Đi xem kim ấn “Hoàng đế chi bảo”
Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" hiện đang ở đâu sau khi được đưa về Việt Nam? Câu hỏi trên rất được nhiều người quan tâm, tò mò bởi kể từ khi về nước đến nay đã gần nửa năm, những thông tin, hình ảnh về kim ấn “Hoàng đế chi bảo” ít thấy xuất hiện trên truyền thông, báo chí, thậm chí có không ít ý kiến còn nêu ra sự băn khoăn về nơi cất giữ, bảo vệ và bảo quản, rằng liệu nó có đảm bảo an toàn.
Rồi cũng có sự thắc mắc, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” hiện giờ ra sao, bao giờ sẽ xuất hiện một cách công khai trước công chúng để những người yêu quý di sản văn hóa dân tộc một lần tận mắt chiêm ngưỡng?
1. Theo hợp đồng mua bán tác phẩm nghệ thuật được lập ngày 12/11/2022, quyền sở hữu tác phẩm kim ấn “Hoàng đế chi bảo” thuộc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, trụ sở tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Điều đó có nghĩa, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý của cả hai bên cũng như hoàn thành việc thanh toán cho Công ty cổ phần (SAS) MILLON (Pháp), Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã đưa kim ấn về nước an toàn, bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật riêng có của mình.
Bằng sự mô tả trong hợp đồng mua bán tác phẩm, lần đầu tiên chúng tôi được biết một cách cụ thể, chi tiết, đảm bảo tính xác thực nhất về hiện vật: Ấn triện bằng vàng quý hiếm, được gọi là Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841). Chiếc ấn triện rất trân quý này thuộc sở hữu của Hoàng gia Việt Nam, với tạo tác đế kép hình vuông, tay cầm được đúc một con rồng năm móng, đúc chạm rất tinh xảo, trên trán của linh vật cao quý này có chạm khắc chữ “Vương”. Đuôi rồng cong lên phía sau đầu và uốn lượn theo hình xoắn ốc, vây trên lưng nổi bật tô điểm cho cơ thể khỏe mạnh. Trên thân rồng có vảy đều đặn, phần đầu với đôi sừng hưu dũng mãnh, phía dưới mồm sư tử uy nghi với răng nanh lộ rõ. Bốn chân rồng bám chắc chắn trên mặt đế với năm móng vuốt vươn ra mạnh mẽ.
Chạy dọc hai bên cạnh của đế hình vuông là hai dòng lạc khoản chữ Hán: “Minh Mạng tứ niên, nhị nguyệt, sơ tứ nhật, cát thời chủ tạo” (nghĩa là: Đúc vào giờ tốt ngày 4 tháng 2 Âm lịch năm Minh Mạng thứ tư, tức ngày 4 tháng 2 Âm lịch 1823); “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân (nghĩa là: Gom thành vàng ròng, có trọng lượng 280 lạng, 9 tiền và 2 phân. Tương đương với tổng trọng lượng 10,7kg). Phía dưới có khắc bốn chữ Hán, lối triện “Hoàng đế chi bảo”, nghĩa là: Kho báu của Hoàng đế… Với những giá trị đặc biệt quý hiếm như trên và mang trên mình nó nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nhiều chuyên gia về cổ vật đánh giá, tác phẩm “Hoàng đế chi bảo” xứng đáng là bảo vật quốc gia, cần được bảo vệ, bảo quản trong một chế độ đặc biệt nghiêm ngặt.
Sau khi hồi hương, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng thưởng lãm cổ vật, nhất là trong giới sưu tập. Tuy nhiên, vì mang trong mình những giá trị đặc biệt quý hiếm với nhiều câu chuyện liên quan đến nay chưa được hé mở nhiều nên Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng gần như không giới thiệu, trưng bày và cũng không tổ chức họp báo giới thiệu bước đầu về bảo vật với công chúng như hứa hẹn ban đầu, mà mới chỉ có một vài người thân cận được chiêm ngưỡng. Vậy sau gần nửa năm hồi hương, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” hiện giờ ra sao, được bảo vệ và bảo quản như thế nào, có đúng với “chế độ đặc biệt”? Mang theo những thắc mắc xen lẫn sự tò mò ấy, chúng tôi liên hệ với anh Nguyễn Thế Nam, thành viên quản lý Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng để được tiếp cận với hiện vật. Anh Nguyễn Thế Nam cho biết “Hiện giờ bảo tàng chưa thể mở cửa đón khách tham quan, hơn nữa đang trong giai đoạn hoàn thành công tác bảo quản hiện vật, nên thông cảm”.
2. Trung tuần tháng 6/2024, do là chỗ thân quen từ trước, anh Nam đồng ý và đón chúng tôi tại bảo tàng. Anh Nam cho biết, bảo vật đặt tại tầng bốn của một ngôi biệt thự, cũng là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng. Để lên tầng bốn chỉ có duy nhất một cầu thang máy. Muốn vào thang máy dẫn lên các tầng tham quan phải có người đi theo chỉ dẫn. Riêng ở khu vực tầng bốn, du khách muốn lên tham quan phải có sự đồng ý của ban giám đốc bảo tàng, và cũng chỉ những người nắm giữ trọng trách bảo tàng mới có thẻ quét để di chuyển lên. Khi vào thang máy, Nguyễn Thế Nam cho hay, từ khi đưa kim ấn về, rất nhiều người, nhiều địa phương gọi điện, đặt lịch để được đến chiêm ngưỡng, trong đó có cả anh em bạn bè. Nhưng điều kiện hiện nay chưa cho phép, hơn nữa mở cửa tham quan cũng cần có ý kiến của các bên liên quan nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bảo vật. “Với các anh là bên em chiếu cố lắm”, Nam cười nói.
