Chuyện nhặt ở Bagan

Thứ Sáu, 07/04/2023, 07:42

Năm 2016, lần đầu tiên đi một mình đến Bagan, đi qua Kalaw, tới Inle, tôi đã “phải lòng” Myanmar và mong muốn một ngày nào đó trở lại nơi này. Nhưng phải tới 7 năm sau,  năm 2023, ý định đó mới thành hiện thực…

Buổi chiều hôm đó, trên máy bay từ Bangkok đến Mandalay, rồi trên chiếc xe bus trở lại Bagan, khi những cánh đồng hiện lên với những hàng me, hàng cọ bên khung cửa, tôi chợt có cảm giác vừa xúc động vừa hạnh phúc.

Bagan nằm ở miền trung Myanmar, có diện tích 42km2, không giáp với biển, nơi đây là một vùng đất khô, nằm bên bờ con sông dài nhất Myanmar là sông Ayeyarwady, thuộc vùng hành chính Mandalay. Nhìn từ trên cao, Bagan như một tiểu sa mạc cằn cỗi với nền đất đỏ vàng đặc trưng.

2.jpg -0
Lớp học phụ đạo của thầy Myo.

Bagan từng là cố đô lâu đời của Myanmar với tên gọi cũ là Pagan. Nơi đây từng là kinh đô của vương quốc Pagan hùng mạnh một thời từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII. Chính vì vậy Bagan hiện còn rất nhiều công trình cổ kính còn sót lại của nền văn minh Pagan xưa... Cố đô Bagan là nơi hội tụ những công trình kiến trúc đền chùa độc đáo nhất Đông Nam Á, với hơn 3.000 đền, chùa cổ là một bằng chứng cho thời kỳ lịch sử huy hoàng của Myanmar. Bagan trước đây có trên 10.000 đền chùa, tu viện được xây dựng từ thời kỳ khởi đầu của Phật giáo mới du nhập vào Myanmar. Hiện nay, Bagan chỉ còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền và chùa cổ kính tuyệt đẹp, số còn lại đã bị hư hại nặng.

Người ta thường quảng cáo rằng cố đô Bagan thực sự hấp dẫn du khách bởi nét đẹp cổ kính, mộc mạc và nhịp sống bình yên. Sức hấp dẫn còn chứa đựng trong từng gam màu trầm tích của những ngôi chùa và đền đài Phật giáo còn lưu lại. Hầu hết các ngôi đền được dựng bằng gạch nung không trát hoặc đã bị bong tróc hết. Các ngôi đền, tháp đều có lối vào và lối đi lên đỉnh. Một trong số những chùa nổi tiếng nhất Bagan là chùa vàng Shwezigon. Đây là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Myanmar và cũng là kiểu mẫu tiêu biểu cho các ngôi chùa khác được xây dựng sau này… Trải dài trên một vùng đồng bằng rộng lớn, các ngôi đền, tháp cổ kính đan xen với hàng cây cọ, me và gần như không có sự can thiệp của cuộc sống hiện đại…

Chuyện nhặt ở Bagan -0
Lũ trẻ ở Bagan đánh bóng chuyền

Nhưng với tôi, Bagan đọng lại không chỉ là những ngôi chùa cổ kính, mộc mạc, không chỉ là những gốc me ba bốn người ôm, không chỉ là những buổi chiều đi nhuộm nắng, không chỉ là dòng sông Ayeyarwaddy lấp lánh cát vàng, Bagan còn có những người bạn lần đầu quen biết, những người dân địa phương hiếu khách và lũ trẻ con.

Nhớ buổi chiều đầu tiên, sau 5 phút đi bộ vào làng, tôi ngỡ ngàng lạc vào một khuôn viên rộng lớn. Ở đó có chùa cổ, có những cây me to mọc xung quanh, có một cái vũng to như cái ao nhưng đầy lá vàng rụng xuống. Và ở đó có khoảng hơn chục đứa trẻ đang chơi đùa.

Tôi kết bạn cùng tụi nhỏ. Dù chúng chỉ nói tiếng Anh được tí tẹo còn tôi dùng Google dịch nhưng tụi nhỏ cũng đã hiểu tôi là người Việt Nam đang đi du lịch và… thích ăn me. Tụi nhỏ hiểu ý và hô hào nhau lấy dép ném cho me rụng. Có đứa lấy que và đập lấy đập để và tôi có một vốc me đầy tay ăn không hết, cả me ngọt và me chua.

