Bắt nạt qua mạng – Bi kịch của Gen Z

Chủ Nhật, 02/01/2022, 09:21

Gen Z (thế hệ Z) - nhóm người được sinh ra từ năm 1995 đến 2012 là thế hệ đầu tiên được "vùng vẫy" trong thế giới Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử ngay từ nhỏ. Nếu như nhiều người thuộc thế hệ cũ coi việc sử dụng thiết bị điện tử đồng nghĩa với sự cô lập thì gen Z lại dùng chúng để tạo ra những kết nối. Càng những người ở đoạn cuối của gen Z lại càng tạo ra nhiều kết nối.

Cuốn theo những kết nối chằng chịt đó, một bộ phận gen Z đang là thủ phạm hả hê tung ra những chiêu trò bắt nạt qua mạng. Và ngược lại, nhiều nạn nhân thuộc gen Z đang sợ hãi, khủng hoảng tinh thần khi bị giáng những đòn đánh từ xa. Điều nguy hại là những đòn đánh qua mạng dễ thực hiện, luôn trúng đích, thường ẩn trong những nhóm chat kín nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của các bậc phụ huynh.

Khi "nữ nhi thường tình" là thủ phạm

Trong mắt bố mẹ, H. là một cô gái xinh xắn, hiền lành. Thế mà giờ đây, cô con gái học lớp 10 của họ lại bị chứng mất ngủ kéo dài, không thiết ăn uống và hay buồn phiền. H. từ một học sinh giỏi của lớp giờ học hành sa sút lại hay cự cãi bố mẹ. Đi khám bác sĩ và uống thuốc điều trị mất ngủ càng khiến H. rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên, chân tay run và hay ngủ gà gật. Cực chẳng đã, bố mẹ H. đành cho H. đi điều trị tâm lý.

Bắt nạt qua mạng – Bi kịch của Gen Z -0
Bắt nạt qua mạng thường để lại hậu quả tâm lý nặng nề, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Trong căn phòng bài trí đẹp mắt thuộc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần BrainCare, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thúy Hằng nhẹ nhàng ngồi cạnh H. gợi những câu chuyện bạn bè và biết được một bí mật mà cô bé giấu kín. Từ năm lớp 6, H. bị một nhóm năm bạn gái bắt nạt trên mạng và đã kéo dài 4 năm nay. Trong nhóm chat, nhóm bạn này thường xuyên chửi rủa H. bằng những lời lẽ miệt thị. H. buồn phiền, tức giận nhưng không dám nói với bố mẹ. Suốt thời gian nghỉ dịch ở nhà học online, nhóm bạn đó càng lặp đi lặp lại những lời lẽ tấn công H.

Chuyên gia tâm lý kết luận H. đã bị bắt nạt qua mạng kéo dài nên bị sang chấn tâm lý gây mất ngủ và là khởi nguồn của những diễn biến tâm lý tiêu cực của H. Lúc này bố mẹ H. mới hiểu sự tình, họ choáng váng với khái niệm "bắt nạt trên mạng".

"Sao cháu không nói với cô giáo về hành động của các bạn ấy ngày từ đầu", chuyên gia đưa ra câu hỏi. Cô bé H. lí nhí đáp: "Vì trong nhóm bắt nạt có hai bạn bố mẹ đã ly hôn phải sống với ông bà trong hoàn cảnh nghèo khó. Các bạn ấy đáng thương nên cháu cũng không nỡ mách cô giáo. Cháu cứ tự chịu đựng và ngày càng thấy chán nản, bản thân chẳng có gì tốt đẹp nên bị bạn bè chê bai và chẳng biết làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này".

Theo Thạc sĩ Thuý Hằng, trường hợp bị bắt nạt qua mạng như học sinh H. không phải là hiếm. Theo kết quả điều tra thì có khoảng 10-15% học sinh từng bị bắt nạt qua mạng. Thủ phạm thường là một hoặc một nhóm học sinh thường xuyên gọi điện, nhắn tin riêng, nhắn tin trong nhóm chat, gửi hình ảnh, video để doạ dẫm, miệt thị, chế giễu, đặt điều nói xấu một học sinh khác. Bắt nạt qua mạng thường để lại nhiều hậu quả nặng nề, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nạn nhân thường thiếu tự tin, bị tổn thương dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân và thậm chí tự tử. Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng một số thống kê cho rằng những hành vi như trên vẫn ngày một gia tăng.

Điều đáng lưu tâm là tác giả của những chiêu trò bắt nạt qua mạng lại chủ yếu là những "chị đại" và nạn nhân là nữ chiếm số lượng nhiều hơn đáng kể. Sao xấu thế, béo thế, mặt lắm mụn thế, da đen thế, tóc xù thế,.. là những lời chê bai nghe có vẻ bình thường nhưng lại là vũ khí chết người mà các "chị đại" dùng để tấn công nạn nhân yếu thế. Có nạn nhân bị chê bai kéo dài, bị dồn ép bởi nhiều hình thức bắt nạt qua mạng đã tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Tắt mạng liệu có là giải pháp?

