Đầu Xuân nhớ một người, thoắt ẩn thoắt hiện trên văn đàn Việt Nam

Thứ Tư, 02/02/2022, 13:32

"Ta bày thực hư lên bàn cuộc đời

Thực hư bày ta lên trình loài người"

Một ngày đầu xuân  tôi chợt thấy hai câu thơ này trên "phây búc" của nhà báo Phan Đăng. Giật mình thấy quá khứ ùa về. Nhắn tin hỏi chủ "phây": "Cháu có biết hai câu đó là của ai không?''. "Sao chú lại hỏi thế, cháu biết chứ, tác giả là Trần Minh Hải". "Phải rồi, nhưng cháu có biết gì về tác giả này không?". "Không chú ạ. Hai câu hay quá, cháu thích từ lâu. Chú có biết tác giả này không, có còn thơ của ông ấy không, cho cháu đọc với. Hay là chú viết cho cháu một bài về ông ấy đi". Và thế là có bài này để nhớ về Trần Hải, "Mét" Hải của chúng tôi, hơn ba chục năm trước.

Hồi đó vợ chồng tôi đang được ở tạm trong nửa căn phòng bên hông Viện Văn học (20 Lý Thái Tổ), nơi chúng tôi làm việc. Cái gọi là nhà chỉ rộng 9 mét vuông nhưng được cái ở cạnh Hồ Gươm nên bạn bè ra vô ghé lại thường xuyên. Một hôm, trong năm 1990, nhà báo Dương Hùng Phong làm ở Đài Phát thanh Hà Nội, trụ sở bên Hàng Dầu tạt qua Viện ới tôi ra vỉa hè chè chén. Đi cùng Phong có một người dáng cao, mặc áo ba lỗ với những ô vuông vặn xoắn, quần cộc, xách chiếc xe cuốc, trông ngang tàng phong trần. Một dị nhân! Phong giới thiệu: “Trần Hải, làm thơ, bụi đời, tao thấy có vẻ hợp mày nên kéo sang đây cho biết nhau. Thôi hai anh em nói chuyện, tao phải về làm”.

Từ bữa đó tôi biết Trần Hải. Hành tung của anh hư hư thực thực, tôi có gạn hỏi anh cũng lờ đi. Chỉ nói chuyện văn chương nghệ thuật là anh thích. Cứ vài ba hôm anh lại đến chỗ tôi, vẫn bộ dạng không đổi - quần cộc, áo ba lỗ, xe cuốc, dù nắng hạ mưa đông. Có khi anh đến cổng cơ quan nhờ thường trực nhắn tôi ra quán. Có khi anh đến thẳng nhà thấy tôi có nhà thì vô. Gặp nhau anh và tôi lại nói chuyện thơ văn, mà phần chính là tôi nghe anh nói. Anh có cách nghĩ riêng của mình về thơ, từ đó anh nhận xét về thơ của một số nhà thơ có nhiều ý bất ngờ. Anh bảo thơ ta ít ý tưởng, thường đơn giản, các nhà thơ không chịu tìm tòi đổi mới. Dịp đó tập thơ "Bóng chữ" của nhà thơ Lê Đạt đang tạo thành dư luận khen chê sôi nổi. Tôi hỏi anh ý sao. Trần Hải nói đó là tập thơ được, có cái mới, nhưng cho là Lê Đạt vẫn còn làm chữ nhiều. Có hôm anh đến bảo là hôm kia vừa ngồi với nhà thơ Trúc Thông. Anh chịu nhà thơ "chầm chậm tới mình" làm thơ kỹ, nhưng kỹ quá có khi thành kỳ khu, mất cả tự nhiên. Tôi đùa: thế thì theo anh chẳng ai thơ bằng Trần Hải à. Anh cười và cất giọng đọc thơ:

