Chuyển thể phim: Nhà văn với đạo diễn “bằng mặt không bằng lòng”

Thứ Bảy, 26/08/2023, 10:42

Nhà lý luận phê bình điện ảnh Timothy Corrigan đã từng nhận xét: “Lịch sử quan hệ giữa phim ảnh và văn chương là một lịch sử yêu ghét lẫn lộn, đương đầu và phụ thuộc lẫn nhau”. Trong thực tế phim trường, chuyện nhà văn và đạo diễn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” cũng chẳng có chuyện gì lạ.

1. Có một thống kê rất đáng chú ý: “Ước tính 30% các bộ phim hiện nay có nguồn gốc từ tiểu thuyết và 80% sách văn học”. Đặc biệt, có một nguồn thông tin giật mình: “Theo nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh Linda Hutcheon, tác giả chuyên khảo “Lý thuyết chuyển thể”, số liệu thống kê năm 1992 cho thấy 85% số tác phẩm đoạt giải Oscar cho phim hay nhất là các tác phẩm chuyển thể”. Có thể nói hầu như những tác phẩm văn học kinh điển, tác phẩm hay, ăn khách đều được các đạo diễn săn đón và làm phim.   

Chuyển thể phim: Nhà văn với đạo diễn “bằng mặt không bằng lòng” -0
Phim "Đất và người" chuyển thể từ tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Ở Việt Nam, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, rồi các tiểu thuyết được chuyển thể điện ảnh như: “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; “Chùa đàn” của Nguyễn Tuân; Ba tác phẩm nổi tiếng “Chí Phèo”, “Sống mòn”, “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao; “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng. “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng; “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu; “Quyên” của Nguyễn Văn Thọ; “Bức Huyết thư”, “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn; “Tướng về hưu”, “Thương nhớ đồng quê”, “Những người thợ xẻ” của Nguyễn Huy Thiệp... cũng lần lượt lên phim.

Không nghi ngờ gì nữa tác phẩm văn học là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh, đặc biệt là tác phẩm kinh điển, tác phẩm ăn khách, và văn chương là đất lành của đạo diễn tìm tòi và khai thác. Nhiều phim “bom tấn” chuyển thể từ tác phẩm văn học được các giải thưởng lớn, doanh thu khủng, cũng nhiều đạo diễn, biên kịch bước lên đài vinh quang, nhiều diễn viên nổi tiếng bắt đầu từ các phim có suối nguồn từ tác phẩm văn học. Ngược lại, khi phim chiếu có tiếng vang thì tác phẩm văn học cũng được tái bản, bạn đọc biết nhà văn nhiều hơn, dĩ nhiên nhuận bút cũng nâng bậc. Có thể nói, tác phẩm văn học được chuyển thể và phim; nhà văn và đạo diễn có mối quan hệ cộng sinh, dắt tay nhau cùng đồng hành đến thành công sự nghiệp và doanh thu.

Thế nhưng, từ trước đến nay đã và đang có chuyện nhà văn và đạo diễn “cơm không lành, cành không ngọt”. Người không vừa lòng bao giờ cũng bắt đầu từ… nhà văn. Trên thế giới, đã từng có nhiều nhà văn lớn như Garcia Marquez, Milan Kundera không mặn mà với sân khấu, điện ảnh, thậm chí họ kiên quyết không đồng ý cho chuyển thể tác phẩm văn học của mình thành kịch và phim.

Ở Việt Nam tôi chưa biết có nhà văn nào từ chối chuyển thể tác phẩm văn học sang sân khấu, điện ảnh. Chỉ thấy khoảng giữa năm 2008, thời sự văn nghệ xôn xao khi bộ phim “Nỗi buồn chiến tranh” đang trong quá trình bấm máy, đã xong phần quay ở Việt Nam thì phải tạm dừng lại, bởi “nhà văn Bảo Ninh đột ngột tuyên bố ông không dính dáng gì đến bộ phim này”. Hóa ra, ông “chưa đồng ý với kịch bản hiện nay dù nó đã được viết đi viết lại nhiều lần”. Ông là tác giả văn học, đầu nguồn của phim, dù thấy một số chỗ không ổn, cần phải sửa chữa trong kịch bản, và ông trao đổi không dưới một lần với đạo diễn người Mỹ Nicolas Simon, nhưng khi đọc lại kịch bản ông thấy nó vẫn y nguyên. Sau đó, cũng trên truyền thông, dù nhà văn Bảo Ninh đã phân trần: “Mọi việc không nghiêm trọng như thế”. Nhưng, cho đến nay đã 15 năm trôi qua, người xem vẫn chưa nhìn thấy “Nỗi buồn chiến tranh” trên màn ảnh.

