Cách tân và hạ tầng
Cách tân (innovation) đã trở thành một ý tưởng được ưu tiên tuyệt đối hiện tại. Nhưng, đấy có phải cây đũa thần vạn năng cho bất kỳ quốc gia nào hay không?
Ý tưởng từ Thung lũng Silicon
Đấy là hệ tư tưởng thống trị trong thời đại chúng ta, được Thung lũng Silicon và Phố Wall truyền đi khắp thế giới trong gần một thế kỷ. Trong suốt thế kỷ 20, các xã hội mở tôn vinh sự đa dạng, mới lạ và tiến bộ cũng hoạt động tốt hơn các xã hội dè dặt và khép kín hơn. Cách tân cung cấp một con đường để tôn vinh những thành tựu của thời đại công nghệ cao vô điều kiện và không quá mong đợi rằng chúng có thể cải thiện đạo đức và xã hội nói chung.
Bắt đầu từ cuối những năm 1950, các nhà kinh tế đã dùng công nghệ để giải thích sự tăng trưởng và mức sống cao trong các nền dân chủ tư bản. Hai kinh tế gia nổi tiếng Robert Solow và Kenneth Arrow nhận thấy rằng những cách giải thích truyền thống như thay đổi về giáo dục và vốn không thể chiếm một phần đáng kể của tăng trưởng. Họ đưa ra giả thuyết rằng cách mạng công nghệ chính là nhân tố ẩn X đó và phát hiện này phù hợp với tất cả những tuyệt tác khoa học có từ Thế chiến 2 tới giờ.
Cuốn sách của nhà nghiên cứu Roberto Gordon có tên “Sự trỗi dậy và sụp đổ của tăng trưởng kiểu Mỹ” đưa ra bức tranh toàn diện nhất về thời kỳ vàng son của nền kinh tế Hoa Kỳ: từ năm 1870-1940, Mỹ trải qua một giai đoạn tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử, với một loạt công nghệ và ngành công nghiệp sản xuất mới, bao gồm điện, hóa chất, điện thoại, ôtô, radio, truyền hình, dầu khí và điện tử. Nhu cầu về vô số thiết bị gia dụng, cơ khí, kỹ thuật giúp cuộc sống dễ dàng và bền vững hơn đã thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự bùng nổ này đã trở thành vấn đề khi Mỹ bước vào thời kỳ khó khăn của những năm 1970 và đầu thập niên 1980. Toàn bộ các ngành kinh tế, như công nghiệp ôtô chẳng hạn, trượt dốc. Một thuật ngữ mới xuất hiện: Cách tân (Innovation) được thiết kế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng thay đổi công nghệ, trong bối cảnh Mỹ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Nhật Bản. Thung lũng Silicon, cụm từ xuất hiện cuối những năm 1970, trở thành biểu tượng của sự đổi mới trong thời gian này. Năm 2002, cuốn sách “Sự trỗi dậy của tầng lớp sáng tạo” của tác giả Richard Florida đã nổi tiếng khắp nước Mỹ vì sử dụng đến hơn 90 lần từ “cách tân” và biến những lập trình viên trẻ tuổi giàu có từ Thung lũng Silicon thành thần thánh.
Vào thời điểm chuyển giao của thiên niên kỷ, cách tân đã trở thành một từ khóa vạn năng: các chính trị gia có thể rút ruột chính phủ và cắt giảm thuế dưới danh nghĩa thúc đẩy tinh thần kinh doanh, trong khi những CEO có thể đốt tiền vô tội vạ với những ý tưởng mơ hồ. Năm 2005, trong một bài luận có tiêu đề “Đổi mới là sự đen tối mới”, cây viết Michael Bierut đã than thở về “sự cuồng nhiệt với cách tân hoặc ít nhất là với chuyện không ngừng lặp lại từ “cách tân”. Bruce Nussbaum, ký giả kỳ cựu của tờ Businessweek, cho rằng “cách tân đã chết vào năm 2009, bị thủ tiêu với sự lạm dụng, hẹp hòi... Rốt cục, “cách tân” tỏ ra yếu kém cả về chiến thuật và chiến lược khi đối mặt với tình trạng hỗn loạn về kinh tế và xã hội”.
Những bằng chứng cho các nhận định trên lần lượt xuất hiện: các khu vực cách tân mạnh mẽ cũng có những vấn đề hệ thống về bất bình đẳng. Vào năm 2013, các cuộc biểu tình đã nổ ra dữ dội ở San Francisco về sự phân hóa sâu sắc được biểu thị qua khác biệt giữa xe bus của Google và các xe bus tư nhân khác. Những chiếc xe đưa đón nhân viên công nghệ cao từ các đô thị sang trọng, đắt tiền đến thẳng nơi làm việc với sự ưu tiên tuyệt đối, không phải chịu những bất tiện của giao thông công cộng hay ảnh hưởng từ người nghèo và vô gia cư vốn cũng đầy rẫy ở Thung lũng Silicon.
Trong cuốn sách “Cú sốc của thời đại cũ” (2007), nhà sử học David Edgerton đã đặt ngược vấn đề: công nghệ không phải là cách tân. Cách tân chỉ là một phần nhỏ của những gì đã xảy ra với công nghệ. Ông phát hiện ra rằng các đồ gia dụng đang chi phối hầu hết cuộc sống của chúng ta không phải là hệ quả của biến động công nghệ đáng kể nào: các đồ vật thông thường như quạt điện và nhiều bộ phận của ôtô hầu như không thay đổi trong một thế kỷ qua.
