Chuyện cây lúa linh thiêng nơi đại ngàn Trường Sơn

Thứ Tư, 13/03/2024, 10:07

Miền Tây Quảng Trị từ bao đời là ngôi nhà chung của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều, với cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng, gắn với phương thức sản xuất "phát đốt, cốt trỉa", tự cung tự cấp. Trong đó, lúa rẫy không chỉ là cây lương thực chính, mà còn là một vị thần linh thiêng đầy quyền năng, luôn mang lại sự sống cho con người.

Hơn 60 năm nay, người Pa Cô, Vân Kiều ở đây đã quen với việc gieo trồng cây lúa nước để có đủ nguồn lương thực và sống định canh định cư thành bản làng. Việc thay đổi ấy có công không nhỏ của một người phụ nữ…

Vị thần linh thiêng

"Phát đốt, cốt trỉa" là quá trình chọn rẫy, phát rừng chặt cây, chờ khi sắp đến tháng mưa thì đốt cây dọn đất, khi mưa xuống thì gieo hạt bằng cách sử dụng cây gậy vót nhọn một đầu dùng để chọc lỗ và tra hạt vào đó. Ở các huyện vùng cao miền Tây Quảng Trị, hằng năm, vào khoảng cuối tháng 3 âm lịch, người Pa Cô, Vân Kiều ở đây lại bắt đầu chuẩn bị cho một mùa rẫy mới. Theo tập quán từ đời này sang đời khác, hạt lúa được cốt trỉa mỗi năm một vụ giữa đại ngàn.

truong son1.jpg -0
Phụ nữ Vân Kiều ở xã rẻo cao, biên giới Hướng Lập phấn khởi được mùa.

 Để có được cái rẫy tốt, việc đầu tiên là đàn ông phải cất công đi chọn đất, còn gọi là tăm đất và phải làm lễ cúng để xin phép các vị thần. Mỗi cái rẫy sẽ được canh tác liên tục trong 3 năm, tương ứng với 3 mùa rẫy rồi bỏ hoang trong 3 năm liền. Sau đó, bà con sẽ quay trở lại để phát đốt và cốt trỉa lúa trong ba mùa rẫy tiếp theo. Cứ như vậy, đây là cách đồng bào luân canh nương rẫy để cây rừng tái sinh, để đất được nghỉ ngơi và tạo mùn. Còn về lịch nông vụ thì được tính toán bằng cách nhìn một số loài cây rừng thay lá, nở hoa và nghe tiếng côn trùng kêu, tiếng chim  hót.

Với người Pa Cô, Vân Kiều, cây lúa rẫy luôn được coi là linh thiêng, là sản vật được Giàng ban tặng để nuôi sống con người. Vì thế, đến mùa cốt trỉa, nhiều gia đình sẽ cùng phát rẫy, hỗ trợ nhau trong lúc trỉa lúa, giữ rẫy và thu hoạch. Lúa rẫy có nhiều bộ giống khác nhau. Đối với nếp có Ku hom, A lao, A va, A Zôl, còn lúa thì có Tăr buinh, Xi cư, Ưh til, Strưi, Tre, Ku poá, Đep coom, Đep lao, A lia, Đep aham, Tuluc, Đep arẻc. Màu sắc, kích thước và hình dáng, cũng như chất lượng, hương vị và độ dẻo của hạt lúa là khác nhau. Cây lúa rẫy thường chín vào khoảng tháng 10 âm lịch, công việc thu hoạch diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 tháng.

