Chuyện mới ở Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh
“Lắc! Sai rồi”, tiếng cán bộ huấn luyện hô vang. Con ngựa Lắc biết mình bị cán bộ huấn luyện phê bình vì thực hiện chưa đúng động tác nên cúi thấp đầu ra điều biết lỗi. “Lắc! Giỏi”, lời khen khiến chàng ngựa mừng ra mặt, ve vẩy đuôi liên hồi, nhất là khi được “thưởng nóng” một bát cám thơm ngon.
“Lắc lúc sinh hơn 20kg, giờ đã 350kg, thích tắm mát, cao to vạm vỡ và có màu lông đen bóng mượt. Lắc chính là một trong hai chú ngựa đầu tiên sinh ra ở Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh giờ đã được biên chế vào đội hình huấn luyện, bắt đầu cuộc đời “binh nghiệp” gần được 1 năm”, Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng – Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an nheo mắt nhìn chú ngựa Lắc, dí dỏm giới thiệu với chúng tôi về thế hệ ngựa thứ 2 của Đoàn…
Ghi dấu ấn
Hơn hai năm trước, khi chúng tôi đến Đoàn CSCĐ Kỵ binh đóng tại đồi Bá Vân, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, Thái Nguyên, đàn ngựa vừa đón ba thành viên đầu tiên chào đời. Vậy mà giờ đây quay trở lại, hai chú ngựa con đã là những chàng ngựa trưởng thành, to khỏe, biên chế trong khối luyện tập, trong đó có Lắc. Còn nàng ngựa con hôm nào nay đã là ngựa mẹ, làm nhiệm vụ sinh sản để tăng “dân số” đàn ngựa. Tiếp bước “đàn anh” Lắc, cũng sắp có gần 10 chú ngựa đang chuẩn bị được bổ sung vào các tiểu đội huấn luyện.
Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng – Đoàn trưởng và Thượng tá Lê Sỹ Hà – Đoàn phó Đoàn CSCĐ Kỵ binh dẫn chúng tôi ra thao trường. Khoảng đồi Bá Vân sau 2 năm đã có nhiều thay đổi. Dễ thấy nhất là cả khoảng đất rộng lớn đã không còn một ngọn cỏ trước nhịp luyện tập liên tục của đội kỵ binh. Thay vào đó là những mô hình luyện tập được xây dựng theo chuẩn huấn luyện như máy tập thể lực cho ngựa, các ụ, dốc, chướng ngại vật… Từ ngày Đoàn CSCĐ Kỵ binh đóng quân ở đây, đồi Bá Vân cả ngày náo nhiệt, sôi động vì tiếng ngựa hý, tiếng hô của đội kỵ binh và nhịp vó ngựa vang xa…
Hoạt động huấn luyện ở Đoàn nay đã tập trung vào những kĩ thuật chuyên sâu. Ngoài các động tác diễu binh, diễu hành như đi khối, chạy khối; các kĩ thuật vận động như đi bộ, nước kiệu, nước đại, thì đàn ngựa đã thuần thục nhiều động tác khó như vượt chướng ngại vật, vượt qua địa hình địa vật phức tạp. 70 cán bộ chiến sĩ (CBCS) tập luyện, phụ trách huấn luyện khoảng 70 con ngựa chia thành các đội. Góc này là tiểu đội chống bạo loạn và diễu binh diễu hành. Góc kia là đội vận động cơ bản, tuần tra kiểm soát và đội thồ hàng. Nhìn “oách” nhất là tiểu đội chống bạo loạn với quân trang đầy đủ gồm mặt nạ, ốp ngực, ốp chân, bộ thảm lưng trông thật dũng mãnh.
