Cuộc chiến đầu đời với tử thần

Thứ Tư, 14/09/2022, 12:08

Ở Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương, những em bé chào đời cực non với trọng lượng cơ thể siêu nhẹ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các y bác sĩ. Ở nơi này, sự sống vô cùng quý giá, nhưng không tự nhiên có, mà phải giành giật, kiếm tìm. Sự giành giật không diễn trong những thời khắc chóng vánh, mà kéo dài căng thẳng suốt mấy tháng trời.

Khác với một em bé sinh đủ tháng, đủ cân, cơ thể của bé sinh non vô cùng yếu ớt, bé nhỏ chỉ từ 600 - 1.000gr. Khi mà các cơ quan trên cơ thể đều chưa trưởng thành, thì từng nhịp thở, nhịp tim, việc tiêu hóa từng giọt sữa… để thích nghi được với thế giới ngoài cơ thể mẹ sớm hơn rất nhiều ngày so với dự tính là cả một sự thần kỳ. Để khi rời khu nhà sơ sinh ấy, các bé mới ở vạch xuất phát ban đầu, chỉ bằng/gần bằng một em bé vừa rời bụng mẹ…

ths1.jpg -0
Một góc phòng điều trị tích cực Kangaroo thuộc Trung tâm Sơ sinh - nơi trẻ sinh non được bố mẹ ấp trên ngực hằng ngày.

"Hiệp sĩ" được chuyển tầng

Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương là một tòa nhà 5 tầng. Tầng 1 là khoa khám bệnh và cấp cứu sơ sinh. Những ca sơ sinh nặng sẽ được chuyển lên Khoa điều trị tích cực sơ sinh ở tầng 2 để chăm sóc tách mẹ. Tầng 3 và tầng 4 là khu điều trị và chăm sóc đặc biệt đối với những bệnh nhi sinh non nhưng có thể ghép mẹ.

Trẻ sơ sinh ra đời trước 37 tuần tuổi thai được gọi là sơ sinh non tháng. Trong đó, trẻ ra đời trước 28 tuần là sinh cực non, ra đời trong khoảng 28 - 34 tuần là sinh non tháng và trẻ chào đời ở thời điểm 34 - 37 tuần là sinh non muộn. Ở tầng 2 luôn là không gian đặc biệt nhất, nơi các bé sinh ra đều ở ngưỡng cực non phải vào điều trị và chăm sóc đặc biệt, cân nặng dưới 1.000gr, thể trạng cực yếu ớt đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Khác với những khu khám bệnh ồn ã, lúc nào cũng vang lên tiếng khóc của trẻ nhỏ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, ở tầng 2 này, không khí tĩnh lặng và căng thẳng một cách đáng sợ. Bởi những hình hài vừa rời bụng mẹ quá đỗi mong manh, đối mặt với nhiều nguy cơ, sự sống có khi chỉ tính bằng giờ, thậm chí bằng phút.

Ở tầng 2, trẻ sinh ra phải tách mẹ và được các y bác sĩ chăm sóc và theo dõi suốt ngày đêm. Trong những phút giây mong manh nhất, bố mẹ không thể định đoạt được sự sống của con mình, chỉ có nước mắt tuôn rơi và nỗi lo lắng bóp nghẹt con tim. Họ chỉ còn biết nói những câu quen thuộc "Trăm sự nhờ vào bác sĩ",  "Con tôi còn sống không bác sĩ ơi?"… Ở tầng 2 này, những y bác sĩ đều có tinh thần thép. Hay nói như thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Trang thuộc Trung tâm Sơ sinh là phải "nảy số" tốt. Tức là phải nhận định nhanh chóng tình trạng của một cơ thể non nớt, đỏ hỏn với nhiều nguy cơ, trải qua những phút cân não để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho trẻ một cách nhanh chóng và chính xác.

