Công cốc, đụt, đáy, đăng, đó

Thứ Ba, 18/04/2023, 10:41

Này cô Hai, có câu đùa tếu táo: “Giỏi đến dốt, tốt đến điên, hiền đến đụt”. Thế đụt gì? Lúc ngoài đang mưa, sấm sét đùng đùng, thấy người quen đi ngang qua nhà, một người gọi vọng ra: “Mưa gió thế này, đi đâu mà vội, vào nhà tớ mà đụt”. Đụt trong ngữ cảnh này là trú/ ẩn núp trong chốc lát. Không chỉ có thế, đụt còn có nghĩa là chỉ người u mê, chậm trí khôn, ngốc nghếch.

Trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Lục súc tranh công”, con ngựa có lúc khoe:

Đã nhiều thuở ngăn thành, thủ phủ,

Lại ghe phen đụt pháo, xông tên.

Công cốc, đụt, đáy, đăng, đó -0
Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

“Ghe” là nhiều. Đụt trong thành ngữ có câu “Đụt pháo xông tên” lại có nghĩa là xông vào, xốc tới không sợ gì tên đạn. Như cách nói của thời @ những con người quả cảm đó “liều mình như chẳng có” - là lấy từ cụm từ quen thuộc trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Không chỉ trong đánh giặc, ngay cả mưu sinh vì miếng cơm manh áo, con người ta cũng sẵn sàng chấp nhận sóng gió gian nan, chẳng hạn:

Anh đi đóng đáy hàng khơi

Đứt dây đổ đụt giữa vời linh đinh

Với câu ca dao này, ta hãy tự hỏi, tại sao “đổ đụt” chứ không là cái gì khác? Đơn giản chỉ vì đáy và đụt là “cặp bài trùng” luôn đi chung với nhau. Khi bàn về “Nông ngư cụ Nam Bộ với ca dao tục ngữ” (NXB Văn nghệ - 2010), ông Phan Văn Phấn cho biết: “Miệng đáy được cấu tạo hai phần chính, lưới đáy và đụt (rọng). Rọng hay đụt đương (đan) bằng tre” (tr.61). Với từ đụt này, trong “Phương ngữ Nam Bộ”, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Kiên giải thích cụ thể: “1. Giỏ bằng tre, miệng rộng có gài hom để đựng cá; 2. Ống lưới tròn dài đựng cá ở một miệng đáy”. Đụt trong câu ca dao trên hiểu ở nghĩa thứ 2.

Như đã biết, đụt còn có tên gọi khác là rọng.

Từ rọng này, tra cứu nhiều sách vở, kể cả “Đại từ điển tiếng Việt” cũng không ghi nhận.

Theo “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” (NXB Khoa học xã hội - 2007) của nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín: “Rọng: Vật được đặt ở dưới nước được làm từ những que tre có những khoảng hở cho nước vào để giữ tôm cá được lâu”; và dẫn câu văn minh họa: “Cá mang về chòi cho vào những cái rọng đã neo sẵn dưới nước” (Anh Động, tr.1043). Không chỉ hàm nghĩa này, rọng còn được hiểu “đựng trong chai lọ”: “Hai đứa mình như nước rọng trong chai/ Tiền nhựt anh nói vậy, không biết hậu lai thế nào?”. Nhân đây nói luôn, cũng từ điển của người miền Nam nhưng trước đây, chẳng hạn Huỳnh Tịnh Paulus Của, Lê Văn Đức lại ghi nhận là rộng, dù giải thích như rọng.

Đã nói đến đáy và đụt, ta lại nhớ đến ngư cụ khác bắt đầu bằng mẫu tự “đ” và cũng “gắn kết” chặt chẽ như vậy: đó và đăng. Có câu hát cũ còn nhiều người nhớ:

Trai không vợ như đăng không đó

Gái không chồng như đó nọ không đăng

Đó không đăng, đó thành vô dụng

Đăng không đó, đăng cũng khó dùng

Anh xin em cho anh kết nghĩa đến cùng

Phòng khi mưa gió bão bùng có đôi

Một khi ai với ai đã thề thốt trăm năm, xe duyên kết tóc nhưng rồi một trong hai người “Tham vàng bỏ ngãi/ Tham bát bỏ mâm/ Có mới nới cũ” thì lời than trách còn ví von:

Trách ai tham đó bỏ đăng

Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn

Thế thì đăng là gì mà “sánh vai” với đó? “Việt Nam tự điển” (1931) của Hội Khai trí tiến đức giải thích: “Đăng: Đồ dùng để bắt cá, đan hình cái phên dài, cắm thành hàng để cá lọt vào mà bắt”. Còn “Đó: Đồ đan bằng tre, miệng có hom, cá chui vào trong mà không ra được”.

