Chuyện cấp căn cước công dân ở vùng cao
Hành trình phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia là chưa bao giờ dễ dàng. Trong hành trình đặc biệt ấy, mỗi cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Sơn La vẫn đang đến từng bản làng xa xôi nhất cấp căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho đồng bào với mục tiêu không bỏ sót bất cứ một ai...
Làm không có ngày nghỉ
Chiều 28/4, không khó để tìm kiếm thông tin về dòng người ùn tắc đang cố nhích từng mét để ra khỏi Thủ đô và những thành phố lớn. Ai cũng hối hả, vội vã. Nhưng, trong căn phòng chưa đầy 30m2 ở trụ sở Công an huyện Sốp Cộp, Đại úy Thào Thị Thu, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, cùng anh em trong đội cũng đang hối hả chuẩn bị lên đường đến xã Sam Kha, một trong những xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, có 10 bản, 618 hộ dân, hơn 3.600 nhân khẩu, trên 92% là đồng bào Mông, để làm CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho đồng bào. Đã mấy tháng nay, Đại úy Thu và các anh chị em trong đội không có ngày nghỉ, vì thế ngày lễ hay cuối tuần cũng như ngày thường, hết xử lý công việc ở đơn vị lại chia nhau xuống bản.
Sốp Cộp là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La với gần 120 km đường biên, giáp với 2 tỉnh Luông Pha Băng và Hủa Phăn (Lào) với 8 xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Xinh Mun… Toàn huyện hiện phải cấp CCCD cho 1.107 trường hợp và 17.445 mã định danh điện tử. Là huyện biên giới, trong đó đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao, với đặc tính sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, không tập trung do vậy rất khó khăn cho anh em làm nhiệm vụ.
Những ngày này, chuyện nắng mưa thất thường, trời đang nắng có thể đổ mưa ngay, vì thế ngoài máy móc chuyên dụng, mỗi người trong tổ công tác đều phải mang theo những vật bất ly thân là một đôi ủng, bộ áo mưa cùng đèn pin vì xác định đã đi lên bản là phải đến khuya mới xong việc. Mất gần 2 giờ vừa đi vừa đẩy xe trên con đường đất đèo dốc, lầy lội, chúng tôi cũng đến được bản Pú Sút, xã Sam Kha. Ông Giàng A May, người dân bản Pú Sút ốm bệnh nhiều năm nay, không thể đi lại được đã rất xúc động khi cán bộ Công an đến tận nhà làm CCCD công dân gắn chip và mã định danh điện tử cho ông.
Hoàn thành việc cấp CCCD cho dân bản Pú Sút, xã Sam Kha, anh em trong tổ công tác lại nhanh chóng thu dọn máy móc để tiếp tục di chuyển đến xã Mường Lèo, đây cũng là một trong những xã vùng biên giới của huyện Sốp Cộp. Làm nhiệm vụ trong đợt cao điểm 120 ngày đêm thực hiện Đề án 06 do Công an tỉnh phát động, anh chị em trong tổ công tác cũng xác định tinh thần ngoài việc làm nhanh thì điều tiên quyết nhất vẫn phải là chính xác.
Bà Tòng Thị Phương và bà Lò Thị Hiễng, cùng sinh năm 1925, ở bản Nà Lừa và Huổi Ca rất phấn khởi khi được cán bộ Công an đến tận nhà để cấp CCCD gắn chip cho các bà. Mỗi nhà, mỗi trường hợp làm CCCD và mã định danh điện tử xong, Đại úy Thu cũng nán lại một chút để trò chuyện và lắng nghe những tâm tư của đồng bào, để tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Chính những hành động nhỏ ấy đã tăng thêm tình cảm yêu mến của bà con với các cán bộ Công an. Một cái bắt tay thật chặt, một lời cảm ơn bằng tiếng phổ thông dù chưa “tròn vành rõ tiếng” nhưng cũng đủ thấy tình cảm mà dân bản dành cho anh em Công an nhiều đến nhường nào…
Khó khăn chồng khó khăn
Hôm đến Công an huyện Bắc Yên, tôi cùng tổ công tác “liên quân” của Đội Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an xã Chim Vàn đi xuống bản vận động dân bản làm CCCD và tài khoản định danh điện tử. Đêm hôm trước có cơn mưa lớn nên con đường từ trung tâm xã xuống bản lầy lội, gập ghềnh, quanh co,… chỉ cần “đoảng” một chút là mất tay lái như chơi. Nhưng với anh em ở cơ sở, chuyện thời tiết ở đây thay đổi thất thường đã trở thành… bình thường, có những lúc mưa cả tuần trời, nếu như không tranh thủ đi thì sẽ không kịp tiến độ, vì thế xuống bản chỉ mong có bà con ở nhà đã là may lắm rồi.
Sau gần 2 giờ vật vã trên con đường lầy lội, chúng tôi cũng đến bản Suối Lẹ, một bản của đồng bào Mông. Bà Giàng Thị Mo, sinh năm 1928, sống neo đơn, đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, nay được cán bộ Công an đến tận nhà cấp CCCD và mã định danh, với bà đó là niềm vui lớn. Bà Mo chỉ là một trong rất nhiều bà con trong bản được cán bộ Công an cấp CCCD và mã định danh điện tử trong lần này, ai cũng phấn khởi trước sự nhiệt tình và chu đáo của anh em trong tổ cấp CCCD lưu động.
