Độc đáo du lịch cộng đồng ở Ia Mơ Nông
Từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, Gia Lai bước vào mùa đẹp nhất với những con đường trải đầy sắc vàng hoa dã quỳ hoặc được bao phủ bởi màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa cà phê. Phố núi Tây Nguyên hiện lên quyến rũ đến lạ thường, nhất là khi các hoạt động văn hóa truyền thống được hòa quyện và phát triển cùng các tour du lịch cộng đồng đặc sắc, mang những nét rất riêng không nơi nào có được.
Cách thành phố Pleiku chừng 30km, làng Kép ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah đang trong giai đoạn phát triển mạnh về du lịch cộng đồng, được nhiều du khách nước ngoài tìm đến để trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân tộc Jrai như: lễ hội cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan mây tre, làm rượu ghè, hóa trang thành ma bùn...
Điểm nổi bật của làng Kép so với nhiều ngôi làng người Jrai khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai là sự chỉn chu, khuôn phép, quy hoạch khang trang nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, duy trì hơn 95% nhà sàn làm nơi sinh hoạt của người dân bản địa. Từ tháng 4/2023, làng Kép chính thức hoạt động theo mô hình làng du lịch cộng đồng và chỉ trong gần hai năm đã thu hút gần 10.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Đón chúng tôi tại nhà sàn trung tâm của làng, nơi diễn ra các hoạt động trải nghiệm dệt thổ cẩm dành cho du khách, chị H’Uyên Niê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông cho biết, xã Ia Mơ Nông có hơn 80% dân số là người Jrai. Nghề dệt thổ cẩm được đồng bào Jrai lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi tấm vải thổ cẩm được phụ nữ Jrai dệt nên thực sự là một tác phẩm nghệ thuật công phu gửi gắm nhiều tâm huyết, cũng như thể hiện sự tài hoa của từng nghệ nhân. Tự hào về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chị H’Uyên Niê đã quyết tâm cùng chính quyền địa phương và các chị em người Jrai trong làng thành lập tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng.
“Khi mới thành lập tổ đan lát, dệt thổ cẩm, chúng tôi chỉ có 15 thành viên. Sau 5 năm, nhất là từ khi làng Kép được cấp phép hoạt động du lịch cộng đồng, số người tham gia đã tăng gấp đôi. Cái hay là chúng tôi vừa lưu giữ, bảo tồn được nghề truyền thống lại vừa phát triển được du lịch. Du khách đến đây, đặc biệt là người nước ngoài rất thích tự mình tham gia vào các hoạt động đan tre hoặc dệt, tự tay đi từng mũi kim sợi chỉ”, chị H.Uyên Niê nói.
Kể thêm về các hoạt động trải nghiệm trong mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông” đang được Hội Liên hiệp phụ nữ xã triển khai khắp các làng, nhất là ở làng Kép, chị H’Uyên Niê cho hay, chỉ cần gọi trước nửa ngày, chị và chị em khác sẽ thiết kế một tour du lịch rất chuyên nghiệp. Khách du lịch sẽ được ghé thăm nhà rông của làng, khu nhà mồ, thăm ruộng lúa, ngắm sông, thăm thác Công chúa, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bà con Jrai như giã gạo, đan lát, dệt thổ cẩm, nướng gà, nướng thịt heo, làm món ăn dân gian… Đêm đến, du khách còn được thưởng thức ẩm thực, nghe hát dân ca, xem trình diễn cồng chiêng và múa xoang cùng bà con trong làng.
“Trước đây, chị em các làng của xã chỉ biết làm nông, chăn nuôi tự cung tự cấp, nhưng từ khi biết cách khai thác nét đẹp của không gian cư trú, nét độc đáo của di sản văn hóa dân tộc mình để làm du lịch, các gia đình trong xã có đã thêm thu nhập. Như ở làng Kép chúng tôi, mỗi người dân trong làng đều có thể là một hướng dẫn viên tích cực, phục vụ du khách nhiệt tình, chu đáo. Thậm chí nhiều người già, phụ nữ trung niên, thiếu nữ, trẻ em còn sẵn sàng mặc trang phục truyền thống, làm người mẫu cho du khách và các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp ảnh nghệ thuật hoặc trình diễn lễ hội truyền thống như: lễ mừng lúa mới, cúng bến nước, thổi tai, cầu sức khỏe, bỏ mả... để quay phim”, chị H’Uyên Niê kể.
