Cù lao chín chữ

Thứ Sáu, 15/03/2024, 08:42

Nhớ cái đận rét quắt ruột ấy đi Điện Biên Phủ, lang thang vào chơi bản Na Khếnh cách trung tâm  Mường Thanh mấy cây số.

Ngồi chuyện với ông Lò Văn Liên vốn là lính ngụy Thái hồi trước ở Na Khếnh đã non phần đêm mà chưa dứt ra đợc.

Chuyện ông Liên được Pháp đào tạo vô tuyến điện tận Hà Nội rồi tung trở lại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ quê nhà ra sao. Rồi ông Liên và tiểu đoàn lính Thái đã đồng loạt ra hàng bộ đội ta như thế nào. Chuyện ông đi dạy học rồi lấy vợ... Vợ ông vốn một hoa khôi ở châu Thuận mà bây giờ, tên đơn vị hành chính ấy gọi ngược là Thuận Châu. Cũng như ông Liên, bà vợ hơn tám mươi đều còn mạnh cả. Tiếng Kinh bà kém nhưng trong câu chuyện, tình cờ tôi biết được  bà là chỗ bà con với vợ nhà thơ Trần Lê Văn.

dsc_1017_cmvf.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Đức Hiền (bên phải) và học giả Hoàng Xuân Hãn, Paris năm 1992.

Ở Hà Nội tôi chỉ loáng thoáng vợ nhà thơ Trần Lê Văn hồi trẻ là một người đẹp nổi tiếng vùng Thái Châu Yên, Châu Thuận. Hóa ra người đẹp Bạc Thị Nau, vợ nhà thơ lại cùng quê và cũng là chỗ bà con gần với bà Lò Thị Duyên vợ ông Liên tít tận Điện Biên này!

... Về Hà Nội, cũng đương dịp cận Tết Bính Tý năm 1996, tôi ghé qua chỗ nhà thơ Trần Lê Văn.

 Nhà thơ đang có khách. Đó là nhà văn Nguyễn Đức Hiền, tác giả của nhiều tập biên khảo về nhân vật lịch sử có thật Cống Quỳnh (Nguyễn Quỳnh) với nhân vật huyền thoại Trạng Quỳnh và nhiều công trình về học giả Hoàng Xuân Hãn.

 Không biết nhà văn Nguyễn Đức Hiền có chút duyên gì mà hai lần sang Paris, nhà văn được học giả Hoàng Xuân Hãn trao gửi nhiều tài liệu mà các nhà nghiên cứu lẫn thư  viện khi ấy (và tận bây giờ)  chưa có!

Hai cụ hình như đang trao đổi việc chi đó chắc khá hứng thú bởi khuôn mặt cả hai đều đượm những nét hồ hởi. Trên bàn, nhà thơ Trần Lê Văn lại bày cả mực tàu giấy bản nữa. Thường mỗi khi giăng ra  những thứ “văn phòng tứ  bảo”  ấy  là ông thi sĩ quê thành Nam vốn giỏi Hán lẫn Nôm này đang có điều chi sở đắc?

Thì ra có duyên do cả. Nhà văn Nguyễn Đức Hiền quê ở huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh, Hoằng Hóa vốn là đất học lại cũng là đất quan. Trước đã vậy nay vẫn vậy. Nhà văn Nguyễn Đức Hiền lại có dây mơ rễ má bà con chi đó với cụ bà Lê Thị Tố Mai,  thân sinh nhà ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Cù lao chín chữ -0
Nhà thơ Trần Lê Văn.

 Nhà văn Nguyễn Đức Hiền cho hay, cụ bà thuộc dạng như các cụ ta vẫn nói là “vượng phu ích tử” - lấy tấm gương cho việc nuôi nấng giáo dục con cái.

 Cụ ông là Nguyễn Đình Khai, một trí thức cũ, không may mất sớm (năm 1953). Hai cụ sinh được chín người con. Bảy trai hai gái. Tất cả đều phương trưởng. Trừ nữ  là trưởng và út, bảy người con trai đều đặt tên là Niên chỉ khác có cái tên lót.

Gia cảnh tính đến thời điểm năm ấy (2006) trưởng nữ là bà Nguyễn Thị Hương,  81 tuổi. Trưởng nam là nhà sử học Nguyễn Diên Niên. Thứ nam là bác sĩ Nguyễn Phong Niên (đã mất). Người con trai thứ tư là Nguyễn Tri Niên đang công tác ở Trường Tuyên giáo Trung ương. Người con trai thứ năm là Nguyễn Huy Niên, giáo sư Đại học Thủy lợi (đã mất). Thứ sáu là Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Thứ bảy là tiến sĩ ngành thủy lợi Nguyễn Ân Niên, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Thứ tám là Nguyễn Ty Niên, Cục trưởng Cục Đê điều. Cô gái út là phó giáo sư ngành Dược, Nguyễn Thị Tâm.

 Dịp Tết Bính Tý cũng là dịp cụ bà Lê Thị Tố Mai thượng thọ chín mươi tuổi.

