Đò buôn thương hồ

Thứ Ba, 09/05/2023, 13:42

Đồng Nai, con sông chất chứa vô vàn cuộc phiêu lưu của thương nhân đi tìm miền đất hứa trên chiếc đò ngang. Trên dòng sông ấy, vẫn còn lưu giữ một nghề xưa cũ, mộc mạc: nghề đò buôn thương hồ.

1. Thương hồ là nghề đặc trưng ở Nam Bộ, nó tồn tại như là nét văn hóa đời sống thuần túy gắn liền với sông nước từ thuở cha ông mang gươm đi mở cõi. Nó không thể tồn tại một cách vô tình, vô cảm như một thứ lái buôn chuyên nghĩ đến việc kiếm lời, mà từ lâu đã hình thành một xã hội thương hồ. Đó là những cuộc phiêu lưu vô cùng kỳ thú của công cuộc mưu sinh chinh phục các dòng sông.

h1.jpg -0
Ông Dũng vẫn ngày ngày bên cánh võng nhìn ra dòng sông Đồng Nai nơi có con đò của ông neo đậu nghề “đò buôn”

Trong hành trình đi tìm miền đất hứa, ông Lê Văn Năm từ quê Cà Mau theo dòng nước ngược về thảo nguyên, rồi neo chiếc đò của mình trên sông La Ngà, là phụ lưu lớn nhất bên tả ngạn sông Đồng Nai (đoạn qua huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Nhìn thấy dòng sông xanh biếc, mênh mông tôm cá vào những năm 90 của thế kỷ 20, ông Năm đã quyết định cắm sào, dựng nhà nổi và bắt đầu cuộc sống mới trên dòng sông này. Ban đầu, ông Năm đi chài lưới kiếm cá mang lên bờ bán. Vài năm sau, cánh thương hồ khắp nơi tìm về, cá tôm dần cạn kiệt, ông Năm cảm thấy không còn sống bằng nghề đánh lưới được nữa. Ông quyết định chuyển sang làm nghề đò buôn, chuyên cung cấp những thứ mà dưới nước không có, bởi cư dân sống nổi trôi dọc con sông La Ngà từ thượng nguồn về hạ lưu sông mẹ Đồng Nai đều phải lên bờ đi chợ mua sắm đồ dùng sinh hoạt, đồ ăn thức uống.

Ông cơi nới con đò của mình thành một sàn rộng, đóng mái che, gia cố phên vách cẩn thận để chứa hàng hóa mà không bị mưa gió làm ướt. Mỗi tháng, ông lên bờ một lần để nhập hàng rồi xuống nước bắt đầu hành trình đò ngang thương hồ. Con đò “tạp hóa” của ông Năm chạy lên tới thượng nguồn sông La Ngà, đoạn qua Cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng, rồi lại quay về neo mình ở hồ Trị An, sát cánh rừng Mã Đà, nằm trên sông Đồng Nai.

Tại đây, đò hàng của vợ chồng ông Năm lại đi khắp các làng chài ven hồ Trị An. Những chuyến phiêu du trên con đò hàng đã cho ông Năm nhiều mối quan hệ cũng như vốn sống. Cứ thế, cuộc mưu sinh bền bỉ trên con sông Đồng Nai âm ỉ trôi theo con nước qua từng mùa cá tôm. Hình ảnh chiếc đò hàng trở thành nỗi nhớ quê đối với nhiều người con miền Tây đi làm ăn xa xứ. Ở quê, họ hầu như không có hoặc rất ít đất sản xuất nên phải chọn nghề đò buôn. Gia đình ông Năm chỉ có một công đất, cất được ngôi nhà chung thờ ông bà tổ tiên. Ông Năm lấy vợ, không có nhà ra riêng nên đành theo nghiệp đò ngang. Đi riết cũng quen, sinh hai đứa con trên đò, nuôi chúng lớn nhanh như con tôm con cá.