Ấn tượng nhất là các bài huấn thực hành chiến đấu, trấn áp tội phạm trên lưng ngựa như bắn điểm xạ, đứng trên bàn đạp điểu khiển ngựa vượt qua cầu dốc,… Thượng tá Lê Sỹ Hà cho biết, để hình thành được những động tác này, cán bộ huấn luyện đã phải trải qua quá trình thuần dưỡng, huấn luyện ngựa vất vả, kì công. Từ việc bắt ngựa đã khó, sau đó đến thân hòa, đóng các dụng cụ phục vụ huấn luyện, vận dụng đúng phương pháp, vừa kiên quyết vừa khéo léo và kiên trì tập luyện mới tiết chế tối đa bản năng hoang dã, tính bầy đàn của loài ngựa. Ngựa rất sợ những yếu tố mới, ngay cả khi nhìn thấy bóng mình giữa trời nắng ngựa cũng… giật mình. Do đó để ngựa quen với môi trường chiến đấu thì phải cho chúng huấn luyện trong điều kiện quả nổ và tiếng súng, cho tiếp xúc từ xa đến gần, thực hiện động tác từ dễ đến khó.
Thời gian đầu, cả đàn ngựa còn lạ lẫm với cán bộ huấn luyện nên việc anh em bị chấn thương do ngựa đá, đạp, hất ngã xảy ra như cơm bữa. Phải mất đến nửa tháng đàn ngựa mới chấp nhận việc các chiến sĩ cưỡi trên lưng. Sau 7-8 tháng, các anh mới trở thành người thân quen của chúng. Bây giờ, mỗi CBCS được giao một chú ngựa để tự chăm sóc, thân hòa, chơi và huấn luyện. Buổi huấn luyện ngoài thao trường kết thúc, trở về khu nuôi nhốt ngựa, 70 chiến sĩ huấn luyện mỗi người một việc, từ vệ sinh chuồng trại, chia cỏ tới các chuồng, tắm chải cho ngựa. Dù rất vất vả, nhưng họ đều là những chiến sĩ trẻ giàu nhiệt huyết, không nề hà bất cứ việc gì.
Hơn 2 năm qua, những “chuyến công tác” của đàn ngựa ngày càng nhiều, ghi dấu ấn trong nhiều sự kiện quan trọng. Từ khối diễu binh, diễu hành đón Thủ tướng thăm, kiểm tra công tác ứng trực và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh CSCĐ, đến khối 50 CBCS cùng 50 ngựa tham gia diễu hành khối kỵ binh và báo cáo kết quả của Đoàn CSCĐ Kỵ binh tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Hay khối 54 cán bộ chiến sĩ, 54 ngựa nghiệp vụ tham gia diễu hành và biểu diễn một số kỹ năng nghiệp vụ tại Đại hội khỏe "Vì an ninh Tổ quốc" lần thứ VIII; khối 54 ngựa nghiệp vụ tham gia diễu hành tại lễ xuất quân bảo vệ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xuất quân bảo vệ lễ khai mạc và lễ bế mạc SEA Games 31, tham gia chương trình Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022. Gần đây nhất, Đoàn CSCĐ Kỵ binh đã đưa đàn ngựa tham gia diễn tập chống khủng bố, bạo loạn ở TP. Hồ Chí Minh cả tháng trời.
“Chúng tôi đã thành công”
Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng nhớ lại thời điểm tháng 12/2019, khi anh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công an sang Mông Cổ trực tiếp nhận ngựa về Việt Nam. Đoàn gồm 5 người, trong đó có 4 CBCS của Bộ Tư lệnh CSCĐ và một cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc dù đã tìm hiểu từ trước, nhưng cả đoàn vẫn không thể hình dung được điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt ở Mông Cổ. Dưới trời lạnh tê tái (nhiệt độ trung bình từ -20 đến -30 độ C), giữa mênh mông tuyết trắng, những chú ngựa gầy nhỏ chân lún trong tuyết, mũi miệng cũng đóng đầy tuyết. Cả đàn ngựa đang ra sức cào tuyết moi từng gốc cỏ để ăn. Ngày đóng ngựa để chở ra sân bay về Việt Nam, tuyết dày đến ngang bụng người, mấy anh em ai nấy đều bị chảy máu mũi vì phải chịu lạnh trong thời gian dài.
