Chưa "đặc biệt" với bảo vật quốc gia

Chủ Nhật, 28/04/2024, 08:05

Những người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng đều thuộc lòng quy định, "bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt", nhưng khi chưa có một công trình bảo tàng đúng nghĩa với đầy đủ công năng của nó thì đặc biệt như thế nào đây.

1. Gần 20 năm trước, chúng tôi đã được biết đến nhóm hiện vật đặc biệt về ba khẩu súng thần công nằm dọc hành lang ở Bảo tàng Hà Tĩnh. Lúc đó, theo những lời kể lại, bộ ba khẩu súng thần công này được ngư dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phát hiện, trục vớt năm 2003 trong quá trình đánh bắt hải sản, cách cửa Hội (Nghệ An) khoảng 35km về phía Đông.

Để đưa được ba khẩu súng thần công về Bảo tàng Hà Tĩnh bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khá vất vả vì thời điểm đó nhận thức của người dân về quy định của pháp luật di sản văn hóa chưa thực sự đầy đủ.

Chưa
Hai trong ba khẩu thần công được cất giữ trong kho.

Ngay sau khi được đưa về Bảo tàng Hà Tĩnh, giới chuyên môn gồm nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá, thẩm định và đi đến kết luận đây là nhóm hiện vật độc bản mang cùng tên, cùng chất liệu đồng, đúc cùng một năm, cùng triều vua Minh Mệnh nhà Nguyễn, cùng kích thước, có giá trị quý hiếm, nổi bật, tiêu biểu quốc gia được liệt vào hạng bậc nhất. Ba khẩu thần công đều được vua ban cùng một tên gọi Bảo quốc An dân Đại tướng quân (Đại tướng quân giữ nước giúp dân). Minh văn phần chuôi súng ghi rõ ngày, tháng năm đúc (1821). Phía dưới thân ghi dòng chữ Hán tên người Trần Đăng Long nhận lệnh vua Minh Mệnh đúc súng.

Trên bề mặt trục súng có minh văn. Trên thân có trang trí hoa văn và bài minh bằng chữ Hán, hoa văn đúc nổi, bọc bạc, chữ Hán khắc chìm, khảm bạc. Lúc người dân phát hiện đã đục, cạy phần khảm bạc trên cả ba khẩu súng thần công. Với những giá trị tiêu biểu, thuộc hạng bậc nhất quốc gia, cuối năm 2013, bộ ba khẩu súng thần công Bảo quốc An dân Đại tướng quân được được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia.

Tưởng rằng, sau khi được công nhận bảo vật quốc gia, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp bảo vệ, bảo quản bộ ba khẩu súng thần công này tương xứng với giá trị đặc biệt của nó, nhưng từ năm này qua năm khác, chúng vẫn bị đặt ở dãy hành lang của bảo tàng. Đơn giản, vào thời điểm được công nhận bảo vật quốc gia, Bảo tàng Hà Tĩnh vẫn phải đi ở nhờ, chưa phải là một công trình bảo tàng đúng nghĩa với đầy đủ công năng.

Dạo đó, ông giám đốc bảo tàng cũng vì "lực bất tòng tâm" vả lại cực chẳng đã nên phải xếp bộ ba khẩu súng thần công Bảo quốc An dân Đại tướng quân ngay cạnh hành lang nhà cấp bốn với lý do đây là nhóm hiện vật thể khối lớn, trong kho lại không có đủ diện tích để bảo quản. Rồi ông cũng đi "kêu" dự án xây dựng bảo tàng, đến nay vẫn chưa thấy đâu.

Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại Bảo tàng Hà Tĩnh. Khi tìm đến địa chỉ cũ thấy bảo đã chuyển đi nơi khác, tưởng rằng đã có hẳn một công trình xứng tầm, nào ngờ vẫn đang tiếp cảnh "ở nhờ" trong thư viện tỉnh. Bộ ba khẩu súng thần công được công nhận bảo vật quốc gia năm nào nay cũng chẳng khá hơn.

Một khẩu thần công, sau khi được phục chế một phần trên thân, khảm lại bạc được trưng bày ngay ở cửa ra vào. Bao xung quanh dây thừng "bảo vệ", không một tấm biển giới thiệu, ở một số chỗ trên thân súng đã bắt đầu xuất hiện ôxi hóa. Nhân viên phòng trưng bày cho biết là do chưa có nhà bảo tàng nên đơn vị phải dành một phần nhỏ nơi đây để giới thiệu một khẩu, hai khẩu thần công khác đành phải đưa vào kho cất giữ, bảo vệ. Dẫn chúng tôi đến nhà kho nơi cất giữ hai khẩu thần công còn lại, nhân viên phòng trưng bày đi ra ngoài, rồi bước đến dãy nhà cấp bốn lợp tôn, bên ngoài cửa xếp không thể nói là chắc chắn.

