Chữ viết của nhà văn
Chữ viết không chỉ là ký hiệu ngôn ngữ văn bản, là phương tiện lưu giữ, truyền đạt thông tin, mà còn thể hiện tính cách, cá tính, tình cảm người viết. Lời xưa còn mãi: "Nét chữ, nết người", nét chữ thể hiện tâm tính người, và tiền nhân đề cao "Văn hay chữ tốt".
1. Tôi đã đọc đâu đó giai thoại về đại văn hào Honoré de Balzac rằng ông biết bói chữ, có nghĩa là xem chữ có thể đoán ra số phận con người. Vào một buổi chiều Paris nắng dịu, có bà cụ mang cuốn vở viết đến nhờ đại văn hào xem giúp. Ông lật giở cuốn vở chữ nguềnh ngoàng, xiêu vẹo, rồi trầm lặng: "Xin cụ đừng buồn. Chữ viết như "gà bới" thế này thì suốt đời chẳng làm nổi cơm cháo gì đâu. Nếu làm thợ thông ống cống may ra nuôi nổi thân. Tôi chia sẻ sự đáng tiếc này. Cuốn vở ghi có phải của đứa cháu cụ không?".
Lúc đó, bà cụ mới mỉm cười bảo: "Ồ. Không! Không! Là của học trò tôi. Ôi! Balzac, ngài không nhận ra cuốn vở ghi chữ viết của mình hồi nhỏ, và cô giáo cũ của ngài ư?". Trong thực tế, có trường hợp nét chữ chẳng có dính dáng gì với nết người, đến sự thành công hoặc thất bại, văn hay có khi chữ lại xấu và ngược lại.
Nhà văn viết chữ xấu, viết không đọc được cũng không chết ai, nhưng đôi khi cũng gây nên chuyện dở mếu, dở cười cho đồng nghiệp khi xử lý công việc, mà vẫn cảm thấy thú vị. Tôi có dịp đọc một số bút tích, và nhận xét biên tập, bút phê, thư, bản thảo… viết tay của các nhà văn thấy vô cùng thú vị. Dĩ nhiên, chữ viết của nhà văn thì cũng bình thường như trăm ngàn chữ viết của người bình thường khác. Người viết chữ đứng, người viết chữ nghiêng, có người viết chữ không đứng không nghiêng mà chữ ngửa ềnh ềnh.
Tôi có dịp xem một số trang bút tích của các nhà văn. Nhà văn Nam Cao viết rõ ràng sạch sẽ, dễ đọc. Nhà văn Tô Hoài viết chữ nắn nót, cẩn thận. Chữ của nhà thơ Bùi Giáng thì phóng khoáng, bay bổng. Dường như các chữ "g" và chữ "y", ông thường ít khi nét kéo dài xuống cuộn vòng hất lên, mà đều duỗi và thả lỏng. Trong một lá thư viết cho nhà báo Trần Thanh Phương, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết dòng trên cách dòng dưới khá xa. Ông viết chữ nhỏ, nhỏ đến mức các nguyên âm "a", "u", "o" viết thường không có khoảng trống, trong lòng chữ đặc mực. Nhưng vẫn đọc dễ dàng, và không hề căng mắt.
Đọc bút tích nhật ký chiến trường của nhà văn Phan Tứ như đi vào rừng rậm. Đề phòng bản thảo bị rơi vào tay đối phương, ông viết bằng tiếng Việt, nhưng còn viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, hay tiếng Lào, có chữ ông viết tắt, hoặc mã hóa bằng các kí hiệu mà chỉ ông mới biết. Cho nên đọc và hiểu nhà văn Phan Tứ viết những gì rất khó khăn, nhưng cũng rất thú vị như đang khám phá, chinh phục một cánh rừng chữ nghĩa bí ẩn.
Chữ viết của nhà văn Nguyễn Khắc Trường có đặc điểm riêng rất dễ nhận ra. Chữ "g", ông ngoáy tít như chữ "s" kéo dài xuống dòng dưới. Chữ "t" thì như chữ "o" dẹt thòi cái râu lên. Chữ "c" viết hoa mà giống như chữ "m" viết hoa. Dấu ngã không nằm ngang mà thành dấu hỏi với cái đuôi kéo dài 45 độ phóng vút lên trời… Có một số chữ ông viết tháu như vậy, nhưng vẫn luận ra, đọc vẫn nhanh và lĩnh hội nội dung dễ dàng.
2. Trong các nhà thơ, nhà văn viết chữ đẹp hiện nay, có thể kể ra như: Nhà thơ Nguyễn Duy viết chữ nghiêng, nét đủ, mềm mại, bay bổng, đẹp đến mức ông viết thơ in lịch bán vào dịp Tết Nguyên đán thì cũng hiếm. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý một thời ở cùng Tạp chí Văn nghệ Quân đội với tôi cũng là người viết chữ đẹp. Ông viết chữ chân phương, tròn vành rõ chữ, chữ đều tăm tắp, dễ đọc. Chữ của ông đẹp và quyến rũ đến mức ai chưa kịp đọc thơ ông mà nhìn thấy bản thảo của ông cũng bị dẫn dụ đọc thơ ông ngay.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có nét chữ rất bay bổng, lãng mạn. Chữ "S" viết hoa cách điệu giống như dấu phi viết thường trong toán học. Bụng nét khuyết dưới của chữ "g" thường không giống hình elip mà vòng tròn như trứng ngỗng, trông rất ngộ nghĩnh.
