Đi tìm câu hát Dá Hai

Thứ Hai, 04/10/2021, 09:16

Chuyện “đi tìm” này khởi sự từ lúc tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Biệt cánh chim trời” của nhà văn Cao Duy Sơn, xong rồi cứ bị mấy nhân vật trong sách ám ảnh mãi. Lão Lục Kin Khúng lỗi đạo. Con trai đi vắng, lão ngủ với con dâu, rồi từ đó biến gia đình thành địa ngục.

Hết con trai lão nghiện rượu đến con dâu lão nghiện rượu, uống quanh năm suốt tháng. Mà cứ hễ say, cô nàng lại mặc váy áo diêm dúa, vừa nhảy múa vừa hát những câu rất lạ, trong đó có từ “Dá… hà… hà… haiiiii” cứ kéo dài và lặp lại, khiến bà con ở lũng Cô Sầu (Trùng Khánh, Cao Bằng) được dịp bu đến trước cửa xem đông như kiến. Trong một lần vừa hát vừa đốt lửa nhảy múa, cô đốt rụi luôn cả ngôi nhà.

Tôi tò mò hỏi nhà văn Cao Duy Sơn, một người con của lũng Cô Sầu, rằng điệu hát đó là gì? “Là hát Dá Hai của người Tày ở Trùng Khánh Cao Bằng, mà chỉ ở đó mới có Dá Hai thôi”. Có hay không, hiện tại trên Trùng Khánh còn không? “Rất hay, mấy chục năm trước khá phổ biến ở xã Thông Huề, nhưng giờ thì không biết còn hay mất nữa…” Vậy là đủ lý do để chúng tôi làm một chuyến ngược lên miền biên ải Cao Bằng, đến Trùng Khánh. Đi tìm Dá Hai.

Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2016, nhằm tiết thu mát mẻ, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội và có mặt tại Trùng Khánh lúc phố huyện bắt đầu nhập nhoạng tối. (Chúng tôi ở đây gồm người viết bài này, nhà văn Cao Duy Sơn, và nhóm làm phim thuộc Trung tâm truyền hình Nhân Dân). Bữa cơm tối Trùng Khánh tiếp đón chúng tôi khá đông người. Nhưng thật lạ, vì khi hỏi đến hát Dá Hai, không ai nói gì được cụ thể. Người thì: “không biết Dá Hai là cái gì?”. Người thì “trước kia có từng nghe nhưng không rõ bây giờ ở đâu trên đất Trùng Khánh này còn hát?”.

Người thì: “đâu như Thông Huề vẫn hát đấy, nhưng chẳng còn mấy ai nữa, chết hết cả rồi”… Công cuộc đi tìm Dá Hai nghe ra có cơ không dễ? Nhà văn Cao Duy Sơn nói với tôi: “Mình vẫn nhớ rõ, hồi những năm 1970, mình còn nhỏ đã được nghe hát Dá Hai ở Thông Huề. Họ có tới mấy đội cơ, thậm chí còn tổ chức thi hát với nhau rất vui. Không lẽ bây giờ lại ra thế này?”.

ngoc con.jpg -0
Trên đỉnh Ngọc Côn, Trùng Khánh, Cao Bằng. Ảnh: Trần Tú.

Muốn biết tình hình thật sự của hát Dá Hai là thế nào thì chỉ có cách là… đến Thông Huề. Xã Thông Huề có trung tâm là phố chợ Thông Huề, một kiểu phố chợ khá đặc trưng ở “vương quốc đá vôi” Cao Bằng này, với một dãy nhà chợ kéo dài suốt con đường núi, hai bên là nhà dân làm bằng đá xám lợp ngói âm dương, ngoài nhà mở cửa hàng làm ăn buôn bán. Chợ Thông Huề họp năm ngày một phiên, khá phong phú về hàng hóa và tấp nập người bán kẻ mua, cả người Thông Huề lẫn người các huyện lân cận.