Trẻ con chưa biết cuộc đời

Lại đem trái đất ra ngồi đánh bi

Đầu Xuân nhớ một người, thoắt ẩn thoắt hiện trên văn đàn Việt Nam -0

Trần Hải có một giọng nói giọng đọc vang âm nghe rất thích. Giọng đó đọc thơ đã mà hát cũng đã. Từ tôi một nhóm bạn bắt đầu biết đến Trần Hải và cũng tỏ ra thích thú anh. Một hôm anh ngồi hát cho chúng tôi nghe. Hát xong anh phân tích cách hát nhả chữ ra sao, nhấn nhá thế nào. Anh hát bài "Đêm đông" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và nhận xét cách hát của một ca sĩ nổi tiếng mà theo anh là chưa phù hợp lắm khi nhả chữ kéo dài cuối câu hát làm ra não nề quá. Tự nhiên chúng tôi như bị "hớp hồn" theo Trần Hải, thích gặp anh, thích nghe anh đọc thơ, hát. Không chỉ nhạc nội, anh hát cả nhạc ngoại, và cái cách anh phát âm ca từ tiếng Anh nghe cũng được lắm. Trong câu chuyện anh cũng hay chêm tiếng Anh mà tôi dù đã dịch thứ tiếng này nhưng khi nghe anh nói và phân tích từ vựng của nó, thú thực tôi cũng ngạc nhiên vì thấy nó hay ở cái cách chẻ từ ra để học để nhớ. Vậy là một hôm có một người bạn trong nhóm đề nghị: hay là ta mở một lớp học tiếng Anh để "Mét" Hải dạy. Cả hội ùa lên đồng ý.

Lớp được thành hình ngay. Địa điểm là một phòng làm việc ở Viện Văn học. Thời gian là vào một buổi tối trong tuần, hình như là vào tối thứ hai. Ngoài vợ chồng tôi, tham gia lớp là các anh chị em trong nhóm bạn bè: Thùy Hương (báo Phụ Nữ Việt Nam), Trâm Anh (Ủy ban Vật giá Nhà nước), Cẩm Vinh (Fafim), Đỗ Lai Thúy (tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật), Đức Nguyện (báo Quân đội nhân dân), Nguyễn Như Thìn (Fafim) và một vài người khác nữa. Cứ theo lịch cả hội tụ tập nghe "Mét" Hải nói chuyện tiếng Anh một lúc rồi tất cả lại hát hò, đọc thơ, chuyện trò. Hoặc là ngồi nghe anh phán về tướng số, bói toán. Ấy vậy mà cũng có khi đúng ra phết. Trong những buổi gọi là học ấy, thỉnh thoảng cả lớp lại được bà chủ ở Viện chiêu đãi bữa mỳ tôm ăn tối. Cũng có hôm ăn ốc cùng nhau, ai không nhể trọn con ốc ra khỏi vỏ mà bị đứt nửa chừng là bị "Mét" cười chê, bảo ăn ốc là phải ăn cả đít ốc. Nhưng Trần Hải ăn ít và vẫn cứ phong phanh tấm thân với chiếc xe cuốc đi về trong đêm.

Thực ra cái gọi là lớp học chỉ là một cái cớ bạn bè tụ tập hàng tuần. Vốn tiếng Anh của Trần Hải cũng chỉ là một số câu từ được anh ghi nhớ và vận dụng linh hoạt, chủ yếu để thêm gia vị cho câu chuyện. Nhưng không vì thế mà chúng tôi kém vui. "Mét" Hải, hình như tên gọi này là do Cẩm Vinh xướng lên đầu tiên, đọc theo từ tiếng Pháp "Maitre". Cũng chính cô em đáo để này cùng mấy cô nữa trong nhóm là hay hùa nhau trêu chọc "Mét" Hải về chuyện đàn bà vợ con. Đùa rằng anh trai tráng thế này mà không có cô nào chắc "cái ấy" chỉ còn bằng hạt đậu xanh. Cả bọn lăn ra cười. Nhưng cũng chẳng khui được từ anh thông tin cụ thể nào. Mãi lâu sau có dạo bỗng dưng thấy "Mét" như ngoan hiền hẳn đi, ngồi với cả đám một lúc đã vội về. Anh em đoán già đoán non có nàng rồi hả thì anh cũng chỉ lấp lửng.

