Dòng họ có 7 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Tôi là một thành viên trong dòng họ Nguyễn Đức (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), có 7 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng thực ra trong họ còn rất nhiều người giỏi văn chương mà chưa vào Hội. Trong bài báo này xin giới thiệu về họ...
Những tiền nhân danh tiếng
Thế hệ trước của 7 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có rất nhiều cụ nổi tiếng về văn chương, thậm chí có tên trong lịch sử. Cụ Nguyễn Đức Đồng hay chữ đỗ tú tài, cụ Nguyễn Đức Đôn đỗ cử nhân, làm Đốc giáo Hưng Nguyên… Đặc biệt có cụ Nguyễn Đức Công (ông nội nhà thơ Anh Ngọc), đỗ đầu Xứ, thường gọi là Đầu Xứ Công. Cụ không làm quan, sớm có tư tưởng cách mạng nên tham gia phong trào Đông Du, xuất dương sang Nhật cùng Phan Bội Châu và mang bí danh là Hoàng Trọng Mậu.
Năm 1912, cụ Nguyễn Đức Công tham gia sáng lập Việt Nam Quang Phục Hội, giữ chức Bí thư và ủy viên phụ trách quân sự. Cụ cùng Phan Bội Châu thảo “Việt Nam Quang Phục Quân Phương Lược”. Năm 1915, cụ chỉ huy cánh quân tấn công Pháp ở đồn Tà Lùng (Cao Bằng), nhưng không thành. Cụ bị Pháp bắt và xử tử hình năm 1916. Cụ để lại nhiều thơ văn, nổi tiếng là bài “Cảm Tác”, thời gian bị giam ở Hỏa Lò và câu đối “Tuyệt mệnh” trước khi bị xử bắn:
“Ái Quốc Hà Cô! Duy hữu tinh thần lưu bất tử
Xuất sư vị tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh”
Dịch nghĩa:
“Yêu nước tội gì, chỉ có tinh thần là sống mãi
Ra quân chưa thắng, xin đem tâm sự gửi thế hệ sau”
Hiện nay, tại Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đều có đường mang tên Nguyễn Đức Công.
7 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Nhóm 7 người gồm: nhà văn Hoài Thanh; nhà văn Hoài Chân- nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa; nhà thơ Thúy Bắc; nhà văn Từ Sơn (con trai cụ Hoài Thanh)- nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; dịch giả Phan Hồng Giang (con trai cụ Hoài Thanh), nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; nhà phê bình lý luận Nguyễn Đức Đàn, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật; nhà thơ Anh Ngọc. Trong đó tiên chỉ là cụ Hoài Thanh, người nổi tiếng với tác phẩm “Thi nhân Việt Nam”.
Về tác phẩm này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói vui: “Đó là trời viết chứ không phải người viết”. Nhà thơ Huy Cận nói rằng: “Thường người ta chỉ bàn về thơ ca khi tác phẩm đã lùi về dĩ vãng, nhưng “Thi nhân Việt Nam” thì bàn về thơ đương đại, cùng song hành với Thơ mới”. “Thi nhân Việt Nam” là một trong những tác phẩm được in nhiều lần từ khi ra đời đến hôm này. Một cán bộ Viện Văn học công tác cùng ông Hoài Thanh khi ở Viện Văn học kể: ông Hoài Thanh viết văn thế nào thì nói chuyện giống vậy rất tuyệt vời.
Nhà thơ Thúy Bắc với bài thơ “Sợi nhớ sợi thương” được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc là một trong những tác phẩm hay nhất của thời kì kháng chiến. Phan Hồng Giang là dịch giả lớn về văn học Nga. Nhà thơ Anh Ngọc có nhiều bài thơ hay như: “Cây xấu hổ đường 9”, “Vị tướng già” viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Trong họ, ông Hoài Thanh là vai chú và Anh Ngọc là vai cháu. Có một chuyện nhỏ thú vị là năm 1972, khi nhà thơ Anh Ngọc lên nhận giải Nhì với chùm thơ về Quảng Trị thì người trao là ông Hoài Thanh. Chú Hoài Thanh tủm tỉm cười nói vui: “Lâu lắm rồi chú cháu mình không gặp nhau”. Sau này ông thường nói với mọi người trong họ: “Xuân Diệu khen thơ thằng Ngọc lắm”.
Rồi có trường hợp “đụng hàng” như khi ông Nguyễn Đức Đàn là Hiệu trưởng trường Viết văn Nguyễn Du (giai đoạn đầu ở Quảng Bá) thì Trưởng phòng là nhà thơ Thúy Bắc. Trong họ, ông Đàn phải gọi bà Thúy Bắc là cô… Rồi còn những chuyện ngẫu nhiên thú vị như ngày 1/5/1975, nhà thơ Anh Ngọc, phóng viên báo Quân đội nhân dân, đi theo cánh quân chiến thắng vào dinh Độc Lập thì gặp ngay người em con ông chú ruột là Nguyễn Đức Giáp, khi đó là phóng viên của Thông tấn xã Giải Phóng cũng vào đây từ địa đạo Củ Chi, trụ sở của Thông tấn xã Giải Phóng. Ông Giáp đi B từ năm 1964 nên rất vui được biết tin gia đình ra sao qua Anh Ngọc. Sau này ông Giáp về hưu ở cương vị Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm còn nhiều người giỏi văn chương xin giới thiệu dưới đây.
