Có một ngôi nhà không thể lãng quên

Thứ Hai, 23/05/2022, 08:14

Rất nhiều người trong chúng ta lao động quần quật, kiếm tiền để cố gắng mua nhà và xây nhà. "An cư lạc nghiệp" mà, người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung là thế. Minh, bạn tôi cũng là một người như thế. Từ quê nghèo ra thành thị lập nghiệp, Minh làm tất cả những gì có thể để kiếm tiền.

Giai đoạn sinh viên, Minh làm ngày làm đêm, đến mức chúng tôi không còn gọi những lao động nghề nghiệp của Minh là "làm việc" nữa, mà gọi là "bán máu". "Cẩn thận Minh ạ, bán máu nhiều quá sợ có ngày… hết máu" - một người bạn trong nhóm chúng tôi đã nói với Minh như thế. Minh gật. Và cậu bảo sẽ chỉ "bán máu" cho đến khi nào có một mảnh đất, một ngôi nhà, một cuộc sống ổn định rồi thôi.

Có một ngôi nhà không thể lãng quên -0

Rồi Minh cũng có đất, có nhà. Minh đổi nhà liên tục. Từ nhà nhỏ tới nhà to, từ nhà trong ngõ tới nhà mặt đường, và bây giờ sau nhiều năm lao động, Minh đang làm giám đốc điều hành một công ty lớn, và đang ở trong một khu biệt thự hết sức sang trọng giữa thủ đô. Thật ra chúng tôi vẫn nghĩ mọi chuyện với Minh như vậy là quá đủ. Cuộc sống của Minh quá sung túc. Thậm chí là một niềm mơ ước của nhiều người. Vậy mà trong bữa cà phê cuối tuần mới đây, Minh chợt tâm sự những điều khiến chúng tôi bổ ngửa, rằng trong khoảng một năm trở lại đây Minh luôn thấy bất an khi ở trong ngôi nhà của mình. Bởi ngồi ở phòng khách hay nằm trên giường ngủ, Minh cũng chỉ luôn nghĩ tới công việc: phải sắp xếp nhân sự thế nào, phải quản trị thời gian ra sao, phải chạy đua với các đối thủ theo cách nào. "Thị trường vận động liên tục. Mình mà không nghĩ, không thay đổi, không làm mới là sẽ bị bỏ lại ngay". Minh hay lấy ví dụ về câu chuyện hãng điện thoại Nokia lừng lẫy một thời, xưng hùng xưng bá một thời, nhưng chỉ vì không chịu làm mới, thay đổi nên cuối cùng đã bị Apple đánh sập. Tôi có cảm giác câu chuyện này ám ảnh ghê gớm đời sống tinh thần của Minh, hối thúc Minh, cuốn Minh vào một guồng máy cạnh tranh dữ dội. "Tuần trước tớ đã gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ khuyên từ bây giờ phải bắt tay sửa sang lại một ngôi nhà tinh thần" - Minh bảo.

"Ngôi nhà tinh thần" mà bác sĩ tâm lý nói với Minh dường như không chỉ đánh động Minh, mà còn đánh động nhiều người chúng tôi. Trong nhiều năm đằng đẵng của cuộc sống, chúng ta luôn nghĩ tới một mảnh đất, một ngôi nhà có thật, một ngôi nhà bằng gạch đá, sắt thép khang trang. Và khi đã có được ngôi nhà thì chúng ta lại mong mỏi có một ngôi nhà mới to hơn, đẹp hơn, tiện ích hơn. Thật ra mong muốn đó là chính đáng. Có những mục tiêu để phấn đấu, có những nỗ lực để tiến lên luôn là những phẩm chất tối quan trọng của một người trưởng thành. Không có mục tiêu, không có nỗ lực, sống bản năng, buông thả, chấp nhận là một chiếc lá cho dòng sông cuộc đời cuốn trôi mới thật sự nguy hiểm. Tuy nhiên phải làm sao để những mục tiêu không ngừng gia tăng ấy, những nỗ lực không ngừng được bồi đắp ấy không đẩy mình tới mức cực đoan? Câu trả lời là: trong bất luận giai đoạn nào của đời sống, cũng phải luôn chú ý tới việc xây dựng/ kiến tạo/ sửa sang một ngôi nhà tinh thần - một ngôi nhà hiện hữu ở bên trong con người mình.

Minh chia sẻ rằng bác sĩ tâm lý đã gợi ý rất nhiều cách thức để cậu sửa sang ngôi nhà ấy. Bác sĩ cũng chỉ ra một vài mục tiêu mà ngôi nhà ấy cần phải có. Thật khiên cưỡng nếu lấy ngôi nhà tinh thần của Minh hay bất cứ của người A, B, C nào đó  làm hình mẫu cho ngôi nhà tinh thần của người khác. Mỗi người là một hoàn cảnh, một số phận, một cuộc đời; mỗi người là một sở thích, một dục vọng, một đam mê, thành thử cũng giống như những ngôi nhà có thật ngoài kia, những ngôi nhà tinh thần của mỗi người sẽ đi theo những phong cách khác nhau, được xây dựng theo những cách thức khác nhau, và được trang trí khác nhau. Nhưng theo lời Minh kể, có một chữ, một tiêu chí mà bác sĩ tâm lý khuyên Minh và khuyên nhiều người trong quá trình kiến tạo ngôi nhà tinh thần của mình, đó là chữ "bình".

