Đồi thông hương Huế
Gần đây, người ta bàn luận về việc thiết kế một quần thể du lịch văn hóa nằm trong đồi Vọng Cảnh nổi tiếng bấy lâu nay. Đây là địa chỉ bao quát không gian rộng lớn của kinh đô Huế và toàn bộ khu vực du lịch tâm linh phía Tây Bắc thành phố.
Vọng Cảnh nằm trong khu vực gãy khúc của dãy núi Trường Sơn kéo xuống phía đông làm đổi hướng của dòng sông Hương thêm quanh co ngoạn mục. Thật đúng là: “Nước non xứ Huế mộng mơ/ Sông ra biển lớn cơ đồ ngàn năm”.
1. Đồi thông Vọng Cảnh (thuộc phường Thủy Biều -TP Huế) là một điểm nhấn trên sông Hương với những khúc rẽ bất thường của dòng nước trong xanh. Chúng tôi vượt qua những cung đường quanh co phía Tây Nam thành phố để hướng lên ngọn đổi thi nhân này. Nhiều đời vua đều lên ngự đồi Vọng Cảnh để nhìn lại những sự biến trong cuộc đời và đề thơ vịnh cảnh.
Bất ngờ cung đường mờ sương sáng bừng lên phía trước khi chúng tôi gần tới làng làm hương Thủy Xuân. Đây là ngôi làng xinh đẹp nằm rải theo cung đường sông nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh (cách TP Huế chừng 7 cây số). Mọi người chợt dừng xe vì phía trước một con phố hiện ra bên đường Huyền Trân với những mặt hàng hương thơm. Đó là ngã ba trầm của làng hương tạo không gian nhộn nhịp luôn giữ chân những người đi qua.
Huế là xứ chùa đền hàng trăm năm qua. Nguồn trầm hương đều từ làng Thủy Xuân đưa tới khắp nơi. Nhiều khi thợ làm hương không kịp giao hàng vào những ngày lễ hội hoặc những kỳ Festival tại kinh thành Huế. Vì vậy phố hương lúc nào cũng thơm ngát lan tỏa khắp các cung đường và được coi là trung tâm trầm hương xứ Huế.
Thủy Biều là khu đất rộng nằm ở hạ lưu của dòng sông trên đại ngàn chảy xiết trước khi xuôi dòng vào thành phố. Dưới chân đồi Vọng Cảnh, sông Hương tạo nên hai khúc cong lồi và lõm bám quanh dãy đồi cao dần (từ 10 mét tới 60 mét) kéo dài chừng mươi cây số. Nơi đây như một đập thủy nông hãm dòng nước dốc xiết trở nên hiền hòa trước khi chảy tới bến Kim Long (gần chùa Thiên Mụ). Từ đây dòng sông Hương phẳng lặng khi qua thành phố và xuôi về cửa biển Thuận An. Vậy cảnh quan sông Hương quanh co uốn lượn nhất lại nằm ở cửa sông trên đất xã Thủy Biều. Dòng phù sa nơi đây đã làm nên cốt cách của hương thơm Thủy Xuân hơn 700 năm qua.
Chúng tôi vào mấy lò hương trầm bên vệ đường với sự tò mò không ngờ. Những đoàn xe chợt đi qua cũng dừng lại để cho các bạn trẻ xuống phố chụp ảnh. Họ náo nức với những cửa hàng rực rỡ sắc màu hương tạo nên một vườn hoa hương xòe cánh thơm. Những người thợ mải miết pha trộn hương liệu và hướng dẫn du khách cách xe hương que. Mùi thảo dược dậy thơm làm ai nấy hít hà thích thú. Mọi người cho biết đó là hương quế, hồi, ưởi, Đinh Hương cùng thảo quả…được chiết xuất thành tinh dầu tạo nên mùi đặc sản của hương Thủy Xuân.
Cô hướng dẫn viên nói đó chính là biểu cảm của ánh xạ ngũ hành trong kinh dịch. Phải chăng đó cũng là tính cách phật pháp của người dân Huế qua làn hương? Cảm xúc bất ngờ làm tôi nhớ tới Nguyễn Bính với những câu thơ khi viết về Huế tại đây rằng: “Hôm nay là xuân mai còn xuân/ Xuân đã sang đò nhớ cố nhân/ Người ở bên kia sông cách trở/ Có về Chiêm quốc như Huyền Trân” (Nhạc xuân).
2. Đứng trên đồi Vọng Cảnh có thể ngắm về thành phố Huế cùng âm thanh du dương của rừng thông. Phía trước mặt là dòng sông Hương dịu dàng trong xanh với những đoàn thuyền đi lại. Đồi Vọng Cảnh rộng chừng 219 ha nằm trong dãy đồi chạy thấp dần được coi là phần đứt đoạn của dãy núi từ trên thượng ngàn xuôi về thành phố Huế. Phía trước, mọi người còn nhìn thấy điểm du lịch Hòn Chén, tháp chùa Thiên Mụ và làng Văn hóa Sinh thái về nguồn bên kia sông Hương. Đã từ lâu đồi Vọng Cảnh được coi là “Đôi mắt thần của cố đô” là vì thế.
