Cần bao nhiêu tiền để nghỉ hưu?

Thứ Tư, 04/05/2022, 15:13

Nhiều người Việt có thói quen chi tiêu "chỉ biết hôm nay, không tính ngày mai", trong khi các chuyên gia tài chính cho rằng nên có một kế hoạch về hưu ngay từ khi bạn 25 tuổi để đảm bảo một tuổi già an nhàn.

Vợ chồng ông Hùng, 65 tuổi, sống ở quận Ba Đình, về hưu được 5 năm với 3 tỷ gửi trong tài khoản ngân hàng, một căn hộ chung cư cho thuê giá 15 triệu/1 tháng, và số lương hưu hai ông bà cộng lại là 12 triệu đồng. Tổng cộng một tháng ông bà có 27 triệu tiền mặt, đủ chi cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày và chi phí mua thuốc, khám chữa bệnh.

Để có được cuộc sống dư dả khi về hưu, ông Hùng, vốn là một chuyên viên kiểm toán, đã phải lên kế hoạch về hưu trước đó 20 năm. Cụ thể, mỗi tháng ông bà trích 15% tổng thu nhập 30 triệu đồng, để gửi tiết kiệm vào quỹ hưu trí, bên cạnh số tiền bảo hiểm xã hội tự động trích ra từ lương hàng tháng. Ngoài ra, ông mua trả góp căn hộ chung cư cao cấp trong 5 năm, vừa kịp nhận nhà và cho thuê đúng thời điểm về hưu.

nghi-huu.jpg -0
Ảnh: L.G

Công thức tiết kiệm lương hưu an toàn của ông Hùng được các chuyên gia tài chính trong nước và thế giới nêu ra trong nhiều bài báo và cuốn sách từ hàng chục năm qua. Theo đó, để nghỉ hưu an nhàn, mỗi người cần có lương hưu trí khoảng 70-75% mức lương bình quân trong 5 năm gần nhất. Theo các chuyên gia từ quỹ Dragon Capital, chi trả hưu trí từ bảo hiểm xã hội hiện khó đạt 70-75% mức lương bình quân trong 5 năm gần nhất. Để duy trì mức sống như trước khi nghỉ hưu, cần có nguồn khác để bù đắp. Ngoài trích một khoản ngân sách sinh hoạt hưu trí thông thường hay tham gia bảo hiểm xã hội, mỗi người nên có thêm các nguồn thu nhập thụ động thông qua khoản đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu hoặc cổ phần…

Theo chuyên gia tài chính Lan Anh, ví dụ một gia đình có tổng thu nhập là 40 triệu một tháng, chắc chắn bạn đã xây dựng một mức sống nhất định dựa trên khoản thu nhập này. Sau khi nghỉ hưu, cặp vợ chồng cần hướng đến mức chi tiêu xuống còn 70% của 40 triệu/ một tháng, tức là khoảng 28 triệu.

Trừ đi khoảng 8 triệu lương hưu từ bảo hiểm xã hội, mỗi gia đình còn cần 20 triệu từ các khoản đầu tư bổ sung như tiền gửi tiết kiệm, lãi đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện… mới đáp ứng được mức sống dư dả khi về hưu. Để tính toán tỷ lệ % của thu nhập mà vợ chồng cần tích lũy cho quỹ lương hưu, chuyên gia tài chính Lan Anh tính toán tỷ lệ tích lũy dành cho lương hưu của gia đình là khoảng 13-15% của thu nhập mỗi tháng, tức là khoảng 4-4,5 triệu cho quỹ hưu trí. Số tiền này nên tự động chuyển vào tài khoản ngân hàng ngay khi nhận lương.

Việc lập kế hoạch cho hưu trí không phải là thói quen phổ biến với nhiều người Việt. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ chỉ biết "sống cho hôm nay", không có kế hoạch tài chính cho tương lai. Một số khác chỉ biết dè sẻn chi tiêu, tiết kiệm mà không tính toán cụ thể cho con số "cần bao nhiêu tiền để về hưu".

