ChatGPT ra đời, nhà văn không lo thất nghiệp!

Thứ Hai, 17/04/2023, 09:36

Suốt mấy tháng nay, ChatGPT xông vào từng nhà, lan đến từng hẻm ngõ, gõ từng nghề nghiệp, cạnh tranh với cả người viết báo, viết văn. Đi đâu, ngồi chỗ nào cũng thấy người ta bàn về ChatGPT. Mấy ông bạn nghề bảo nhau: ChatGPT nó sẽ làm thay hết cho con người. Rất có thể nhà văn, nhà báo cũng thất nghiệp.

Khi ChatGPT sáng tác nghệ thuật

Bằng chứng là, muốn có bài thơ là chả mấy chốc nó "tòi" ra bài thơ; muốn có bản nhạc nó sáng tác luôn ra bản nhạc, hoặc muốn có bức tranh nó "đùn" ra một bức tranh…, nếu như người ta đưa cho ChatGPT những dữ liệu nhất định. Có thể các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo này chưa thật hay, chưa thật hoàn thiện, chưa độc đáo…, nhưng ai dám phủ nhận ChatGPT sẽ thay con người sáng tác thành công những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn trong tương lai?

ChatGPT ra đời, nhà văn không lo thất nghiệp! -0

ChatGPT hiện nay được đánh giá là sản phẩm trí tuệ nhân tạo thông minh nhất của nhân loại, nó "có thể trò chuyện, tạo ra văn bản, hình ảnh, và video mới, thậm chí nó còn làm luận văn, lập trình cho máy tính, giải các bài toán, làm được cả thơ, sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết tiểu thuyết…". Chính vì thế, người ta tính đến khả năng ChatGPT vô nghĩa hóa một số nghề như lập trình viên, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch…

Tuy nhiên, thông tin đúng thì xử lý đúng, thông tin sai thì xử lý sai, hoặc lệch lạc. Các chuyên gia hiện nay cũng chỉ ra: ChatGPT làm việc dựa vào kho dữ liệu khổng lồ có sẵn, nhưng nó có giới hạn "chết người" là thiếu kỹ năng tư duy phản biện và giới hạn về nhận thức đúng sai, nên đưa ra không ít đáp số sai, hoặc không hợp lý, thậm chí vô nghĩa. Các dữ liệu mới cập nhật đến năm 2021, cho nên nhiều câu hỏi về tình huống phức tạp, hoặc vấn đề quá mới, nó không trả lời được, hoặc trả lời sai, hoặc chỉ là gợi ý chung chung.

ChatGPT có làm cho nhà văn thất nghiệp không?

Bàn về lao động nhà văn, Marcel Proust - tác giả của thiên tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" nói rằng: "Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới". Một cuộc thám hiểm thật sự, chính là hành trình sáng tạo tác phẩm của nhà văn.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Thành La Mã không xây trong một ngày". Nhà văn sống rồi mới viết. Sống là quá trình dấn thân hiện thực đời sống, tích lũy vốn, nuôi dưỡng cảm xúc, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan và bản lĩnh nghệ thuật. Vùng đất mới, chính là vùng đất trắng hoang hóa chưa có người khai hoang, là chân trời mới chưa có người khám phá, có nghĩa là hiện thực đời sống mới hay còn gọi là đề tài chưa có tác giả nào đụng bút. Đôi mắt mới, chính là cách cảm thụ độc đáo, cách nhìn hiện thực phải mới mẻ mang tính phát hiện đời sống và con người. Marcel Proust nhấn mạnh và khẳng định tính quyết định thành bại của tác phẩm chính là "đôi mắt mới" này. Lao động nhà văn là thứ lao động đặc thù, riêng biệt, là lao động tư duy, cảm thụ và sáng tạo đột phá. ChatGPT có dữ liệu ngày càng khổng lồ và càng lắm "phép thuật" đi tới hoàn thiện, làm được nhiều chuyện phi thường, nhưng chắc chắn không thể thay nhà văn để có "đôi mắt mới" có cái nhìn độc đáo.

Nhà thơ Raxun Gamzatov cũng từng nói: "Đừng trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt". Cùng một hiện thực, một vùng đất mới, mỗi nhà văn có cái nhìn, có quan điểm, tư tưởng và nhân sinh quan khác nhau, cuối cùng "cuộc thám hiểm thực sự" sẽ ra tác phẩm khác nhau. Vai trò "đôi mắt" lớn hơn và quyết định chứ không phải "vùng đất mới". Điều này thì ChatGPT không bao giờ làm nổi.