Trong một bộ phim, đạo diễn có quyền “nghiêng trời lệch đất”, nhân vật chính đóng không theo ý mình là… thay, cảnh quay đã chọn rồi nhưng tốn kém quá là có thể bỏ, dựng cảnh khác bấm máy, thì việc thêm chỗ nọ, bỏ chỗ kia trong kịch bản cũng chả khó gì, nếu đạo diễn thấy phim sẽ tốt hơn, hay hơn. Cho nên trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi dự án phim “Nỗi buồn chiến tranh” đang triển khai, nhà văn Bảo Ninh đã nói hẳn ra: “Tôi thấy chẳng nhà văn nào cảm thấy hài lòng với những bộ phim chuyển thể tác phẩm của mình, chưa nói phim hay hoặc dở. Nhưng đó là hai chuyện khác nhau…”. Điều này Bảo Ninh nói không sai, tôi cũng từng nghe nhiều nhà văn phàn nàn tương tự như vậy. Thậm chí có ông nhà văn còn bảo: Xem phim xong thấy nó chẳng có họ hàng hang hốc gì với đứa con tinh thần được chuyển thể của mình.

Cái sự chịu này, nhà văn Lê Lựu cũng đã từng. Cách đây hơn hai chục năm, tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” lên màn ảnh truyền hình, cứ đến giờ chiếu là đường phố bớt ồn ào, nhiều người ăn cơm sớm, nghỉ ngơi rồi ngồi trước màn ảnh nhỏ chờ xem phim. Đạo diễn Lê Đức Tiến làm phim tốt như vậy, mà khi nhà văn Lê Lựu ngồi ăn trưa với tôi ở ngõ 12 Lý Nam Đế, tôi hỏi: “Bác là tác giả tiểu thuyết, là biên kịch, bác có hài lòng với phim “Sóng ở đáy sông không?”; “Làm sao mà hài lòng, thỏa mãn hết được. Có cái mình muốn thế này, thì đạo diễn lại làm thế khác”; “Không hài lòng mà bác chịu à?”; “Không chịu thì đi mà làm đạo diễn”. Chúng tôi cười vui vẻ, vì không chỉ mình mà nhiều nhà văn có tác phẩm chuyển thể phim cũng phải chịu. Nhà văn có quyền góp ý kịch bản với đạo diễn, nhưng đạo diễn phim có bản lĩnh, có tính độc lập tương đối khi tiếp nhận. Đạo diễn chọn ý tưởng, chọn câu chuyện, chọn nhân vật, chọn chi tiết từ tác phẩm văn học chứ không lấy tất cả, thậm chí bỏ nhân vật này thêm nhân vật kia để làm phim. Nhà văn thì bao giờ cũng muốn đạo diễn trung thành với tác phẩm của mình. Nhưng, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, mà phần chịu bao giờ  nhà văn cũng nhiều hơn.

2. Tôi thì chưa đến mức bị đạo diễn xóa hết, nhưng có chuyện đã từng không vừa lòng, và buồn khi tác phẩm văn học được chuyển thể điện ảnh. Cách đây 25 năm, một đạo diễn tìm đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội gặp tôi, xin chuyển thể truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” thành phim. Tôi đồng ý ngay, chỉ có mỗi một yêu cầu: Tên phim cũng là tên “Người ở bến sông Châu”. Ông đạo diễn đồng ý và còn dẫn tôi đi gặp biên kịch để trao đổi để làm cho kịch bản phong phú hơn. Hai bên không ký hợp đồng, nhưng tay bắt mặt mừng, hân hoan. Khi phim chiếu trên màn ảnh truyền hình thì tên phim lại là “Bên dòng Hoàng Long”, chưa hết buồn thì ông đạo diễn đã náo nức điện thoại hỏi tôi xem phim thấy thế nào, có vừa lòng không? Không muốn nói những điều chưa ưng ý về phim, vì tôi cũng thừa biết khi đã giao “đứa con văn học” cho đạo diễn làm phim thì họ có quyền sử dụng ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh để sinh thành một “đứa con điện ảnh” theo ý tưởng và tài năng của họ. Tác giả văn học thấy dở mà họ thấy hay thì đã làm sao? Tôi chỉ hỏi: “Bác và em làm việc với nhau đã thống nhất tên phim là “Người ở bến sông Châu”, sao bây giờ lại là “Bên dòng Hoàng Long?”. Ông đạo diễn tha thiết nói: “Ông ơi! Chúng tôi về Ninh Bình làm phim, người ta giúp nơi ăn chốn ở, chả lẽ không lấy dòng sông Hoàng Long quê ông đặt tên cho phim để tri ân cái nơi đã giúp mình?”. Tội nghiệp quá! Thật không còn gì để nói thêm được nữa. Tôi không còn giận ông nữa, mà thấy thương ông vô cùng. Nhưng, từ đó chúng tôi chưa bao giờ gặp lại.  

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ dù có những lời động viên, tán thưởng có cánh cho phim “Quyên” khi công chiếu: “Nhìn vào ‘Quyên’ của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, không nên lấy thước đo tiểu thuyết ‘Quyên’ với những diễn tiến của nó để xem xét”. Nhưng khi nói chuyện với tôi ông vẫn buồn vời vợi bởi “Quyên” của đạo diễn không đi theo giá trị tinh thần của “Quyên” tiểu thuyết đó là số phận nghiệt ngã và đứt gãy văn hóa của những người Việt xa xứ…  

Còn có thể kể vô vàn chuyện dở khóc dở cười của nhà văn khi có tác phẩm văn học chuyển thể phim truyền hình, điện ảnh. Có nhà văn mặc kệ đạo diễn “muốn làm voi làm chuột” gì cũng được, miễn là đặt cái tên mình lên phim, nhận một ít tiền bản quyền rồi “không nói chuyện chuyên môn”.

