Chuyện về những cô giáo Trường Trỗi vợ lính

Thứ Hai, 11/03/2024, 13:50

Trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thành lập ngày 15/10/1965, tồn tại đến 1970, đã đào tạo 8 khóa với 1.200 học sinh. Sau đó, hơn 900 bạn nhập ngũ, trở thành sĩ quan với 4 trung tướng, 16 thiếu tướng; hơn 1.000 bạn là kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… và hơn 100 bạn có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ. Có 2 thầy giáo và 29 bạn đã hy sinh trong sự nghiệp thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tháng 3/1965, một số con em cán bộ, sĩ quan cơ quan Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) đang trực tiếp chiến đấu ở mặt trận được đón lên doanh trại của Trường Văn hóa Quân đội tại huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc nhằm sơ tán xa Hà Nội, Hải Phòng… - mục tiêu những trận không kích của Mỹ.

Cuộc sống trong môi trường nhà binh của gần 100 học sinh thành thị là thử nghiệm để tháng 10 năm đó, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trường Văn hóa Quân đội mang tên Nguyễn Văn Trỗi, là cơ sở để xây dựng Trường Thiếu sinh quân trong tương lai.

Chuyện về những cô giáo Trường Trỗi vợ lính -0
Các học sinh gái C11 đến thăm cô giáo Phan Thị Nhâm nhân Ngày Nhà giáo 20/11/2014.

Để đào tạo, rèn luyện các học viên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện của từng học sinh với truyền thống của gia đình, phải kể đến sự dạy dỗ có trình độ, có tâm, có tầm của các thầy cô khoác áo lính. Họ không chỉ là nhà giáo mà còn là cán bộ chỉ huy, là cha mẹ, là anh chị của chúng tôi. Xin kể về 3 cô giáo trong số 200 giáo viên và cô chú, anh chị công nhân viên của trường như một lời tri ân!

Cô giáo Phan Thị Nhâm

Nhà trường đào tạo các khóa từ lớp 5 đến lớp 10 (hệ 10 năm). Tới năm học lớp 10, chúng tôi mới có giờ Toán với cô Nhâm. Nhớ hình ảnh cô với dáng người nhỏ nhắn, ăn nói nhẹ nhàng; cô kiêm nhiệm việc quản lý các bạn học sinh gái. Hằng ngày, các bạn gái đến lớp học cùng với bọn con trai chúng tôi, chiều về sống ở khu vực riêng (gọi là C11). Ngày xưa, chúng tôi nhút nhát, không dám trò chuyện thoải mái với bạn gái. Đứa nào có việc phải gặp gỡ các bạn gái thì khi về bị trêu bằng chết. Tuy thế chúng tôi vẫn cứ gọi cô Nhâm là “u Nhâm” với hy vọng cô cho làm quen với một “học trò gái”. Vậy mà “u” chả chiều lòng đứa nào (!).

Chuyện về những cô giáo Trường Trỗi vợ lính -0
Cô giáo Thuý Lan (bìa phải, ở tuổi 84) cùng học trò và nhạc sĩ Doãn Nho (92 tuổi) thăm cụ Đỗ Mạnh Hạp (99 tuổi), cựu học viên Khoá 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn - 1946. Ảnh chụp dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Năm 1970, trường giải thể, cô về dạy Toán ở trường Phổ thông Công nghiệp Hà Nội. Em gái tôi từng là học sinh của cô và được nghe cô kể nhiều chuyện nghịch ngợm của “các anh Trỗi”.

Hàng chục năm sau, tham gia Ban liên lạc Con em Võ bị Trần Quốc Tuấn, mới hay: cô Phan Thị Nhâm là vợ chú Nguyễn Tích Bình - học viên Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn (khai giảng ngày 26/5/1946 tại thị xã Sơn Tây) mà cụ Trần Tử Bình, cha tôi, là Phó giám đốc Chính trị ủy viên). Chú hy sinh ở mặt trận Ninh Bình năm 1951.

Lúc bấy giờ mới biết cô là vợ liệt sỹ và cô sống vậy thờ chồng nuôi con. Thế mà ngày ở trường mình vô tâm quá!

