BRICS mở rộng và sự phác thảo một trật tự mới

Thứ Hai, 12/06/2023, 08:53

“Chúng ta là biểu tượng của sự thay đổi và chúng ta phải hành động phù hợp với vai trò đó” - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), vừa diễn ra tại Capet Town (Nam Phi).

Và, đó là sự tiếp nối quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, khi ông cho biết có hơn 10 nước, bao gồm cả Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E) hay Iran... bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS. Hiện, khối đang định hình cách tiếp cận đối với vấn đề này.

1. Thực tế, chuyện nhóm BRICS (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) “rục rịch” mở rộng số lượng thành viên không phải là một thông tin mới mẻ và bất ngờ. Suốt thời gian qua, nhất là sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng nổ, khả năng này đã luôn được đề cập, theo cách này hay cách khác, úp mở hay thẳng thắn...

BRICS mở rộng và sự phác thảo một trật tự mới -0
BRICS đã sẵn sàng hướng đến một thế giới đa cực tương lai, với sự mở rộng thành viên của mình.

Nói một cách ngắn gọn, lật đổ trật tự thế giới đơn cực (mà Mỹ và phương Tây nắm quyền thống trị) mới là mục tiêu tối thượng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin hướng đến. Không ít lần, chủ nhân Điện Kremlin đã nói về mục đích ấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng, một cách không úp mở.

Ở phía ngược lại, từ khoảng năm 2012, khi mối quan hệ giữa Moscow với Washington bắt đầu trở nên căng thẳng, giới quan sát phương Tây cũng từng có không ít phân tích về tiến trình tái thiết lập trật tự thế giới này. Các hoạt động vũ trang hay những cuộc chiến kinh tế-thương mại, xét cho cùng, đều chỉ là phương tiện nhằm thực hiện chiến lược địa chính trị toàn cầu đó.

Tuy vậy, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS lần này có lẽ là lần đầu tiên kế hoạch ấy chính thức hiện diện, ở cả những tuyên bố lẫn chương trình nghị sự.

Đó có thể xem là sự thách thức đầy cứng rắn dành cho các cường quốc phương Tây, với “tuyên ngôn” của người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ: “Cuộc gặp gỡ của chúng ta phải gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, rằng: Thế giới là đa cực, thế giới đang tái cân bằng và những cách thức cũ không thể giải quyết các tình huống mới”.

Có lẽ cũng cần nhắc lại, từ cuối năm 2022, Ấn Độ đã xây dựng và phác thảo một chính sách đối ngoại mới, bắt đầu rời xa truyền thống “không liên kết”, để thúc đẩy nhiều mối quan hệ đối tác dựa trên lợi ích quốc gia, chủ yếu là phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tính trung lập và cân bằng chiến lược giữa các trọng tâm quyền lực quốc tế vẫn được các nhà lãnh đạo cường quốc Nam Á ấy duy trì ở mức độ tương đối. Dù vậy, phương Tây vẫn không ngừng cố gắng gây sức ép nhằm khiến Ấn Độ phải “chọn phe”, theo ý muốn của họ.

Và, ngoài Ấn Độ, cũng còn nhiều quốc gia lâm vào tình trạng “khó xử” ấy.

2. BRICS được gọi là “nhóm các nền kinh tế mới nổi”, song 5 quốc gia chiếm tới 30% diện tích đất đai, 41% dân số thế giới và 16% thương mại quốc tế ấy, đến đầu năm 2023 này, đã đóng góp 31,5% GDP toàn cầu (theo báo cáo được công bố trên Countercurrents.org, trích dẫn dữ liệu từ Acorn Macro Consulting). Con số này đã vượt qua mức 30,7% của Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7, bao gồm: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đức và Nhật Bản).

Cuối tháng 4/2023, hãng tin tài chính hàng đầu thế giới là Bloomberg dự đoán dựa trên dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Các nước BRICS sẽ đóng góp 32,1% vào tăng trưởng của thế giới. Không những vậy, họ còn chỉ ra: Vào năm 2020, đóng góp của các nước BRICS và G7 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu là ngang nhau. Kể từ đó, thành tích của khối do phương Tây lãnh đạo ngày càng giảm sút. Đến năm 2028, dự báo đóng góp của G7 vào nền kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 27,8%, trong khi BRICS sẽ chiếm 35%.

Theo tính toán của Bloomberg, Trung Quốc sẽ là quốc gia đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng gấp đôi Mỹ: “Tỷ lệ đóng góp GDP toàn cầu của Trung Quốc dự kiến chiếm 22,6% tổng tăng trưởng thế giới vào năm 2028. Ấn Độ được dự đoán sẽ đóng góp 12,9% GDP toàn cầu. Tổng cộng, 75% tăng trưởng toàn cầu dự kiến tập trung ở 20 quốc gia và hơn một nửa nằm tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia. Trong nhóm G7, Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp cũng được dự báo nằm trong số 10 quốc gia đóng góp nhiều nhất”.

BRICS mở rộng và sự phác thảo một trật tự mới -0
“Chúng ta là biểu tượng của sự thay đổi”.

