đường tắc, xe chúng tôi phải nép vào sát vách núi để nhường các xe tải.

Chúng tôi kịp đến thị xã Phonxavan, tỉnh lỵ Xiengkhuang vào buổi chiều và đi thăm ngay Cánh Đồng Chum. Trời còn nắng đẹp. Thật may vì nếu đợi đến sáng hôm sau, vùng núi thường có sương mù, phải gần trưa trời mới nắng. Đây là địa chỉ nổi tiếng ở Xiengkhuang. Trong nắng chiều, những chiếc chum cổ mang thông điệp huyền bí từ thời tiền sử, nằm rải rác trên những triền đồi rộng, giữa những bãi cỏ xanh và rừng cây. Địa điểm tham quan này gần thị xã Phonxavan. Hầu hết khách du lịch đều đến đây.

Du ký xứ Triệu voi -0
Ga xe lửa mới đưa vào hoạt động ở Vientiane.

Cánh Đồng Chum là một khu vực rộng gồm hàng ngàn chum đá, nằm thành từng cụm dọc thung lũng và vùng đồng bằng thuộc cao nguyên Xiengkhuang. Theo các tài liệu khảo cổ, hơn 90 địa điểm có chum được phát hiện tại vùng này. Các chum có chiều cao khác nhau, đường kính từ 1 đến 3 mét, tất cả đều được chế tác từ đá. Chum có hình trụ, đáy lớn hơn miệng. Người ta cho rằng các chum ban đầu đều có nắp đậy, mặc dù hiện tại rất ít chum còn nắp. Một số nắp chum được chạm khắc hình các loài động vật.

Từ cuối những năm 1930, nhà khảo cổ Madeleine Colani (1866-1943), làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ, người rất nổi tiếng với các phát hiện khảo cổ ở Việt Nam, đã cho rằng những chiếc chum này liên quan đến hoạt động chôn cất thời tiền sử. Các nhà khảo cổ sau đó xác định rằng những chiếc chum  ở đây có niên đại 1.500 - 2.000 năm và coi Cánh Đồng Chum là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Trong chiến tranh, người Mỹ đã nhiều lần rải bom  ở khu vực này. Đến bây giờ, một số nơi vẫn không an toàn vì còn sót lại bom chưa nổ. Buổi chiều ấy ở Cánh Đồng Chum, tôi theo dõi và ghi hình các em bé chạy chơi bên những chiếc chum cổ. Sự sống lưu truyền qua các thế hệ vẫn luôn tiếp diễn, từ xa xưa đến hôm nay và mai sau.

Từ Cánh Đồng Chum trở về, chúng tôi đến thăm đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Việt -Lào. Hình ảnh hai người chiến sĩ Việt Nam và Lào sát cánh bên nhau, vũ khí trong tay, sẵn sàng xông lên phía trước. Đài tưởng niệm được dựng ở đất Xiengkhuang, mảnh đất đã chứng kiến nhiều trận đánh lớn của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng các bạn Lào, lập nên những chiến công vang dội trong cuộc chiến đấu chung vì độc lập tự do.

Chúng tôi đã thắp hương tại đài tưởng niệm và dành thời gian thăm Phonsavan, một thị xã với những vẻ đẹp riêng trên vùng đất lịch sử. Phonsavan có Craters Restaurant, chủ nhân là một người Việt, được trang hoàng bằng những vỏ bom và có cả một bộ sưu tập những loại vũ khí, bom mìn các loại từng hủy diệt sự sống trên mảnh đất này. Rất nhiều khách du lịch phương Tây khi đến Xiengkhuang đều tìm đến quán Craters.

5. Từ Xiengkhuang về Sầm Nưa đường tốt hơn dù vẫn nhiều đèo dốc. Cảnh đẹp, mây giăng trên những rặng núi xanh mờ. Làng bản nép bên sông suối. Một buổi sáng yên ả thanh bình. Khi dừng chân ở thị trấn Namneu bên đường, tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ. Hai người phụ nữ Lào, gương mặt phúc hậu, vui vẻ mời chúng tôi ngồi uống nước. Dù không nói được tiếng Việt nhưng hai bà tỏ ra rất vui khi biết chúng tôi là khách từ Việt Nam sang. Khi  gặp các bà, tôi lại nghĩ đến bài hát "Cô gái Sầm Nưa" của nhạc sĩ Trần Tiến. Trong những năm tháng chiến tranh, chắc các bà cũng bằng tuổi cô gái trong bài hát ấy. Trong ký ức họ, hẳn còn lưu giữ hình ảnh về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trên vùng đất căn cứ cách mạng này.