Đò buôn thương hồ -0
Bạn của ông Dũng có những người lính cứu nạn trên sông

Dân vạn chài sông nước vẫn giữ một thói quen sinh hoạt tiêu dùng qua quan hệ với đò hàng. Ông Năm cho rằng, có nhiều người không hiểu, hoặc vì một lý do khó hiểu nào đó đã bi lụy hóa cái nhìn về thương hồ như những kiếp đời chìm nổi lênh đênh vô định. Đành rằng trên sông nước, cho dù ở đâu, cũng có biết bao phận đời rủi ro, trôi dạt, trong hoàn cảnh cơ cầu, họ có thể mượn nghề bán buôn để tạm sống qua ngày. Nhưng thương hồ là một nghiệp nên họ luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế vào cuộc.

Cùng với đò hàng “tạp hóa” của gia đình ông Năm là đò hàng xáo chuyên buôn bán lúa, gạo, cám… Đò vật liệu xây dựng vận chuyển gạch, cát, đá, xi-măng, sắt thép và các loại vật liệu phục vụ xây cất nhà cửa cho các bản làng nằm sâu dưới tán rừng. Đò hàng trắng chuyên bán đồ gốm, chén, đĩa bằng sành, sứ. Đò hàng bông thì chuyên về trái cây, rau củ tươi sống (bắp cải, dưa leo, bí rợ, khoai lang, hành, hẹ…). Đò hàng đan lát chuyên bán mê bồ, thúng, rổ, nia, sàng… bằng tre, trúc. Trên dọc dài con sông Đồng Nai, từ thượng nguồn về hạ lưu, tẽ ra khắp các nhánh nhỏ còn có các loài đò: Đổi nước, đổi muối, đổi sản vật sông nước lấy nhu yếu phẩm…

Đò buôn thương hồ -0
Con đò neo bên lòng hồ Trị An chuyên chở hàng hóa và con người về phía xóm chài bên kia cánh rừng

Hồ Trị An những năm sau này có thêm một bộ phận Việt kiều từ Campuchia về, trôi dạt khắp các nhánh sông làm nghề quăng chài kiếm cá hoặc chẳng có một cục đất chọi chim trên bờ cũng xuống nước dựng chiếc bè, lợp cái mái lá, cả gia đình con cái túm vào sống trên đó. Nhu cầu mua hàng vì thế cũng rất đa dạng.

Dòng sông Đồng Nai có nhiều loại thủy sản ngon nức tiếng. Khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch là mùa của loài tôm tích (còn gọi là tôm tít), chem chép, cá bống sao, cá ngác và nhiều loại thủy sản khác. Đây cũng là mùa “ăn nên làm ra” của các ngư dân làm nghề chài lưới. Dân chài có thu nhập thì cũng mạnh tay chi ra mua sắm các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, các đò buôn vì thế cũng tươm tất hơn. 

Những con đò thương hồ từ khắp các con nước gặp nhau trên dòng sông mẹ Đồng Nai, trao đổi hàng hóa và hỏi thăm những chuyện về miếng cơm manh áo, về gia đình con cái và cả dự định, ước mơ… Đò của ông Năm thì bán đủ thứ từ dầu ăn, mắm, muối, cho đến các loại kẹo bánh, đồ khô… Gặp đò của chị Lành bán khoai lang, bí đao, bí rợ, dưa hấu, đậu xanh thì tranh thủ mua một mớ mang theo dùng dần. Chị Lành lại mua của đò ông Năm vài chai nước mắm, mấy lít dầu ăn. Phía ngã ba sông La Ngà đoạn đầu hồ Trị An lại gặp đò đổi nước của bố con ông Lê Văn Dũng (Hai Dũng). Uống với nhau chén nước trà, hỏi thăm dăm ba câu chuyện rồi chia tay, có khi cả tháng mới quay trở lại khúc sông đó.

2. Năm tháng qua đi, làng chài dọc sông Đồng Nai thưa dần, bởi cá tôm đã cạn và dòng nước đã vơi do tác động của biến đổi khí hậu và thủy điện. Dân chài rục rịch lên bờ tìm kế sinh nhai khác, người về thành phố làm công nhân, người đi vùng núi khai khẩn đất hoang, những đứa trẻ sông nước lớn lên không theo nghiệp cha anh, lần lượt phiêu bạt khắp nơi.