Khi bông lúa ngả sang màu vàng, người Vân Kiều sẽ tổ chức một lễ cúng. Đầu tiên, già làng ở đây tiến hành buộc 3 gốc lúa lại với nhau để thực hiện "Ka văng", nghĩa là để xin phép được rước Thần Lúa về nhà, đồng thời bắt đầu thu hoạch lúa. Sau đó, mọi người cùng tổ chức lễ Cha xréh để cúng Giàng A Bôn, tức là Thần Lúa (theo ngôn ngữ người Kinh thường gọi là Lễ cúng mừng lúa mới). Việc tổ chức Cha xréh được chuẩn bị trước khoảng 2 ngày kể từ sau khi thực hiện Ka văng. Lúc này, phụ nữ sẽ lên rẫy tuốt một ít lúa và nếp mang về nhà sấy khô, giã thành gạo để nấu cơm, xôi và làm bánh. Lễ vật phải có gà luộc, cây gừng cùng những sản vật phổ biến trong đời sống hàng ngày. Những gia đình trong cùng dòng họ sẽ mang mâm lễ đến nhà trưởng họ để cúng chung, sau đó còn có thêm một mâm lễ riêng để cúng tại nhà của mình. Cha xréh với người Vân Kiều là nghi lễ tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho một năm mưa thuận, gió hòa, bản làng yên ấm, là dịp để mọi người trong gia đình, trong dòng tộc đến thăm nhau sau những tháng ngày xa cách.

Ngoài ra, người Vân Kiều còn có lễ Piếc Xa Ro (giống với lễ Cha xréh, song được tổ chức nhỏ hơn và ít phổ biến). Trong quá trình thu hoạch mỗi gia đình sẽ lựa chọn để dành lại một đám lúa nhỏ, rồi đợi đến khi kết thúc mùa rẫy sẽ làm lễ. Piếc Xa Ro thường được chủ nhà tổ chức vào buổi sáng, có mời một số gia đình thân thuộc trong bản và bà con trong dòng họ. Buổi lễ hoàn toàn diễn ra trên nương rẫy, chủ nhà nhất thiết phải chuẩn bị một con lợn, 2 con cua, 4 quả trứng, 1 con gà, áo, váy thổ cẩm, vòng cổ bằng bạc. Đặc biệt, trên bàn cúng không thể thiếu những bông lúa.

Còn người Pa Cô có lễ A-riêu Aza để cúng mừng lúa mới, nhưng được tổ chức sau khi kết thúc mùa rẫy, thường vào mùa cây Ku Boong trên núi bắt đầu nở hoa vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch. A-riêu Aza là lễ hội lớn và quan trọng của người Pa Cô, nó cũng mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên và cầu cho mùa màng tươi tốt, là dịp để mọi người đoàn tụ. Đặc biệt, với người Pa Cô, hạt lúa sau khi thu hoạch mang về sẽ được cất giữ riêng chứ không được phép để chung với nơi ở của con người. Bởi theo quan niệm của bà con, hạt lúa là cao quý, nếu để chung nhỡ bị lây bẩn bởi sinh hoạt của con người sẽ bị Giàng quở phạt.

Người dám bước qua lời nguyền

Từ năm 1959 trở về trước, tất cả người Pa Cô, Vân Kiều trên dãy Trường Sơn Quảng Trị đều sinh sống theo hình thức du canh du cư, lấy việc đốt rừng làm nương rẫy kiếm cái ăn qua ngày. Song, cây lúa, hoa màu do không được bón phân, trong khi đất đai ngày một trở nên cằn cỗi, nên cuộc sống mãi bị bó buộc trong đói nghèo. Nhưng tập tục ấy đã dần thay đổi khi đồng bào từng bước làm quen với việc gieo trồng cây lúa. Việc thay đổi tập quán sản xuất này của đồng bào là không hề dễ. Đó là câu chuyện dài gắn liền với nhiều người, đặc biệt gắn với tên tuổi của người phụ nữ Vân Kiều Hồ Thị Oi, ở bản Cà Tiêng, xã Hướng Lập, huyện vùng cao Hướng Hóa.

Chuyện cây lúa linh thiêng nơi đại ngàn Trường Sơn -0
Bà con Pa Cô, Vân Kiều ở Hướng Lập cùng cán bộ chức năng bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.

