Cấm cãi, chớ cười cươi, cưới, cưỡi

Thứ Tư, 27/03/2024, 09:02

Thật ngộ nghĩnh nghe qua cứ tưởng như đùa, như giỡn chơi nhưng lại có lý ra phết. Ấy là chuyện trai mới lớn, gái đương xoan từ lúc quen nhau đến khi se duyên cầm sắt, sinh con đẻ cái có thể tóm gọi "quy trình" bằng "4C": cười, cươi, cưới, cưỡi. Nói thế đúng không? Cô Hai ơi, câu trả lời nè: "Cấm cãi". Vậy, có bao nhiêu kiểu cười?

Khó có thể liệt kê đầy đủ. Tuy nhiên qua tiếng cười/ giọng cười, cách cười, dù không nói gì, ta nhận ra thái độ của người đối diện. Đôi khi chỉ quan sát qua cách cười người ta cũng có thể biết tỏng tâm địa của kẻ đối diện.

Thông thường, một khi cười reo hẳn mồm miệng há to, phát ra âm thanh hào sảng, vui vẻ. Nhưng đừng quên, nếu "cười hở mười cái răng", cười nhe răng thì không khéo sẽ chẳng tạo nên thiện cảm gì cả. Tại sao? Vì… hàm răng quá xấu. Theo cách nhìn/ cách nói dân gian, chẳng hạn, có nhiều loại hàm răng như răng cải mả, răng bừa cào, răng bàn cuốc, răng vẩu…

Cấm cãi,  chớ cười cươi,  cưới, cưỡi -0
Đám cưới của người miền Nam xưa - tranh vẽ của Trường vẽ Gia Định đầu thế kỷ XX.

Sau khi đã cùng cười tình với nhau, không dừng lại đó, đôi lứa tiến thêm một bước nữa trong sự hẹn hò. Có thể qua nhà thăm nhau chăng? Thế thì, "cươi" xuất hiện trong tình huống này. Cươi, thổ ngữ của người xứ Nghệ dùng để gọi cái sân. Đúng thế, đã con nhà đàng hoàng, nề nếp thì phải gặp gỡ nhau tại nhà/ sân nhà, chứ nào phải "Mèo mả gà đồng", "Trai hàng trại, gái hàng cơm" mà lén lén lút lút hẹn hò ngoài bờ ngoài bụi.

Nào riêng Hà Tĩnh, Nghệ An, ở Quảng Bình còn có câu cửa miệng: "Nắng tháng mười cày cươi mà cấy". “Kho tàng tục ngữ người Việt” (NXB Văn hóa Thông tin - 2002) do Nguyễn Xuân Kính chủ biên giải thích: "Cươi: Khoảng sân trước nhà ở. Ở Quảng Bình cứ đến tháng 10 Âm lịch mà còn có sấm thì mưa nhiều, nước đủ, nhà nông có cày cả sân nhà lên mà cấy cũng có nước, cũng được mùa" (tr. 2.373).

Từ cái sân này, từ chỗ biết nhà, biết cửa của nhau, nếu hợp tính hợp nết, ăn rơ cùng nhau, hợp gu/ hợp cạ ắt đôi lứa "Trăm năm tính cuộc vuông tròn" -  bàn đến chuyện cưới/ cưới hỏi/ cưới xin ăn đời ở kiếp. Phải thế thôi. Người xưa thiệt đáo để khi đúc kết:

Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó

Trai phải hơi gái như cò bợ gặp trời mưa

Ừ, thì cưới. Đôi khi không dùng đến từ "cưới" nhưng rồi ai cũng hiểu là cưới. Thí dụ, ca dao Nam Bộ có câu: "Từ hồi tôi đụng anh này/ Chân không bén đất, đầu đầy rác rơm".

Ngoài "đụng", còn có thể kể đến từ "gá nghĩa": "Trèo lên cây trắc ngắt lá đinh lăng/ Dòm xuống thấy có chữ rằng "Họa phước vô môn"/Trai khôn khó kiếm, gái khôn khó tìm/ Ngó lên trăng khuyết lưỡi liềm/ Muốn vô gá nghĩa, sợ nỗi niềm mẹ cha". Vâng, đã yêu thì cưới: "Cưới vợ thì cười liền tay/ Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha".