Như vậy, trên thực tế, BRICS đã thật sự trở thành đối trọng của G7, trên phương diện kinh tế-thương mại thuần túy. Do đó, điều mà càng ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến khả năng gia nhập BRICS cũng là hoàn toàn dễ hiểu. Không ai không muốn cải thiện tốc độ phát triển của chính mình, mà trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đa phương hóa của thế giới phẳng hiện đại này, ai cũng cần (ít nhất là) một cộng đồng để cùng hướng đến lợi ích chung.

Algeria, Argentina, Bahrain, Bangladesh, Indonesia, Iran, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Sudan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Venezuela - những quốc gia đã được kể tên là “có hứng thú” gia nhập BRICS, có thể nói, đã và đang cân nhắc một lựa chọn sáng suốt. Trong đó, sự góp mặt của những cường quốc dầu mỏ - mà điển hình là Saudi Arabia - có thể khuynh đảo cả nền kinh tế thế giới, như thực tiễn 12 tháng qua đã chứng minh, qua các động thái cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác (OPEC+).

Còn sau đó, đi kèm với quyền lực kinh tế, đương nhiên sẽ là sự nâng cao vị thế cũng như tầm ảnh hưởng địa chính trị, ở những vấn đề mang tính then chốt đối với sự vận hành của cả thế giới.

3. Có điều, để sẵn sàng cho “một thế giới đa cực” mới đích thực, các nhà lãnh đạo BRICS cũng sẽ còn cả một chặng đường dài và đầy thử thách để vượt qua. Trong đó, sự kiến tạo những nền tảng cạnh tranh hữu hiệu về tài chính là điều bắt buộc.

Không phải ngẫu nhiên, ở hội nghị lần này, một trọng điểm khác của chương trình nghị sự là các cuộc thảo luận giữa các chuyên gia, tập trung vào việc tìm kiếm và sử dụng các loại tiền tệ thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế, cũng như củng cố Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của nhóm. Mục đích chính yếu, như Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor hé lộ, là để bảo đảm rằng “chúng ta (tức là BRICS) không trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt” tác động lên các nước không trực tiếp liên quan đến lệnh trừng phạt đó. Dĩ nhiên, đó là những lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Chỉ điều ấy thôi cũng đã gián tiếp phác thảo sự cam go của cuộc đối đầu mới trên đỉnh vũ đài kinh tế - địa chính trị của thế giới đang phân cực mạnh mẽ này. Có không ít quốc gia trong nhóm những nước đang muốn gia nhập BRICS có “hiềm khích” hoặc cảm thấy bị “o ép” bởi trật tự thế giới cũ mà phương Tây là trung tâm (như Syria, Iran, hay mới nhất là Sudan vừa phải nhận trừng phạt). Những nước vẫn đang đứng ngoài vòng xoáy này, cũng chưa nhìn thấy các cơ hội phát triển vượt bậc nếu “chọn phe” bằng cách gia nhập BRICS, sẽ phải cân nhắc rất kỹ càng về khả năng chống chịu của nền kinh tế của chính mình.

Bên cạnh đó, dự án hướng đến việc tạo nên một thứ “siêu tiền tệ” mới nhằm “truất phế” vị thế độc tôn của đồng USD cũng tiềm ẩn khá nhiều cạm bẫy, cho dù khá nhiều giao dịch quốc tế trong hơn một năm qua đã từng bước khắc sâu xu hướng này.

Những lý do chính đe dọa rằng một đồng tiền mới của BRICS có thể thất bại (dĩ nhiên được đưa ra từ các thiết chế phân tích phương Tây) bao gồm: Giá trị ổn định, tính thanh khoản cao, có lịch sử lâu đời của đồng USD - những điều mà một đồng tiền mới không chắc đã có thể sở hữu được (mà thí dụ điển hình chính là đồng euro của Liên minh châu Âu/EU); sự hậu thuẫn vô giá của nền kinh tế số 1 thế giới đối với đồng USD; những nghi ngại chắc chắn sẽ xuất hiện, về sự chi phối đồng tiền mới, từ các cường quốc đóng vai trò chủ chốt trong BRICS; chưa kể đến những lý do phụ như kinh nghiệm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sự thiếu gắn kết (về cả địa lý lẫn quyền lợi chung) trong nội bộ BRICS, sự vững vàng của an ninh quốc gia Mỹ, hay tính khó dự đoán từ quan điểm của Trung Quốc - vốn luôn cố gắng giữ tỷ giá của đồng nhân dân tệ ở mức thấp so với USD, nhằm gia tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu, tạo thêm hàng triệu việc làm trong nước.    

Tuy nhiên, dù muốn dù không, một bức tranh tổng thể toàn cầu mới cũng đã được phác họa. Nói cách khác, một tiến trình mới của quỹ đạo trật tự thế giới cũng xem như đã được kích hoạt. Bởi vậy, sự tỉnh táo trở thành yêu cầu hàng đầu đối với những đất nước không bị cuốn vào vòng xoáy hệ lụy (mà phải tận dụng được các cơ hội nảy sinh) của cuộc “long tranh hổ đấu”này...

Đông Phong
.
.