Bên ngoại có ông Nguyễn Huy Nhu là cháu ngoại họ Nguyễn Đức. Ông đỗ tiến sĩ năm 27 tuổi và có tên bia trong văn miếu Huế. Ông có 2 người con là nhà văn Huy Phương và con gái là bà Thanh Hương, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, vợ nhà văn Vũ Tú Nam. Một người con rể khác là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú, công tác tại khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông chuyên về văn học trung đại Việt Nam, có nhiều công trình đồ sộ về Nho giáo, Phật giáo… Một người con dâu khác là nữ nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát, vợ của dịch giả Phan Hồng Giang.
Và những người giỏi văn chương không phải hội viên Hội Nhà văn
Cụ Nguyễn Đức Vân, thân sinh giáo sư Nguyễn Đức Đàn và nhà thơ Anh Ngọc, là nhà Hán học uyên bác. Cụ từ bé do nhà nghèo, bố tham gia Cách mạng bị xử bắn, và để dành tiền cho các em ăn học nên cụ tự học những khi chăn trâu đứng nghe lỏm ngoài lớp học. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ làm Chủ tịch Việt Minh đầu tiên xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 1960, cụ Vân chuyển ra công tác tại Viện Văn học.
Tác phẩm dịch của cụ gồm: “Hồng Lâu Mộng” (Trưởng nhóm biên dịch), “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”, “Thơ Văn Lý Trần” (cùng nhóm), “Tùy Viên Thi Thoại”, “Thơ Văn Nguyễn Xuân Ôn”...
Một đại thụ của họ là cụ Nguyễn Đức Bính, em ruột của cụ Vân. Cụ đậu Thành Chung và được nhà thơ Nguyễn Vỹ nhận xét là một trong 4 người Việt viết văn bằng tiếng Pháp hay nhất. Nguyễn Đức Bính ra Hà Nội làm báo và chơi thân với nhà văn Ngô Tất Tố. Rồi ông bị Pháp trục xuất khỏi Hà Nội vì những bài báo có tư tưởng tiến bộ. Rời Hà Nội, Nguyễn Đức Bính về Vinh làm chủ bút 2 tờ báo: Thanh Nghệ Tĩnh tân văn và báo tiếng Pháp Le Canarđechaine (Vịt sổ lồng) kiêm hiệu trưởng trường tư thục Lễ Văn. Hai thầy giáo trẻ nhất lúc đó của trường là nhà văn Nguyễn Triệu Luật và nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ông có những tác phẩm nổi tiếng như: “Người Cổ Nguyệt Chuyện Xuân Hương”, “Trường ca Hà Nội”, “Ngô Tất Tố như tôi đã biết”…
Có lần tôi đến thăm người con trai nhà văn Ngô Tất Tố lấy tài liệu cho bài viết nhân dịp kỉ niệm chẵn năm ngày sinh cụ Tố, khi tôi nói là cháu cụ Nguyễn Đức Bính (ông Bính là em ruột ông nội tôi) thì anh ta tỏ ra rất xúc động, nói bài viết của cụ Bính là hay nhất trong các bài về ông Tố. Sinh thời ông Hoài Thanh từng nói: “Anh Bính tài hơn tôi”.
Một người tài năng và sớm nổi tiếng nữa là giáo sư Nguyễn Đức Nam. Ông là chuyên gia số 1 về văn học Anh- Mỹ, giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1963, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về Shakespeare ở Liên Xô, tham gia biên soạn nhiều nhiều giáo trình về văn học phương Tây. Ông làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục cho đến khi mất.
Nguyễn Đức Nhật (bút danh là Nguyễn Chí Tình) cũng là cây bút tài năng. Ông là con thứ 2 của cụ Bính, sau khi đi thanh niên xung phong, ông về làm phóng viên Báo Tiền Phong. Trải qua nhiều cơ quan văn hóa, sau cùng làm Thư kí tòa soạn Tạp chí Thông tin khoa học xã hội. Ông đã xuất bản hàng chục đầu sách các thể loại thơ, văn, nghiên cứu văn hóa, bút kí …Ông không học đại học nhưng tự học và giỏi các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga …sau này khi đã ở tuổi 80 ông học thêm tiếng Tây Ban Nha.
Hiện tại hậu duệ đời thứ 8 có những người vẫn theo nghiệp văn chương nghệ thuật là: NSƯT Vũ Huy (Điện ảnh); Đạo diễn phim truyện, NSƯT Nguyễn Đức Việt (con ông Nguyễn Đức Nam) và nhà báo Nguyễn Thiên Việt (con ông Nguyễn Đức Đàn).