Có những bệnh nhi sinh non mà bác sĩ Trang không thể nào quên. Đó là ca sinh ba cực non tháng khi mới được 26 tuần thai. Khi ba đứa trẻ bé xíu con của anh M.V.A và chị T.H.Đ (quê ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình) được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thật xót xa khi một bé đã lìa sự sống trên đường vận chuyển. Hai bé còn lại, một bé nặng 600gr, một bé nặng 650gr nhanh chóng được đưa lên theo dõi và điều trị ở tầng hai. Sự mất mát một sinh linh bé nhỏ khiến các bác sĩ ở đây đã phải trải qua những phút cân não, cố gắng từng chút một để giữ lại sự sống cho hai bé còn lại. Tuy nhiên, cả hai bé đều ở tình trạng rất xấu, đối mặt với nhiều nguy cơ như hạ nhiệt độ, ống động mạch (tim bẩm sinh), xuất huyết não. Không chỉ thế, hai bé còn bị nhiễm khuẩn - một nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh.

ths4.jpg -0
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Trang kiểm tra một hồ sơ bệnh án siêu dày, nặng hơn rất nhiều so với trọng lượng của con lúc sinh ra.

Vì quá non nớt nên phổi của hai bé đều chưa trưởng thành, đối mặt với nguy cơ suy hô hấp do thiếu chất surfactant trong phổi nên phải thở máy xâm nhập, tức là đặt ống nội khí quản vào trong đường thở kết nối với máy thở, giúp phổi có thể hoạt động được, tránh được tình trạng xẹp phổi. Đây là phương pháp thường dùng cho trẻ ngay từ những giờ đầu, ngày đầu sau sinh. Các bác sĩ sẽ bơm chất surfactant nhân tạo để giúp phổi nở ra. Nhưng sau đó hai bé bị chảy máu phổi, dẫn đến chất surfactant nhân tạo bị bất hoạt. Bác sĩ Trang buộc phải bơm surfactant nhân tạo lần hai cho hai bé. Có lúc, tình trạng của hai bé nặng đến nỗi tưởng chừng như không qua khỏi. Nhưng các bác sĩ vẫn kiên trì "còn nước còn tát". Thật kì diệu, hai đứa trẻ đã thoát được giai đoạn nguy hiểm, tạm ổn định và đã có một cuộc vượt tầng ngoạn mục, kiêu hãnh trở thành những công dân tầng 5 - Khoa Điều trị tích cực Kangaroo.

Ở tầng 5, hai bé được ghép mẹ, tiếp tục phải thở máy không xâm nhập. Giây phút được gặp con, chị T.H.Đ bật khóc. Bởi chị hiểu rằng hai đứa con bé bỏng của chị đã trải qua một cuộc chiến sinh tử mới có cuộc hội ngộ mẹ con đầy ý nghĩa này. Vượt được tầng lên đây, phổi của con chị đã tiến triển khả quan thêm một bước. Cuộc chuyển tầng ngầm báo hiệu rằng các bé đã có thể sống, đã chiến thắng tử thần ở giai đoạn đầu đời, tuy rằng sự sống còn rất mong manh. Sau bước nhảy ngoạn mục, các bé được ấp trên ngực mẹ theo phương pháp kangaroo da kề da dưới sự giám sát của các y bác sĩ.

Không chỉ hai em bé con chị Đ. mà bất cứ đứa trẻ nào từ tầng 2 vượt lên được tầng 5 đều được các y bác sĩ phong là "hiệp sĩ chuyển tầng". Thật xót xa khi có những em bé quá non tháng, quá yếu ớt đã phải đứt lìa sự sống khi vừa trào đời. Chỉ là cuộc vận chuyển từ tầng nọ lên tầng kia, nghe thì đơn giản, nhưng là niềm mong mỏi của các bố mẹ, là sự nỗ lực, mục tiêu của các y bác sĩ trong hành trình chăm sóc và nâng niu đặc biệt dành cho những đứa trẻ sinh non. Sau gần 3 tháng ở Trung tâm Sơ sinh, hai bé con chị Đ. được xuất viện. Từ mốc 600gr ban đầu, cân nặng của các bé đã tăng gấp 3, một bạn được 1,7kg, một bạn được 1,9kg. Thật may mắn, các bé đã bám trụ được trong cuộc đời này.