Nhà văn Cao Duy Sơn ghé tai tôi thì thào: “Chợ Thông Huề là chợ thuộc vào loại lớn nhất ở miền Đông Cao Bằng này. Trước kia, đây còn là nơi tập kết cơm đen ghê gớm lắm. Giờ thì bị dẹp hết rồi”. Len lỏi đi giữa dòng người và hàng, chị phó chủ tịch xã Thông Huề đưa chúng tôi tìm đến tư gia của nghệ nhân Chung Văn Hần, người mà chị giới thiệu như là nòng cốt của phong trào hát Dá Hai ở Thông Huề mấy năm nay. Nhà ông Hần là một cửa hiệu tạp hóa bề thế chẳng kém mấy các cửa hiệu tạp hóa lớn ở dưới xuôi. Bản thân ông, dù đã ngoại bảy mươi, móm mém gần hết cả, song vẫn còn phảng phất cái phong độ của một “thượng lưu phố núi” lắm: người cao ráo, bộ quần áo hàng đũi phẳng phiu, tay thong thả phe phẩy chiếc quạt lụa.

Niềm nở pha trà, rót rượu mời chúng tôi, ông Chung Văn Hần kể: “Từ những năm 1960, tức là khi còn thanh niên, tôi đã tham gia hát Dá Hai ở đất Thông Huề này. Bố tôi, ông Chung Văn Trò, là người dạy cho tôi. Hồi ấy hát hò vui vẻ lắm, có đến mấy đội hát cùng lúc ở đây. Cứ thế kéo dài sang đến những năm 1970. Nhưng tới sự kiện biên giới phía Bắc năm 1979 thì chấm dứt, dứt hẳn. Cho đến khi có Nghị quyết V của Đại hội VIII thì lãnh đạo xã mới bắt đầu rục rịch bảo khôi phục. Thế là tôi cùng với mấy ông Nông Thành Tú, Hoàng Văn Rứ, toàn người ở đây cả, mới gọi thanh niên lại dạy cho các em các cháu nó hát. Từ bấy đến giờ chúng tôi cứ thủng thẳng mà dạy mà hát thôi”.

Nghe kể vậy, nhưng cho đến lúc này tôi vẫn chưa thật sự biết bản lai diện mục của Dá Hai là như thế nào? Nói với ông Chung Văn Hần, ông “à” rồi lấy điện thoại di động bấm gọi một lúc, lúc sau ông đứng lên dẫn chúng tôi đến một nhà khác, gần đầu chợ. Bước vào nhà, đã thấy ngồi chờ sẵn bên bàn nước hai người đàn ông Tày trạc lục tuần, trên tay mỗi người đều cầm một cây nhị bịt da rắn. Người còn lại là một cô gái Tày khoảng ngoài hai mươi tuổi, khá xinh xắn.

Ông Hần móm mém giới thiệu: “Hai ông này là Nông Thành Tú và Hoàng Văn Rứ, là những người cùng với tôi dạy Dá Hai cho lớp trẻ Thông Huề. Còn cháu này tên Mai, Nông Thị Mai, học trò của chúng tôi. Cháu nó học Dá Hai từ năm mười hai tuổi, năm nay hai mươi tư rồi. Nó lấy chồng và có con rồi”.

Màn giới thiệu nhân sự đã xong, màn Dá Hai tự giới thiệu bắt đầu. Hai cây nhị lên tiếng trước, dễ đến hơn một phút sau mới thấy ông Hần đứng dậy, thật thẳng người, và cất giọng hát. Đó là một điệu hát “vào tai” nhưng rất lạ, không giống với những thể loại đặc trưng của dân ca Tày mà tôi từng nghe qua, như then, sli, lượn, cọi, hay “Nàng ới”. Mà lạ nhất là các điệu bộ ông thể hiện trong lúc hát: khi thì như cung kính “ôm quyền thi lễ”, khi lại cúi đầu chìa tay như mời khách quý lâm môn…

Sau ông Hần là đến Mai. Cô hát say mê trong tiếng réo rắt của hai cây nhị, và quả thực, cô hát rất hay những điệu hát rất lạ, khiến chúng tôi cứ ngẩn ra mà nghe. Ông Hần ghé tai tôi nói nhỏ: “Hát Dá Hai khó lắm. Lên cao thì rất cao, xuống thấp lại rất thấp, cứ liên tục đổi hơi và luyến láy. Đã thế, làm sao cho người nghe phải khóc phải cười theo nội dung bài hát thì mới gọi là đạt yêu cầu. Học cái này mất thời gian lắm”.

phong nam.jpg -0
Mùa vàng. Ảnh: Đình Nguyễn.