Nhà văn viết chữ đẹp mà tôi biết là Nguyễn Một - tác giả của tiểu thuyết chiến tranh "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín". Có lẽ ông là một trong những nhà văn viết chữ đẹp nhất Hội Nhà văn Việt Nam. Cần tròn vành rõ chữ, đều đặn, chân phương như chữ học trò thì Nguyễn Một viết như học trò tiểu học. Cần bay bổng, kiểu chữ făngteri thì Nguyễn Một cũng phóng bút được. Bạn văn hay bạn đọc đến chơi, hoặc mua sách, Nguyễn Một cầm bút lông viết thư pháp chữ Việt như rồng bay phượng múa tặng ngay tại chỗ.
Cách đây hơn 20 năm, tôi vào Biên Hòa lần đầu tiên, Nguyễn Một đưa đến quán cà phê Dạ Thảo nhà ông. Ông vừa đi làm báo vừa phụ thêm cho vợ bán hàng. Phụ thêm bằng cách ngồi ở quán cà phê đọc thơ Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bắc Sơn…, và chọn các câu thơ hay của các nhà thơ đáng kính ấy, viết thư pháp chữ Việt tặng khách hàng.
3. Chữ viết của các nhà văn không quá xấu, thậm chí nhiều người viết đẹp. Nhưng, cái sự viết tắt, viết tháu, viết ngoáy… của nhà văn thì đến trời cũng không hiểu nổi, đọc nổi. Làng văn vẫn truyền nhau chuyện nhà thơ Xuân Quỳnh viết sai chính tả "ch" thành "tr". Bài thơ "Chồi biếc" bà viết thành "Trồi biếc". Bản thảo gửi đi chả hiểu do biên tập hay thợ sắp chữ lại nghĩ bà viết nhầm "trời" thành "trồi" nên sửa thành… "Trời biếc". Khi báo Văn học in ra, nhà thơ làm toáng lên: "Chồi biếc chứ Trời biếc thì còn ra quái gì nữa".
Chẳng riêng gì nhà thơ Xuân Quỳnh, mà nhiều nhà văn cũng viết sai chính tả, tôi cũng không ít lần viết sai chính tả, bây giờ vẫn sai. Thế mới phục nhà văn Tô Hoài, bản thảo rất ít mắc lỗi này, vì lúc nào cũng có quyển từ điển đặt trên bàn viết của ông.
Nói chuyện chữ viết, nhà báo Nguyễn Thiêm kể: "Nhà văn Hữu Ước khi còn làm Tổng biên tập Báo Công an nhân dân viết chữ… khó đọc nhất tòa soạn. Chỉ có một chị đánh máy ở Chuyên đề An ninh thế giới mới "dịch" được. Có lần ông Hữu Ước phê vào bản thảo viết tay của cộng tác viên là: "Lần sau bản thảo chữ xấu thế này, không được trình cho tôi". Cả phòng thư ký "dịch" mãi mới ra mấy chữ Tổng biên tập bút phê. Còn nhà thơ Hồng Thanh Quang một thời là Phó tổng biên tập Báo Công an nhân dân thì chữ viết như… rắc thuốc lào ra giấy, không ai đọc nổi".
Lại nói về chữ của Hồng Thanh Quang, nhà thơ Đặng Vương Hưng có một thời gian cùng tòa soạn thì lại bảo: "Trong số các văn nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay, có lẽ nhà thơ Hồng Thanh Quang nổi tiếng về việc viết chữ kiểu... "gà bới". Đặng Vương Hưng vừa cười vừa kể với tôi: "Chữ Hồng Thanh Quang nét nọ ngoằng nét kia, chỉ năm, sáu chữ là hết dòng vì viết chữ to. Anh ấy lại chăm rập, xóa, nên khó đọc. Làm chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng, có lần mấy chị em bộ phận vi tính phải chụm vào đọc như soi kính hiển vi bản thảo anh ấy biên tập, cắt xóa, viết thêm ngoài lề, mà vẫn không đoán ra chữ gì. Cuối cùng đành đưa lại hỏi Hồng Thanh Quang thì anh ấy cũng không luận ra chữ của mình".
