Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)

“Đi tìm” hai em bé tặng hoa Bác Hồ ở Việt Bắc

Thứ Hai, 12/05/2025, 08:30

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều hình ảnh về hoạt động của Chính phủ và Bác Hồ tại Việt Bắc được các nhiếp ảnh gia ghi lại, lưu giữ những khoảnh khắc hào hùng của “Thủ đô gió ngàn”. Nhiều bức ảnh có tính biểu tượng cao như ảnh Bác Hồ chủ trì họp Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới, ảnh Bác câu cá bên bờ suối,...

Một trong những bức ảnh đẹp được in thành bưu thiếp phát hành ra cả quốc tế và từng là nguyên mẫu tranh cổ động Bác Hồ với thiếu nhi, là ảnh chụp hai bé gái ôm hoa chụp ảnh cùng Bác.

Nhân chứng lịch sử... tình cờ

“Ảnh này chụp chính xác là vào ngày 3/3/1953. Lúc ông Đinh Đăng Định, người chụp bức ảnh này, cho tôi tấm ảnh, không hiểu sao mới có 10 tuổi thôi nhưng tôi đã có ý thức ghi vào đây: 3-3-53”. 

Tại nhà riêng trên phố Tông Đản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Đặng Minh Châu, con gái Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu (1914-1990) chia sẻ với tôi về ngày ra đời tấm ảnh chụp bà dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy. 

Trong gian phòng thờ Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu ngay mặt tiền phố Tông Đản xe cộ qua lại như thoi đưa, điều làm tôi chú ý hơn cả là những tấm ảnh kỷ niệm treo trên tường. Gian phòng tràn ngập kỷ vật về một chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam, một nhà kinh tế, một vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế của Chính phủ. Có lẽ, chạm vào bất cứ kỷ vật nào cũng đủ gợi lên trong ký ức của bà Đặng Minh Châu kỷ niệm bất tận về cha mình. Kỷ niệm ấy được bà dệt lại thành một bức tranh ký ức hôm nay. 

“Đi tìm” hai em bé tặng hoa Bác Hồ ở Việt Bắc -0
Bác Hồ cùng bé Vũ Thu Giang (bên trái) và bé Đặng Minh Châu. Ảnh: NSNA Đinh Đăng Định.

Bà Đặng Minh Châu lật phía sau tấm ảnh nhỏ cỡ 9x12 cm, ghi ngày tháng bằng nét bút trẻ thơ, màu mực đã phai nhiều theo thời gian. Ngày 3/3/1953 là ngày thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt và ngày thành lập Liên minh nhân dân 3 nước Việt - Miên - Lào (Việt Nam - Campuchia - Lào).

Hồi ấy, tại An toàn khu Việt Bắc, cô bé Đặng Minh Châu theo cha ở tại cơ quan Bộ Kinh tế (nay là Bộ Công thương). Ông Đặng Việt Châu lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Kinh tế. Cơ quan Bộ đóng ở gần Tân Trào, cách không xa khu hội trường, nơi tổ chức lễ kỷ niệm. Sau hơn 70 năm, em bé Châu thuở nào nay đã trở thành bà Đặng Minh Châu. Trong ký ức của mình, bà vẫn nhớ rõ hội trường được làm bằng tre nứa, vách là những tấm phên đan bằng những lóng tre nứa úp ngược nhau. Những tấm phên màu lục xen màu trắng trông rất đẹp mắt.

Sáng hôm ấy, Đặng Minh Châu cùng bạn là Vũ Thu Giang đang ở bên cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, cách hội trường kỷ niệm không xa, chỉ khoảng 2 cây số để chơi như mọi ngày. Các cô đại biểu chính thức về dự lễ kỷ niệm đã lên hội trường từ trước rồi. Lúc hai bé đến thì chỉ còn mấy cô từ vùng địch hậu lên muộn đang ở đó. Minh Châu và Thu Giang biết đường tới hội trường nên dẫn các cô đến. May sao, vừa ra khỏi cơ quan hội phụ nữ thì có giao liên đưa đường. Qua mấy con suối, Minh Châu, Thu Giang cùng các cô chú cũng tới nơi. Minh Châu nhìn thấy cha mình đứng ngoài hội trường cùng một số người khác. Bỗng nhiên, có ai đó hô lên:

- Bác đến! Bác đến! 

- Ồ! Bác Hồ đến thật rồi!

Minh Châu thấy Bác giơ tay tươi cười chào mọi người. Rồi mọi người nhanh chóng vây quanh Bác. 

Một chú nói to:

- Xin Bác cho chụp ảnh ạ!

Ngay đó, vài chú hái vội mấy bông hoa rừng lấp ló gần hội trường. Các chú cài nơ lụa, đoạn nhanh chóng chuyển qua tay hai bé Minh Châu, Thu Giang. Một chú đến gần, dặn dò: 

- Khi nào chú bảo thì hai cháu lên dâng hoa tặng Bác Hồ nhé!

Lát sau, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định dắt hai em đến gần Bác. Bác tươi cười kéo hai cháu đứng sát vào. Thế rồi, lại có tiếng một chú nhắc: 

- Nhìn vào ống kính và cười lên nào!

Minh Châu cười tít, miệng rộng mở, hở cả hai hàm răng. Còn Thu Giang thì mím chặt môi vì em có hai cái răng cửa vừa mới thay chưa kịp mọc răng mới nên không thể để lộ ra được. 