Những ông bố chăm soi gương

Một khoảng ngực trần to rộng của người bố ấp ủ một cơ thể bé xíu của người con. Một ấm nồng sự sống, một mỏng manh, yếu ớt. Đó là sự đối lập đầy ám ảnh, nhưng rất quen thuộc ở tầng 5 của Trung tâm Sơ sinh. Đứa trẻ nhỏ đến nỗi chẳng thể mặc vừa một chiếc bỉm bỗng… ị ra ngực bố. Ông bố nghiêng nghiêng chiếc gương rồi khẽ reo lên âu yếm: "Con của bố ị rồi này". Bà mẹ nhanh nhẹn lấy mảnh giấy ướt xử lý "sự cố" em bé vừa tạo ra, đến cái "sự cố" cũng bé xíu xiu một cách lạ lùng.

Cuộc chiến đầu đời với tử thần -0
Ông bố trẻ ấp con trong lúc người mẹ ghi chép nhật ký những biểu hiện của con hằng ngày.

Trên tay mỗi ông bố luôn là một chiếc gương. Nhìn qua thì có vẻ điệu đà, nhưng chẳng phải để ngắm nghía mình đâu, mà đây là cách để bố có thể nhìn thấy con cả ngày. Qua chiếc gương đó, bố có thể quan sát xem con ngủ hay thức, con thở thế nào, biểu hiện nét mặt ra sao. Vì con quá bé nhỏ và non nớt nên chưa thể bế con trên tay để ngắm nghía, hít hà. Bố và mẹ sẽ thay nhau ấp con cả ngày trên ngực để truyền hơi ấm và sức sống diệu kì cho con.

Thời điểm cuối tháng 8-2022, khi chúng tôi đến thăm Khoa Điều trị tích cực Kangaroo, Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Mai Hương đang có buổi tập huấn cấp tốc cách ấp bé và chăm sóc trẻ sinh non cho những bố mẹ đưa con lên điều trị tại tầng 5. Những con búp bê vải xinh xắn được chính các cô điều dưỡng ở đây tự tay làm trở thành dụng cụ trực quan để các bố mẹ tập ấp con. "Các con sinh non bé nhỏ đến nỗi các mẹ không dám nhìn con, không dám đón con. Phải làm công tác tâm lý và hướng dẫn thực hành với những con búp bê vải, thì các mẹ mới dám vững tâm, vững tay đón con về chăm sóc. Trẻ đã lên được tầng 5 nhưng cơ thể các bé non nớt, sức đề kháng yếu nên nếu không được chăm sóc đúng cách thì rất dễ nhiễm trùng trở lại", chị Hương nói với chúng tôi.

Các bố mẹ được giải thích kĩ càng những lợi ích mà phương pháp điều trị tích cực Kangaroo đem lại. Việc tiếp xúc da kề da sớm và liên tục sau khi sinh có tác động tích cực đối với trẻ, như điều hòa nhịp tim và hô hấp, ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết (nhiễm khuẩn nặng), hạ thân nhiệt hay hạ đường huyết.

