Chắt nước cho vùng đất khát

Thứ Ba, 21/09/2021, 11:39

Cuộc đời bà cụ Thò Thị Chơ ở xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã đi qua 70 mùa đông lạnh giá, mùa nào cũng lo sợ, bất an. Nhất là giờ đây, bà phải bao bọc 2 đứa cháu nội chưa đầy 5 tuổi. Con dâu bà không chịu được cuộc sống khô kiệt vì thiếu nước, đã lẳng lặng bỏ nhà ra đi trong một buổi tối mùa đông rét mướt.

Anh con trai bà buồn tủi, chán chường rồi cũng tìm đến cái chết. Chỉ còn lại bà và hai cháu nhỏ với cái nghèo cái đói bủa vây. Hằng ngày, bà vẫn lết đôi chân đi gùi chút nước ít ỏi về cho cháu qua cơn khát. Nhìn hai đứa trẻ mặt mũi lúc nào cũng nhọ nhem, da mốc trắng, chân tay nứt nẻ, đau rát, bà thương lắm nhưng đành bất lực…

Nước – nỗi ám ảnh khôn cùng

Chẳng phải riêng nhà bà cụ Thò Thị Chơ, mà dường như cả cao nguyên đá Hà Giang đều vật vã trong cơn khát nước. Cả một mùa khô kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau khiến nơi đây trơ trọi, lạnh cóng. Khắp các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ, là nơi cư trú của gần 20 dân tộc Mông, Tày, Dao, Pu Péo,… đâu đâu cũng chỉ thấy những vỉa đá khô khốc, lởm chởm và xám xịt. Đi vào sâu trong các làng bản, những chiếc thùng nhựa cáu bẩn, những can nước vứt chỏng chơ trước mỗi căn nhà.

Mỗi ngày, các bà các mẹ phải mất sau 3-4 tiếng leo đồi núi đến những mó nước để gùi được 20 lít nước về nhà. Đường xuống mó nước sâu lắt léo, chỉ đủ một người đi. Cứ men theo khe đá xuống, sẽ gặp một vũng nước có miệng rộng chỉ vừa đủ đặt một chiếc gáo múc nước. Có đến mười mấy hộ dân sống nhờ vào mó nước ấy, ngày ngày xếp hàng chờ đến lượt len xuống múc từng gáo nước, rót vào can gùi về.

Cả một vòng đời thiếu nước ăn nước uống, thiếu nước trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống với người dân là hành trình cần mẫn kiếm ăn mà vẫn mãi nghèo túng, chẳng dám nghĩ đến điều gì lớn lao hơn… Tất cả những ám ảnh đó cứ chập chờn trong tâm trí Nguyễn Văn Trãi – một người có mối duyên ngầm với mảnh đất Hà Giang. Từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, Trãi đã đến và dừng lại thật lâu nơi cổng trời để khám phá và suy ngẫm. Đi đến đâu Trãi cũng theo bà con đi gùi nước, xem mó nước ở xa hay gần, rộng hay hẹp, sạch hay bẩn. Càng đi, anh càng thấu hiểu nước quý giá, hiếm hoi đến nhường nào.

Trãi đã thấy ở cao nguyên đá quanh năm bà con không có mùa ngơi nghỉ, chỉ có mùa làm. Vậy mà cái đói vẫn ào vào những ngôi nhà trống huơ trống hoác. Còn ít ngô dành dụm, các bà các mẹ làm mèn mén cho lũ trẻ con ăn. Nhưng rồi mèn mén cũng chẳng còn. Cái đói ào đến chợ, chợ vắng hoe. Chỉ có có duy nhất một góc đông người, nhưng chỉ toàn phụ nữ. Các bà, các mẹ, các chị, các cô, cả đến những bé gái người Mông đang tần ngần đứng xếp hàng để bán đi mái tóc.