Thị xã Sầm Nưa nằm trong một thung lũng nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống, quảng trường, vườn hoa, công sở, nhà cửa chạy dọc theo những con phố nhỏ. Chúng tôi thăm đường phố. Một đài kỷ niệm mang biểu tượng hình tháp trên quảng trường chính, nơi có trụ sở  chính quyền tỉnh Hủa Phăn. Khu thương mại khá tấp nập. Một số khách sạn mới được xây dựng. Vườn hoa trung tâm có những cột đá cao sát bên nhau và những bức tượng đẹp. Những em bé đang chạy chơi trong công viên, bên cạnh khách tham quan và người đứng tuổi thong thả tản bộ.

Từ Sầm Nưa đến Viengxay, thủ đô kháng chiến của Lào, chỉ khoảng 30km. Viengxay, tiếng Lào nghĩa là thắng lợi, là căn cứ của cách mạng Lào từ năm 1964 đến 1975. Hàng ngàn người đã sống trong các hang động nối liền với nhau trong lòng núi những năm chiến tranh. Đây là nơi sống và làm việc của các nhà lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ kháng chiến Lào, các cơ quan trong bộ máy lãnh đạo của bạn suốt những năm chiến tranh. Có các hầm làm nơi hội họp, học tập, bệnh viện, trường học… Tất cả đều ẩn sâu trong lòng núi.

Cuộc sống của người dân Viengxay ngày nay đã có nhiều thay đổi. Nhiều công trình mới mọc lên trên mảnh đất chiến khu xưa. Điểm thu hút nhất ở đây vẫn là những di tích của một thời kháng chiến. Tất cả vẫn còn lưu giữ trong ký ức người dân ở đây. Chúng tôi đã thăm nhà trưng bày trung tâm liền bên khu các nhà cách mạng tiền bối đã ở; thăm hang núi nơi Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Xuphanuvong và nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của Lào đã sống và chỉ huy cuộc kháng chiến. Nơi ăn ở, làm việc, hội họp  của các nhà lãnh đạo Lào đều rất đơn giản trong điều kiện kham khổ của chiến tranh. Phòng họp của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chỉ có một chiếc bàn dài, bảy chiếc ghế; chỗ nghỉ cũng là bảy chiếc giường cá nhân rất đơn sơ… Một tấm bia gắn ở vách đá cho biết tất cả các căn hầm ở  đây đều do lực lượng công binh Việt Nam trực tiếp xây dựng.

Phu Khe (nghĩa là rừng quế), căn cứ của các cơ quan tuyên huấn, báo chí Lào ở cách không xa khu của cơ quan lãnh đạo. Thông tấn xã Pathet Lào cũng đóng ở Phu Khe. Đây là nơi nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam đã sống và làm nhiệm vụ giúp bạn.

Trong cuốn sách "Thông tấn xã Việt Nam và KPL - Trưởng thành cùng năm tháng" do hai cơ quan thông tấn cùng biên soạn, có nhiều trang hồi ức của các cán bộ, phóng viên Việt Nam và Lào. Ký ức vẫn sống cùng hôm nay. Chị Đào Hương, một doanh nhân người Việt thành danh đang ở Pakse cho đến nay vẫn nhắc với mọi người chuyện nhà báo Đặng Kiên, nguyên Trưởng ban Tin đối ngoại TTXVN, khi thường trú ở Lào đã hết lòng giúp chị và bà con Việt kiều ở đây kết nối với các cơ quan và địa phương trong nước ngay sau năm 1975, để từ đó chị có thể trở về Tổ quốc, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm ăn và thành công cho đến hôm nay. Chị Đào Hương cho biết, khi nhà báo Đặng Kiên còn sống, chị và một người bạn đã đến Hà Nội để thăm và bày tỏ lòng biết ơn với ông.

Tại Viengxay, chúng tôi có cuộc gặp với doanh nhân Lê Hưng, Chủ tịch Hội người Việt ở Hủa Phăn. Ông quê Thanh Hóa, là một quân nhân chuyển ngành, sang Hủa Phăn đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Lê Hưng cho chúng tôi biết về đời sống của cộng đồng người Việt và tình hình hợp tác với các bạn Lào của các doanh nghiệp Việt Nam. Đấy là sự hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đặc biệt Việt - Lào, có nhiều thành tựu và còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Chúng tôi có một bữa cơm thân tình với vợ chồng doanh nhân Lê Hưng ở ngay trung tâm Viengxay, không xa khu căn cứ cách mạng lịch sử làm nên tên tuổi của vùng đất này.

Chúng tôi chia tay các bạn ở Viengxay về Việt Nam qua cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) với lời hẹn trở lại một ngày không xa. Kết thúc một chuyến đi nhiều trải nghiệm và những ấn tượng không quên về con người và đất nước Lào anh em.

Trần Mai Hưởng
.
.