Trong phòng điều trị, chị L.T.T (38 tuổi) quê Sơn La đang nằm ấp con. Cô con gái bé nhỏ L.T.N là con thứ 3 của chị. Cô bé là trẻ sinh non nhẹ cân nhất đang được điều trị ở tầng 5. Cuối tháng 6-2022, bé chào đời khi mới được 25 tuần thai, nặng vỏn vẹn 700gr. Sinh xong, chưa kịp nhìn mặt con, chị T. chỉ nghe nói chồng chị đã đưa con từ Sơn La xuống Hà Nội để nhờ cậy các bác sĩ cứu con. Nửa tháng sau, khi sức khỏe ổn định, chị T. đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì biết con vẫn đang được chăm sóc đặc biệt chưa thể ghép mẹ. Chị đành thuê trọ gần bệnh viện, hàng ngày vắt sữa gửi vào cho con. Chị không thể hình dung nổi ở tầng 2 của Trung tâm Sơ sinh, con chị đã trải qua thời gian nguy kịch, phải thở máy xâm nhập, bơm surfactant nhân tạo. Chưa hết, bé còn bị nhiễm trùng, nhiễm nấm, bệnh chồng bệnh nên điều trị rất khó khăn. Các điều dưỡng và bác sĩ quyết tâm giành giật sự sống cho con và đã thành công.

Bé N. được chuyển lên tầng 5 để ghép mẹ. "Lần đầu nhìn thấy con, tôi sững người vì cháu rất bé và yếu ớt, da nhăn nheo và có màu vàng sẫm. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một đứa trẻ với đầy dây nhợ quanh người. Nếu không có các y bác sĩ giải thích và hướng dẫn thì tôi không dám chạm tay vào con", chị T. nhớ lại thời điểm đầu gặp con. Những ngày sau đó, chị tuân thủ từng chỉ dẫn của các cô điều dưỡng, bác sĩ khám bệnh. Chị quan sát cách chăm sóc của những ông bố, bà mẹ ở giường bên cạnh và làm theo. Cả ngày quay vòng, hết cho con ăn lại đến giờ tiêm truyền, giờ các cô điều dưỡng tắm cho con, chị T cảm thấy thời gian trôi thật nhanh. Hồi đầu chăm con, mỗi lần bé hạ thân nhiệt là một lần chị run bắn. Thời gian này thân nhiệt con ổn định hơn nên bé mới được tắm. Nhà neo người, chồng chị ở viện ấp con được 1 tháng thì phải về đi làm, còn có hai mẹ con ở lại.

Chị T. bảo lo nhất là thời gian trước con liên tục có những cơn ngừng thở nên các bác sĩ không rời mắt khỏi con. Còn chị cả đêm cả ngày hầu như không dám chợp mắt, trên tay lúc nào cũng cầm gương, vừa theo dõi con, vừa để quan sát tất cả các chỉ số báo trên các máy quây kín giường bệnh. Có lúc qua gương, thấy máy báo chỉ số SPO2 của con tụt xuống còn 40-50%, chị cảm giác như mất con đến nơi, cuống quýt gọi bác sĩ. Bù lại, có những lúc chị nhìn thấy khuôn mặt tí xíu của con nhoẻn cười trong gương, dấy lên bao hy vọng con sẽ đủ sức bám níu lấy cuộc đời này. Con đã nằm viện tròn 2 tháng, nhưng tính ra mới chỉ được 33 tuần thai. Đáng lẽ con vẫn còn an toàn trong bụng mẹ, thì con đã sớm bị văng ra khỏi cơ thể mẹ, chịu bao đau đớn, nguy hiểm. Từ 700gr, giờ con đã được 1,4kg, con vẫn phải thở oxy gọng mũi nhưng đã cứng cáp hơn nhiều. Chị mong mỏi từng ngày con an toàn, ngày một lớn để hai mẹ con được xuất viện về nhà.

Tình yêu lặng thầm dành cho trẻ sinh non

Khu điều trị tích cực Kangroo có 25 giường bệnh thì hiện đang điều trị cho 22 em bé sinh cực non. Số lượng bệnh nhân luôn đông, thời gian điều trị không phải ngày một ngày hai, mà thường phải là 2-3 tháng. Vậy nên, guồng công việc của các bác sĩ ở đây lúc nào cũng căng như dây đàn, từ việc hướng dẫn bố mẹ chăm sóc và ấp trẻ, cho trẻ ăn đúng cách, theo dõi các nguy cơ đến việc tiêm truyền thuốc, xét nghiệm kiểm tra.