Tuy nhiên, cũng có trường hợp phải cân nhắc. Theo phong tục người Việt, một khi trong nhà có tang, từ tang cơ niên (tang một năm) trở lên thì không thể tổ chức cưới. Thế nhưng con người ta lại "ngộ biến tùng quyền", vì thế có câu "Cưới chạy tang". Cưới vội trước khi người thân sắp mất hoặc tổ chức cưới xong, mới phát tang, bằng không phải đợi mãn tang mới được cử hành đám cưới. Nếu ai đó "lên xe hoa", sau đó chẳng may "tan đàn xẻ nghé"; rồi sau đó gặp người cũng tình trạng như mình, cả hai xáp lại với nhau đặng ăn chung mâm, nằm chung giường, sống chung nhà như vợ chồng thì có cách gọi nghe ra hài hước: "Rổ rá cạp lại".

Sau khi đã thành vợ thành chồng ắt dẫn đến hành động "cưỡi/ cỡi" - một từ tiếng lóng, xét ra không thanh nhã. Trong quyển “Tinh thần trào phúng thi ca xứ Huế” (Ấn quán Trung Việt xuất bản năm 1973), nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Thược có kể câu chuyện cụ quan lớn đêm nào cũng ra khỏi nhà, vợ hỏi đi đâu, cụ đáp "đi chầu" nhà vua. Thật ra, cụ đi léng phéng với cô Tư, sau khi sự việc vỡ lở ra, dân gian có thơ trêu (tr.195): "Ngỡ rằng vua gọi vào hầu/ Ai dè cụ lớn vào "chầu" cô Tư/ Đường đường một đấng Thượng thư/ Lá đa cũng khoái, "đóng cừ" cũng hay/ Của ngon ai nỡ để hoài".

Thế thì, "đóng cừ" cũng là một cách nói nhằm giảm đi sắc thái trần trụi. Tương tự, “Văn đàn bảo giám” có chép bài thơ của Trạng Quỳnh bỡn cô thôn nữ: "Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị/ Chị nỡ lòng nào chị chẳng cho".

Xin xỏ là xin với sự hạ mình, nhưng trong ngữ cảnh này xin và xỏ là hai động tác khác nhau. Xỏ được hiểu là "Luồn qua chỗ thủng, chỗ hở để cho lọt vào" - “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích. "Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị", khiến người đọc phì cười là thế. Nói bóng gió xa gần nên không sỗ sàng, thô tục, chỉ ngầm hiểu.

Một trong những mục đích của việc cưới hỏi/ cưới xin còn là nhằm sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Trong quá trình ấy, bụng chửa dạ mang dành cho người phụ nữ, tất nhiên. Nghén/ ốm nghén là mang thai, có chửa, bụng bầu, bầu bì… Chỉ chờ ngày khai hoa nở nhụy là vui cả nhà. "Quy trình 4 C": "cười, cươi, cưới, cưỡi" xem như xong. Tuy nhiên nếu đôi trẻ muốn hạnh phúc lâu dài, không phải rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như "Ông nói gà, bà nói vịt" để rồi lại "Cơm không lành canh không ngọt", lại "Chửi chó mắng mèo", "Đá thúng đụng nia" thì phải làm sao?

Làm sao, ai biết làm sao.

Chỉ biết rằng, lúc ấy cần phải tránh né "công thức  4 C": "co, cượng, cự, cãi". Cứ cãi chí chóe, chà chà, chỉ còn có chạy. Tẩu mã vi thượng sách. Mạnh ai nấy chạy là "xong phim". Ai hay cãi? "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết". Câu cửa miệng nhận xét về tính cách của con người bốn tỉnh nêu trên, có thật sự chính xác? Không bàn đến. Chỉ xin hỏi "co" là gì? Có phải là sự thu mình, an phận?

Không phải thế, co ở đây cần hiểu theo nghĩa của “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích là "co cượng: hay chống lý sự, hay cãi đi cãi lại, cứng cõi". “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức cũng giải thích theo hướng: "cự nự, đôi co". Rõ ràng, "co/ co cượng/ cự" rất gần với "cãi" là dùng lời lẽ lập luận, lý luận nhằm bác bỏ hoặc chống chế lại ý kiến người khác, chứ họ không dễ bị bắt nạt, ức hiếp, áp đặt. Mà, đừng quên chắc gì lẽ phải của cái lý co, cượng, cự, cãi ấy luôn thuộc về mình?