Nhớ lại kỷ niệm, bà Đặng Minh Châu nói vui rằng: 

- Hôm ấy, tình cờ đến hội trường, rồi ngẫu nhiên chúng tôi thành ra hai thiếu nhi duy nhất ở đấy. Bỗng dưng, hai em bé lại trở thành nhân chứng lịch sử cho thời khắc khó quên. 

Góp phần giúp thế giới thêm hiểu và ủng hộ Việt Nam kháng chiến 

Bức ảnh về sau đã được phóng to làm tranh cổ động và in thành bưu thiếp xuất hiện khắp nơi, thậm chí, còn được làm thành ảnh màu hoặc vẽ lại. Bức ảnh còn được tặng một số đoàn đại biểu nước ngoài khi đến Việt Nam. Chú ruột của bà Đặng Minh Châu còn viết thư dặn dò: Cháu vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ, Bác Tôn, ảnh lại được tặng đại biểu nước ngoài...

Châu về hợp phố

Ngoài bức ảnh chụp dâng hoa tặng Bác Hồ, hai chị em còn được ông Đinh Đăng Định chụp bức ảnh cùng nhau múa ở sân hội nghị. Bức ảnh này, bà Đặng Minh Châu kể lại, trước thuộc sở hữu của bà Đặng Việt Nga, con gái duy nhất của Tổng Bí thư Trường Chinh. Khi đó mọi người tưởng nhầm bà Việt Nga là em bé trong ảnh. Sau này, trong một lần đến chơi với bà Đặng Việt Nga, bà Đặng Minh Châu tình cờ thấy ảnh và thốt lên: 

- Ôi! Ảnh này là ảnh em chứ không phải chị. Em đang cùng bạn Thu Giang múa hát cho Bác Hồ xem ở ngoài sân.

Bà Đặng Minh Châu xin và bà Đặng Việt Nga cũng vui vẻ tặng bạn mình tấm ảnh để “Châu về Hợp Phố”.

Năm 1990, khi vào thăm Bảo tàng Lê-nin ở thủ đô Moscow (Liên Xô), bà Đặng Minh Châu lại được trông thấy mình khi còn là cô bé mới lên 10 tuổi. Năm 2003, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chọn ảnh vào bộ sưu tập 100 bức trong cuốn sách ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Từ năm 1953, bà Đặng Minh Châu được đưa sang Trung Quốc học, rồi sau đó sang Liên Xô học đại học. Tốt nghiệp đại học, trở về nước, bà công tác tại Bộ Ngoại giao, làm Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, rồi làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) tới lúc nghỉ hưu (năm 1998). 

Vân vi quanh câu chuyện về sự ra đời cùng hành trình đi ra nước ngoài của bức ảnh, tôi thấy có nhiều ấn phẩm viết về mốc thời gian của bức ảnh rất khác nhau. Có tài liệu ghi năm 1951, có tài liệu ghi năm 1952. Bà Đặng Minh Châu chia sẻ rằng, sau này, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông và tài liệu xuất bản đã nhầm khi viết mốc thời gian bức ảnh ra đời. Ngay tác giả của bức ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định khi đưa ảnh vào sách cũng nhầm. 

- Điều đó chính ông Đinh Đăng Định cũng thừa nhận với tôi là như thế. Khi xuất bản quyển sách ảnh, ông mượn lại ảnh gốc của tôi. Hồi ấy, tôi còn thắc mắc với ông là ảnh của chú chụp, phim của chú còn hết cả, sao chú phải mượn ảnh của cháu?

Ông Đinh Đăng Định trả lời: 

- Chú nộp hết cho Nhà nước rồi, bây giờ mượn lại cũng rắc rối. 

Chia sẻ kỷ niệm về tác giả của bức ảnh, điều bà Đặng Minh Châu cảm thương là nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã không kịp đón nhận đứa con tinh thần của mình ra đời trong cuốn sách ảnh “Hồ Chí Minh” được Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin cấp phép, ra đời tháng 10/2003. 

Trước những thông tin chưa chính xác về mốc thời gian ra đời bức ảnh, bà Đặng Minh Châu đã liên hệ trực tiếp với Bảo tàng Hồ Chí Minh đề nghị đính chính sự nhầm lẫn này. Bà cẩn thận mang theo ảnh gốc và kể lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh nghe lai lịch ra đời của bức ảnh như thế nào. 

Còn em bé Vũ Thu Giang ngày ấy nay cũng đã ngoài 80 tuổi, là PGS.NGƯT hưu trí của Đại học Kinh tế quốc dân. Ôn lại kỷ niệm xưa, bà khiêm nhường cho biết: “Chị Đặng Minh Châu lớn tuổi hơn nên nhớ được nhiều chuyện hơn tôi”.

Mẹ là bà Phan Thị An, một nữ trí thức nổi tiếng, công tác lâu năm tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là Đại biểu Quốc hội khóa II và khóa III. Chính nhờ ở cơ quan của mẹ nên Thu Giang đã tình cờ có mặt để cùng Minh Châu dâng hoa tặng Bác Hồ trong sự kiện trọng đại ngày 3/3/1953 đó.

Năm 1963, Vũ Thu Giang sang Liên Xô học kinh tế xây dựng rồi về làm cán bộ giảng dạy đại học. Trước khi nghỉ hưu năm 2000, bà Vũ Thu Giang là giảng viên bộ môn Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Bà có một niềm tự hào cá nhân khi được gắn bó với cơ quan - nơi cha bà cũng từng công tác. Cụ là Vũ Đình Khoa, từng đỗ cử nhân luật trước 1945, làm Giám đốc Công an Liên khu 10 trong kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 về giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân).

Kiều Mai Sơn
.
.