Chuyến xuyên Việt độc đáo sau ngày Nam - Bắc một nhà

Thứ Sáu, 10/05/2024, 11:16

Những ngày cuối tháng 4/1975, là một thanh niên Sài Gòn (tròn 19 tuổi), tôi cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao của đất nước đang đến rất gần. Và trong ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi đã cầm chiếc máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn, ghi lại những khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào nội đô.

Thời điểm này, Sài Gòn khá rối ren và lộn xộn; nhiều người dân rất lo sợ về một cuộc "tắm máu", nên còn dè dặt, e ngại với bộ đội. Nhưng rồi mọi sự lo lắng dần tan biến và nhiều người đổ ra đường chứng kiến giờ phút lịch sử sang trang… Tôi đã kịp ghi lại nhiều bức ảnh trong thời khắc đó.

Sinh trưởng trong một gia đình tư sản nhưng tôi có 2 người bác ruột và chú ruột là liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ. Vì vậy, gia đình tôi có thiện cảm với cách mạng và những người lính Giải phóng… Và đó là lý do ngay năm sau, tôi có chuyến hành trình ra thăm miền Bắc và Hà Nội. Cảm nhận của một người trai Sài Gòn lần đầu ra Bắc thật lạ lẫm, thú vị… Cũng nên nói thêm, thời kì đó, từ Nam ra Bắc chỉ là những người có nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mới được đi; tuyệt nhiên không có chuyện cá nhân "thích thì đi" để tìm hiểu, tham quan đất nước vừa được sum họp một nhà. 

xuyen-viet-1.jpg -0
Tác giả thăm Lăng Bác đầu năm 1977.

Khi vừa bước vào tuổi 20, tôi đã được làm những điều vốn là sở thích, đó là lái chiếc ô tô thật tốt đi tới những nơi xa xôi chưa từng biết; tôi chụp ảnh, tự tay tráng rọi, in ảnh, sửa chữa thành thạo nhiều loại máy móc, kể cả ô tô. Sau ngày giải phóng không lâu, tôi được một người bác họ bên vợ là Đại tá Lê Thiện, thuộc Ban Tiếp quản Sài Gòn nhận vào làm tài xế cho cơ quan, được giao một chiếc xe dạng U-oát. Cuộc sống sau ngày giải phóng bộn bề khó khăn, tôi có được việc làm trong một cơ quan nhà nước cũng là điều may mắn.

Chuyến xuyên Việt độc đáo sau ngày Nam - Bắc một nhà -0
Tác giả bên một bức ảnh lịch sử chụp ngày 30/4/1975 tại Sàn Gòn. Ảnh: Ngọc Thiện (chụp tháng 4/2024).

Khoảng giữa tháng 1/1977, tôi được cơ quan giao lái chiếc xe Chevrolet Covair loại máy V6, đem nó từ Sài Gòn ra Hà Nội; khởi hành ngày 20 tháng Chạp, đã rất cận Tết Nguyên đán. Thời đó xăng dầu phân phối, không thể mua tự do dọc đường, vì vậy tôi phải chuẩn bị đủ nhiên liệu cho chuyến đi và mang kèm trên xe. Xe phải bảo đảm thật tốt, vì hư máy móc dọc đường thì coi như bỏ luôn xe. Sau kết thúc chiến tranh, từ Sài Gòn trở ra các tỉnh miền Bắc, 2 bên đường vẫn còn rất nhiều rừng tự nhiên, nhà cửa thưa thớt. Đi qua các tỉnh hầu như không có nhà hàng, khách sạn, chỉ có buôn bán nhỏ lẻ kiểu "buôn thúng bán bưng"; ga ra sửa xe không có, chỉ vài điểm sửa xe công nông, xe tải, phụ tùng rất khó khăn. Còn chiếc xe Chevrolet Covair tôi lái thì có lẽ chưa ai thấy bao giờ chứ đừng nói phụ tùng thay thế.

Chuyến xuyên Việt độc đáo sau ngày Nam - Bắc một nhà -0
Ngày 30/4/1975, Biệt động thành xuất hiện đồng loạt, trang bị súng AK và P64, phối hợp, hỗ trợ quân Giải phóng tiến chiếm các vị trí trọng yếu của Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Đạt.