Mà đã bàn đến co, tự dưng lại nhớ đến từ co trong co cóp, “Việt Nam tự điển” của Hội Khai trí Tiến Đức (1931) còn ghi nhận: "Co cóp cho cọp nó ăn", co cóp là nhặt nhạnh, tích góp, dè sẻn từng tí một để dành; gần đây, xuất hiện dị bản "Ky cóp cho cọp nó xơi". Nếu ai đó cắc cớ hỏi: "Vì sao "co cóp" lại bị "ki cóp" chen chân, đánh bạt ra khỏi trí nhớ của người sử dụng? Thú thật, tôi bí rị bà rì. Không dám "Múa rìu qua mắt thợ", nếu giải thích không chính xác, biết đâu bạn đọc chê "tào lao bí đao". Quê độ lắm. Chi bằng tạm dừng ở đây để quay lại từ cãi.

Có nhiều cách cãi, chẳng hạn, "Cãi nhau như mổ bò/ Cãi nhau như vỡ chợ"… Lại có câu "Cãi nhau như chém chả", hầu hết các từ điển đều giải thích là cãi kịch liệt, ầm ĩ, ồn ào. Xin hỏi bạn mình, tại sao so sánh như "chém chả"? Chả ở đây là thức ăn nằm trong ngữ cảnh "Nem công chả phượng". Nếu thế, khi làm chả người ta phải "quết" - tức đâm, giã cho nhuyễn, cho đều chứ sao lại dùng từ "chém"?  Tuy nhiên, cũng là chả như "Ông ăn chả, bà ăn nem" thì chả và nem cần hiểu qua nghĩa bóng, chứ nào phải cái cụ thể kia đâu. Mà, ăn như thế, dẫu ngon nhưng biết đâu phải "chém" chứ lỵ?

Dù không có lý lẽ gì sất nhưng vẫn cố cãi đi cãi lại, cãi cho bằng được là "Cãi chày cãi cối". Chê cười ai dù đuối lý mười mươi nhưng vẫn gân cổ lên cãi, có câu "Cãi xàng quay như cối xay cùn"... Có lẽ éo le một cách thơ mộng nhất vẫn là chuyện vợ chồng cãi nhau, bởi đôi lúc họ không cần người ngoài giảng hòa đâu. Tại sao? Câu ca dao hài hước, tếu táo này đã giải thích ngon ơ: "Mù u ba lá mù u/ Vợ chồng cãi lộn… giảng hòa".

 Dấu "ba chấm" trong câu bát là 2 từ đã "biên tập", nói như ngôn ngữ báo chí miền Nam trước năm 1975 là "tự ý đục bỏ", vậy, bạn đọc tùy nghi "điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa". Tục ngữ có câu: "Nói phải củ cải cũng nghe" - đây là sự đồng âm rất thú vị. "Cải" vốn một thứ cây trồng (cải bắp, cải bẹ, cả củ, cải cúc…) nhưng ở đây dù "củ cải" đi nữa - hiểu theo nghĩa có là củ cãi/ cãi nguyên một củ/ một khối (chứ không phải thứ cãi lụn vụn, lẻ mẻ, lặt vặt) thì cũng phải chào thua trước lời nói phải. Hiểu như thế mới chính xác, chứ không phải như “Từ điển tục ngữ Việt” của Trung tâm biên soạn từ điển Ngôi Sao giải thích: "Nói lẽ phải thì ngay cả củ cải cũng ngoan ngoãn nghe theo" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010, tr. 668).

Tóm lại,  khi bàn đến "quy trình 4 C": "cười, cươi, cưới, cưỡi" xét ra đứng đắn, thú vị, vui tươi, nghiêm túc, có hậu hơn "công thức 4 C": "co, cượng, cự, cãi". Mà, "quy trình" lẫn "công thức" này vẫn chưa là "cái đinh" gì so với "công thức lẫn quy trình 5 C": "con cháu các cụ cả".

Đúng không ạ?

Lê Minh Quốc
.
.