Thành ngữ có câu “Đơm đó ngọn tre” là cười chê ai đó làm việc tréo ngoe, ngốc nghếch còn tệ hại hơn cả “Mặc áo tơi chữa lửa”, “Lấy thúng úp voi”, “Chỉ buộc chân voi”… Lại có câu “Thấy đó mà khó ăn” thì đó lại nhằm chỉ vị trí như đó, đây, nọ, kia là thấy sờ sờ ngay trước mắt, dù muốn nhưng vẫn không làm gì được, dù hau háu thèm thuồng như mèo thấy mỡ nhưng rồi cũng bó tay. Sự đời rơi vào cảnh ngộ đó, éo le thiệt.

Trời mưa trời gió

Vác đó đi đơm

Trở về ăn cơm

Trở ra mất đó

Kể từ ngày thương đó, đó ơi

Ðó chưa thưa được một lời cho đây nghe

Bài ca dao này có cả thảy 5 từ đó, nhưng lại mang ba nghĩa khác nhau. Đó trong bốn câu đầu dứt khoát là cái đó dùng đơm cá nhưng đó ở hai câu sau có hai nghĩa: 1. “Kể từ ngày thương đó” là chỉ sự xác định về thời gian; 2. “đó ơi” lại phiếm chỉ đến một người khác. Người khác đó được gọi trổng là “đó”; và người gọi tự xưng “đây”. Một cách tỏ tình kín đáo, tình tứ. “Đó với đây không dây mà buộc/ Em với chàng không thuốc mà say”. Âu cũng là một trao duyên, gửi tình dịu vợi, thanh lịch của trai gái thuở xưa bằng cách nói bóng nói gió, xa xa gần gần…

 Cách xưng hô sử dụng ở cả hai vế đó/ đây; anh/ em; chồng/ vợ; chàng/ nàng... có lúc chỉ gọn lỏn trong mỗi từ “ai”. Chẳng hạn, ta nhớ đến mẩu đối thoại quen thuộc của đôi vợ chồng son. Người vợ âu yếm cất tiếng gọi: “Ai ơi, về ăn cơm”. Anh chồng ngước mắt lên tình tứ, hỏi lại: “Ai gọi ai đấy?”. Chị vợ lúng liếng mà rằng: “Ai gọi ai chứ ai nữa”. Anh chồng lại ỡm ờ: “Cơm ai nấu ngon lắm hử?”. Chị vợ chu miệng duyên dáng: “Ai nấu làm sao ngon bằng ai được”. Thế thì “ai” trong ngữ cảnh này đóng cả ba ngôi trong lối xưng hô. Sống ở đời, được như thế thì hạnh phúc quá đi chứ, chứ nếu ngày rộng tháng dài “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai”, làm sao vui sống? Đồng ý cái rụp, vì lẽ đó tôi cảm thấy thương cho anh chàng trai đã cất tiếng than van:

Kể từ ngày thương đó, đó ơi

Ðó chưa thưa được một lời cho đây nghe

Bao nhiều dằn vặt thương nhớ, công sức bỏ ra nhưng cuối một lời thốt ra từ “đó” cũng chưa khiến “đây” tan nát tâm can, ủ ê buồn bã. Vậy, cái công này đích thị là công cốc. “Công cốc: Công sức bỏ ra vất vả khó nhọc nhưng bản thân người làm không được hưởng, hoặc không đem lại kết quả: Tốn tiền của, thời gian mà rốt cuộc là công cốc”, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích. Tục ngữ có câu “Công như công cốc”.

Tại sao công lại đi chung cốc? Với từ công, ai cũng hiểu công sức, công lao, công việc… Vậy, cốc có nghĩa là gì? Sở dĩ đặt ra câu hỏi này vì ta biết rằng có những từ đôi, cả hai từ đều có nghĩa nhưng trải theo năm tháng, nghĩa của từ thứ hai đã phai đi, do đó khó có thể giải thích rõ ràng, chẳng hạn, chùa chiền, heo cúi, gà qué, khóc lóc, la lối v.v… Do đó, khi tìm hiểu cốc là thao tác trước nhất và cần thiết để hiểu rõ vai trò của sự kết hợp này.