Chuyện nhặt ở Bagan -0
Một góc Bagan nhìn từ khinh khí cầu

Chiều thứ hai, tôi được tụi nhỏ dẫn ra bờ sông Ayeyarwady để ngắm cảnh. Từ xóm của chúng đến bờ sông khoảng hơn cây số. Tụi nó đi trước rồng rắn dẫn đường, đi qua quốc lộ, đi qua từng dãy nhà, chúng nhảy chân sáo, háo hức và tung tăng. Câu tiếng Anh mà tôi nghe chúng nó nói sõi nhất có lẽ là “follow me”.

Những ngày ở Bagan, chiều nào tôi cũng đi dọc bờ sông. Không có bọn trẻ đi cùng, tôi đành tự đi khám phá một mình và tình cờ gặp những người dân khác. Điều bất ngờ là họ đón tiếp tôi bằng sự hiếu khách, nhiệt tình. Khi biết tôi là người Việt Nam, một người phụ nữ vào nhà lấy ra bộ sưu tập tiền Campuchia, Lào, Thái Lan… rồi cứ lần lượt hỏi xem đồng nào là tiền Việt Nam một cách đầy háo hức muốn khám phá. Và cô có vẻ thất vọng khi trong bộ sưu tập ấy không có tờ tiền Việt Nam nào.

Buổi chiều cuối cùng, khi đi bộ đến xóm bên bờ sông chào, chia tay mọi người, lúc quay về, dừng ở một ngôi chùa cổ thì có đứa bé đứng từ xa vẫy tay. Khi lại gần, đứa bé ra hiệu chỉ vào nó rồi chỉ lên phía chùa. Thấy tôi không hiểu, bố mẹ đứa bé đứng bên cạnh cũng ra sức nói… tiếng Myanmar.

Cuối cùng có một chị gái đứng trước cổng bảo “Do you want to visit inside the pagoda, we have the key” (Bạn có muốn vào trong chùa không, chúng tôi có chìa khóa). Thấy tôi “Obê”, tức là OK thật to, thằng nhỏ thoăn thoắt dẫn đường, rồi cả hai chú tiểu đứng cạnh cũng mon men đi theo. Lúc đó tôi mới thấy mình may mắn vì được vào bên trong một ngôi chùa cổ, đi lên các bậc thang nhỏ hẹp, lên tầng hai lễ phật, hóng gió, ngắm sông và xóm làng.

Cũng buổi chiều cuối cùng hôm đó, trên đường trở về, tôi tình cờ gặp một lớp học thêm trong xóm, có khoảng chục đứa đang ngồi lúi húi ghi chép và có hai thầy cô giáo ngồi ở ghế trên. Thầy dạy tiếng Anh, cô thì dạy toán.

Đó là một lớp học đơn sơ ở hiên nhà, bàn ghế mộc mạc, cũ kỹ. Thấy người lạ ghé vào, bọn trẻ nhìn đầy tò mò, cười hi hí rồi lại ném ánh mắt sang đứa bạn, hoặc lén nhìn nhưng mình biết tỏng mồm chúng nó vẫn đang cười.

Trong lớp học thêm này, mỗi đứa phải đóng học phí tương đương khoảng 50.000 tiền Việt Nam/tháng, đứa nào nhà nghèo thì đóng ít hơn. Lúc chia tay, tôi viết câu chào tạm biệt vào tấm postcard đưa cho thầy giáo Myo và nhờ thầy dặn dò tụi nhỏ là phải cố học tiếng Anh để sau này có thể nói chuyện với khách nước ngoài được nhiều hơn nữa...

Trên chuyến xe bus trở lại Mandalay, giữa những người Myanmar xa lạ, nhìn Bagan lướt nhanh, bay biến qua khung cửa kính, tôi lại nhớ tụi nhỏ, nhớ những người mình đã gặp và những khung cảnh đang bị bỏ lại phía sau.

Bởi lẽ ở Bagan, tôi được thấy lại nhịp sống bình yên, giản dị trong mỗi nếp nhà, những cảnh và người mà có lẽ không thể tìm thấy được ở đâu, là sự tôn kính mà từ đứa trẻ cho đến người lớn dành cho những ngôi chùa và tôn giáo của họ.

Ở Bagan, đôi khi đi lạc vào những con ngõ, nơi có những cổ thụ vỏ sần sùi như trong chuyện cổ tích. Và cũng ở Bagan, tôi thấy những đôi mắt lấp lánh, những nụ cười hồn nhiên trong trẻo. Tôi không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu ngôi nhà, gặp bao nhiêu người dân, đứa bé, nhưng cuối cùng khi kết thúc chuyến đi, vẫn muốn được quay lại đây và ở lại nơi yên bình này lâu hơn…

Phùng Hưng
.
.