Bài học của Việt Nam
Ý tưởng cách tân thái quá cũng khiến sự chú ý rời bỏ một cụm từ khác: hạ tầng cơ bản. Nó bị lãng quên nhiều năm và chỉ xuất hiện trở lại vào năm 2015, khi vụ xe lửa Amtrak trật bánh khiến hàng chục người thương vong gần Philadelphia, khiến Tổng thống Barack Obama phải vật lộn với Quốc hội để thông qua dự luật cơ sở hạ tầng mà đảng Cộng hòa đang ra sức ngăn chặn. Cơ sở hạ tầng trở thành tâm điểm trong các cộng đồng học giả và thậm chí xuất hiện 78 lần trong chương trình các cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nhân chủng học Hoa Kỳ.
Trong đại dịch, chúng ta buộc phải tạm thời từ bỏ các ý tưởng cách tân để tìm về với cơ sở hạ tầng cơ bản và chứng kiến một sự thiếu hụt đáng kinh ngạc về y tế công cộng và hạ tầng chữa bệnh. Mạng lưới an sinh và chuỗi cung ứng các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cũng là một khoảng trống, cho dù chúng ta đã dốc toàn lực. Trong khi đó, công nghệ, vốn được coi như biểu tượng của cách tân, đã không phát huy hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19: hàng chục ứng dụng trên điện thoại thông minh được tạo ra nhưng thiếu tính thực tiễn và thiếu luôn cơ sở dữ liệu, khiến người dân không thể sử dụng trên diện rộng.
Khi nền sản xuất đi xuống và hạ tầng bị bỏ quên, thị trường chứng khoán và các kênh huy động vốn như tiền ảo lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết: chúng gắn liền với các ý tưởng cách tân, khi con người muốn thoát ly khỏi những lao động cơ bản để tiến vào lãnh địa của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, tài chính công nghệ, dữ liệu lớn và blockchain. Nhưng, khi đại dịch ập đến, chúng ta nhận ra rằng những thứ quý giá nhất vẫn không hề thay đổi trong cả thế kỷ qua: lương thực do những người nông dân tạo ra, các y, bác sĩ vẫn phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, các chốt phòng dịch vẫn chạy thuần túy bằng “cơm” và việc tiêm chủng chỉ diễn ra trên diện rộng nếu đủ nhân lực.
Bất chấp những tưởng tượng được nhắc đi nhắc lại về một xã hội tự động hóa mọi thứ, trung tâm nền văn minh công nghiệp của chúng ta là lao động và hầu hết các công việc này nằm ngoài phạm vi của khái niệm cách tân. Các nhà phát minh và sáng chế là một phần rất nhỏ - có lẽ chỉ khoảng 1% - của lực lượng lao động này. Những hình thức lao động không được đánh giá cao hoặc thậm chí bị đánh giá thấp nhất vẫn đang chi phối cuộc sống của chúng ta trên diện rộng một cách thực chất: những người sửa chữa và bảo trì các công nghệ đã tồn tại từ lâu, như thợ máy, các kỹ sư, công nhân...
Ngay trong chính các con sóng công nghệ, những người thực sự cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy cũng không thực sự được coi trọng. Hàng trăm ngàn lao động đang nhận mức lương bèo bọt để lọc thông tin kỹ thuật số cho web, dán nhãn dữ liệu hoặc kiểm tra quảng cáo để lọc các nội dung khiêu dâm, liên quan đến rượu bia và bạo lực. Các ứng dụng trở nên vô dụng khi thiếu đi những người làm việc chân tay để thu thập, lọc và kết nối những dữ liệu kiểu này. Chuyển đổi số đã được nhắc đến từ lâu trong chính sách quốc gia nhưng bước đầu tiên của quá trình ấy chính là những thao tác “bằng cơm”, vốn đang bị đánh giá quá thấp.
Trong một buổi tối cô độc của quá trình giãn cách kéo dài, tôi đã hoàn toàn thất vọng với các cuộc giao tiếp qua màn hình điện tử, một biểu tượng của sự cách tân mà tất cả từng phát cuồng. Giờ đây, chúng ta có cơ hội ngẫm nghĩ nhiều hơn về những điều cơ bản, như là các cuộc gặp gỡ thực sự, những trải nghiệm cuộc sống bằng xương bằng thịt và một nền tảng sống bình yên, an toàn.
Cuộc sống đó được kiến tạo và gìn giữ trong cả thế kỷ qua nhờ những chiến thắng của sự duy trì cơ sở hạ tầng, chứ không phải hô hào cách tân thái quá. Trong ngày thường, chúng ta dễ dàng bỏ qua những tin tức liên quan đến thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, như tai nạn công trình, hư hỏng đường sá, cầu cống, hay thiếu hụt y tế công cộng. Các loại tin tức này nhanh chóng chìm nghỉm trong làn sóng của những ý tưởng đổi mới được đặt ra liên tục, bất chấp tính khả thi và sự hài hòa với xã hội của chúng.
Cách tân (innovation) được cắt nghĩa là sự phổ biến những ý tưởng và thực tiễn mới nhưng thuật ngữ này thường thiếu đi vế sau: việc thực hành chúng có tốt hay không là điều bất khả tri. Tập trung vào duy trì cơ sở hạ tầng là cách để chúng ta có thể đặt câu hỏi về những gì ta thực sự muốn từ cách tân công nghệ. Tất nhiên, các ý tưởng mới và có tính đột phá vẫn cần được tôn trọng nhưng chúng không phải chìa khóa vạn năng. Chúng vẫn cần gắn liền với các truyền thống, mong muốn và sự an toàn cơ bản của mỗi chúng ta. Cuộc chiến chống COVID-19 rốt cục là một thử thách lớn trước hết cho cơ sở hạ tầng, chứ không phải là nơi để mạo hiểm với các ý tưởng cách tân chưa rõ hình hài.