Mô hình ngôn ngữ ChatGPT có thể tạo ra các văn bản đúng ngữ pháp cơ bản, ngữ nghĩa có thể rõ ràng, mạch lạc, nhưng sẽ rất khó làm ra văn bản với ngôn ngữ tinh tế, đặc sắc theo sở hữu từng cá nhân yêu cầu. Chúng ta hãy hình dung: Ra một đề bài viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh ở một vùng đất cụ thể, bối cảnh cụ thể, các tuyến nhân vật cụ thể…vv, có thể ChatGPT sẽ viết được ngay và nó chỉ sáng tác một tác phẩm. Nhưng, cũng ra đầu bài ấy cho 50 nhà văn thì sẽ có 50 tác phẩm khác nhau. 50 tác phẩm khác nhau ấy, chính là 50 cách nhìn, 50 cách viết... Mỗi nhà văn con người có vốn liếng hiện thực chiến tranh khác nhau, có ngôn ngữ khác nhau và cách sử dụng ngôn ngữ cũng khác nhau. Cho nên, nhà văn sẽ biết mình viết cho riêng mình, hay cho đối tượng bạn đọc nào, chứ không phải là viết cho cả thế giới đọc như ChatGPT.

Công việc sáng tạo của nhà văn là một thứ viết lách phức tạp, sinh động, phong phú hơn khả năng ChatGPT tạo ra văn bản cơ bản. Chỉ nói đến việc sử dụng từ trong từng ngữ cảnh đã phải công phu, sử dụng chi tiết nào đắt giá cũng phải cân nhắc, sử dụng hình ảnh nào lạ, độc cũng phải đắn đo… Dĩ nhiên, mỗi nhà văn sẽ khác nhau để làm nên phong cách, giọng điệu khác nhau. Đây là trí tuệ con người lao động nghề nghiệp được đúc kết từ kinh nghiệm sống và quá trình hoàn thiện kỹ năng kỹ sảo theo thời gian cùng với độ chín của nghề, không ai giống ai và càng không giống sự tổng hợp, sao chép hay sắp đặt, bố trí của trí tuệ nhân tạo.

Rõ ràng là về tư duy, về tâm hồn… "nhà văn nhân tạo" chưa thay thế được nhà văn con người. Chỉ nói vấn đề cụ thể nhận thức đúng sai thôi, ChatGPT cũng còn nhiều sai sót, ngô nghê. Nhà báo Hương Lê từng viết có nam sinh Thành Trung ở Linh Đàm đã ứng dụng ChatGPT và nhận được câu trả lời truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Và "… khi học sinh khai thác thông tin từ ChatGPT, tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố, lại bị nhầm lẫn là sáng tác của Nguyễn Hữu Trí; Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi bị cho là của Lê Quý Đôn. Nhiều tác phẩm văn học khác cũng thường xuyên bị nhầm lẫn tác giả". Hoặc hỏi ChatGPT tóm tắt tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, thì nó trả lời: "Tác phẩm kể về câu chuyện tình yêu đau đớn giữa nhân vật chính là một người đàn ông trẻ tên Lâm và một phụ nữ đã có chồng tên là Châu"…

ChatGPT có thể vượt mặt nhà văn không?

Nhà văn khi sáng tạo rất am hiểu ngữ cảnh và hiểu biết sâu sắc hoàn cảnh xã hội mà họ đang viết. Quá trình sáng tạo là quá trình đặt nhân vật diễn biến tâm lý, hành động, đối thoại, độc thoại trong những không gian nghệ thuật khác nhau để điều chỉnh tuyến truyện, điều khiển dẫn dắt nhân vật và phát triển câu chuyện biến hóa phù hợp với logic nghệ thuật chân - thiện - mỹ. Nhưng, quá trình lao động nghề nghiệp đặc thù, câu chuyện và nhân vật đôi khi không chịu sự "điều binh khiển tướng" của nhà văn, nó chống lại tác giả buộc tác giả phải nghĩ ngợi và tổ chức tác phẩm phù hợp với tính cách và cá tính nhân vật. ChatGPT, dù được nạp đầy đủ các dữ liệu vẫn "thiểu năng" bối cảnh và ngữ cảnh và không thể lao động biến hóa như thế.

Nhà văn không chỉ sáng tạo bằng tư duy mà còn sống và viết bằng cảm xúc. Bạn đọc sẽ bắt gặp các trạng thái tình cảm vui buồn, hờn giận, oán trách, hay giễu nhại, trào phúng… ở từng câu chữ sống động trong tác phẩm. Tiếp nhận tác phẩm cùng với sức kết nối, tương tác, đồng cảm hay chia sẻ giữa nhà văn và bạn đọc vừa gián tiếp vừa trực tiếp. Đó là điều mà ChatGPT chỉ có thể tạo ra văn bản khi đã được nạp đầy dữ liệu thô do con người cung cấp. Vì không hiểu bối cảnh, ngữ cảnh và cảm xúc con người, nó sẽ "đùn" ra một văn bản sáng tác có chiều khô cứng, thậm chí vô hồn, chỉ cốt lấy cốt truyện làm đầu.