Cho đến bây giờ viết những dòng này nhớ anh thì tôi đã hoàn toàn biệt tin anh từ lâu. Cả hội  thỉnh thoảng gặp lại nhau nhắc lại chuyện cũ vẫn bâng khuâng không biết đích xác anh ở đâu. Anh vụt biến trong đời cũng như khi anh xuất hiện trước tôi một ngày vào đầu thập niên cuối cùng thế kỷ hai mươi. Tiếc là hồi ấy chưa có điện thoại di động như sau này để có thể có những tấm ảnh ghi lại cùng nhau. Nghe đâu những ngày anh gặp chúng tôi là thời gian anh đang tu tập theo một giáo phái hay thiền phái hay trường phái nào đấy mà sự giao lưu như là một một cách thực hành những điều khải ngộ. Có phải vì vậy mà thơ anh đọc lên nghe có khí vị lạ. Và lạ nữa là hồi ấy chúng tôi còn trẻ lại cũng có học nhưng đều như bị anh lôi cuốn một cách tự nhiên, không nghi hoặc gì. Tôi nhớ Đức Nguyện, bạn đồng khóa đại học với tôi, cứ không thôi ngạc nhiên mỗi lần gặp "Mét" Hải.

Hơn ba mươi năm đã qua. Đến giờ tôi tiếc đã không giữ được tập thơ Trần Hải đưa cho tôi. Ấy là khi tôi bảo anh đưa bản thảo để xem có thể in được không. Anh đã chép tay các bài thơ của mình và tôi đã giữ nó rất lâu trong hồ sơ tư liệu cá nhân. Tôi vẫn đinh ninh là nó còn. Nhưng vừa rồi lục lại giấy tờ thì không thấy đâu. Có lẽ không phải tôi đã làm mất nó mà chắc đã đem nó cho ai đó xem và giờ thì không nhớ là ở chỗ người nào. Thật tiếc! Giá mà tập bản thảo ấy còn, đem in ra thì thơ Trần Minh Hải (hay Trần Hải) sẽ còn khuấy động được người đọc. Hai câu thơ mà Phan Đăng nhắc lại đã được nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy lấy làm đề từ cho cuốn sách đầu tiên của anh "Con mắt thơ" ra năm 1997. Câu thơ có linh khí gì mà như đã ám vào người viết sách.

Năm 1992 trong bài viết "Thơ hôm nay - hai nhận xét và một gợi ý" (đăng tạp chí Văn nghệ Nha Trang) tôi có dẫn một bài thơ ngắn của anh nhưng không nhắc tên anh. Đoạn viết đó như sau: "Thơ đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người thơ xuất hiện, nhiều tiếng thơ khác lạ cất lên. Muốn có một nền thơ phong phú, đa dạng, phức điệu thì phải không được cấm đoán, ngăn đe, phê phán, chụp mũ nó một phía, một chiều. Thơ Hoàng Hưng, Dương Tường là nghịch âm? Đúng, nhưng nghịch là trong một thế đối với thuận đã có, vậy thì cứ để chúng tồn tại rồi thời gian và công chúng sẽ chọn lọc. Nên thấy đó là một dòng thơ chảy ngầm đã khá lâu và vẫn đang chảy. Chẳng hạn bài sau đây của một người thơ đã có dư nghìn bài chưa công bố:

KHÔNG ĐỀ

Thơ nằm dài ngoài trí tuệ

thơ nằm dài ngoài vũ trụ

gối đầu lên trái đất

ta nằm dài ngoài thơ

gối đầu lên tất tật

làm thơ

em nằm tênh hênh

như chẳng còn ai ngoài em trong thơ

gối lên hồn anh

tưng tức

Một định nghĩa thơ như thế cũng khác lạ đấy chứ?".

Bài viết này như một kỷ niệm vui của một thời tuổi trẻ. Khi viết tôi cứ băn khoăn không biết "Mét" Hải giờ ở đâu, như thế nào. Rồi tôi đã gọi điện cho một vài người trong nhóm năm xưa. Và thông tin về anh tôi đã có. Nhưng hãy cứ để kỷ niệm sống với thời gian của khi ấy. "Mét" Hải và chúng tôi đã có những thời khắc vui với nhau. Và thế là đủ. Cuộc đời của mỗi người là gồm nhiều thời đoạn, khoảnh khắc. Rốt lại thì như câu thơ anh viết đã thâu tóm được lẽ thực hư của cõi sống: "Ta bày thực hư lên bàn cuộc đời / Cuộc đời bày ta lên trình loài người".

Hà Nội 5-1-2022

Ngân Xuyên
.
.