Xuất phát từ Sài Gòn, sau 2 ngày một đêm thì xe tôi tới Quảng Trị. Dấu tích chiến tranh vẫn còn hiện rõ, 2 bên đường hoàn toàn không có nhà dân, tất cả bị san thành bình địa trông thật khủng khiếp. Tôi nhớ nhất một đoạn, hai  bên đường là cát trắng tinh, trắng như tuyết, trời thì lạnh cỡ 12 độ, cắt vào da thịt. Khoảng 2h chiều, xe đang bon bon độ 50km/h trên con đường độc đạo đầy dấu vết chiến tranh thì nghe tiếng máy rầm rầm… Dừng xe lại kiểm tra thì thôi rồi, cái trục quạt gió giảm nhiệt bị bể bạc đạn, văng cả dây cu-roa ra ngoài. Hai bên đường là cát trắng, không một bóng nhà, lâu lắm mới thấy một chiếc xe tải quân sự cũ kĩ bò ì ạch trên đường. Tôi kêu 3 cán bộ trên xe xuống hội ý, rồi lấy lương khô ra ăn chống đói, xong nhặt củi bên đường để đốt đống lửa sưởi ấm và đun ấm nước nóng để uống.

Chuyến xuyên Việt độc đáo sau ngày Nam - Bắc một nhà -0
Tác giả bên Hồ Gươm trong chuyến thăm Hà Nội dịp cận Tết Đinh Tỵ.

Nghỉ ngơi một lát, tôi bình tĩnh tháo hết những cái cần thiết để lấy được nguyên ổ trục bạc đạn (vòng bi) rồi cầm theo bộ phận bị hư, đi bộ ngược lại con đường vắng tanh giữa ban ngày tìm người giúp đỡ. Đi vài cây số thì gặp chiếc xe máy cày loại nhỏ đang chở theo cả chục người, tôi xin quá giang về thị xã gần nhất. Nghe tôi trình bày, người lái máy cày đã chở tôi tới một Hợp tác xã Cơ khí. Thật may mắn, những người thợ ở đây đã nhiệt tình chế tạo một trục bạc đạn mới hoàn toàn. Sau hơn hai giờ kì công, 2 người thợ đưa tôi quay lại chỗ chiếc xe hỏng và còn hì hục phụ giúp ráp lại cái quạt gió mất thêm cả tiếng nữa mới xong. Lúc tính tiền, mấy anh chỉ lấy giá bằng 1kg gạo (độ 1-2 đồng gì đó thôi).

 Chuẩn bị tiếp hành trình thì trời đã gần tối, đường ngày càng xấu, chỉ vừa chiếc xe tải lớn đi, nếu gặp xe ngược lại thì một xe gần như dừng lại mới an toàn. Đến một đoạn gặp chiếc xe tải quân sự đang bò phía trước, tốc độ chỉ hơn 20km/h. Tôi chạy sau xe tải khá lâu, thấy đường phía trước tốt hơn nên bấm còi xin vượt. Chiếc xe tải vẫn không nhường đường. Tôi kiên nhẫn bám đuôi một lúc lâu nữa rồi nhấn 2 tiếng còi xin qua. Thật hết hồn, anh bộ đội tài xế mở cửa xe, chồm người đu ra ngoài, ngoái đầu lại ngắm chiếc xe của tôi mà chiếc xe tải thì vẫn chạy thẳng đều ga! Ngắm xe tôi một lúc anh ta trở vào xe đóng cửa xong rồi từ tốn đưa tay ra hiệu cho xe tôi qua.

Trời tối mịt, chỉ có đèn pha của xe trên con đường gần như là đất cứng và ổ gà. Cầu Sông Gianh được ghép bằng những cây lồ ô, dài độ 200m, xe qua từng chiếc, chỉ có các cây tre cắm dọc bên cầu làm hiệu. Xe đi tới đâu cái cầu nổi chìm xuống một khúc chỗ xe tạo thành võng và trước mặt lái xe luôn là cái dốc. Nhà cửa hai bên đường đều là nhà mái rơm vách đất, mỗi căn nhà rộng chỉ hơn 10m2 trông như cái chòi thì đúng hơn. Với tôi, mọi vật đều lạ lẫm chưa từng thấy bao giờ. Muốn chụp hình lắm nhưng máy chỉ có một cuộn phim, phải để dành ra Hà Nội. Lái xe liên tục 4 ngày 3 đêm, mệt thì dừng lại ngủ trên xe. Ăn uống thì 4 người trên xe đều tự túc. Từ Sài Gòn tới Huế còn có vài hàng quán bên đường, nhưng từ Huế ra tới Hà Nội thì hai bên đường gần như hoang vắng không nhà cửa.

xuyen-viet-2.jpg -0
Tác giả (bên phải) trên đường từ Sài Gòn ra Hà Nội (ảnh chụp ở đoạn miền Trung).