Nghề đò buôn rơi rụng dần, giờ chỉ còn vài con đò của những cặp vợ chồng già neo lại. Hai con gái của ông Năm đã vào thành phố làm công nhân từ năm 18 tuổi, chúng chẳng mấy khi về thăm cha mẹ. Ông Năm không hề trách mắng, bởi có nhà đâu mà đòi chúng phải về, cha mẹ thì đi theo mùa con cá, nay thượng nguồn, mai lại hạ lưu. 62 tuổi, ông đã từng suy nghĩ lên bờ nhưng ý nghĩ ấy đã vụt tắt trong một lần về thành phố thăm con gái. Ông Năm chỉ ở đúng một buổi là “chuồn” về ngay, ông kể với vợ: “Lên bờ rồi mới biết, con đò của mình như khách sạn ngàn sao, trăng thanh gió mát, sông nước mênh mông. Cuộc sống tự do tự tại, đâu như ở trong một phòng trọ nhỏ bé, chật hẹp, nóng bức và ngột ngạt”.

Con đò của cha con ông Hai Dũng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi ông Dũng lấy vợ thì nơi thượng nguồn không còn dồi dào tôm cá và việc buôn bán ngày càng đìu hiu, ông đã đưa gia đình nhỏ của mình về hạ lưu sông Đồng Nai, khu vực bao quanh TP Biên Hòa và vùng Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Vẫn là nghề đò ngang, ngoài đổi nước, ông Dũng lấy thêm mặt hàng thực phẩm bán cho các hộ gia đình nuôi lồng bè cá trên sông. Sẵn tiện chiếc đò hàng, ông chở người qua lại bên này sông và bên kia sông hoặc khách du lịch muốn đi thăm thú, vãn cảnh non nước Đồng Nai.

Khúc sông Đồng Nai nơi hạ lưu rất rộng và võng xoáy, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên sông. Ông Dũng cũng đã mất một đứa con trai đầu lòng ở đây, ký ức đó, luôn ám ảnh và để lại nỗi đau dai dẳng trong ông. Nhờ bơi giỏi, lặn sâu và tài phán đoán, xử lý dưới nước nên hơn 30 năm làm nghề đò ngang, ông Dũng đã nhiều lần thoát khỏi lưỡi hái “hà bá”. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Dũng cho biết, khi lặn xuống nước, nếu gặp dòng chảy xoáy và mạnh thì đừng có ngoi đầu lên mà phải lặn thật sâu xuống đáy sông. Lúc ấy, nước sẽ cuốn cơ thể trôi đi, nhẹ bẫng. Người lặn chắp hai bàn tay lên che đầu đề phòng va vào đá, lặn xuôi theo dòng đến khi nào thấy dòng nước chảy nhẹ, tức là đã thoát ra khỏi dòng xoáy. Sông sâu đầy rẫy hiểm nguy, không vì thế mà ông Dũng sợ hãi. Ông vẫn sống cùng sông, đương đầu và chấp nhận.

Cũng như cảnh nhà ông Năm, các con của ông Dũng vừa lớn đã thoát ly, ngay cả vợ ông cũng giã từ con nước. Chỉ còn mình ông, “ăn ngủ” với con đò và dòng sông. Mỗi ngày, ông mắc võng trên con đò rít những hơi thuốc dài nhìn ra dòng chảy đục ngầu, bảng lảng những chùm rác thải, thoáng chút buồn, ông kể: “Mấy năm nay thượng lưu sông đã chịu ảnh hưởng từ việc xây dựng thủy điện, phía hạ du, hàng triệu người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh cũng đang phải chịu khổ sở theo một cách khác. Hằng ngày, một lượng ô nhiễm đồ sộ thải ra từ các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở y tế và nước thải sinh hoạt... đang làm ngập ngụa cả dòng sông, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Bản thân tôi cũng đang mang mấy loại bệnh nguy hiểm”.

Biết là thế, ông Dũng vẫn quyết không lên bờ. Thời gian hằn in lên mạn con đò của ông, bản thân nó đã chuyên chở biết bao nhiêu chuyến hàng đò buôn, gặp gỡ và chia xa biết bao phận đời. Những năm tháng sau, dù chẳng thể làm gì trên dòng sông này nữa, nhưng ông Dũng muốn mình được sống trọn vẹn với ký ức “đò buôn thương hồ”.

Ngọc Hoa
.
.