 Nhà văn Nguyễn Đức Hiền cứ tấm tắc rằng, thời buổi bây giờ, gia đình Việt, gia phong những nhà như thế không nhiều. Nhà văn cũng muốn có đôi câu đối mừng người bà con nhưng nghĩ mãi mới tàm tạm  được một vế. Nhà văn đến cậy nhờ bậc túc nho Trần Lê Văn vế thứ hai. Nhân thể cũng nhờ nhà thơ viết cho đôi câu đối bằng chữ Nôm ấy để đem mừng cho trang trọng!

Bằng chất giọng sang, vang, nhà thơ Nguyễn Đức Hiền cất tiếng.

Chín chục chín con tròn chín chữ

Rồi ông ngưng lại chiếu cái nhìn pha chút thỏa mãn lẫn chờ đợi về phía nhà thơ Trần Lê Văn lẫn tôi.

Biết phận mình trong những lúc như thế  này, tôi ghìm mình để đợi nghe các cụ thù tạc ứng đối mặc dù nhà thơ Trần Lê Văn mỉm cười khuyến khích cậu có ý gỡ hay thử góp xem?

 Rồi nhà thơ nhướng cặp mày bạc rất sang,  thư thả  cắt nghĩa cho tôi, đại ý chín chữ mà nhà văn Nguyễn Đức Hiền đưa ở vế đầu là khá đắt.

Cù lao chín chữ -0
Bút tích của nhà văn Nguyễn Đức Hiền qua cặp đối Nôm.

“Đắt nên đối hơi hóc!  Chín chữ cù lao mà các cụ ta vẫn nói về công lao của cha mẹ  là sâu sắc lắm! Này nhá”:

1. SINH ( đẻ) ( Đẻ)

 2. CÚC (nuôi nấng) (Nuôi nấng)

3.  VŨ (Vuốt ve)

4. SÚC ( Bú mớm)

5. TƯỞNG (Chăm cho nhớn)

 6. DỤC   ( Dạy dỗ)

7.  CỐ  ( Kèm cặp)

 8. PHỤC  ( Lựa theo tính nết mà dạy)

9.  PHÚC (giữ gìn, bảo vệ)

Đoạn cụ xuýt xoa “chả thế mà ca dao ta có câu”:

 Núi cao bể rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.

Đoạn thi sĩ họ Trần ung dung thư  thái se sẽ vuốt tờ giấy điều cho thẳng thớm.

Và ngoài kia, thoảng những lát gió cuối cùng của mùa đông năm Hợi xạc xào…  Thoắt chiều Hà Thành chợt lui về những khoảnh vời xa, lùi về quá vãng...

 Quá vãng của những cổ tích, của những thứ thú ứng đối thù tạc tao nhã của tiền nhân! Tưởng như trên mái đầu bạc của thi sĩ đang nhẹ rung trong cơn hứng khởi hiếm hoi kia, những truân chuyên những bất hạnh oái oăm của trần thế chưa hề ập xuống?

 Người con trai yêu dấu của cụ ngã xuống ở chiến trường  phía Nam mà cho mãi sau này, hằng đêm nhớ con, nhà thơ Trần Lê Văn đã buông những vần thơ đau đớn, xúc động. Những năm tháng “nhân văn” nhọc nhằn hành hạ lẫn thể xác tinh thần nhà thơ chẳng ít...

À mà có rồi...

Giọng thi sĩ Trần Lê Văn như thoảng reo nhẹ...

 Ông vơ lấy ngọn bút lông. Một rồi hai hàng. Những con chữ nôm bung ra đều chằn chặn!

Đoạn cụ sang sảng:

Chín chục chín con tròn chín chữ

Trăm xuân trăm tuổi vẹn trăm điều

Nhà văn Nguyễn Đức Hiền nghe xong liền có động thái có lẽ không hợp với cái tuổi của mình là gần như vồ ngay lấy bàn tay của cụ Trần mà lắc, lắc mãi...

... Buổi chiều ấy,  tôi có nói lại với cụ Trần chuyện gặp vợ chồng ông bà Lò Thị Duyên ở Điện Biên. Niềm vui hơi hiếm hoi của cụ chiều nay gần như lại được nhân đôi.  Ánh mắt cụ như sáng thêm ra... Cụ cứ “thế hử, thế hử” mãi. Nhưng rồi cụ lại thở dài, “nếu mà đi lên đó được một chuyến thì cũng hay đấy! nhưng chân cẳng cứ như vầy…”.  (Khi ấy cụ đã yếu, chân hơi liệt)

Tôi không rõ sau đận ấy có sự gặp gỡ qua lại không giữa hai gia đình ông Lò Văn Liên và cụ Trần Lê Văn? Mà cũng từ độ nhà thơ Trần Lê Văn và nhà văn Nguyễn Đức Hiền biệt dương  thế, tôi chưa lần nào được  mục sở thị những ứng đối thù tạc tao nhã na ná như thế nữa! 

Xuân Ba
.
.