Nhà văn có khả năng tiếp nhận nguồn thông tin từ hiện thực, bằng kinh nghiệm và kiến văn có thể nhận biết và cân nhắc để sử dụng hay không sử dụng tư liệu sáng tác ấy làm nên tác phẩm. Quá trình lao động nghệ thuật, lương tâm nhà văn bao giờ cũng lên tiếng, tiếng nói tâm hồn sẽ cất lên "đứng về phe nước mắt", có thể bày tỏ quan điểm phê phán và xây dựng hình tượng nghệ thuật để phê phán. Tư duy phản biện xã hội bằng hình tượng nghệ thuật là lao động đặc thù của nhà văn. Nhưng, ChatGPT bằng mô hình ngôn ngữ "xơ cứng", nó sẽ "tiêu hóa" bất cứ dữ liệu nào khi được nạp, và nó đáp trả một cách "máy móc". Dù con người nạp dữ liệu sai sự thật nó cũng không nhận ra để cất lên tiếng nói lương tâm mà phản biện.

Nhà văn có nền tảng và bản sắc văn hóa có thể điều chỉnh hoặc né tránh các mâu thuẫn văn hóa, sắc tộc, tôn giáo. Những nhà văn giàu cá tính có thể đề xuất những ý tưởng mới lạ, độc đáo sau đó sử dụng kiến văn, kinh nghiệm và kỹ năng viết để biến các ý tưởng độc đáo ấy trở thành nội dung hấp dẫn, lôi cuốn chinh phục bạn đọc. Tính cá thể hóa và sức mạnh của cô đơn nhà văn thì không có trí tuệ nhân tạo nào nhân giống được. Khả năng hiểu biết văn hóa và nhận diện bối cảnh văn hóa thật khó khăn với ChatGPT.

Tôi đồ rằng ChatGPT sẽ làm rất tốt các văn bản tương tự như "văn mẫu", hoặc các văn bản có tính quy trình, chuẩn hóa. Chẳng hạn, nó sẽ thảo các đơn xin việc, đơn xin nghỉ học, công văn triệu tập… rất tốt và rất nhanh chóng. Bởi các văn bản ấy có tính chất công thức, có quy trình…, nhưng để sáng tác văn học nghệ thuật thì không. Văn học nghệ thuật là đơn chiếc, là duy nhất, không chấp nhận sản xuất đại trà hàng loạt…, cho nên ChatGPT rất khó chạm tay đến cái gì thuộc về cá tính và độc đáo. Chat GPT sáng tác được lập trình dữ liệu đầu vào thế nào sẽ có kết quả đầu ra tương ứng, nó được công thức hóa, và giáo điều chính bởi cái sự "lập trình" ấy. 

Không phải đến năm 2023 này, trí tuệ nhân tạo mới thách đố con người. Năm 1997, Deep Blue là một máy tính chơi cờ vua do IBM sáng tạo đã thắng hoàn toàn 6 trận, đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kimovich Kasparov người Nga. Nhưng không phải vì thế mà người ta thôi niềm say mê môn thể thao trí tuệ này, và các giải cờ vua lỗi thời. Trí tuệ nhân tạo cũng đã thi giải các bài toán hóc búa và không ít lần nó chiến thắng con người. Con người cá nhân đồng thời cũng là con người xã hội, dù là nhà toán học, nhà vô địch cờ vua, hay nhà văn thì ai cũng có niềm say mê và cái nhìn mới. Cái nhìn mới và niềm say mê sáng tạo đột phá của con người thì không cái gì thay thế được.

Vả lại, lao động nhà văn là lao động nghệ thuật, nó khác với lao động khoa học.  ChatGPT sẽ bất lực khi sáng tác văn chương, nghệ thuật mang "tính con người" với tư duy, cảm xúc và sự lao động nghệ thuật đột phá của nhà văn. Cho nên, dù ChatGPT có hoàn hảo đến bao nhiêu thì nhà văn cũng không bao giờ thất nghiệp.

Nhưng, nhà văn phải là người khôn ngoan không kỳ thị trí tuệ nhân tạo (AI), càng không quay lưng với ChatGPT, mà linh hoạt sử dụng nó như một tham chiếu, một công cụ,… như đã từng sử dụng Google, Bing, Yahoo… 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
.
.