Vừa nói dứt lời, chị H’Uyên Niê đã cầm ngay chiếc điện thoại lên và gọi cho một phụ nữ người Jrai khác trong làng, đề nghị chọn ra 3 bạn nhỏ lanh lợi đến khu nhà mồ để biểu diễn ma bùn cho đoàn khách chúng tôi. Dẫn chúng tôi ra xe, hướng dẫn lái xe đường đến khu nhà mồ làng Kép cách đó không xa, chị H’Uyên Niê nhanh nhảu tiết lộ thêm rằng, đang có một đoàn khách nước ngoài, trong đó có một nhiếp ảnh gia người Ấn Độ cũng muốn tham quan và chụp ảnh nghệ thuật khu nhà mồ. Nhìn bóng nắng, chị cho hay, cảnh sắc khu nhà mồ từ 15h trở ra là đẹp và thích hợp cho việc chụp ảnh. Và quả đúng như vậy, vẻ đẹp huyền bí linh thiêng của những nhà mồ cũ kỹ phai bạc giữa nắng mưa nhiều năm thực sự khiến chúng tôi mê mẩn.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, nhà mồ đơn giản là nơi họ thành kính đưa người chết về để đợi ngày Pơ thi (lễ bỏ mả), tức vĩnh viễn ra đi, không bao giờ quyến luyến quay lại nữa. Vậy nên nhà mồ càng đẹp, càng to thì tức là tình cảm của người sống càng lớn (nhưng tất nhiên là phải nằm trong khả năng kinh tế của gia đình). Nhà mồ ở làng Kép cũng vậy, được làm theo những hạng mục chính gồm: nhà, không gian quanh nhà, tượng. Trong đó, kiểu nhà ở nhà mồ là nhà trệt, thấp và nhỏ; bên trong là các quan tài (có thể có 1 hoặc nhiều quan tài, đa phần để nửa nổi nửa chìm trên mặt đất). Quan tài được làm bằng cây gỗ nguyên, có chừa lỗ để “tiếp thức ăn uống” cho người nằm bên trong…
“Với những du khách từng đến đây, nhà mồ của người Tây Nguyên là một thế giới nghệ thuật. Khi thiết kế chương trình tour cho du khách trải nghiệm, chúng tôi thường kết hợp giới thiệu nhà mồ và biểu diễn ma bùn. Nét đẹp của nhà mồ nằm ở hệ thống tượng mồ đủ dáng hình chủ đề từ sinh hoạt, lễ hội đến mẫu tử, phồn thực, tượng thú… khiến nhiều du khách thích thú”, chị H’Uyên Niê kể và giới thiệu thêm rằng, hàng năm, vào dịp ngày Pơ thi (lễ bỏ mả), khu nhà mồ của làng đông vui với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian và tín ngưỡng. Trong khi đồng bào Kinh, Jrai bày bán nhiều loại đồ ăn thức uống thì những người già trong làng kể cho du khách nghe câu chuyện về phong tục tập quán của người Jrai, về những kiêng kỵ trong sinh nở, lễ tang, lễ cưới; những niềm tin tâm linh của người làng vào các vị thần linh trên rừng, trên trời, dưới sông, suối, trong những vật quý như chiêng, ché…
Những bức tượng gỗ trong nhà mồ là những người hầu để đưa đường cho những linh hồn đã khuất. Dưới tán cây cổ thụ rêu phong trong khu nhà mồ, những bức tượng hình người, vật với đủ hình thù kì dị và rất có hồn đứng yên lặng trong bóng chiều quạnh hiu, u tịch mà huyền bí. “Tượng mồ ban đầu chỉ là những hình tượng quen thuộc trong đời sống mà con người đã trải qua. Nhiều nhất là những người đàn bà ôm mặt, đàn bà chửa, các bộ phận sinh dục nam nữ được phóng đại, tượng các loài vật… Tượng nhà mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả. Ðẽo một cây gỗ thành những hình thù như vậy thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhất là các nhà điêu khắc, nhưng thổi hồn vào đấy cho nó thành tượng mồ với khắc khoải những kiếp người thì chỉ nghệ nhân bản địa Tây Nguyên làm được trong những thời khắc nhất định ”, chị H’Uyên Niê chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện đoàn du khách nước ngoài, nhiếp ảnh gia người Ấn Độ Pranav Seth (46 tuổi) nhận xét: “Tôi rất ấn tượng với cuộc sống của người dân tộc thiểu số Việt Nam. Họ có rất nhiều hoạt động thú vị, đặc biệt là đồng bào Jrai. Tôi đã tìm hiểu thêm về văn hóa của họ và ấn tượng cách họ bảo tồn các giá trị truyền thống. Thông qua hội nhiếp ảnh gia, tôi biết đến vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của làng Kép nên đã đến đây để trải nghiệm và chụp lại những khoảnh khắc đời sống thường nhật của bà con. Những kỷ niệm lưu lại rất đáng giá, đặc biệt, xuyên suốt quá trình trải nghiệm, tôi cảm nhận được sự thân thiện, mến khách và an toàn. Dù chỉ là một ngôi làng nhỏ nhưng tour du lịch được thiết kế chuyên nghiệp, trọn vẹn và đầy cảm xúc”.
Được hai người bạn Việt Nam hướng dẫn, sau cảnh quay và chụp ở khu nhà mồ, nhiếp ảnh gia Pranav Seth còn được chứng kiến các cậu bé đóng vai ma bùn biểu diễn tiếp nghệ thuật bắt cá của người Jrai bên một khu nhà nghỉ cạnh hồ và được xem lễ hội cồng chiêng do chính bà con trong làng biểu diễn. “Thật là độc đáo, hay và ấn tượng. Tôi cho rằng, cách làm du lịch kiểu này ở Gia Lai không chỉ truyền bá được văn hóa dân tộc, giữ gìn được nét truyền thống mà còn tạo thêm được sinh kế cho bà con, giúp người dân bản địa tăng thu nhập và phát triển kinh tế của tỉnh”, nhiếp ảnh gia Pranav Seth nhấn mạnh.