Bước vào nhà kho, chúng tôi thật sự bất ngờ… Hai khẩu pháo thần công, bảo vật quốc gia để trong một nhà kho mà không phải là kho đúng tiêu chuẩn cất giữ, bảo vệ di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia. Ở trong kho không có điện, không điều hòa, không có quạt. Sức nóng nhà kho như cái lò đang nung. Quá buồn khi phải chứng kiến cảnh tượng bảo vật quốc gia bị cất giữ trong một nhà kho như thế, dẫu biết rằng, Hà Tĩnh vẫn chưa có công trình bảo tàng tỉnh. 

Những người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng đều thuộc lòng quy định, "bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt", nhưng khi chưa có một công trình bảo tàng đúng nghĩa với đầy đủ công năng của nó thì đặc biệt như thế nào đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh vẫn một mực nói rằng, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến thiết chế văn hóa bảo tàng, đã tổ chức tìm vị trí đất xây dựng, đã tổ chức cuộc thi thiết kế, đã ra hẳn nghị quyết, đã sẵn sàng kinh phí…., còn khi nào có công trình bảo tàng thì vẫn chưa biết được cụ thể. Khi hỏi ông thế nào là bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia theo chế độ đặc biệt, và đã kiến nghị gì để được cấp trên quan tâm, áp dụng, ông cười bảo rằng, có lẽ ai cũng hiểu được hai từ "đặc biệt", thế nhưng bảo quản đặc biệt là cụ thể như thế nào, đâu là tiêu chí, điều kiện hay định mức để soi vào lại chưa được quy định rõ ràng.

2. Cho đến thời điểm này chúng ta đã có 265 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Nhưng tại những địa phương có hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia thì đang mỗi nơi làm một kiểu. Nhiều tiền làm kiểu nhiều tiền, kinh phí khó khăn, hạn hẹp thì làm cho có. Không ít bảo tàng áp dụng biện pháp là cất giữ kỹ trong kho, phải qua mấy lần cửa mới vào đến chỗ bảo quản bảo vật với điều hòa không khí, két đựng hiện vật. Vậy đến khi nào mới đưa ra trưng bày, phát huy giá trị thì nhận được câu trả lời kiểu là đang xây dựng dự án, trình các cấp thẩm định rồi mới đưa ra Hội đồng nhân dân thông qua, thủ tục còn dài lắm.

Chưa
Một khẩu thần công trong bộ ba đang được trưng bày tại không gian chật hẹp.

Có địa phương đã lập xong dự án trưng bày, phát huy bảo vật quốc gia nhưng khi làm cảm thấy không ổn nên phải dỡ ra, xây dựng từ đầu. Rồi có một bảo tàng ở khu vực Bắc Trung Bộ thiết kế phòng trưng bày bảo vật quốc gia theo kiểu "giật gấu vá vai", kinh phí chỉ vài trăm triệu đồng. Trong quá trình vận hành, hoạt động trưng bày lại thiếu kỹ thuật đảm bảo cho hiện vật như hút ẩm, ánh sáng, nhiệt độ… Mới chỉ lướt qua một số bảo tàng đang sở hữu, lưu giữ, bảo quản bảo vật quốc gia đã phần nào nói lên được rằng, công tác bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia với chế độ đặc biệt cũng chỉ mới nằm trên giấy, nói khác đi, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực này cũng chưa có gì gọi là mặn mà, nếu có cũng dừng ở mức độ chừng mực, chứ không có gì là đặc biệt cả.

Trong khi đó, nhiều năm trở lại đây Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Văn bản gần đây nhất là tháng 4/2023, Bộ này luôn nhấn mạnh phải tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, trong đó lưu ý: "Có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính. Kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia".

Đối với công tác bảo quản bảo vật quốc gia thì cần ưu tiên đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị chuyên dụng dành cho kho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia tại bảo tàng, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia tại di tích, để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt; quá trình thực hiện bảo quản phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật bảo quản, đồng thời có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan, các chuyên gia về bảo quản. Về phát huy giá trị bảo vật quốc gia cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Giấy trắng mực đen là vậy, thế nhưng khi tìm hiểu kỹ công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy bảo vật quốc gia ở một số địa phương đều thấy rằng, vẫn chưa có sự quan tâm đầu tư đặc biệt đối với việc phát huy giá trị của bảo vật. Nói một cách khác, khi chưa phát huy được vì điều kiện, hoàn cảnh còn khó khăn, hạn chế thì tốt nhất là cứ cất vào kho cho nó an toàn, dư luận kêu quá thì đưa ra trưng bày, rồi lại đưa vào kho chứa khóa chặt. Nếu vậy thì chẳng có gì để gọi là chế độ đặc biệt đối với bảo vật quốc gia. 

Nguyễn Thanh Sương
.
.