Chuyến hành quân ngược tháng 4/1975

Thứ Bảy, 25/01/2025, 10:04

Cuối năm 1974, khi đang công tác tại Cụm Tình báo H.67, căn cứ tại Bến Tre thuộc miền Tây Nam Bộ, tôi nhận lệnh của lãnh đạo Đoàn Tình báo chiến lược J.22 về “Tổng hành dinh” của Đoàn gấp. Sau gần một tháng hành quân bộ theo đường giao liên, vượt sông Cửu Long, cặp theo biên giới Campuchia để về căn cứ của Đoàn. Đó là một cánh rừng toàn cây dầu ở phía Tây cách thị trấn Lộc Ninh chừng mười cây số. Đây là thị trấn duy nhất trong vùng giải phóng của ta.

Mang tiếng là  cán bộ Đoàn J.22, nhưng đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân tới “Tổng hành dinh”, vì gần 9 năm toàn công tác ở vùng vùng giáp ranh giữa ta và địch nên bỗng trở thành “lính mới” ở chiến khu. Cũng may, tôi được đưa về nhận nhiệm vụ tại Ban A44 do ông Ba Vân làm trưởng ban. Ở đó, tôi được gặp nhiều anh em quen biết cũ đã từng học nghiệp vụ với nhau ở miền Bắc, lại đúng dịp các đơn vị trong Đoàn đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Mão 1975.

Trưởng ban Ba Vân nhắc vui với anh em: “Các đồng chí phải chuẩn bị thật tốt nghen. Phải tổ chức hoành tráng, vừa đón Tết, vừa chào mừng Khổng Thái Dương (tên của tôi được Cục 2 đặt cho ở chiến trường) vừa từ chiến trường máu lửa trở về”. Chỉ chừng đó thôi, tôi đã thấy ấm lòng, hòa mình vào công tác chuẩn bị cùng anh em.

Chuyến hành quân ngược tháng 4/1975_ANTGCT_T28 -0
Tác giả (bìa phải) gặp lại đồng đội cũ, Đoàn J.22 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012.

Giữa tháng 3/1975, Trưởng ban Ba Vân dự cuộc họp gấp từ trên Đoàn bộ về. Đã hơn 11 giờ trưa, ông vẫn triệu tập họp toàn đơn vị. Nhìn gương mặt tươi vui của Trưởng ban, tôi đoán chắc có vấn đề quan trọng đặc biệt, mà chắc là chuyện vui nên sắp tới giờ ăn trưa ông còn tổ chức họp toàn đơn vị. Chỉ mười phút sau anh chị em đã có mặt tại lán hội trường. Mở cuốn sổ tay, Trưởng ban lướt nhìn anh em, khẽ cười, nói:

- Thưa các đồng chí, trưa nay chúng ta ăn cơm muộn một chút vì có thông tin sốt dẻo cần phổ biến ngay tới các đồng chí. Cấp trên có chỉ thị toàn Đoàn J.22 chúng ta sẽ hạ sơn, chiều mai sẽ hành quân; hướng hành quân sẽ thông báo sau. Ta chỉ có một ngày chuẩn bị. Yêu cầu các bộ phận thực hiện gấp mấy việc sau: Súng đạn phải đảm bảo đủ cơ số theo quy định. Ruột tượng gạo cá nhân phải đủ 5 ký. Bộ phận hậu cần phải đem theo toàn bộ lương thực, thực phẩm hiện có trong kho. Phương tiện phục vụ công tác nghiệp vụ phải mang theo hết. Trang bị cá nhân phải thật gọn nhẹ, thứ gì không cần thiết thì bỏ lại. Các đồng chí về triển khai ngay, tổ trưởng phải kiểm tra kỹ công tác chuẩn bị.

