Bớt đồng thì bớt cù lao
“Bớt đồng thì bớt cù lao
Bớt ăn bớt mặc thì tao bớt làm”.
Câu này, còn có dị bản như “bớt ăn, bớt uống, bớt tiền, bớt gạo” nhưng nghĩa vẫn không thay đổi. Câu chuyện cần bàn ở đây vẫn là lúc đặt câu hỏi: “cù lao” trong ngữ cảnh này là gì? Liệu có liên quan gì đến cù lao đã được sử dụng trong truyện ngắn “Bên rừng Cù lao Dung” của nhà văn Sơn Nam?
Về Cù lao Dung, nhà văn Sơn Nam cho biết nằm giữa sông Hậu: “Một cù lao to, từ thời Gia Long đã chia thành 2 xã, đọc sử thấy ghi là Hổ châu, theo nghĩa cù lao có cọp ở. Người Khơme gọi là Kok Tung, theo nghĩa cù lao này là sào huyệt của loại chim thằng bè”.
Đại khái, cù lao là vùng đất nổi lên giữa biển khơi do phù sa bồi đắp; tương tự cồn cũng nổi giữa biển, sông lớn chỗ giáp nước do vun bồi của phù sa nhưng nhỏ hơn cù lao, và cũng tùy trường hợp cụ thể, thí dụ, đó là chỗ cát tụ thành đụn lớn ven biển ngày càng lấn vào đất liền.

Xét ra, cù lao hiểu theo nghĩa này không thể áp dụng cho câu ca dao trên.
Nhà văn Phạm Minh Hòa viết trong truyện ngắn “Cứ, một lớp học kỳ diệu”, đoạn kể về cách nuôi cá lia thia, có câu: “Phải chọn cái chai có đáy bằng chứ có cù lao thì đựng cá không đẹp”. “Cứ” là gọi tắt từ “căn cứ” nhằm chỉ nơi trú quân của quân giải phóng thời kháng chiến. “Cù lao” ở đây là từ nhằm chỉ phần lồi lên ở đáy chai. Không những thế, ta còn tìm thấy trong ca dao hoặc các áng thơ văn như: “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?” (Truyện Kiều)… Dù có lúc không nhắc tới như: “Thấy trong chín chữ trời cao ngất/ Chạnh nỗi đôi phương ruột héo hon” (Hồng Đức quốc âm) nhưng ta vẫn biết “chín chữ” ấy là nói tắt của “chín chữ cù lao”: 1. Sinh (sinh đẻ), 2. Cúc (nâng đỡ), 3. Phủ (ve vuốt, vỗ về), 4. Xúc (nuôi cho bú mớm), 5. Trưởng (nuôi cho khôn lớn), 6. Dục (dạy dỗ); 7. Cố (trông nom), 8. Phục (tùy tính tình mà dạy bảo), 9. Phúc (bảo vệ, che chở). Câu thơ trong “Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khái quát về ơn nghĩa của đấng sinh thành:
Đội ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình
Vậy, chẳng lẽ: “Bớt đồng thì bớt cù lao/ Bớt ăn bớt mặc thì tao bớt làm” là thái độ trả giá, ra giá của đứa con đối với công đức của cha mẹ, ra điều kiện nếu thế này sẽ dẫn tới thế kia, đã thế lại dùng từ “tao” rất lếu láo, hỗn xược, không thể chấp nhận. Nếu thế, câu ca dao này không có gì để bàn, chỉ đáng ném sọt rác.
Rắc rối thiệt.