“Tóc này xơ lắm, hai trăm nghìn một đầu thôi. Tóc con bé dài nhưng mỏng quá. Thôi, cả hai mẹ con 500 nghìn thôi”, trong cuộc mặc cả, chỉ vang lên tiếng người buôn tóc, còn người bán tóc, chỉ biết lặng thinh, và gật đầu. Khi họ xoã mái tóc ra, rồi lưỡi kéo lùa vào mái tóc họ, rồi tiếng kéo cắt ngọt trong chớp mắt, những lọn tóc rơi xuống, những gương mặt tiếc xót, bần thần. Nhưng họ chấp nhận để có tiền mua gạo cho qua cơn đói. Và còn bởi nếu để tóc dài, chút nước dành gội đầu cũng là điều xa xỉ trong mùa khô.

Chắt nước cho vùng đất khát -0
Những người phụ nữ ở cao nguyên đá háo hức gùi bồn nước về nhà.

Cõng nước về bản

 Giờ thì trước sân nhà bà Thò Thị Chơ ở xã Lũng Phìn đã được lắp đặt bồn chứa nước vừa kịp lúc mùa khô lại bắt đầu. Chỉ sau một cơn mưa, nước từ mái nhà chảy xuống bồn đầy ắp. Lâu lắm rồi, hai đứa cháu của bà mới được tắm trong một chậu nước đầy. Chưa bao giờ nước trong nhà bà lại nhiều đến vậy. Cuộc sống của ba bà cháu đã bớt khó khăn, niềm vui dâng đầy trong đôi mắt nhăn nheo của người bà.

Cũng chung niềm vui ấy, trên con đường mòn về bản Lủng Sính, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, bà Lý Thị Dính và Mùa Thị Dê đang nói chuyện rôm rả. Trên lưng mỗi người là chiếc bồn nước inox sáng loáng – dụng cụ tích nước to nhất, đẹp nhất họ vừa được tặng miễn phí từ án "Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá" do Nguyễn Văn Trãi khởi xướng. Lưng họ còng rạp xuống, chiếc bồn nước che hết cả người họ, như người tí hon cõng người khổng lồ.

Khỏi phải nói là họ phấn khởi, háo hức đến thế nào, đường về nhà còn xa, nhưng bồn nước trên lưng không hề nặng. Khi họ là những cô bé con 5 tuổi, tấm lưng non nớt đã biết gùi ngô, gùi củi, và gùi suốt từ đó đến nay, cũng đã mấy chục năm. Họ cũng như bao phụ nữ ở cao nguyên đá, đã mất một phần lớn quãng đời để cõng nước trên lưng. Từ nay, có bồn chứa nước sau mỗi trận mưa, sau mỗi đêm sương nặng hạt tích thành những dòng nước nhỏ chảy từ mái nhà xuống, họ sẽ bớt phải đi gùi nước, lưng bớt đau, chân bớt mỏi. Họ sẽ có nhiều thời gian để trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Họ sẽ có nước nấu cơm, rửa rau, nước cho con bò uống, nước để tưới những khóm ngô trong hốc đá. Từ bây giờ, có bồn nước là của để dành rồi, mùa khô sẽ bớt dài lê thê… 

Là người sáng lập Dự án "Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá" từ năm 2019, đến nay Nguyễn Văn Trãi cùng các nhà hảo tâm đã mang gần 5.000 bồn nước lên cổng trời để gắng gỏi hồi sinh vùng đất khát. Trong cuộc chiến chống COVID-19 gian nan ở địa đầu Hà Giang, mỗi chốt chống dịch, mỗi khu cách ly tập trung được lập nên đều thiếu thốn trăm bề, nhất là nguồn nước uống và phục vụ sinh hoạt.

Gần chục bồn nước của Dự án đã được tặng cho các trạm chốt mới của đồn biên phòng Đồng Văn 6, đồn Biên phòng Ma Lé, các chốt dịch dưới dòng Nho Quế và khu cách ly tập trung đón người từ vùng dịch tại xã Sín Lủng, huyện Đồng Văn. Nguồn nước quý đã kịp thời hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch.