Tôi bảo Đặng Vương Hưng: "Nhà thơ Văn Công Hùng ở Tây Nguyên kể với tôi, dạo Hồng Thanh Quang còn làm Báo Quân đoàn 3 đã từng được Cục Chính trị triệu tập mấy tháng viết thẻ đảng, viết bằng khen, giấy khen, thì không thể nào nói là chữ "gà bới" được". "À. Phải nói chính xác là chữ anh ấy đẹp, đặc biệt lúc làm thơ chữ càng đẹp, nắn nót, rõ ràng, dễ đọc. Nhưng cứ biên tập là chữ "rắc giá đỗ"…
Chuyện viết chữ như "rắc giá đỗ", nhà văn Khuất Quang Thụy cũng kinh hoàng không kém ai. Cái dạo ông làm Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn tôi là lính dưới quyền. Một lần ông đọc duyệt xong các truyện ngắn do Ban Văn gửi lên, rồi chuyển lại cho tôi để xử lý bản thảo công đoạn tiếp theo. Tôi không thể nào luận ra cái câu ông bút phê ở góc trên cùng bên phải truyện ngắn đầu tiên. Tôi gọi nhà văn Nguyễn Đình Tú đến, hai anh em chụm đầu vào đọc cũng không luận nổi, đành quay lại hỏi ông nhưng ông cũng "đần mặt ra" không hiểu mình đã ghi nội dung gì. Bỗng chốc cả ba chúng tôi cùng cười phá lên.
Nhà văn Khuất Quang Thụy bẽn lẽn, bảo tôi: "Chú cứ đưa cho cái Bình, nó sẽ luận ra ngay". Quả nhiên, mới nhìn lướt qua chị Bình đã đọc vanh vách: "Chuyển cô Bình vi tính truyện ngắn này trước, Minh xếp ngay vào số tới". Chị Bình là người đánh máy chữ, rồi đánh máy vi tính ở tòa soạn có thâm niên mấy chục năm. Lúc đầu, chị cũng khốn khổ với các kiểu viết tắt, viết tháu, viết ngoáy và dùng ký tự riêng của các nhà văn trong tòa soạn. Khổ nhất là đánh máy bản thảo của nhà văn Lê Lựu và nhà văn Khuất Quang Thụy. Mỗi lần gặp những chữ ngoáy tít thò lò lại bốc điện thoại bàn réo tác giả để hỏi, lâu dần quen mặt chữ của từng nhà văn, quen cách viết tháu của từng người. Cánh nhà văn trẻ về tòa soạn làm biên tập, không may gặp phải những chữ viết nhanh, viết tháu của nhà văn bậc cha anh, hỏi tác giả cũng nhớ nhớ quên quên, cứ đem hỏi chị Bình vi tính là ra hết.
Nhà văn Lê Lựu nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng vẫn tạt qua tòa soạn chơi với cánh biên tập chúng tôi. Một lần ông gặp tôi ở sân trước tòa soạn. Thân mật, ân cần bắt tay tôi, rồi ông cười vui vẻ, nhắc lại chuyện Trại viết Đồ Sơn năm 1996. Ông xuề xòa kéo tôi ngồi luôn xuống bậc tam cấp trước hiên nhà số 4, lấy quyển tiểu thuyết "Thời xa vắng" vừa tái bản đặt lên đùi viết loằng ngoằng những chữ đề tặng tôi, rồi bảo: "Còn mỗi một quyển, anh tặng Minh. Cất ngay đi kẻo chúng nó thấy, anh lại khó xử". Tôi cất ngay sách vào túi, đang vui được gặp nhà văn đàn anh thân thuộc, nên không kịp đọc lời đề tặng của ông.
Về nhà, mang "Thời xa vắng" ra ngắm nghía kỹ mới ngạc nhiên không hiểu nhà văn Lê Lựu đã viết gì ở trang lót quyển tiểu thuyết. Chả lẽ mang sách hỏi lại tác giả tặng mình thì bất nhã, mà đem hỏi chị Bình đánh vi tính vốn thạo nhận mặt chữ của ông thì chị đã nghỉ hưu. Tôi cố đọc, cố phỏng đoán được mấy chữ: "Yêu quý tặng Sương Nguyệt Minh để nhớ những ngày…", còn 6 chữ hay chỉ có 4 chữ tiếp theo viết ríu vào nhau thì đến bây giờ tôi vẫn chưa đọc ra.
Quả thực, chữ viết của các nhà văn nhà thơ cũng không đến nỗi xấu quá đâu. Chỉ vì do đặc thù nghề nghiệp lâu ngày thành quen viết ngoáy, viết tháu: Các ông đi thực tế, vừa quan sát, vừa nghe, vừa tốc kí cố theo kịp lời nhân vật kể; lại làm báo thường hay bị áp lực tốc độ nhanh, gấp gáp, nên bút phê hay biên tập bản thảo có lúc vội vã viết ríu tay. Cũng có thể lúc người ta viết ngoáy, viết tắt là lúc não đang hoạt động quá căng, tư duy nhanh hơn kỹ năng vận động của tay. Nhà văn, nhà thơ là người sáng tác, đôi khi những điều họ nghĩ trong đầu như ý tưởng, nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng… tuôn ra ào ạt, cộng với cảm xúc tràn trề ra nhiều và nhanh hơn bàn tay viết chữ.
Phải chăng khi viết chữ không cẩn thận, ngay ngắn…, cũng là lúc bộn bề công việc đòi hỏi gấp gáp, và não bộ đang "chạy trước", mà bàn tay không theo kịp?