Cuộc chiến đầu đời với tử thần -0
Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Mai Hương (phải) hướng dẫn các bà mẹ cách ấp con trên ngực.

"Hôm nay, bạn sẽ tiếp xúc với sinh mệnh của ai đó. Hãy làm việc đó với bàn tay sạch" - câu khẩu hiệu có ở nhiều vị trí thuộc Trung tâm Sơ sinh đã toát lên sự cẩn trọng, tỉ mỉ và trách nhiệm của các y bác sĩ ở đây trong cuộc chiến trường kì giành sự sống cho những mầm non bé nhỏ. Ở khoa này, hầu như vắng bóng bác sĩ nam, bởi việc chăm sóc, điều trị cho trẻ sinh cực non đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại, kì công dường như là vô biên. Đồng nghĩa với điều đó, là sự hy sinh thầm lặng của những nữ bác sĩ luôn gạt việc nhà, việc con cái để chăm các bệnh nhi tí hon trong viện. Ngày cũng như đêm, các y bác sĩ sẽ liên tục đi lại giữa các phòng để kiểm tra, bởi các bệnh nhi sẽ gặp phải biến chứng bất cứ lúc nào.

"Phải yêu trẻ, thương trẻ thì mới có thể chăm sóc cho một em bé sinh non. Bởi chăm sóc trẻ sơ sinh có bệnh lý nặng đã phải cẩn thận, chăm sóc trẻ sinh non lại càng phải để ý đến từng tiểu tiết. Sự sống của các bé đặt vào tay chúng tôi. Nên chúng tôi phải chú tâm hoàn toàn, theo dõi sát bệnh nhi, giành giật từng phận sống yếu ớt. Tai luôn phải lắng nghe, thấy tiếng máy báo bất thường ở một buồng bệnh nào đó là phải lao đến ngay", bác sĩ Trang bảo với chúng tôi như vậy. Tình yêu ấy biểu hiện qua từng việc làm nhỏ bé, lặng thầm. Đó là lúc các cô điều dưỡng cưng nựng các con ăn khỏe chóng lớn, là lúc các cô ngồi cặm cụi cắt từng miếng da giả để đệm vào mũi, vào má các con khi gài ống thở, ống xông trên mặt, tránh làm các con bị tổn thương. Ở đây, bác sĩ hiểu gia cảnh của từng bệnh nhi, hướng dẫn bố mẹ chăm con từng li từng tí, nhất là những ông bố bà mẹ trẻ, kinh nghiệm chăm con như tờ giấy trắng.

Như trường hợp đôi vợ chồng trẻ Đ.T.T và Đ.C.Đ người dân tộc Mường ở Sơn La, cả bố và mẹ đều chưa đến 20 tuổi. Lần đầu làm mẹ, lại sinh con ra khi mới được 28 tuần thai, con chỉ nặng 1.000gr, phải trải qua giai đoạn thở máy xâm nhập ở tầng 2 trước khi chuyển lên tầng 5, nên người mẹ trẻ đã lúng túng lại càng lúng túng. Những ngày đầu có ông nội và ông ngoại đưa hai vợ chồng xuống viện. Giờ hai ông về rồi thì còn hai vợ chồng thay nhau ấp con. Khổ nỗi, dù bác sĩ có hướng dẫn theo dõi các nguy cơ mà con đã, đang và sẽ phải đối mặt, thì bố mẹ vẫn không hiểu thế nào là cơn ngừng thở, hạ thân nhiệt, không nhận biết được khi nào con gặp phải các vấn đề để báo bác sĩ. "Với trường hợp này, chúng tôi vừa chăm bệnh nhi, lại phải trông cả bố mẹ nữa. Họ chỉ biết bảo gì làm nấy, phải cầm tay chỉ việc từng chút một", điều dưỡng trưởng Hương chia sẻ.

