Đan Kia, mãi là Đà Lạt xưa

Thứ Năm, 05/12/2024, 20:21

Cuối tuần, ngày lễ hay những lúc rảnh rỗi, tôi thường ngược lên hướng Đan Kia - Suối Vàng, để tìm cho mình chút không khí Đà Lạt, dù đang sống giữa thành phố sương mù.

Chỉ cần thực hiện một cú rẽ ngay tại ngã ba, xuôi theo đường Ankroet lại giúp ta rời xa mọi ồn ào phố thị, mọi huyên náo người xe, mọi lo toan suy tính. Càng đi càng thưa vắng nhà cửa vườn tược, chỉ có thông xanh vi vu ca hát giữa khoảng trời lộng gió mà không bị gò bó bởi bất cứ thứ gì của cuộc sống hiện đại.

Đan Kia, mãi là Đà Lạt xưa -0
Bờ đập hồ Đan Kia

1. Đỉnh Lang Bian là nơi lý tưởng nhất để nhìn toàn cảnh thung lũng Đan Kia - Suối Vàng. Đứng trên một trong những nóc nhà Đông Dương mới thấy hết sự hùng vĩ đến choáng ngợp của xứ cao nguyên. Lại nghĩ về 130 năm trước, khi bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu đặt chân lên miền đất lạ, đã quá ngỡ ngàng mà muốn chọn Đan Kia (bấy giờ gọi là Dankia) làm đô thị nghỉ dưỡng cho người Pháp. Tuy sau này Đà Lạt được chọn thay cho Đan Kia, nhưng Đan Kia lại đóng vai trò quan trọng cho sự hình thành và phát triển của thành phố.

Trong khi trạm nghỉ dưỡng Đà Lạt chờ nguồn ngân sách để hình thành, thì Đan Kia đã sớm trở thành khu canh nông đầu tiên trên cao nguyên Lang Bian. Năm 1897, ông Missigbrott, một người lính Pháp trong đoàn trắc địa khảo sát tuyến đường ngắn nhất từ Nha Trang lên Đà Lạt, đã ở lại Đan Kia để trồng những khu vườn rau cải và chăn nuôi một ít gia súc để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đoàn, đặt nền móng cho trạm canh nông đầu tiên thành lập một năm sau đó, do ông M. Jacquet, kỹ sư kiêm thanh tra canh nông Trung kỳ điều hành, sau đến kỹ sư A. d'André tiếp quản. Nông trại có diện tích 16,67 ha, cung cấp lương thực, thực phẩm, sữa tươi, bơ, pho mát cho bữa ăn của người Pháp trên toàn Đông Dương và những gia đình thượng lưu chuộng phong cách Pháp.

Vẻ đẹp và sự phong phú của trạm Đan Kia được mô tả tỉ mỉ trong chuyến tham quan của bà Gabrielle M.Vassal vào năm 1908. Bà là phu nhân của bác sĩ J.J Vassal, người được bổ nhiệm làm việc tại Viện Pasteur Nha Trang giai đoạn 1907 - 1910. "Các vườn cây bao phủ các sườn đồi xưa kia hoang vu. Yến mạch, lúa mạch đen, bắp, đại mạch, khoai tây trồng nối tiếp các đồng mía chạy đến mút mắt. Chung quanh các chalet, các khóm hoa đua sắc tươi vui: hoa hồng tuyệt mỹ, hoa cẩm chướng, hoa thược dược, hoa ca-pu-xin, hoa violet, cây bóng nước. Những loài hoa đẹp nhất châu Âu sánh vai với các loài hoa màu sắc sặc sỡ nhất của vùng nhiệt đới. Trong vườn trồng rau, người ta trồng nào đậu Hà lan, nào đậu đũa, rau diếp, cà rốt, nào là chou-fleur (súp lơ) có ăn quanh năm. Có những cánh đồng rộng vuông vắn, dâu tây cạnh các khóm thơm và cây chuối. Thông ba lá mọc giữa các khóm ngân hoa và các bụi hồng đứng bên cạnh các dải bông giấy.