Nhà văn dù không quan tâm lắm đến lý luận điện ảnh, thì cũng biết có ba hình thức chuyển thể phim cơ bản: Một là, trung thành với nguyên tác. Hai là, chỉ dựa vào nguyên tác, không theo sát nguyên tác. Ba là, dung hòa hai hình thức trên. Bộ phim “Sự im lặng của bầy cừu” dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Harris, đoạt 5 giải Oscar, là phim trung thành với tiểu thuyết. Phim “Thiên mệnh anh hùng” là chuyển thể không theo sát nguyên bản tiểu thuyết “Bức huyết thư” của nhà văn Bùi Anh Tấn.

Phim “Người trở về” là chuyển thể dung hòa vừa trung thành vừa sáng tạo trên cái nền truyện ngắn “Người ở bến sông Châu”. Nhà văn cần phải điềm tĩnh để chia sẻ với đạo diễn, dù làm phim trung thành với nguyên tác văn học đến đâu, thì chuyển thể vẫn là một công việc mang tính chủ quan nên hành nghề kéo theo hành động biến đổi. Ngôn ngữ tác phẩm văn học là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn ngữ phim là âm thanh và hành động được xử lý bằng thủ pháp điện ảnh. Yêu cầu phim giống hệt với nguyên tác văn học là điều bất khả kháng, là không tưởng.   

3. Không chỉ nhà văn mà khán giả sau khi xem phim chuyển thể cũng có những so sánh: Người thì cho rằng phim hay hơn tác phẩm văn chương, kẻ thì lại bảo tác phẩm văn chương hay hơn phim. Khi người đọc bị cái bóng quá lớn của tiểu thuyết hay truyện ngắn đổ xuống, thì lúc là người xem, họ sẽ trở thành quan tòa phán xét, thành bác sĩ phẫu thuật phim chuyển thể. “Làm phim kiểu gì mà chả giống tiểu thuyết”, “Cuộc đời nhân vật trong phim sao khác nhân vật tiểu thuyết thế?”, “Tên truyện ngắn gợi hơn, hàm xúc hơn tên phim chuyển thể”… Rồi sau đó là những: Buồn. Chán. Thất vọng. Và chê…

Người xem phim mang tâm lý của người đọc, nhà văn cũng là người xem nên đạo diễn phim cũng cần thông cảm với nhà văn, đó là điều bình thường của tâm lý tiếp nhận. Một vạn người chưa xem phim đọc “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell sẽ tưởng tượng trong đầu một vạn nàng Scarlet OHara xinh đẹp khác nhau. Nhưng, khi xem phim “Cuốn theo chiều gió” của đạo diễn Victor Fleming thì chỉ một hình ảnh nàng Scarlet đang hiện ra trước mắt. Cái mái tóc, bờ vai, vẻ đẹp kiêu kỳ của nàng do Vivien Leigh thủ vai thật khác xa nàng Scarlet trong tiểu thuyết đã in đậm trong đầu. Ấy là mới nói đến hình thức một nhân vật, còn bao nhiêu nhân vật nữa, còn bao nhiêu cái khác nữa như không gian, cảnh vật, chi tiết, ngôn ngữ, nội tâm, hành động…

 Nhà văn có vẻ “cửa quyền” khi phán xét phim chuyển thể từ tác phẩm của mình còn do căn nguyên văn hóa. Từ lâu, người ta cho rằng văn học mà gốc, là mẹ của các ngành nghệ thuật. Đạo diễn khao khát làm phim từ tác phẩm văn học mình quá yêu thích, đôi khi phải “cầu cạnh”, phải thương lượng. Nhà văn tự thấy mình được đề cao quyền tác giả, thấy mình có uy lực nghệ thuật khủng khiếp, vô tình nảy sinh tâm lý coi nhẹ tác phẩm phái sinh sử dụng chất liệu tác phẩm văn học, coi nó như là tác phẩm cải biên, chuyển thể, phóng tác. Đạo diễn có bản lĩnh và tài năng thường không chịu sự “coi thường” đó. Họ có quyền chọn ý tưởng và chất liệu văn học cần thiết cho bộ phim họ sẽ làm. Họ làm sâu sắc, sáng rõ, thậm chí phát triển những điều nhà văn chưa làm được trong tác phẩm văn học. Họ sáng tạo và đột phá, có thể biến tác phẩm văn học thường thường bậc trung thành tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

Cho nên, văn học và điện ảnh đồng hành chỉ khi liên tài gặp liên tài, đạo diễn và nhà văn có tâm có tầm cùng nắm chặt tay nhau thì tác phẩm văn học sẽ là “đất lành” cho phim chuyển thể. 

Sương Nguyệt Minh
.
.