17h chiều hôm sau, chúng tôi xuất quân theo hướng Đông Nam. Hành quân xuyên đêm. Rạng sáng hôm sau thì tới một khu rừng bạt ngàn những bụi le, lác đác mới có cây thân gỗ. Cả đoàn dừng nghỉ bên bờ một con sông nhỏ chảy xuyên qua rừng le, gọi là sông Tha la. Trưởng đoàn Tư Bốn quyết định xây dựng căn cứ tạm thời ở đó. Tôi tìm một khoảng trống để quan sát địa hình nhằm hỗ trợ Trưởng ban việc chọn địa điểm xây dựng căn cứ. Mười mấy tiếng đồng hồ hành quân vất vả mà mọi người vẫn tỉnh bơ, hồ hởi tập trung đào cộng sự tránh phi pháo, xây dựng bếp Hoàng Cầm, mỗi cá nhân tự “thiết kế” chỗ căng võng, căng tăng, tránh mưa dưới các bụi le to. Chỉ một tuần sau căn cứ đã tạm ổn.

Chuyến hành quân ngược tháng 4/1975_ANTGCT_T28 -0
Một số cán bộ Đoàn tình báo J.22 gặp mặt trong dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống Tình báo Quốc phòng (25/10/2010) tại TP Hồ Chí Minh.

Khoảng 8h sáng ngày 2/4/1975, cô văn thư Đoàn bộ tới căn cứ gặp ông Ba Vân và tôi thông báo: “Thủ trưởng Tư Bốn mời anh Thái Dương gặp thủ trưởng gấp để nhận nhiệm vụ mới”. Tôi vội theo cô văn thư về căn cứ Đoàn bộ. Tới sân lán tôi mới biết có hai người đang ngồi đàm đạo tại bàn, một bên là Trưởng đoàn và bên kia là một người đàn ông chừng 50 tuổi, dáng gầy gò với gương mặt hiền từ. Tôi bước vô lán, Trưởng đoàn thốt reo lên: “Cậu tới rồi hả, mời ngồi”. Tôi bắt tay hai người rồi ngồi xuống ghế. Trường đoàn nói với khách:

- Đây là “trợ thủ” tôi kiếm cho anh đó. Đồng chí này quê miền Bắc, vô chiến trường từ năm 1965; là cán bộ của H.67 mới từ Bến Tre về, là nhà văn Thái Dương đó.

Tôi thầm cười, thủ trưởng phóng đại cho mình như vậy, chả là tôi đã in hai truyện ngắn trên tờ tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, có một truyện ngắn được giải thưởng của tạp chí.

Ông quay về phía tôi nói:

- Giới thiệu với đồng chí Dương, đây là anh Ba Quốc, một điệp viên đã hoạt động tại Sài Gòn trên hai chục năm, đã chui sâu, leo cao, đeo tới lon Thiếu tá tại Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo của chế độ Sài Gòn. (ông Ba Quốc chính là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức, nguyên Cục trưởng Cục 12, Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng - TG). Theo chỉ thị của cấp trên, anh Ba phải ra Hà Nội gấp để trực tiếp báo cáo một số vấn đề quan trọng. Lẽ ra ảnh có thể đáp phi cơ từ phi trường Tân Sơn Nhất qua Phnom Penh rồi bay tiếp ra Hà Nội. Nhưng vì có sự cố, anh Ba không thể xuất hiện tại Sài Gòn. Vậy, chỉ có phương án duy nhất là phải đi theo đường Trường Sơn. Vì sức khỏe anh Ba không tốt, lại chưa đi đường rừng núi bao giờ nên tôi quyết định chọn đồng chí tháp tùng giúp anh Ba trong suốt cuộc hành trình. Có trắc trở gì đề nghị đồng chí cho biết ý kiến.

Sự việc quá bất ngờ. Cấp trên giao nhiệm dù khó khăn mấy cũng phải quyết tâm hoàn thành. Nhưng việc này quả là trái khoáy. Mười năm bám nơi chiến trường ác liệt, đồng đội đang háo hức mong chờ ngày tiến về giải phóng Sài Gòn, mình lại phải đi ngược ra miền Bắc. Lòng buồn nhưng cũng phải cố trấn tĩnh, tôi nhìn Đoàn trưởng:

- Thưa anh Tư! Thủ trưởng tín nhiệm giao cho tôi nhiệm vụ này, tôi xin hứa quyết tâm hoàn thành tốt.

