Bình tâm giữa những chông gai

Thứ Tư, 21/12/2022, 16:17

- Người thu, cuối những mùa thu cuối,

Hôn lá thu vàng trong giấc mơ...

Những thương nhớ cũ về như mới,

Nhắc trái tim buồn thêm tứ thơ...

- Tài năng, nếu là đích thực thì rất khó bị tác động bởi những thủ tục phong thêm danh vị...

- Nhà báo đích thực không chỉ đơn thuần là người truyền tải thông tin...

- Đôi khi, đám cưới được đưa tin ầm ĩ giữa một đại gia với một mỹ nhân lại chính là nguyên cớ dẫn tới sự bất hạnh của cả hai trong tương lai.

Vì cưới một mỹ nhân làm vợ, chưa chắc đã chiếm được tình yêu của cô ấy...

Cũng như hiện nay, làm chủ một dự án bất động sản khổng lồ có khi lại chính là lý do dẫn đại gia tới phá sản. Vì xây biệt thự mà không bán được thì lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng...

Simonov có câu thơ chí lý mà mình đã dịch ra tiếng Việt:

"Ta không phải là người em mộng ước,

Ta chỉ là người nhang nhác giống em mơ...".

- Đặt lời mới cho bài hát cũ thực chất cũng là một hành vi làm hàng giả… Tiếc thay, nhiều người cố tình tỏ ra không biết điều này….

- Thực ra vẫn cần phải biết các bài văn mẫu. Để mình tránh và làm khác đi, trung thực với cảm nhận của chính mình. Chưa đọc sách mà đã muốn tự làm ra sách thì rất dễ bị lạc đường…

- Đừng ném đá vào nhà thơ,

Hở lưng, cũng đừng thổi gió...

Nhà thơ luôn chẳng bình yên,

Tim vỡ vẫn thường vô cớ...

Bình tâm giữa những chông gai,

Ấm êm lại gây mất ngủ.

Đơn giản yêu chẳng cho mình,

Yêu giúp cho đời khó đủ...

Đừng ném đá vào nhà thơ,

Đá sẽ làm nên tượng đá.

Tượng đá đội nắng dầm mưa,

Nhưng thơ thì không thể nữa...

- Con chữ chỉ là con chữ, hồn vía là ở tình cảm của người viết đặt vào con chữ...

- Nhà báo là người phải biết tới tận cùng sự thật dù có thể không phải lúc nào cũng viết được hết ra sự thật...

- Nhà báo không phải là ruồi, đừng nên thấy cái gì bốc mùi thì xúm vào...

- Thật buồn nếu tiền đề của báo chí chỉ là: không phản bác định kiến của độc giả mà dựa vào đó mà làm ăn.

- Vấn đề là ở chỗ, lắm khi chim vành khuyên lại mang tâm địa kền kền...

- Báo lá cải có ích ở chỗ chúng dạy ta không nên tin vào chúng.

- Tôi vẫn cứ phân vân: liệu các phương tiện truyền thông có nên góp tay vào việc làm lan truyền rộng thêm những tin đồn "đang gây hoang mang" hay không?

- Thực hiện bài phỏng vấn mà lại chiều lòng người bị phỏng vấn thì bài khó hay...

- Biên tập không có nghĩa là đảo ngược ý nghĩa của bản thảo.

- Không nên mượn tin đồn để tạo ra những bài báo...

- Tôi vẫn cho rằng, nhìn trên quan điểm chuyên nghiệp, động cơ có thể tốt nhưng nếu chúng ta viết khiến bạn đọc hiểu sai thì lỗi trước hết là ở chúng ta.

Vì chúng ta là người làm báo...

- Đôi khi phải định nghĩa lại nghề để yêu nghề hơn. Nhất là khi thế giới xung quanh đã thay đổi một cách căn bản và không thể đảo ngược được.

- Tài năng đói kém làm thơ,

Tài năng no đủ chỉ phờ râu tôm...

- Chạy theo dư luận luôn là một việc cực kỳ nguy hiểm. Khi bạn nói hợp ý đám đông, bạn sẽ được họ tung hô lên tận mây xanh và những người nói không giống bạn sẽ bị họ vùi dập xuống bùn đen. Nhưng khi bạn nói điều bạn thực sự nghĩ nhưng không hợp định kiến của họ, số phận bạn sẽ trở nên tệ hại hơn chính những người từng phản biện bạn.