Cô giáo Phạm Thị Thục

Trong số các cô giáo phụ trách C11, có cô Hồng – vợ bác Trần Đăng Ninh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, mất 1955) và cô Phan Thị Nhâm, còn có cô Thục dạy Lịch sử. Với dáng người nhỏ nhắn và giọng Huế nhỏ nhẹ dễ thương, cô chăm sóc các học sinh như một người mẹ hiền. Cô không có tiết giảng với bọn học sinh lớn chúng tôi nhưng những năm sau này khi cùng sống ở TP Hồ Chí Minh mà tôi biết thêm nhiều chuyện cảm động.

Chuyện về những cô giáo trường Trỗi vợ lính -0
Cô Thục nhận bó hoa chúc mừng của học trò Trường Nguyễn Văn Trỗi nhân dịp Tết năm  2018.

Là học sinh miền Nam tập kết, cô về học trường cấp 3 Lê Hồng Phong, Nam Định; sau đó vào học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Sử. Người chồng đầu tiên của cô là chú Lê Trọng Long, phi công máy bay Mig-17. Đầu tháng 3/1965, cô Thục tiễn chú Long ở ga Hàng Cỏ lên sân bay Đa Phúc trực chiến. Ai dè, đó là buổi tiễn đưa cuối cùng!

Sau này được nghe các cựu phi công kể lại: Ngày 3/4/1965, sau khi bắn rơi 2 máy bay F-8U của Mỹ, biên đội được lệnh thoát li. Vì mải đuổi theo máy bay địch mà Mig-17 của biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan cạn dầu, phải hạ cánh xuống bãi cát sông Đuống. Ngày hôm sau, 4/4/1965, Biên đội "Long, Túc, Quỳ, Phương" lên đường làm nhiệm vụ nghi binh ở mạn Vụ Bản, Phủ Lý, Hà Nam, do biên đội trưởng Lê Trọng Long chỉ huy. Tới ngày 17/6/1965, trong đội hình biên đội "Lích, Tịnh, Long, Chiêu", phi công số 3 Lê Trọng Long đã hạ một máy bay F4, sau đó lao vào núi hy sinh… Ơn Trời, cô Thục và chú Long có được em Hương!

Cùng là đồng hương, đồng nghiệp với cô Huệ, vợ bác Trần Quý Hai, nên cô Thục được giới thiệu về dạy ở Trường Nguyễn Văn Trỗi. Sau này cô gặp và tìm hiểu chú Bút, chuyên gia Dinh dưỡng (Cục Quân nhu). Lần tiễn chú Bút “đi B” cũng trên sân ga Hàng Cỏ làm cô nhớ tới lần tiễn chú Long… Riêng chú Bút, sau này kể lại, chú phải cắn răng bước đi mà không dám quay đầu lại nhìn người yêu bé nhỏ. Chú chia sẻ: "Nếu quay lại, nhìn thấy cô khóc, sợ sẽ không ra trận được". May làm sao, hòn tên mũi đạn không dính, chú an toàn trở về. Cô chú có em Phong.

Nghỉ hưu, cô chú vào sống ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần học trò Trỗi họp mặt, cô đều tự tay làm món bánh Huế đến góp vui. Có lần cô đi xe ôm mang bánh Huế sang tận nhà tôi.

Năm tháng cuối đời, cô bị ung thư và dũng cảm cùng bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất chiến đấu với bệnh tật. Thật mừng khi được cô báo tin đã khỏe trở lại và lên Đà Lạt sống với em Phong. Vậy mà chưa đầy tháng sau, nghe tin cô bị cấp cứu và rồi cô mãi mãi xa chúng tôi!

Cô giáo Nguyễn Thúy Lan

Cùng cô Ngần, cô Tâm là Việt kiều từ Trung Quốc về, cô giáo Thúy Lan cũng dạy Trung văn cho chúng tôi. Ngày ấy được biết, chú Nguyễn Nhật Tân chồng cô - tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1961, sau đó nhập ngũ rồi trở thành sĩ quan điều khiển Tên lửa Sam-2 của Trung đoàn tên lửa 238. Năm 1966, đơn vị chú nhận nhiệm vụ bí mật vào tuyến lửa Quảng Bình, nghiên cứu cách đánh B-52. Khi nhà trường đóng quân ở Quế Lâm, Trung Quốc thì được tin chú anh dũng hy sinh. Nói đến đây để các bạn trẻ có thể hiểu, các cô giáo dạy chúng tôi có nhiều người là vợ liệt sỹ.

c_ gi_o thu_ lan ng_y m_i v_ tru_ng nam 1967..jpg -0
Cô giáo Thúy Lan ngày mới về trường năm 1967.