Một số người chỉ đủ sống, không thể tiết kiệm cho tháng sau, chứ chưa nói kế hoạch về hưu trong 20-30 năm tới. Lân, một người Việt sống tại Mỹ, cho biết, việc lập kế hoạch về hưu cho 30 năm tới là điều khác biệt quan trọng anh học được, khi đến quốc gia này học tập và sinh sống. "Khi có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, tôi thấy đỡ lo lắng và hoang mang hơn. Ví dụ, một người bạn Mỹ đã dạy tôi lên con số cho việc nghỉ hưu dựa trên mức sống hiện tại của tôi. Anh ấy bảo tôi liệt kê ra các khoản thu, chi hàng tháng, đặc biệt là các khoản chi thiết yếu cho thực phẩm, quần áo, đồ dùng, điện nước, khám chữa bệnh, giải trí… Số tiền cần khi về hưu là 70% thu nhập của hiện tại", anh Lân nói và cho biết thêm, khi về hưu, thời gian rảnh rang nhiều hơn, chắc chắn sẽ muốn chi tiêu, mua sắm nhiều hơn lúc đi làm. "Tôi thấy có nhiều người về hưu đi mua sắm, du lịch nhiều hơn cả khi đi làm vì họ có nhiều thời gian rảnh hơn. Vì thế, tôi cũng muốn xây dựng một tương lai dư dả cho việc nghỉ hưu", anh cho biết.

Theo chị Lan Anh, khi biết được thu nhập cần có cho việc nghỉ hưu, các nhà tư vấn sẽ tính toán và đưa ra các biện pháp cho mỗi gia đình nên tích lũy và đầu tư ra sao để đạt được con số này. Trước hết, cần kiểm tra lại các khoản tiết kiệm mà bạn đang có, cũng như xem các khoản nợ hiện hữu. Nếu có các khoản nợ, bạn cần phải xử lý ngay, không nên kéo dài để trở thành nỗi bất an tài chính trong tương lai. Đồng thời, bạn cần phải cân đo đong đếm việc chi tiêu và đảm bảo luôn có một khoản tiết kiệm hàng tháng để tích lũy cho việc nghỉ hưu.

Nếu bạn liên tục trì hoãn việc tiết kiệm thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch về hưu và sẽ trở thành một gánh nặng tài chính cho việc tự do tài chính khi không còn làm việc.Một công thức hiệu quả được các nhà tư vấn khuyên là quy tắc 50-30-20, trong đó 50% thu nhập dành cho các nhu cầu căn bản như ăn uống, đi lại, nhà ở; 30% cho mua sắm và giải trí; 20% là dành cho tiết kiệm và đầu tư sinh lời.

Để đầu tư, các chuyên gia khuyên hãy dùng các khoản tiết kiệm đang có để mua chứng khoán, trái phiếu, góp vốn cổ phần hoặc mua trả góp bất động sản. "Hiện tại, chỉ cần bạn trích một phần nhỏ thu nhập hằng tháng là đã có thể bắt đầu cho việc này. Việc đầu tư càng sớm sẽ giúp bạn gia tăng thu nhập", chị Lan Anh nói. Bên cạnh đó, các chuyên gia tài chính khuyên người dân nên loại bỏ các khoản chi phí lãng phí càng sớm càng tốt. Ví dụ như thói quen mỗi ngày uống một cốc cà phê hoặc trà sữa với giá 30-50 nghìn, trong 10 năm có thể tiết kiệm được 150 triệu-200 triệu nếu bỏ được khoản chi này.