Năm nay, bà Oi đã gần 90 tuổi, nhưng còn minh mẫn, tiếng nói của bà còn rất trong. Hỏi chuyện trồng cây lúa nước, bà trầm ngâm kể lại: "Cách đây hơn nửa thế kỷ, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở các bản làng của các xã Hướng Việt, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa coi dòng sông Sê Băng Hiêng chảy qua địa bàn là dòng sông thiêng. Bởi tương truyền, bất kể ai làm bẩn dòng sông này đều bị Giàng phạt tội chết. Trải qua bao đời, người Pa Cô, Vân Kiều ở đây vì thế dù mưu sinh bằng cách nào cũng phải giữ gìn con sông sạch sẽ. Đặc biệt, đối với việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, gieo, trồng tất cả loại cây cối nói chung là không được bón phân. Bởi vì, quá trình chúng được bén rễ và sinh trưởng tươi tốt, cho ra sản phẩm cho con người hưởng thụ, là nhờ vào dòng nước của con sông Sê Băng Hiêng nuôi dưỡng, việc bón phân vì thế sẽ bị coi là xúc phạm thần nước con sông này".

Bà Oi kể, năm 1960, với việc mở đường Trường Sơn từ Hướng Lập tiến vào các cửa ngõ rừng núi phía Nam, quân và dân Quảng Trị, đặc biệt là lực lượng Công an vũ trang vừa có nhiệm vụ trinh sát, chiến đấu, vận động đồng bào vùng cao cùng tham gia kháng chiến, mở đường và tiếp tế lương thực cho bộ đội, vừa giúp dân bản ở đây phát triển kinh tế, xây dựng các căn cứ cách mạng quan trọng. Chính trong những cuộc tiếp xúc với đơn vị Công an vũ trang 605 (nay là Đồn Biên phòng 605 đóng trên địa bàn xã Hướng Lập), nữ du kích Hồ Thị Oi ngày ấy mới 18 tuổi đặc biệt chú ý đến kỹ thuật trồng cây lúa nước. Để đưa cây lúa nước đến được với bà con dân bản, bà đã phải trải qua không biết bao nhiêu thị phi, thậm chí không ít lần bị rình rập, đánh đập bầm tím khắp người vì bị cho là đã xúc phạm đến thần linh, thần nước sông Sê Băng Hiêng.

"Bà con lúc đó bảo rằng, tôi vẫn còn là con nít, làm sao lãnh đạo được người già và Giàng sẽ bắt tội chết nếu dám bước qua lời nguyền có từ muôn đời trước", bà Oi nhớ lại. Nhưng bỏ qua tất cả những thị phi nghiệt ngã, thậm chí mạng sống luôn bị rình rập, đe dọa, Hồ Thị Oi kiên trì vận động người dân ở đây làm theo hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Công an vũ trang và bộ đội. Cuối năm 1961, bên dòng sông Sê Băng Hiêng, thửa ruộng lúa nước đầu tiên do mình bà Oi tự cày bừa, gieo cấy đã đến kỳ thu hoạch. Hạt lúa nhờ có phân bón nên chắc mẩy, vàng óng, trông đến sướng mắt. Ngày ấy dẫn người dân ở cả mấy bản của xã Hướng Lập ra xem, Hồ Thị Oi vừa vui vừa tủi.

Năm 1962, Hồ Thị Oi được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Gặp được Bác, bà cảm động đến muốn khóc và cho tới bây giờ không sao quên được lời Bác động viên và căn dặn. Trở về với bản làng, nữ du kích Hồ Thị Oi được bà con tin yêu, bầu làm Chủ tịch UBND xã Hướng Lập. Lúc này, bà có điều kiện hơn trong việc vận động, hướng dẫn bà con ở đây trồng lúa nước.

Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, những năm sau đó và sau này, cây lúa nước trên địa bàn xã Hướng Lập luôn đạt năng suất cao, từ 2 tấn/ha năm 1962, nay lên 8 tấn/ha năm 2023.

Thanh Bình
.
.