- Chúng ta viết ra tâm trạng của mình không phải để lấy lòng người khác mà chỉ đơn giản diễn tả những gì mình đang cảm thấy...

Bạn không có quyền gièm pha người khác chỉ vì người ta đang trong tâm trạng khác bạn...

- Báo chí không bao giờ nên trở thành công cụ để xui nguyên giục bị...

- Một ấn phẩm tự trọng thì không phải tin gì cũng đưa...

- Làm báo thì đừng để tầm nhìn phụ thuộc vào kích cỡ của lỗ khóa...

- Đối với những lĩnh vực không phải là chuyên môn của mình thì đừng vội đưa ra những lời bình phẩm.

Hãy cố gắng quan sát càng kỹ lưỡng càng tốt và thử suy nghĩ để lý giải tại sao mọi chuyện lại diễn ra như đang diễn ra...

- Khi mỹ nhân gặp nạn, biết đó là chủ đề có thể ăn khách, nhưng nhà báo tử tế vẫn không nỡ khai thác sâu...

Người ta bán trôn nuôi miệng, mình bán người ta để nuôi miệng mình thì mình là loại gì?!

- Không thể bảo vệ sự thật bằng cách nói ra những điều na ná sự thật...

- Nhà báo không phải là người chỉ đưa những gì tai nghe mắt thấy mà là phải đưa những gì tai nghe mắt thấy đúng.

- Bạn nên hiểu câu chuyện thế này: ngay cả những rối lẫn trong cuộc đời một nhà thơ cũng có thể trở thành tư liệu tốt để bạn suy nghĩ mà chọn lựa cách giải quyết tốt nhất cho cuộc đời của bạn...

Bởi nhà thơ trong bất cứ trường hợp nào cũng đi theo tiếng gọi của thiên lương...

Những lầm lỡ của nhà thơ chỉ càng khiến chúng ta thêm hiểu, cuộc đời thực mới nhiều cạm bẫy và thử thách làm sao!

- Khi buồn, thơ thực là thơ,

Quá vui, thơ chỉ giả vờ thơ thôi...

- Khi ta rất muốn tỏ ra mình là người hiểu biết thì lại là lúc ta rất dễ bộc lộ sự kém hiểu biết hay thiển cận của mình...

Trước khi lên tiếng chê bai hay bới lông tìm vết các trí giả, hãy tự nhìn lại mình xem...

- Nói nhỏ nhẹ về những điều to tát,

Không thề bồi những chuyện của con tim...

Bình tĩnh trước những bỉ bôi mù mịt,

Của giời cho, không giả bộ đi tìm...

- Không yêu, gì cũng không đau,

Yêu thì chỉ mảy may nhau đã buồn...

- Rảnh việc, ngồi đọc lại tập “Nhớ gì ghi nấy” của nhà văn Nguyễn Công Hoan.  Lẩn mẩn suy nghĩ về câu chuyện liên quan tới việc lưu truyền sử liệu và việc đứng tên chủ biên sách thời của các tiền bối. Số là, trong cuốn sách “Hà Nội, Thăng Long, Đông Đô”, của Hoàng Đạo Thúy xuất bản năm 1969 có ghi là Vua Gia Long vì chọn Huế làm kinh đô mới nên đã “hạ cấp” của từ “Long” (có nghĩa là Rồng) trong tên gọi của kinh đô cũ thành chữ “Long” mang nghĩa là thịnh vượng. Khi đọc tới chi tiết này, nhà văn Nguyễn Công Hoan chợt nhớ là ông cũng đã được đọc nội dung như thế trong một cuốn sách đã xuất bản trước đó vài năm, cuốn “Lược sử tên phố Hà Nội” của nhóm tác giả  Lê Thước, Trần Huy Bá… Và ông cũng nhớ ra rằng trước đó nữa ông cũng đã gặp cách lý giải như thế trong cuốn “Lịch sử thủ đô” do Trần Huy Liệu làm chủ biên, xuất bản năm 1961. Với tư duy mang tính hoài nghi và phản biện, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã vào các thư viện nhờ người tìm trong thư tịch chữ Hán xem có ở đâu nhắc tới việc đó không. Tìm mãi mà chưa thấy… Khi tình cờ gặp Trần Huy Liệu, nhà văn mang thắc mắc của mình ra hỏi thì nhà sử học đã bảo, đại ý, mình làm chủ biên, nhưng mình có đọc bản thảo đâu… Gặp Hoàng Đạo Thúy, nhà văn cũng hỏi về chuyện này nhưng đã không nhận được câu trả lời rành rẽ… Rốt cuộc, nhà văn đành phải đưa ra giả thuyết của mình: có thể Hoàng Đạo Thúy đã tìm thấy câu chuyện trên trong sách của nhóm Lê Thước. Còn về phần mình, các tác giả trong nhóm Lê Thước đã chép lại chi tiết đó từ cuốn sách mà Trần Huy Liệu đã cho phép ghi tên mình là chủ biên dù không đọc bản thảo. Mà theo nhà văn thì những gì viết trong “Lịch sử thủ đô” là kết quả của việc tự nghĩ ra…