Các thử nghiệm chăn nuôi cũng không kém phần hoan hỉ. Bò sữa hảo hạng của Pháp, giống bò thuần chủng Bretagne đã ngày càng béo tốt, sinh sản đầy đàn nhưng phẩm chất sữa của chúng không vì thế mà suy giảm. Nhờ lai chủng với bò châu Âu, bò bản địa đã thấy khá khẩm hơn. Buổi chiều ngắm các đàn bò từ các truông rừng trở về chuồng, thật không cảnh tượng nào đẹp bằng…".

2. Trạm canh nông Đan Kia là nơi khởi nguồn ngành nông nghiệp Đà Lạt. Ban đầu, người Pháp dùng người dân tộc bản địa mà họ gọi là người Thượng. Những dân tộc Lạch, Chil, Srê đang là chủ nhân của núi rừng bỗng chốc trở thành nô lệ làm việc dưới sự cai trị của chế độ thực dân. Sau đó người Pháp tuyển mộ thêm người từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào.

Những người Việt ngày làm công cho trạm, tối về khai phá thêm một ít đất quanh vùng, đầu tiên chủ yếu trồng khoai môn, sau có kinh nghiệm mới trồng các loại rau. Tất cả đều bằng sức người, cuốc đất, gánh nước từ suối lên tưới. Từ vài sào đất khẩn hoang ban đầu, ngành rau, hoa dần phát triển. Các ấp Tân Lạc, Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thành, Ánh Sáng, Vạn Thành, Đa Cát lần lượt hình thành theo bước chân di dân, biến Đà Lạt thành thành phố vườn cho đến ngày nay.

Đan Kia, mãi là Đà Lạt xưa -0
Đường Ankroet dẫn vào thung lũng Đan Kia

Cùng năm 1898, trạm khí tượng đầu tiên cũng được thành lập tại Đan Kia. Số liệu của trạm cho biết, từ năm 1898 đến năm 1911, nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,32 độ C, gần giống nhiệt độ trên bờ biển Địa Trung Hải vào mùa xuân. Tháng 1 là 0 độ C, nhiệt độ buổi tối giảm còn -2 độ C vào tháng 2, đủ thấy Đà Lạt ngày xưa lạnh lẽo đến nhường nào, có cả băng tuyết xuất hiện, sương mù dày đặc quanh năm.

Đan Kia còn ghi dấu mốc lịch sử với Nhà máy thủy điện Ankroet, là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương. Nhà máy khởi công vào năm 1942, ba năm sau khánh thành, chính thức phát điện vào năm 1946. Một công trình với nhiều hạng mục đi kèm, đập chứa nước, đường ống dẫn nước, đường hầm, giếng điều áp, đập tràn… được xây dựng giữa núi rừng chỉ bằng sức người và dụng cụ hỗ trợ thô sơ cách đây hơn 80 năm. Nhà máy Ankroet với công suất thiết kế nhỏ, khi bắt đầu hoạt động gồm hai tổ máy với tổng công suất 600kW, cung cấp điện cho Đà Lạt lúc bấy giờ. Đến nay sau bao lần cải tiến, cũng chỉ góp phần nhỏ vào mạng lưới điện thành phố. Tuy công năng chính không còn, nhưng để lại một giá trị lịch sử to lớn cho ngành thủy điện nước ta cùng với kiến trúc cảnh quan đặc biệt giữa đại ngàn.

Không chỉ có giá trị xưa cũ, Đan Kia ngày nay giữ vai trò quan trọng cho mạch sống của thành phố. Quay trở lại thời kì đầu khám phá ra vùng đất xinh đẹp này, ý kiến của bác sĩ Alexandre Yersin và các kỹ sư công chánh Pháp cho rằng, nếu chọn Đà Lạt là trung tâm thì Đan Kia là vùng sinh thái đặc hữu có vai trò quan yếu, là nguồn nước, bộ lọc không khí cho đô thị nghỉ dưỡng tương lai. Hồ Đan Kia - Suối Vàng ngoài chức năng vận hành tổ máy phát điện của Nhà máy thủy điện Ankroet, còn là hồ lớn nhất cung cấp nước ngọt cho thành phố Đà Lạt thông qua nhà máy nước Dankia do Đan Mạch giúp xây dựng, hoạt động từ năm 1984 đến nay.