“Đưa đàn ngựa hàng trăm con về đồi Bá Vân, anh em không khỏi lo lắng khi lần đầu tiên tiếp xúc, chăm sóc, nuôi dưỡng, thuần hóa ngựa. Nhưng chúng tôi bắt nhịp rất nhanh, phần vì thời gian đầu, các chuyên gia Mông Cổ và các cán bộ ở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi hỗ trợ, hướng dẫn chúng tôi rất nhiều. Phần vì đội ngũ bác sĩ thú y lên tiếp nhận đàn ngựa đều có chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm về động vật nghiệp vụ, rất tích cực nghiên cứu tài liệu về chăn nuôi ngựa. Và chúng tôi đã thành công”, Trung tá Hưng chia sẻ.
Giờ đây, khoảng đồi Bá Vân đã trở nên chật hẹp hơn vì số lượng đàn ngựa không ngừng tăng. Mới đây, 60 cán bộ thú y được phân bổ về Đoàn để đủ sức chăm sóc cho đàn ngựa. Những chú ngựa béo khỏe đã trút bỏ lớp lông dài và dày bờm xờm giúp chống chọi với thời tiết lạnh ở bản địa, để lên một lớp lông ngắn, mượt mà hợp với khí hậu Việt Nam.
Thượng úy Nguyễn Anh Vũ – Phó đội trưởng phụ trách Đội chăn nuôi thú y chia sẻ rằng, trong rất nhiều những trải nghiệm đầu tiên, kỉ niệm đáng nhớ nhất là lần cả Đoàn hồi hộp chờ đón chú ngựa con đầu tiên sinh ra ở đây. Mấy đêm liền cả Đoàn ai nấy đều sốt ruột, căng thẳng chờ con ngựa cái đầu tiên chuyển dạ. Không ai bảo ai, nhưng khi đêm xuống, từ chỉ huy Đoàn đến các CBCS đều túc trực ở khu chuồng ngựa. Có chiến sĩ còn... trải chiếu nằm ngủ luôn cạnh chuồng. Rồi thời khắc hồi hộp nhất đã tới, khi nhìn thấy con ngựa con đầu tiên chào đời, anh em vui mừng, vỗ tay ầm ĩ. Từ lần đầu tiên ấy, đến giờ đã có hơn 30 ngựa con được sinh ra ở đồi Bá Vân, con bé nhất mới sinh cách đây gần một tháng.
Thượng úy Vũ và các cán bộ thú y đã trở thành những bà đỡ mát tay, chăm ngựa rất khéo. Ở Đoàn CSCĐ Kỵ binh, các chiến sĩ đều là những "thợ nail" phục vụ "khách hàng" bốn chân. Thời kì đầu, anh em tập đóng móng cho ngựa, gác chân ngựa lên chân mình để đóng móng. Có lần ngựa giãy giụa khiến đinh cắm vào chân các chiến sĩ gây chảy máu. Bây giờ thì những "thợ nail" đã trở nên chuyên nghiệp, thường xuyên kiểm tra và thay móng cho ngựa, đảm bảo cho những "khách hàng" đặc biệt có bàn chân chắc khỏe. Trước khi đóng móng vào phần guốc mới phải cắt gọt phần móng cũ để tránh bị thối móng gây viêm nhiễm.
Bữa ăn của đàn ngựa là mối quan tâm của cả Đoàn. Để đưa ra được “menu” phù hợp cho 4 bữa ăn/ ngày của ngựa bao gồm cỏ khô alfalfa, cỏ tươi, cám và đá liếm là cả một quá trình nghiên cứu, điều chỉnh. Khắc phục khó khăn về cở sở vật chất, vừa chăm sóc, huấn luyện vừa tìm tòi, vận dụng, sáng tạo không ngừng, đến nay có thể khẳng định mô hình tổ chức, công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện ngựa ở Đoàn CSCĐ Kỵ binh đang đi vào nền nếp, đúng hướng. Ngoại hình, trọng lượng của ngựa phù hợp với vóc dáng của CBCS huấn luyện. Tỉ lệ sinh sản hiện tại đúng chuẩn theo giống ngựa. Thế hệ ngựa con sinh ra có trọng lượng phát triển theo các giai đoạn tương đương với ngựa bản địa. Đó là những thành công bước đầu góp phần phát triển lực lượng kỵ binh của Bộ Công an.