Quay sang ông Ba Quốc, tôi nói:

- Báo cáo anh Ba, ông anh cứ yên tâm, việc này tôi hơi bị thạo đó, đã từng đi bộ từ miền Bắc vào tới Bến Tre kia mà. Đường Trường Sơn ngày đó chỉ là lối mòn; nhiều cung đường phải lánh sang sườn tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Gia tài người lính, cả súng đạn không dưới ba chục ký chất trên vai mà vẫn ngon ơ. Còn bây giờ thuận lợi hơn nhiều, lo gì.

Ông Tư Bốn cười sảng khoái rồi chốt vấn đề:

- Thế là tốt rồi, các đồng chí về chuẩn bị gấp. Ngày mai sẽ lên đường. Đơn vị đã bố trí hai Honda 67 đưa hai người ra tới Bù Đăng, Bù Đốp. Ở đó có trạm giao liên Đoàn 559.

Tôi về báo cáo chuyến đi đột xuất với ông Ba Vân và chia tay anh em. Còn công tác chuẩn bị thì quá đơn giản, chỉ cần bàn giao súng đạn cho đơn vị là xong.

Chờ ở trạm Bù Đốp cả một ngày mà không có xe đi ra. Xe vào thì kìn kìn nối đuôi nhau. Ngày thứ hai mới có một chuyến xe tải đi ra nhưng cũng đi được tới trạm thứ 3 của khu 6, xe phải quay đầu để chở hàng vào. Thế là phải cuốc bộ hết đất khu 6. Vì có giấy giới thiệu đặc biệt nên chúng tôi bố trí đến nghỉ tại trạm giao liên và ăn uống cùng anh em. Tới đất khu 5 lại có chuyến xe ra, chúng tôi được tháp tùng tới trạm Quảng Bình. Đó là ngày 28/4/1975.

Chờ cả buổi sáng ngày 29/4 không có chuyến xe nào. Buổi chiều, tôi tìm gặp Trạm trưởng, đưa giấy giới thiệu và trình bày với ông về yêu cầu khẩn cấp. Sau giây phút đắn đo, Trạm trưởng gật đầu: “Thôi được, tôi sẽ dùng chiếc xe Bắc Kinh trực chiến đưa hai đồng chí ra Hà Nội. Cố gắng đi sớm. Có thể 2 giờ sáng ngày mai xuất phát”.

Xe chạy hết tốc độ nên chúng tôi về tới cửa ô phía Nam Thủ đô mới 2 giờ rưỡi chiều. Vì lái xe là người Quảng Bình không rành đường nên lạc tới Nhà hát Lớn. Lúc đó là 15 giờ. Quảng trường đông nghẹt người, tiếng reo hò vang dậy: “Giải phóng Sài Gòn rồi! Giải phóng miền Nam rồi”. Ngó tấm bản đồ Việt Nam rộng cả trăm mét treo trước Nhà hát là cả một màu đỏ rực rỡ. Chờ cho vãn người, tôi mới hướng dẫn lái xe đi về Trạm 66 ở số 1 phố Hoàng Diệu. Tôi điện ngay về Phòng điệp báo nội của Cục 2. Chừng nửa giờ là có 2 cán bộ của Cục đưa ô tô ra gặp. Sau khi chia tay với đồng chí lái xe Quảng Bình, một cán bộ của Cục mời chúng tôi lên xe và giải thích:

- Bây giờ chúng tôi đưa anh Ba về thăm cụ trước, sau đó sẽ đưa anh Dương về nghỉ tại đây. Tôi đã thông báo với gia đình ngay, chắc cụ đang chờ. Cụ đang ở với vợ chồng người em trai út của anh tại 403 Nhà B13 Khu tập thể Kim Liên. Xe chạy ra đường Cột cờ (nay là Điện Biên) rồi rẽ phải ra đường Nam bộ (nay là Lê Duẩn). Chúng tôi tới đã thấy trước sân vào nhà B13 đông nghẹt người. Ông già râu tóc bạc phơ chống gậy đứng trước cửa vào cầu thang.

Ông Ba Quốc đứng lặng người rồi chạy vào ôm chầm lấy cha, cả hai đều nghẹn ngào nức nở. Nhìn cảnh đó tôi bỗng nhớ tới 2 câu thơ của một thi sĩ tài danh: “…Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt”.

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ
.
.