Nghe tôi hỏi về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, Đại úy Sa Thị Hải, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Bắc Yên bảo rằng, với địa bàn vùng cao như Bắc Yên, địa hình chia cắt, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống không tập trung, nhiều người thường xuyên đi rẫy, đi rừng, ít khi ở nhà nên việc hẹn gặp và làm cũng cần phải căn đúng thời gian.
Trong số họ, nhiều người lần đầu tiên được chụp ảnh nên trước ống kính rất bối rối. Cán bộ Công an vừa phải hướng dẫn, vừa “nịnh” để họ bình tĩnh, tập trung, làm sao cho hình ảnh đạt yêu cầu. Ngay một việc tưởng rất đơn giản là lấy vân tay nhiều khi cũng rất khó. Bởi bà con, nhất là những người cao tuổi, cả đời lao động chân tay, quanh năm trồng ngô làm rẫy nên hầu hết đều bị… mòn hết vân tay, trong khi những thiết bị làm CCCD gắn chip rất hiện đại nên nếu vân tay không rõ máy sẽ không nhận. Gặp phải những trường hợp này, anh em phải hướng dẫn bà con rửa tay và lau tay thật sạch, làm một cách chậm rãi, bình tĩnh thì mới lấy được vân tay.
Qua triển khai chiến dịch cấp thẻ CCCD trên địa bàn huyện Bắc Yên những ngày qua, do tỷ lệ người dân trong độ tuổi được cấp thẻ CCCD không biết chữ, không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông còn cao, chủ yếu là người già, đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao…vì vậy, Công an huyện đã phải cử các cán bộ chiến sĩ biết tiếng dân tộc để có thể giao tiếp, hướng dẫn bà con một cách thuận tiện.
Một cái khó nữa là bà con dân bản ở đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa hiểu rõ được hết những tiện ích của CCCD gắn chip đem lại, họ vẫn cho rằng chứng minh nhân dân cũ vẫn còn hiệu lực và giá trị sử dụng, việc làm CCCD gắn chip là mất thời gian của họ. Trong quá trình thực hiện các thủ tục, mặc dù đến tận nơi để cấp CCCD nhưng một số người không phối hợp, nhiều người không hiểu và cho rằng lực lượng Công an đang lấy thông tin cá nhân của họ. Chưa hết, do điều kiện kinh tế ở địa bàn các huyện vùng cao ở Sơn La còn khó khăn, số công dân không sử dụng điện thoại hoặc điện thoại không đủ cấu hình chiếm tỉ lệ cao dẫn đến không thể cài đặt ứng dụng VneID…
Chuyện gỡ khó
Những ngày “ba cùng” với các tổ công tác lưu động đi đến các bản vùng cao làm CCCD gắn chip cho đồng bào, tôi nhận ra ngay việc đi lại của anh em cũng mất rất nhiều thời gian. Có nơi, dù trong một xã nhưng chỉ đi từ bản này sang bản kia có khi cũng mất cả nửa ngày bởi có bản muốn đến chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ, vì thế để tiết kiệm được thời gian đi lại, anh em phải “cắm chốt” ở từng xã, làm hàng tuần khi nào xong thì mới về.
Trong câu chuyện với tôi, Đại úy Thào Thị Thu, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Sốp Cộp, chia sẻ rằng nhiều khi “cái khó ló cái khôn”, khó khăn như vậy điều tiên quyết nhất đó phải “gỡ” về nhận thức của mỗi người dân. Ở các xã vùng cao, tỷ lệ người dân biết tiếng phổ thông tương đối thấp, vì vậy để người dân ủng hộ, anh em phải giải thích, thậm chí còn phải nhờ các già bản, người có uy tín tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu những tiện ích của CCCD gắn chip. Khi người dân hiểu, người dân tin thì mọi việc sẽ thành công. Ngoài ra, cần phải biết tận dụng mối quan hệ giữa các cán bộ Công an cơ sở và những già bản, người có uy tín trong đồng bào, trưởng bản, phát huy vai trò là “những cánh tay nối dài” của lực lượng Công an.
Ngoài ra, do dân bản thường hay đi làm sớm nên anh em cũng phải tranh thủ dậy sớm vào những giờ bà con ở nhà hoặc bà con đi nương về để làm CCCD và mã định danh điện tử, nếu như 5 giờ bà con đã đi nương thì cán bộ Công an phải đến nhà dân từ lúc… 4 giờ sáng thì mới kịp.
Sẽ còn những bữa ăn vội, những ngày cắm bản, xa gia đình, nhưng ở nơi chỉ có núi cao và mây mù này, hàng ngày đang có những cán bộ Công an đến từng nhà dân để cấp căn cước cho đồng bào với mục tiêu không bỏ sót bất cứ một ai, dù ở nơi xa nhất.