Điện Hòn Chén (thuộc núi Ngọc Trản) đối diện với đồi Vọng Cảnh là một dấu ấn văn hóa Chăm còn sót tại Huế. Đây là công trình thế giới tâm linh được lưu giữ từ ngàn năm trước với kiến trúc lạ mắt trên núi cao. Câu ca dao xưa cũng đã từng ghi dấu: “Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn/ Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long/ Sương sa, gió thổi lạnh lùng/ Sóng xao trăng lặn, chạnh lòng nhớ thương”. Đó là hồn vía Huế được hiển hiện qua khúc sông lượn giữa đồi Vọng Cảnh và dãy núi Ngọc Trản.
Còn hơn thế nữa, trên dãy núi Ngọc Trản có tới mươi công trình tâm linh chùa tháp được tu bổ và xây dựng từ thời vua Gia Long (1802-1829). Cụm kiến trúc Phật giáo được bố trí chung quanh điện Hòn Chén thờ nữ thần mẹ xứ sở Chăm (Ponagar). Sau này, với sự hòa đồng với người Việt, điện Hòn Chén cùng thờ thần Thiên Ya Na và mẫu Liễu Hạnh. Điện Hòn Chén được mở rộng và tôn cao vào thời Vua Minh Mạng (1820-1840). Bởi lẽ nơi đây còn thờ Phật và thánh Quan Công cùng 100 đồ đệ Phật nữa.
Quy mô tâm linh trên núi Ngọc Trản được coi lớn nhất kinh thành Huế từ đó tới nay. Thậm chí lễ hội chính ở Hòn Chén đã được quy định thành Quốc lễ thời Nguyễn. Vua Đồng Khánh (1885-1888) đã theo hầu thánh mẫu ở Hòn Chén vào ngày rằm hàng tháng cho tới khi mất ở tuổi 25. Hiện vẫn còn một số kỷ vật của vua Đồng Khánh được lưu giữ tại điện Hòn Chén.
Điều lý thú của thiên tạo làm nên kiến trúc kỳ dị của điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản cũng tạo cho không gian tâm linh đây thêm thần bí. Núi Ngọc Trản chính là phần đuôi của dãy Trường Sơn bị dòng nước sông Hương chảy xiết xẻ ra mà thành. Cả triệu năm trước dòng thác nước dữ dội đổ xuống tạo nên đồ lồi lõm bào mòn những dãy núi chảy qua thành phố ra biển. Sự biến động địa chất đó đã khoét lõm đỉnh núi một hố trũng sâu rộng vài mét vuông. Hình hố sâu đó tựa một chiếc chén trời quanh năm đầy nước mưa trong vắt. Do vậy núi Ngọc Trản được đặt tên với nghĩa núi Chén Ngọc.
Sự đứt gãy của dãy núi Trường Sơn còn tạo dựng cảnh quan động Bàu Hồ (dãy núi đất) dài chừng 1.000 mét, thấp dần về phía thành phố Huế (gần với khu vực ga Huế hiện nay). Một tam giác sơn kỳ thủy tú hiện ra giữa ba đỉnh Hòn Chén -Vọng Cảnh - Bàu Hồ, tạo nên không gian mỹ lệ nhất của kinh thành Huế. Bốn mùa mây treo giăng đỉnh núi và bốn mùa cây cỏ xanh tươi. Hàng trăm năm trước trong dân gian đã ngợi ca: “Bốn bề núi phủ mây phong/ Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Sau này thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã từng đắm đuối trong cảnh trí: “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay” (Đây thôn Vĩ Dạ)
Muốn đi những lăng tẩm đền đài chính phía Tây Nam thành phố Huế đều phải đi qua ngã ba làng hương Thủy Xuân. Đường lên dốc đồi Vọng Cảnh không bao xa nên du khách thường dừng chân ngắm vườn tượng hay những cánh đồng hoa. Xưa nay tao nhân mặc khách thường lên đồi ngắm về thành phố với bao ký ức tươi xanh trong những tháng năm sống trên đất cố đô này. Những nhà thơ hay danh nho nổi tiếng đều đã từng lên đây họa thơ vì cảnh sắc hữu tình bên dòng sông Hương. Nhiều người là học trò Quốc học Huế gắn bó với những đồi thông và đảo hoang trên dòng sông Hương như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Khoa Điềm và Hoàng Phủ Ngọc Tường…
Còn những thi nhân như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Phùng Quán đều nặng tình với giai nhân Huế. Họ đã để lại những thi phẩm tuyệt bích nơi kinh thành cổ xưa. Có người đã ví dòng sông Hương tựa hình cây đàn tỳ bà thanh thoát thì đồi Vọng Cảnh lại là chùm khóa dây đàn cùng những phím tơ réo rắt. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết nhiều về quê hương mình nơi đây. Ông đã sẻ chia tâm tình: “Hương Giang ơi, dòng sông êm/ Quả tim ta vẫn ngày đêm tự tình/ Vẫn là duyên đó quê anh/ Gió, mưa tan, lại trong lành mặt gương” (Bút tích của Tố Hữu trong tập “Bài thơ thôn Vĩ Dạ”-NXB Sông Hương - 1987).