Đến lúc ăn trưa, nâng chén rượu Thông Huề trong suốt trên tay, nhấp một hớp, nhà văn Cao Duy Sơn mới từ tốn kể chuyện, giúp tôi hóa giải cái cảm giác “là lạ” khi nghe hát Dá Hai lần đầu. Thì ra Dá Hai vốn xuất phát từ Trung Quốc. Nó là những làn điệu mà người ta hát lên trong lúc diễn “Mộc đầu hý”, tức một loại hình sân khấu múa rối với những con rối gỗ được con người điều khiển trên các ngón tay của mình.

Sang đến đất Trùng Khánh Cao Bằng, những làn điệu ấy được đồng bào Tày biến thành kịch hát, với kịch bản là những tích truyện đã rất nổi tiếng, như “Nam Kim Thị Đan”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”, “Mộc Lan Hoa tòng quân” v.v… Ông Chung Văn Hần làm các điệu bộ khi đang hát là bởi vậy. Đấy là điệu bộ của diễn viên nhập vai trên sân khấu, đấy là kiểu điệu bộ đã được kịch hóa. Vì thế nên trước đây người Trùng Khánh vẫn thường gọi là “tuồng Dá Hai”, chứ không gọi là “hát Dá Hai”. Và điều thú vị nữa, là cho đến bây giờ Dá Hai chỉ còn có ở Việt Nam thôi, bên Trung Quốc thì dường như tuyệt tích.

Vậy tại sao bây giờ Dá Hai chỉ thấy có “hát” mà không thấy có “tuồng”? Tôi đem sự thắc mắc ấy hỏi ông Chung Văn Hần, ông than: “Khó lắm. Chúng tôi đã cố gắng truyền nghề, dạy cho các em, các cháu nó hát thành thạo. Cũng định thành lập ít nhất một đội để có thể diễn được như xưa. Nhưng con trai đến lúc trưởng thành thì một nửa phải lo lao động sản xuất hoặc bỏ quê đi làm ăn xa, con gái thì líu ríu với chuyện lấy chồng sinh con, nên có bao giờ đủ diễn viên đâu. Ngay cả nhạc công cũng thế. Anh xem, để diễn tuồng Dá Hai, ngoài nhị là nhạc cụ chủ đạo, nếu đủ thì phải có cả trống, cả sáo, cả thanh la. Mà chúng tôi thì chẳng lấy đâu ra người ngoài mấy người chơi nhị. Nên đành chịu, dùng hát thay cho diễn. Mà cũng chỉ hát khi nào vào lễ vào hội, hoặc vào các dịp chợ phiên thôi”.

Vài ngày làm việc trôi qua. Bộ phim tài liệu về hát Dá Hai ở Trùng Khánh của chúng tôi rồi cũng thực hiện xong. Phim được kết bằng cảnh ba cô gái Tày ăn mặc rực rỡ đứng hát bên con thác Thoong Ma tung bọt trắng xóa. Lời hát thì hay và khung cảnh thì tuyệt đẹp, nhưng với tôi, hình như vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Ấy chính là việc Dá Hai vẫn chưa được hoàn nguyên như những gì nó từng có ở đất Thông Huề Trùng Khánh, như những gì nó từng khiến cho bao thế hệ người Thông Huề Trùng Khánh phải say mê và giữ thật sâu trong kho ký ức của mình. Làm thế nào đây?

Hình như nếu chỉ là… nhân dân thì không thể trả lời được câu hỏi này. Nói vậy, hoàn toàn không phải sách vở, mà là sự thật. Nhân dân yêu Dá Hai thật đấy, nhưng nhân dân còn phải sấp ngửa lo cho miếng cơm manh áo hàng ngày của mình và gia đình, đâu dễ để cứ hễ kêu một tiếng là bỏ phắt đấy mà hát mà múa, mà gìn giữ với phát huy giá trị di sản. Trong khi, Trùng Khánh với thác Bản Dốc, với động Ngườm Ngao, với thiền viện Trúc Lâm đã và đang là điểm sáng trên bản đồ du lịch, thì tại sao chính quyền không tính tới chuyện tuồng Dá Hai cũng có thể là thứ “đặc sản” quyến dụ du khách, để mà đầu tư cho nó, để mà phục hưng nó?

Những ý nghĩ như thế cứ lan man trong đầu như cơn buồn ngủ trên xe, cứ vòng vèo như những khúc uốn lượn trên đèo Gió đèo Giàng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng phải một lần nữa tạm biệt miền biên ải Cao Bằng. Mới đó, đã năm năm trôi qua...

Hoài Nam
.
.