Thôi thì, ta tạm thời giải lao đôi lát, rủ nhau đi làm cái lẩu thập cẩm cho tỉnh táo, tươi tỉnh rồi tìm hiểu tiếp. Về cách ăn món này, trong tác phẩm “Sài Gòn tạp pín lù” (NXB Hội Nhà văn - 1900), nhà văn hóa Vương Hồng Sển giải thích rành rọt: “Tạp pín lù, là "đả biên lô", tức là món ăn nấu chín gần bên lò lửa; cũng như "ăn sán lẩu" là ăn thịt sống nhúng vào nước sôi bắt trên lò lửa nóng. Số là người Tây bày ra một từ khí làm bằng chì, thiếc, vật kim khí có chân cao giữa khoét lỗ đặt vài cục than cháy, chung quanh là nồi chứa nước thịt ngọt, khách ăn tự lựa từng món ngon: mề gà, lòng heo, ruột già, ruột non, dồi trường, tự gắp bằng đũa và nhúng vào nước thịt đang sôi, rồi tự gấp qua chén và, không cần biết món nhúng đã chín hay còn sống sượng. Rồi thì rượu cay, rau sống ngốn nghiến chàm ngoàm cả miệng không thốt ra lời được, món ăn ấy gọi "ăn sán lẩu", dịch ra Hán tự là “sán sanh” (thức ăn còn sống, chưa chín), "lẩu": lò (lô). Ăn “sanh lô”, nhưng nếu nói "sanh lô" ba Tàu không hiểu, phải nói theo họ "ăn sản lẩu", hoặc ăn "cù lao" vân vân” (tr.5). Khi ăn với nhiều thứ nhúng vào đó, ta gọi là “tạp pín lù”, là cái lẩu/ cái cù lao thập cẩm.
Qua cách giải thích trên, ta đã hình dùng ra cái cù lao lúc ăn lẩu. Vậy, có thể khi vào quán, do không đủ tiền nên đành “bớt đồng” bằng cách bỏ bớt/ không gọi món cù lao? Nếu thế, người Việt không nói lọng ngọng lịu nghịu thế mà nói “bớt tiền”. Suy ra “đồng” trong câu ca dao “Bớt đồng thì bớt cù lao” không phải đồng tiền. Vậy, đồng ở đây là gì? Ta hãy quay ngược về xứ Huế vào thời điểm trước thế kỷ XX để nghe lại câu ca dao:
Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đồng
Ba o con gái góa chồng cả ba
Có thật là họ góa chồng? Nhầm chết. Những địa danh nêu trên cho biết đó là những làng nghề truyền thống đúc chuông ở Huế. Muốn đúc chuông thì phải có đồng, vì thế hằng ngay họ phải đi thu mua những sản phẩm hư hỏng, vứt bỏ từ làng này qua làng nọ, không loại trừ khả năng có kẻ lấy trộm, ăn cắp đồ đồng của nhà nước, mua bán loại phi pháp này, luât pháp thời nào cũng ngiêm cấm. Vì thế, các o đi buôn, đi thu mua đồng nát thường làm sẵn tờ “chồng để” (giấy ly hôn) dự phòng nếu bị bắt không liên lụy đến chồng con, hơn nữa người ta cũng dễ xót thương cho hoàn cảnh mà phạt nới tay.
Khi thu mua đồng từ hang cùng ngõ hẻm, họ đem về bán lại cho lò đúc, ở đó sản xuất ra nhiều sản phẩm, trong đó chuông đồng. Với nghề này, nếu không phải dân trong nghề, khi đến lò đúc, chúng ta sẽ ngắc ngứ khi nghe họ trao đổi về chuyên môn, thiết tưởng cũng cần phải học để biết, âu cũng là một cách làm giàu thêm vốn từ.
Căn cứ vào cuốn “Biên khảo Huế - nghề và làng nghề thủ công truyền thống” (NXB Thuận Hóa-1994) của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, tôi tạm thời góp nhặt lấy vài từ chuyên môn có thể nhiều người chưa biết, thí dụ, khi đúc ra sản phẩm nào đó trăm cái như một hoặc làm theo mẫu khách hàng đem tới, gọi là “cái rập”. Sản phẩm đúc ra lành lặn, trong rạn, không nứt, gọi là “troại” là phát âm của “trọi”. Trọi chính là trụi, tức sản phẩm đó hoàn hảo, không có chút tẹo tèo teo gì khiếm khuyết.