Bước ra khỏi thang máy tầng bốn, Nguyễn Thế Nam dẫn chúng tôi đi qua một lớp cửa gỗ chắc nịch. Với vài thao tác bấm nút, hai cánh cửa nặng trịch được làm bằng gỗ lim từ từ lùi lại, mở ra một không gian cỡ gần nghìn mét vuông chứa đựng, trưng bày hàng trăm hiện vật quý hiếm với nhiều chất liệu như gỗ, đồng, gốm, tranh thêu. Ngay tại vị trí trang trọng của không gian trưng bày, Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng đặt kim ấn “Hoàng đế chi bảo” trên một cái bục khá lớn, dựng xung quanh là những tấm kính chịu lực, phía trên đậy nắp có gắn thiết bị báo động và máy đo nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm. Chiếc ấn được đặt trên tấm sắt bọc nhung, bao viền xung quanh là khung gỗ được chế tác tỉ mỉ theo mỹ thuật truyền thống triều Nguyễn.
“Khi làm chiếc bục bệ này, chúng tôi đã tham khảo nhiều chuyên gia bảo tàng với tiêu chí nhằm tôn vinh tốt nhất giá trị quý hiếm của bảo vật, vừa bảo quản đúng với yêu cầu kỹ thuật đặc biệt dành cho hiện vật là bảo vật, đồng thời mang chức năng bảo vệ trong trường hợp xấu. Vì thế, bảo tàng đã mất gần ba tháng mới có thể tổ chức trưng bày như hiện nay. Như thế vẫn chưa đủ. Để bảo vệ bảo vật an toàn tuyệt đối, ngăn chặn hiệu quả trong việc phòng chống trộm cắp, cháy nổ, hiện bảo tàng đã liên hệ với một số chuyên gia đặt làm hộp kỹ thuật. Nói nôm na là, nếu có sự cố xảy ra, ví như có vật nặng tác động lên bề mặt kính chịu lực bảo vệ bảo vật “Hoàng đế chi bảo” thì hộp kỹ thuật ấy tự động rơi xuống, đưa về ngăn an toàn. Chỉ thời gian ngắn nữa sẽ lắp đặt xong hộp kỹ thuật”, anh Nam cho biết.
Với một chút hiểu biết nhất định, chúng tôi nhận thấy rằng công tác bảo quản hiện vật là bảo vật quốc gia mà cụ thể ở đây là kim ấn “Hoàng đế chi bảo” đã được Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng thực hiện quy củ, chuyên nghiệp, đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật của bảo tàng. Không những bảo vật được đặt tại vị trí trang trọng, cố định trong một bục bệ chắc chắn, giàu yếu tố kỹ, mỹ thuật, tôn lên giá trị và vẻ đẹp của bảo vật mà còn rất chú ý đến nhiệt độ, độ ẩm ổn định, đúng tiêu chuẩn, đó là chưa nói đến thiết bị chống đập, báo động. Việc bảo quản bảo vật “Hoàng đế chi bảo” như Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng là rất chuẩn mực. Một chuyên gia bảo tàng cho biết, kinh phí mà Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng chi ra đối với công tác bảo quản kim ấn “Hoàng đế chi bảo” là không nhỏ một chút nào, phải tính đến tiền tỉ đồng với những chất liệu và thiết bị tốt nhất, khó có thể bảo tàng công lập nào sánh được.
Khi nào bảo tàng sẽ mở cửa trưng bày kim ấn “Hoàng đế chi bảo” nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm cổ vật của công chúng? Anh Nguyễn Thế Nam cho hay đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, chắc cần phải chờ thêm một thời gian nữa, sau khi đã đảm bảo mọi yếu tố. Theo anh Nam, cách đây không lâu có một địa phương gửi giấy mời đặt vấn đề Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng đưa kim ấn “Hoàng đế chi bảo” vào trưng bày, phục vụ công chúng nhân nơi đây đang tổ chức kỳ lễ hội. Tuy nhiên, một phần chưa đáp ứng thủ tục cần thiết, mặt khác công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kim ấn và cả phương tiện vận chuyển lẫn nơi trưng bày chưa được tính toán chi tiết nên Bảo tàng Nam Hồng đã từ chối. Ngoài ra nhiều cá nhân gọi điện đến bảo tàng với mong muốn được chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm bên cạnh kim ấn nhưng vì yếu tố an toàn nên bảo tàng đành phải khất hẹn lần khác.
“Chúng tôi cũng hiểu được sự mong muốn tham quan kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của nhiều người, nhiều cơ quan đơn vị, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành các phương án việc bảo vệ, bảo quản bảo vật nên chúng tôi sẽ hẹn vào một dịp gần nhất. Bảo tàng cũng đang mong muốn phát huy giá trị một cách tốt nhất”, anh Nguyễn Thế Nam nói.