Trong khi nhiều người nghỉ hưu đúng tuổi, một trào lưu khác đang thịnh hành trên toàn cầu khoảng một thập niên gần đây, đó là FIRE (Financial Independence, Retire Early - độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) Theo đó, bằng cách tiết kiệm và đầu tư 50% đến 70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm là lúc bạn đạt ngưỡng độc lập tài chính. Nếu mỗi năm bạn rút ra 4% số tiền đầu tư để tiêu dùng thì khối tài sản này vẫn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo.

Ví dụ, mức tiêu dùng của một gia đình là 30 triệu/ một tháng (360 triệu/1 năm)x 25 năm= 9 tỷ VND thì đây là con số đánh dấu cặp vợ chồng đó đã đạt tự do tài chính. Khi đó, họ có thể từ bỏ công việc áp lực hoặc nhàm chán để theo đuổi những sở thích cá nhân như làm vườn, viết sách, du lịch…Tuy nhiên, để đạt kế hoạch này, mỗi người cần chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài. Trong đó, việc lập một kế hoạch rõ ràng và thiết lập tính kỷ luật để đạt được mục tiêu là điều cần thiết.

tiền-để-nghỉ-hưu-1024x683.jpg -0
Ảnh: L.G

Thúy Quỳnh, nhân viên ngân hàng ở TP HCM quyết tâm theo đuổi trào lưu FIRE bằng cách cắt giảm mọi chi tiêu và tìm cách tăng thêm thu nhập. Quỳnh cùng 3 người bạn thuê một căn hộ chung cư ở ngoại thành nên chỉ mất 700 nghìn thuê nhà/ một tháng, đi làm sớm bằng xe bus, các bữa ăn sáng/trưa/chiều tự nấu mang theo. Nguồn thực phẩm được cha mẹ gửi từ quê lên nên rẻ và đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cô tuyệt đối cắt giảm các khoản chi không cần thiết như tiền cà phê, trà sữa, mỹ phẩm, xem phim, mua sắm quần áo, ăn ngoài, du lịch…

"Trong khi bạn bè dùng tiền để mua voucher du lịch trong, ngoài nước; mua điện thoại đời mới nhất; sắm sửa quần áo, mỹ phẩm; check in những địa điểm sang trọng thì gần như tôi tối giản toàn bộ chi tiêu. Thậm chí, tôi chỉ có đúng ba bộ quần áo đồng phục mặc đi làm, điện thoại chỉ dùng loại có chức năng nghe, nói. Nhiều lúc tôi rất buồn và cô độc vì như kẻ lạc loài, nhưng nghĩ đến tương lai dài rộng là được nghỉ hưu sớm để thỏa mãn niềm đam mê du lịch, viết sách… tôi lại cắn răng quyết tâm chịu đựng", Quỳnh nói.

Để tạo thêm nguồn thu, Quỳnh đầu tư vào các trái phiếu và cổ phiếu, có lợi nhuận cô bán đi sau đó lấy tiền về quê mua đất. Ở tuổi 28, Quỳnh đã sở hữu hai mảnh đất trị giá hơn 3 tỷ ở Đồng Nai. Cô cho biết, nếu tiếp tục kiên trì cắt giảm chi tiêu và đầu tư thông minh như hiện nay, cô có thể đạt được kế hoạch về hưu sớm với 9 tỷ tài sản ở tuổi 40.

Bên cạnh đó, cô còn dự trữ cho mình một quỹ khẩn cấp bằng số tiền thu nhập trong 3-6 tháng để đề phòng biến cố như tai nạn, ốm đau hoặc đại dịch. "COVID-19 ập đến, nhiều đồng nghiệp của tôi bị sa thải trong khi tiền dự trữ cạn kiệt, phải chạy ăn từng bữa, tình trạng rất mệt mỏi, khổ cực. Vì thế, tôi chuẩn bị sẵn cho mình một quỹ dự trữ khẩn cấp, phòng khi có biến cố xảy ra thì mình có thể xoay sở trong một thời gian để vượt qua và tìm ra các phương hướng mới", cô gái chia sẻ.

Minh Đức
.
.