Cũng mừng là em bé đã ăn được nhiều hơn. Lúc đầu em bé chưa ăn được, phải dùng đường nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài, đặt từ ven ngoại vi vào tận tim để dành nguồn năng lượng tối đa cho bé. Sau gần một tháng, giờ em bé đã ăn được 26ml sữa/bữa, ngày 8 bữa. "Nằm ấp con, thấy lạ lắm. Mong con nhanh lớn. Thời gian ở đây thì trôi chậm quá", ông bố trẻ vừa xoa nhẹ trên lưng con vừa thủng thẳng. Bên cạnh, bà mẹ hí húi ghi nhật ký xem con ăn được bao nhiêu, nhiệt độ, cơn ngừng thở… theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bữa ăn của những đứa trẻ ở khu Kangaroo này tính bằng giọt sữa. Ban đầu, chỉ là 0,5ml sữa/bữa, tương đương 10 giọt sữa đựng trong chiếc xilanh qua một ống sonde được đặt từ miệng qua thực quản vào dạ dày. Chỉ có vài giọt sữa thôi nhưng thời gian ăn không thể vội vàng. Bởi chỉ cần sữa vào cơ thể nhanh hơn một chút thì rất có thể con sẽ bị viêm ruột và có những cơn ngừng thở. Chỉ cần các con ăn thêm vài giọt sữa, cơ thể nhích thêm được 0,5-1gr thì cả bố mẹ và các y bác sĩ đều vui và tràn đầy hy vọng.

Không biết bao nhiêu lần đón trẻ sinh non về chăm sóc, lần nào các y bác sĩ ở Trung tâm Sơ sinh cũng dấy lên cảm giác nâng niu và yêu thương vô cùng, như nhận lấy rất nhiều hy vọng trao gửi qua đó. Sau khoảng 2-3 tháng, khi bệnh nhi tăng cân tốt, không còn cơn ngừng thở mới được ra viện. Bé nào cũng vậy, hồ sơ bệnh án siêu dày, nặng hơn rất nhiều so với trọng lượng bé nhỏ của con lúc sinh ra.

Hạnh phúc nhất đối với các y bác sĩ là lúc chứng kiến các bé khỏe mạnh và trở về với gia đình. Tuy nhiên, những bé đẻ non cần được theo dõi và quay lại khám định kỳ để đánh giá sự phát triển của cơ thể. Mỗi khi gặp lại các bé sinh non được bố mẹ đưa đi khám lại, thấy các cháu khỏe mạnh, hiếu động, các bác sĩ như được tiếp thêm động lực từ những thành quả ngọt ngào.

* Ngày 17-11 hàng năm được chọn là Ngày thế giới vì trẻ sinh non, nhằm nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non và nhấn mạnh về những rủi ro cũng như hậu quả mà trẻ sinh non và gia đình các em trên toàn thế giới phải đối mặt. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi. Hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên thế giới, hay cứ 10 trẻ ra đời thì có 1 trẻ sinh non. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Tại Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm cứu sống được khoảng gần 300 trẻ sinh cực non tháng, giúp các bé phát triển khỏe mạnh như một đứa trẻ bình thường.

* "Các bác sĩ ơi, con xin phép về đây. Biết là hẹn gặp lại các bác sĩ thì sẽ hơi kì. Nhưng các bác hãy nhớ tên con nhé, con là một trong số rất nhiều em bé mà các bác từng gặp và chăm sóc. Con có một trái tim, bộ não, lá phổi và đôi mắt,… được nuôi dưỡng ở Trung tâm Sơ sinh. Mẹ con bảo con không được phụ công các bác đã hết lòng vì con" - trích thư của một bà mẹ có con sinh non được điều trị thành công gửi các điều dưỡng, y bác sĩ tại Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương.

Huyền Châm
.
.