Trên đường đi, nhớ nhất ban đêm trời lạnh lắm, có bao nhiêu áo ấm thì mặc vào hết và cố lái xe cho mau tới Hà Nội để nghỉ ngơi vì dọc đường hoàn toàn không có một hàng quán nào. Khi vào tỉnh Thanh Hóa thì tìm tới "Cửa hàng ăn uống quốc doanh" duy nhất tại tỉnh có bán phở nhưng không thể ăn được vì "Phở không người lái" (phở không thịt). Muốn một gói thuốc lá Tam Đảo phải mua chợ đen, đưa tiền trước rồi đi tiếp 20m thì có người chặn đường dúi cho gói thuốc lá! Lúc lên xe bóc ra thì gói thuốc đã bị ẩm mốc không hút được…

Tiếp tục hành trình với con đường còn nguyên dấu vết của chiến tranh tàn khốc, tôi tới Hà Nội lúc 7h tối một ngày cuối đông năm 1976. Sáng ra thì cái nhìn đầu tiên về Hà Nội thật lạ lẫm so với Sài Gòn. Trong giờ làm việc mà đường phố vắng tanh, thi thoảng mới có người đạp xe đi qua. Tôi được bố trí ngủ tại trụ sở cơ quan, nằm trên cái ghế bố trong phòng khách. Chú trưởng phòng hành chính đưa tôi cái chìa khóa và chỉ cho tôi phòng vệ sinh, dặn dò rất kỹ: "Đi vệ sinh xong phải khóa cửa cẩn thận". Tưởng trong đó có cái gì quý lắm, tôi tò mò mở khóa thì chẳng thấy vật gì ngoài cái bồn rửa mặt và cái bồn cầu. Tôi thắc mắc mà không ai giải thích. Mãi sau tôi mới biết, tôi được hưởng chế độ khách nên có nhà vệ sinh của khách; được chế độ ăn riêng, bữa cơm có thêm quả trứng và miếng chả lụa. Mỗi buổi sáng tôi được phát một gói thuốc lá và một gói trà Ba Đình.

Trong mấy ngày lưu tại Hà Nội, tôi được cơ quan đưa vào viếng Lăng Bác và đi thăm các phong cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Hành trình về lại Sài Gòn cũng là kỉ niệm khó quên. Hôm đó là ngày 27 Tết mà không thấy cơ quan nói gì việc cho tôi về, tôi hỏi chú trưởng phòng thì chú nói đang tìm xe tải quân đội để cho tôi đi nhờ về Sài Gòn. Nghe vậy tôi lúng túng hỏi, đi xe quân đội thì về tới nhà là tầm mùng 3 tết rồi, cháu muốn đi máy bay về cho kịp tết. Chú trưởng phòng bảo, "Cháu không có tiêu chuẩn đi máy bay". Tôi thắc mắc, "Tiêu chuẩn là gì vậy chú?". Chú giải thích vì tôi là lái xe không có tiêu chuẩn đi máy bay. Tôi lại hỏi tiếp, tại sao bác Xuân Ba giám đốc và mấy chú trưởng phòng đi máy bay được mà cháu không được đi máy bay"? Chú trưởng phòng gãi đầu nói, khổ quá cậu không có tiêu chuẩn... Cứ như vậy một lúc, cuối cùng chú nói để bàn với giám đốc và kế toán. Khoảng 30 phút sau, chú trở lại đưa tôi ra quầy mua vé máy bay!

Tôi về đến Sài Gòn đúng trưa 28 Tết Đinh Tỵ (khoảng đầu tháng 2/1977) bằng chiếc máy bay IL18 của Liên Xô. Quà Hà Nội là một cây đào đang rực rỡ bung hoa do giám đốc cơ quan tặng. Gia đình tôi và hàng xom xúm xít lại ngắm cây đào Hà Nội. Ai cũng trầm trồ, thích thú; có người còn xúc động đến lặng người vì sau hơn 20 năm mới được nhìn ngắm lại cây hoa đào miền Bắc.

Chuyến đi của tôi, một chàng trai Sài Gòn ra miền Bắc ngay sau giải phóng đầy ý nghĩa và kỉ niệm khó phai.

Nguyễn Đạt
.
.