Chắt nước cho vùng đất khát -0
Anh Nguyễn Văn Trãi (trái) trong một lần tặng bồn nước cho bà con.

Lên Hà Giang, hỏi Nguyễn Văn Trãi thì nhiều người sẽ lắc đầu, nhưng hỏi Giàng A Phớn – cái tên bà con trìu mến gọi anh, thì ai cũng biết. Để có cái tên đặc biệt này, Trãi đã trải qua một hành trình nhiều dấu ấn. Năm 2008, khi biết tin Trãi đỗ đại học ngoài Hà Nội, bố anh mừng lắm. Bởi trong số tám người con của ông, duy chỉ có cậu con trai thứ 4 tên Trãi ấp ủ ước mơ đi xa.

Ngày tiễn Trãi từ Quảng Bình ra Hà Nội học, bố trao cho anh 3 triệu đồng - số tiền mà ông phải chắt chiu mới có được và dặn con rằng khi nào không trụ được ở Hà Nội, thì về với bố. Cầm số tiền bố đưa, một mình dò dẫm ra Hà Nội, Trãi xác định rằng cuộc hành trình tha phương của mình thực sự bắt đầu. Những tháng ngày đầu tiên nhập học cũng bắt đầu những tháng ngày Trãi kiếm việc làm thêm tự trang trải cuộc sống, quyết không bỏ học giữa chừng.

Là sinh viên khoa Việt Nam học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trãi có điều kiện tham gia các hoạt động quảng bá du lịch và được đặt chân tới Hà Giang. Trãi từng là chủ nhiệm một câu lạc bộ hoạt động vì cộng đồng, trong nhiều chuyến từ thiện lên vùng cao thì Hà Giang luôn là điểm đến. Đời sống văn hoá phong phú của gần 20 dân tộc anh em ở Hà Giang đã thu hút, mời gọi Trãi. Chẳng biết từ lúc nào, mảnh đất cực Bắc đã để thương để nhớ cho chàng trai sinh năm 1988 này.

Năm 2012, Trãi ra trường, đôi chân muốn đi thật xa, muốn vùng vẫy theo cách của riêng mình. Vì thế, thay vì ở lại Hà Nội, thay vì trở lại quê hương Quảng Bình, Trãi quyết định dấn thêm một bước, vượt quãng đường gập ghềnh hiểm trở để lên Hà Giang. Khoác balô lên vai, Trãi lang thang khắp vùng cao nguyên đá. Càng đi, Trãi càng nhận ra những trầm tích văn hoá nơi đây cần thời gian lâu hơn, sự dấn thân, chuyên môn vững hơn mới có thể khám phá được một cách khoa học nhất. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá đó không chỉ cần được nghiên cứu, khám phá mà phải được quảng bá và nâng tầm giá trị.

Những tháng ngày đó Trãi vừa dẫn khách du lịch, vừa viết bài cộng tác cho các báo, tham gia sáng tác văn học nghệ thuật ở Hà Giang, viết blog quảng bá văn hoá ở vùng đất này. Sau 3 năm gắn bó, Trãi quyết định dồn sức làm du lịch, hướng dẫn viên chính là con em đồng bào các dân tộc Mông, C'lao, Tày, Dao đỏ,… Sự chân chất, thô mộc, nhiệt thành, am hiểu văn hoá, phong tục địa phương của họ đã tạo nên sự khác biệt để níu chân du khách đến với cao nguyên đá.

Trong sâu thẳm của đá, giữa nghiệt ngã của đất trời, tinh thần sống bền bỉ vươn lên của con người nơi đây luôn khiến Trãi cảm thấy vững tin khi anh nỗ lực hoạt động vì cộng đồng. Giờ đây, với Trãi, Hà Giang đã thực sự là nơi đến và ở lại dài lâu. Niềm mong mỏi của Trãi là Dự án tặng bồn nước sẽ được lan tỏa mãi, để trong mỗi căn nhà của người Hà Giang, luôn có bồn trữ nước là của để dành.

Huyền Châm
.
.