Đôi khi cũng là công cốc nhưng còn tùy ngữ cảnh nữa, không thể áp dụng theo định nghĩa vừa nêu. Thí dụ, trong phóng sự “Nghệ thuật băm thịt gà”, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra” (“Việc làng và các tập phóng sự” - NXB Văn hóa - Thông tin - 2008, tr.37).

Ta hiểu, công cốc lại nhằm chỉ động tác/ thao tác nhằm tạo ra âm thanh. Nghĩa này, hầu như từ điển không ghi nhận, nếu có chỉ là “cốc cốc” ngầm hiểu mô phỏng theo: “Tiếng mõ kêu: Gõ mõ cốc cốc”. Nghĩa rộng là gõ kêu như mõ gọi là cốc: cốc đầu”- theo “Việt Nam tự điển” (1931). Thú vị ở động tác “cốc đầu”, người miền Trung dùng từ “cú/ cú đầu”, người Nam còn dùng từ “ký/ ký đầu”. Ngoài ra, cốc còn có nhiều nghĩa nữa nhưng tôi không nêu ra, vì không liên quan gì đến cốc/ công cốc mà “Đại từ điển tiếng Việt” đã giải thích.

Vậy, một lần nữa xin hỏi cốc là gì? Trước khi trả lời, ta hãy đọc lại câu ca dao:

Cồng cộc bắt cá dưới sông

Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ

Cồng cộc là tên gọi khác của cốc/ chim cốc. “Từ điển động vật & khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Y học - 1998) của Võ Văn Chi miêu tả: “Chim cỡ khá lớn với thân hình trứng và cổ dài. Mỏ có kích thước trung bình, thuôn tròn, nhưng chóp mỏ hơi phình to hơn và có móng con, sắc. Chân ngắn nằm xa về phía sau thân. Đuôi khá dài. Cánh dài, rộng và tròn” (tr.124). Cốc sống ở ao hồ lớn, sông, cửa sông ăn cá, đôi khi ăn cả côn trùng, tôm, ếch nhái… Sở dĩ cốc kết hợp với công/ công cốc vì lý do là bao đời nay bà con nông dân đã nuôi cốc, huấn luyện cốc đặng phục vụ cho mình: “Người ta đeo một vòng mây hay sừng vừa khít cổ cốc, xong thả cho nó đi mò cá. Khi được cá thì cốc không thể nuốt cá vào cổ, mà để chủ gỡ ra một cách dễ dàng” (SĐD, tr. 124).

Thế thì, bao nhiêu công sức của con cốc đã làm đều bị chủ tước đoạt, vì thế tục ngữ còn có câu “Cốc mò cò xơi”. Cò hiểu theo nghĩa bóng chính là ngư ông, là người nuôi cốc. Cái sự công cốc này, còn có từ tương đương “công toi” mà “Từ điển tiếng Việt” (1977) do Văn Tân chủ biên đã ghi nhận. Tóm lại, bao nhiêu công sức mà anh chàng trong câu ca dao đã bỏ ra, cuối cùng than thở “Ðó chưa thưa được một lời cho đây nghe” đích thị công cốc.

Trở lại với đó và đăng, ta thấy có sự so sánh “Hai ta như đó với đăng/ Như nò với lưới đem giăng ngọn cùng”. Sự so sánh này cũng tỷ như với các sự vật quen thuộc khác: “Đôi ta như đá với dao/ Năng siếc, năng sắc, năng chào, năng quen; Đôi ta như rượu với nem/ Đang say ngây ngất, ai dèm chớ xa”… Rồi thành ngữ cũng có câu “Đơm đó bắt cá”, “Cá vượt qua đăng”...

Tương tự như “đó”, từ “đăng” cũng “nhiễu sự” ra phết.

Khi kỹ thuật in/ in ấn bằng xếp chữ đúc ra đời, thay cho khắc ván thì đăng là cách nói về việc in một thông tin gì đó lên báo, tạp chí. Một người khoe: “Bài tôi được đăng trên báo” - tức đã được in. In còn được hiểu là một thông tin được “nhân bản” gấp nhiều lần và tất cả cùng giống hệt như nhau. Trước đây, một khi so sánh người ta thường nói giống in/ giống như in, giống như hai giọt nước, giống như hình với bóng, gống như lột, giống như tạc, giống rập khuôn, giống in khuôn,… Vậy in trong “giống như in” ở đây là đăng/ in như ta đã hiểu? Không, in tự bản thân nó đã có nghĩa là giống hệt/ giống hịt/ y hịt, y bon, giống rặt, giống y chang…

Tiếng Việt của mình đó, lý thú quá phải không nào?

Lê Minh Quốc
.
.