3. Mỗi lần vào Đan Kia, tôi mất trọn một ngày chỉ để đi trên những con đường đèo dốc quanh co đặc trưng của phố núi, dẫn qua nhiều khung cảnh tĩnh lặng như tranh. Này là đoạn xuyên qua cánh rừng bạt ngàn, thông hai bên đường cứ chạy ngược với vòng quay bánh xe đang bon bon tiến tới. Kia là những ngọn đồi thoai thoải gối lên nhau, thảm cỏ xanh rì ướt đẫm sương buổi sớm. Đàn ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, ve vẩy chiếc đuôi dài sượt, đôi ba con túm tụm cùng nhau, cọ đầu cọ vai thủ thỉ. Phía đối diện, hồ Suối Vàng, hồ Đan Kia mênh mang khói sóng, lững lờ song hành cùng con đường mướt mát màu xanh.

Trên phông nền ấy, tùy theo mùa mà điểm xuyết thêm những gam màu mơ mộng. Tôi còn nhớ lần đi thuyền trên hồ Suối Vàng để đến Cây thông Cô đơn vào độ đầu xuân. Gọi là Cây thông Cô đơn vì thường thì thông mọc thành rừng thành cụm san sát nhau, nơi đây lại trơ trọi một cây cổ thụ, lẻ loi trên mỏm đất ven hồ, ngày cũng như đêm lừng lững soi bóng cùng sóng nước, mây trời. Không biết tự bao giờ chỗ này trở thành nơi tìm đến của các bạn trẻ.

Ngồi trên thuyền thong dong ngắm cảnh sắc ven bờ, sắc hồng mai anh đào bừng sáng giữa màu xanh của trời, của thông, của hồ, rực lên trong nắng xuân lấp lánh, như một thước phim quay chậm. Đến mùa cỏ hồng lại là một gam hồng khác, phơn phớt nhẹ nhàng, trải tấm thảm ngọt ngào lên một dải núi đồi trùng điệp. Rồi những ngày đầu đông, màu vàng rực rỡ của dã quỳ thắp sáng cả vùng trời xám lạnh. Không im lìm dưới đất như cỏ hồng hay vươn mình khoe sắc cạnh tán thông trên cao, dã quỳ chỉ khe khẽ tựa vào những gốc thông già, làm sống động khoảng rừng ngàn năm thinh lặng.

Đến Đan Kia không thể không thưởng thức món cơm lam gà nướng, đặc sản núi rừng xuất hiện nhiều ở đây. Gà được ướp lá rừng thơm phức, lúc nướng lên vàng ươm tươm mỡ tỏa mùi thơm gọi mời, ăn kèm với cơm lam nướng trong ống tre, một sự kết hợp hoàn hảo. Có nhiều quán nổi tiếng dọc tuyến đường, phòng ốc chỉnh chu, bàn ghế gọn gàng, nhưng tôi chỉ thích ngồi ở quán nhỏ ven hồ, che vài tấm bạt đơn sơ, kê dăm chiếc bàn cho khách. Quầy nướng gà nằm gần đường, khói bếp tỏa ra từ xa kéo theo mùi hương hấp dẫn. Ngồi giữa thiên nhiên, bên này mặt hồ lăn tăn sóng biếc, bên kia đồi thông vi vu, một tay cầm miếng gà nướng giòn rụm, một tay cầm miếng cơm lam chấm muối, vừa ăn vừa hít hà mùi của núi rừng mới cảm nhận hết sự tinh túy của món ăn dân dã.

Hiện Đan Kia nằm trong Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng với nhiều điểm hút khách: làng Cù Lần vừa phục vụ du lịch vừa bảo tồn truyền thống văn hóa đặc sắc của người K'ho bản địa; khu du lịch Thung lũng Vàng, đập Suối Vàng, hồ Ankroet... như chốn dừng chân cho lữ khách đến với đại ngàn. Nhiều người thấy tiếc vì một nơi mỹ cảnh như thế mà xa rời sự phát triển của thành phố, của ngành du lịch. Riêng tôi, lại mừng thầm, vì Đan Kia vẫn giữ được vẻ hoang sơ của một cao nguyên ôn đới, gợi không gian hoài niệm cho những ai muốn tĩnh lặng, muốn tìm đến Đà Lạt thuở nào…

Hoàng Ngọc Thanh
.
.