Sau năm 1970, cô xin đi học Dược rồi về công tác tại Bộ Tổng tham mưu. Tại đây cô xây dựng gia đình với chú Triệu Huy Hùng (học sinh Khóa 7 Trường Cán bộ Việt Nam (cuối 1945) rồi được giữ lại làm chính trị viên trung đội của Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (khai giảng 26/5/1946) mà thầy Hoàng Đạo Thúy là Giám đốc, thầy Trần Tử Bình là Phó giám đốc – Chính trị ủy viên.

Chuyện không chỉ dừng ở đó… Vừa kháng chiến chống Pháp, Cụ Hồ luôn chú trọng công tác đào tạo cán bộ. Các khóa học 2, 3, 4, 5 được mở nhưng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn luôn phải di chuyển vì sự rình rập của giặc Pháp, cho máy bay ném bom vào khu vực đóng quân. Cuối năm 1950, để đảm bảo an toàn trong đào tạo cán bộ quân sự, chuẩn bị cho thời kì Tổng phản công, Hồ Chủ tịch với quan hệ thân tình với Mao Chủ tịch và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đề nghị cho Trường Lục quân Việt Nam được sang đóng quân và huấn luyện tại Côn Minh, Vân Nam.

Cũng từ đầu thế kỷ 20, tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) được khởi công xây dựng, tới năm 1910 mới bắt đầu khai thác. Nhiều nhà thầu đã mộ phu người Việt tham gia xây dựng tuyến đường sắt; vì thế ở Côn Minh, Vân Nam có một cộng đồng người Việt lớn. Họ luôn hướng về Tổ quốc. Gia đình cô Thúy Lan trong số đó.

Được nghe cha mẹ tôi kể lại, Hội Việt kiều Vân Nam cùng chính quyền địa phương đã giúp đỡ rất nhiều khi nhà trường đứng chân tại đây. Nhưng hơn 70 năm sau, tôi mới được biết, thân phụ của cô - cụ Nguyễn Thế Tri là Chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước Côn Minh; còn mẹ cô phụ trách căng-tin phục vụ nhà trường và cô thường vào trường giúp mẹ.

Sau 1954, cùng cha mẹ hồi hương, cô lên công tác ở Nhà máy Sản xuất vũ khí Z1, sau đó chuyển về Trường Văn hóa Quân đội (Lạng Sơn), dạy Trung văn cho học viên chuẩn bị đi học Trung Quốc. Từ 1965, nhà trường thay đổi đối tượng phục vụ, cô chuyển sang dạy cho học sinh Thiếu sinh quân.

Về hưu nhưng cô vẫn gắn bó với lớp trò Thiếu sinh quân. Với vốn tiếng Hoa sẵn có, cô tích cực tham gia công tác “đối ngoại nhân dân”, cùng học trò nhiều lần quay lại Quế Lâm, nơi nhà trường tá túc 20 tháng trong kháng chiến chống Mỹ, dù tuổi cao sức yếu.

Tháng 9/2023, chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt thân tình của con em Lục quân với cô và nhạc sĩ Doãn Nho (cựu học viên khoá 6 Lục quân Việt Nam) tại nhà cố hiệu trưởng nhà trường, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Tết Giáp Thìn 2024 này, chúng tôi vinh dự được đón cô và nhạc sĩ Doãn Nho đến chúc Tết cụ Đỗ Mạnh Hạp (99 tuổi), Trưởng Ban liên lạc Khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946. Khi ra về, chú cháu, thầy trò cùng hát vang hành khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”.

Chúng tôi, những Thiếu sinh quân ngày nào, luôn tự hào vì đã trở thành những công dân có ích, những cán bộ, sĩ quan tốt của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Lứa học sinh ngày nào giờ đã vào tuổi U70, U80 nhưng không bao giờ quên công ơn dạy dỗ của các thầy cô.

Trần Kiến Quốc, Cựu học sinh Khóa 5, Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi
.
.