Tự dưng thấy buồn…

- Những người trí tuệ thường mắc chung một sai lầm khi tham gia mạng xã hội: họ tưởng rằng những người khác cũng chịu khó đào sâu suy nghĩ như họ.

- Những lời ta từng tung ra trên mạng xã hội để “ném đá” những người khác, cũng giống như boomerang, cuối cùng thì sớm hay muộn cũng quay trở lại nhằm vào chính ta...

- Ảnh báo chí cần sự tự nhiên và trung thực. Vì thế những bức ảnh sắp đặt theo tinh thần “bolero” dù rất khéo về ý tưởng, nhưng vì sao đấy vẫn không làm xúc động được những người xem có tri thức…

- Chắc đâu là giỏi… Lắm khi,

Điểm cao chỉ bởi đề thi quá xoàng…

- Trong việc phục hồi vốn cổ, phải quan tâm tới cảm xúc và cách tiếp nhận tự nhiên của người đương thời. Khác đi, lộng giả thành chân, dễ biến việc nghiêm túc thành trò cười...

- Nếu không còn gì hơn để giữ nữa thì ít ra cũng phải cố gắng giữ lại bản sắc của chính mình...

- Tự khoe giá của mình tức là đã tự coi mình như một thứ hàng hóa rồi…

- Chầu rìa cứ phán linh tinh,

Quân ta thì trật, quân mình thì sai...

Xưa nay những bậc làm trai,

Chuyện trong không để cho ngoài xía vô...

- Người móm toàn phần thì không còn sợ bị sâu răng nữa...

- A dua theo truyền thông là sai lầm lớn nhất của nhân loại trên quy mô toàn cầu..

- Đời quan trọng nhất tu thân,

Làm sao tích tụ vẹn phần chúng sinh.

Tự mình cũng đủ cho mình,

Không cần chân khí siêu hình người dưng...

- Tôi cứ tự hỏi mình: có nên khơi lại những nỗi đau trong đời sống gia đình, trong tình yêu của những người nổi tiếng để bán báo không? Tôi cũng yêu sự thật và muốn đi tìm sự thật nhưng liệu những điều mà chúng ta biết về chuyện riêng tư của người khác có phải là tất cả sự thật hay không? Liệu chúng ta có lý giải đúng những bi kịch của người khác hay không?

Chà muối lên những vết thương chưa kín miệng có phải là việc làm hay ho?

Tôi nói ra chuyện này thực chất là để cảnh báo, nhắc nhở chính mình.

- Trong bất luận tình huống nào, tri thức và kiến thức luôn có thể giúp ta trở nên đỡ tệ hơn chính bản thân mình vốn có…

- Có người viết để phản chiếu hiện thực, nhưng cũng có người viết để tạo ra một hiện thực khác để hiện thực đang hiện hữu soi vào.

- Để không mẻ trán bươu đầu,

Lắm khi phải liệm thật sâu chân tài,

Làm như cũng giống ai ai,

Làm như cũng hội rạc rài thế thôi...

Bỗng dưng có một phút đời,

Soi gương mới thấy thôi rồi ấy ơi...

Cười mà nước mắt tuôn rơi,

Tôi đâu có phải là tôi hả mình...

- Cái họa của người tài là cứ tưởng mình rất tài...

- Cái sai của một số người trong chúng ta là ở chỗ rất khao khát sự thật nhưng lại chỉ là thứ sự thật đã quen mắt nhìn...

- Biết sợ, nhưng vẫn phải nói ra, khác hẳn nói ra vì không còn có gì để sợ...

Đó cũng là sự khác nhau về đạo đức...

- Chỉ người nào thực sự tôn trọng những người khác thì người ấy mới thực sự có lòng tự trọng...

Hồng Thanh Quang
.
.