Thật ngẫu nhiên, đây cũng chính là chữ mà trong nhiều năm qua, tôi cũng luôn nghĩ đến. Sẽ có muôn hình vạn trạng khác nhau tỏa ra chỉ từ một chữ "bình" nhưng tôi nghĩ tới 4 khía cạnh sau đây.

Đầu tiên là phải bình tĩnh trước sự thành công của người khác. Nếu không xác lập được sự bình tĩnh này thì chúng ta sẽ lấn cấn nếu thấy nhà hàng xóm đẹp hơn nhà mình, sẽ đố kỵ nếu thấy bạn bè giàu sang hơn mình, thậm chí là sẽ đau khổ, tột cùng đau khổ nếu thấy những người có chung xuất phát điểm giờ lại thành đạt hơn mình. Và tất cả những trạng thái tâm lý này đều là những độc tố hủy hoại nghiêm trọng ngôi nhà tinh thần của chúng ta. 

Tiếp nữa là phải bình tĩnh trước sự thành công của chính mình. Đây là điều mà khi còn trẻ có thể chúng ta chưa thể xác lập được, nhưng cùng với thời gian và sự trưởng thành, chúng ta phải cố gắng hướng đến. Bởi thành công trong một khoảnh khắc nào đó không có nghĩa là thành công mãi mãi. Trong rất nhiều trường hợp, thành công chỉ là hiện tượng, chứ chưa phải là bản chất, chỉ là quãng nghỉ giữa những thất bại chứ chưa phải là kết quả sau cùng. Cho nên, thành công một thoáng, một chốc, một thời điểm mà đã thăng hoa quá đà, đặt mình lên trên người khác thì đến khi (chẳng may) thất bại sẽ rất dễ sụp đổ.

Thứ ba là phải bình tĩnh trước mọi biến động xung quanh. Jared Diamond - nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ có hẳn một tác phẩm mang tên "biến động", khảo sát quá trình thăng trầm của hàng loạt quốc gia từ thời phong kiến tới hiện đại. Theo Jared Diamond, biến động là một hoàn cảnh mà con người không thể sử dụng những phương thức ứng xử đã có và đang có. Nhưng con người lại chưa thể tìm ngay ra những phương thức ứng xử mới, phù hợp với hoàn cảnh mới. Lúc này, con người rất dễ hoang mang. Và trong cơn hoang mang con người thường có xu thế thay đổi tất cả những gì mình đang có, trong đó có những điều lẽ ra phải được gìn giữ, bảo vệ. Đại dịch COVID-19 là một kiểu biến động điển hình. Một con virus bé xíu bé xiu làm ngả nghiêng trái đất, khiến cho rất nhiều quốc gia, dân tộc đứng trước một hoàn cảnh chưa từng có. Quốc gia nào bình tĩnh ứng xử với biến động sẽ chịu tổn hại ít nhất. Quốc gia nào chủ quan trước biến động, hoặc hoang mang, bấn loạn trước biến động sẽ chịu tổn hại nhiều nhất. Học cách bình tĩnh trước biến động, rèn luyện bản thân để có thể bình tĩnh trước biến động do vậy là một mục tiêu sống còn.

Cuối cùng là phải bình tĩnh trước sự vô thủy vô chung của đời người, vô cùng vô tận của nghiệp số. Bởi vì lịch sử Đông Tây kim cổ chứng minh rằng, trong không ít các trường hợp thì "mưu sự tại nhân" nhưng "thành sự tại thiên". Ở góc độ riêng của mình, tôi không muốn hiểu chữ "thiên" ở đây theo góc độ mù lòa, dị đoan, mê tín, mà muốn hiểu nó như những tác động của những yếu tố phi chủ quan lên cuộc đời một con người. Thực tế rất nhiều người đã nỗ lực hết sức, và nỗ lực chính đáng nhưng vẫn không đạt được thành công như mong đợi. Lúc này họ có xu thế quay ra bất mãn cuộc đời, than thân trách phận. Có những trường hợp, sự bất mãn được đẩy lên cao tới mức, người ta đã dại dột tìm đến cách "giải thoát" cuối cùng: Cái chết!

Không! Những lúc như thế phải bình tĩnh để thấy rằng có những lúc chữ "tài" không chưa đủ, mà phải có thêm chữ "vận", chữ "thời", hiểu theo nghĩa là sự tương trợ của những yếu tố khách quan. Hiểu như thế, chúng ta có thể đi qua mọi bão giông mà không dại dột hủy hoại những phẩm chất mà lẽ ra phải luôn được nâng niu, bảo vệ ở trong mình.

Minh - người bạn tôi kể ở đầu bài viết hiện vẫn đang tích cực làm việc với bác sĩ tâm lý để có thể xây dựng thành công một ngôi nhà tinh thần với một chữ "bình" là mục tiêu hướng đến. Thật lòng, tôi vừa thương bạn nhưng vừa mừng cho bạn. Bởi sự thức nhận của Minh ở giai đoạn này vẫn là chưa muộn. Chỉ thật sự đáng sợ nếu cậu không kịp thức nhận, mà cứ triền miên theo đuổi những ngôi nhà có thật nào đó ngoài cuộc sống, mà hoàn toàn lãng quên ngôi nhà tinh thần ở trong mình. Hôm qua Minh đã treo ở phòng khách nhà mình một bức tranh vẽ một mặt hồ phẳng lặng.

Tôi tin là trong ngôi nhà ấy, cả ngôi nhà vật chất lẫn ngôi nhà tinh thần, Minh sẽ sớm có được trạng thái bình an!

Vương Trọng Tín
.
.