Khi sử dụng đất sét còn dẻo, người ta áp vào khuôn mẫu để tạo nên sản phẩm rồi đem phơi khô - giống hệt sản phẩm mà người thợ muốn đúc nó bằng đồng, gọi là “giáp khuôn” hay “cốt khuôn”. Về khuôn đúc có các từ “khuôn nặn” hay còn gọi “khuôn sống” làm bằng đất sét vàng. Loại khuôn này, có thể đập bỏ sau khi đúc nếu sản phẩm đó có nhiều chi tiết phức tạp, người thợ không thể ngồi gỡ từng mảng khuôn ra khỏi sản phẩm để sử dụng lại, Trong khi đó, “khuôn chín” hay “khuôn bền” làm bằng đất sét trắng lại khác, là sử dụng nhiều lần sau khi lấy sản phẩm ra khỏi khuôn, thường dùng làm khuôn đúc sản phẩm lớn như vạc, đỉnh, súng thần công, đại hồng chung (chuông lớn)…
Nếu người phụ nữ khi sinh nở được “mẹ tròn con vuông” là quá đỗi kỳ diệu, tuyệt vời hạnh phúc thì dân thợ đúc có câu “Đúc một lửa trọi” là đúc một lần mà suôn sẻ, hoàn hảo đâu ra đó. Sản phẩm đó cũng có bì, cốt, thịt. “Bì” là khuôn ngoài, “cốt” là khuôn trong, “thịt” là khuôn hở mà kim loại nóng chảy sẽ lấp đầy tạo nên sản phẩm.
Theo dân trong nghề, nghệ thuật đúc chuông đồng quan trọng nhất còn là cái cù lao, vì thế, ca dao có câu: “Bây giờ tính nghĩ làm sao/ Cho chuông ấm tiếng cù lao vững vàng”. Cù lao là bộ phận gì trong cái chuông? Theo “Việt Nam tự điển” (1931): “Cái quai trên đầu quả chuông”, từ cái quai này, người ta còn dùng để treo chuông lên, thế nhưng khi đúc chuông mà bớt cù lao thì gay go quá. Thật ra, dù ông chủ dẫu làm ăn gian dối, có ăn bớt, ăn xén bằng cách “bớt đồng” tức chất liệu đồng đi nữa; hoặc đối xử không ra gì với thợ thầy như “bớt ăn, bớt mặc” thì cuối cùng họ cũng đúc chuông mà cái chuông đó cũng có cù lao như thường.
Tại sao như thế?
Vì rằng, câu ca dao này đã lợi dụng sự đồng âm để hiểu qua hai nghĩa: Nếu “bớt đồng”, không đủ chất liệu đồng thì bớt cái cù lao, hiểu như thế không sai nhưng cù lao còn là từ trùng âm với cần lao, cần cù, lao tâm, lao lực; “đồng” trùng âm với đồng tiền. Vậy, nếu “bớt đồng” là bớt đồng tiền trả công thì họ cũng làm nhưng chỉ qua loa, chứ không tận tâm tận lực: “Bớt đồng thì bớt cù lao”. Câu lục bát này thuộc thể tỷ, vì thế ở câu sau cũng dẫn đến sự so sánh: “Bớt ăn bớt mặc thì tao bớt làm”. Kết hợp cả hai câu là một sự nhất quán, thể hiện thái độ phản ứng trước tình huống cụ thể có thể đã/ đang/ sẽ xảy ra. Họ nói lắt léo bằng cách vận dụng các từ liên quan đến nghề của mình, khó có thể bắt bẻ bởi sự đồng âm, tùy theo cách hiểu của người nghe.
Này, xin hỏi thêm, cơn cớ gì cái quai trên đầu quả chuông, lại gọi cù lao? Đơn giản chỉ vì người ta nói trại của từ “bồ lao”.
Mà, bồ lao là gì thế?
“Tên một loài thú, có thuyết bảo là một loài chim cực lớn, thường đánh nhau với cá kình ngoài biển để giành mồi, mỗi lần đánh nhau thì chim bồ lao kêu vang động một vùng. Vì vậy về sau người ta đúc hoặc khắc hình chim bồ lao ở chuông, và khắc hình cá kình ở dùi đánh chuông, mong cho tiếng chuông đánh lên sẽ vang xa như tiếng kêu của chim bồ lao khi đánh nhau với cá kình”, “Hán - Việt tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng giải thích.
Có thể do không nhìn thấy cũng như không rõ về ý nghĩa của hình ảnh con chim bồ lao trong nghệ thuật đúc chuông, do đó, người ta bèn gọi cù lao là từ quen thuộc đã có sẵn(?).