"Bị bắt nạt qua mạng thì tắt mạng đi là xong, có gì khó" - đó là suy nghĩ sai lầm của nhiều bậc phụ huynh khi con "cầu cứu". Thực tế không đơn giản như vậy, bởi tâm lý uy hiếp, tấn công của thủ phạm sẽ chuyển từ bắt nạt qua mạng sang bắt nạt ngoài đời. Như trường hợp của C. - nữ sinh lớp 8 ở Hà Nội là một ví dụ. C. có ngoại hình xinh xắn, lại học ở trường điểm nên có nhiều bạn trai để ý. C yêu một bạn bằng tuổi nhưng khác lớp. Suốt thời gian không đến lớp do COVID-19, hai em thường liên hệ với nhau qua mạng. Bạn trai của C. thường xuyên xem các video sex trên mạng và bị ảnh hưởng, nhiều lần hẹn hò với C. để "bày trò" nhưng C. không đồng ý.

Bắt nạt qua mạng – Bi kịch của Gen Z -0
Một nạn nhân bị bắt nạt qua mạng đang được chuyên gia tâm lý trị liệu tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần BrainCare.

Sau nhiều lần bị C. từ chối, cậu bạn này vào các nhóm chat bịa đặt rằng cậu ta đã hôn C, đã làm "việc này kia" với C., rằng C. là người chảnh chọe. Chưa hết, lớp bạn trai này có một vài "chị đại" biết chuyện cũng tham gia bắt nạt hội đồng bằng cách lập ra nhiều nick ảo để gọi điện, nhắn tin đe dọa, chê bai C. Thậm chí nhóm này còn lấy lại những hình ảnh C. đăng trên mạng xã hội để đăng ở những group khác kèm nội dung bêu xấu. C. tức giận nên đã phản ứng lại với các bạn. Nhóm bắt nạt lập tức sao chép những phát ngôn tức giận của C. đăng lên mạng để tiếp tục rêu rao.

C. hoàn toàn không có kĩ năng ứng phó với các chiêu trò bắt nặt qua mạng. Mỗi khi C. định sao chép đường link hay chụp lại hình ảnh mà nhóm bắt nạt tung ra thì nhóm kia đã nhanh tay xóa hoặc khóa nick. Thành ra những điều C. nói đều không có bằng chứng và bị mọi người cho là dựng chuyện.

Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi nhóm đó chuyển sang bắt nạt trực tiếp bằng cách hẹn gặp C. và đề nghị em phải xin lỗi. Đúng hôm phải đi xin lỗi, C. căng thẳng tột độ và chạy đi cầu cứu. Tại phòng tham vấn tâm lý, C. với dáng vẻ mệt mỏi, đầu tóc rối tung, vừa nói vừa khóc: "Em không đi xin lỗi đâu, em sợ lắm". "Xin lỗi thì có gì mà em phải sợ thế", chuyên gia tâm lý gặng hỏi.

"Xin lỗi không phải nói một câu là xong, mà phải quỳ xuống liếm giày cho cả nhóm. Em đã từng bị bắt phải đi xin lỗi như thế nhưng em không làm". Chỉ khi có sự cảnh báo của cán bộ tham vấn thì bố mẹ C, ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm hai lớp mới tìm hiểu và giải quyết vụ việc. C. được chuyển lớp, được trang bị kĩ năng ứng phó với bắt nạt trên mạng. Nhóm bắt nạt cũng được tư vấn tâm lý, nhận thức rõ hành vi sai trái và dừng lại.

Đặc biệt trong thời gian qua khi dịch COVID-19 bùng phát, lứa tuổi thanh thiếu niên phải học online thì những hội, nhóm trên mạng xuất hiện như nấm sau mưa để bù lại sự thiếu hụt tương tác trực tiếp. Với học sinh, sinh viên, hội nhóm trở nên rất quan trọng. Đa số gen Z đều áp dụng thành thạo công nghệ thông tin và nhanh chóng cập nhật các tính năng mới nên thủ đoạn bắt nạt cũng muôn hình vạn trạng và thường xuyên được "nâng cấp". Đơn giản là việc cho hay không cho thành viên tham gia nhóm đã là đòn tấn công nạn nhân vì không được tham gia nhóm đồng nghĩa với việc bị nói xấu, tẩy chay và loại khỏi đám đông.

Theo chuyên gia tâm lý, thủ phạm bắt nạt qua mạng không chỉ là bạn bè, người quen mà còn là thủ phạm ngẫu nhiên trên mạng rất khó xác định. Chiêu trò bắt nạt thường là đe dọa, dụ dỗ, lôi kéo tình dục. Nạn nhân thường là nữ giới tính tình nhút nhát và ngại nói ra sự thật.

Khi rơi vào bi kịch của việc bắt nạt qua mạng, cả thủ phạm và nạn nhân đều bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe tinh thần. Bởi thủ phạm thường có đời sống tinh thần thiếu hụt trong gia đình không hạnh phúc. Để che giấu vết thương lòng của mình, thủ phạm thích làm người khác tổn thương. Điều đáng chú ý là nhiều thủ phạm từng chính là nạn nhân bị bắt nạt qua mạng. Khi không được yêu thương, tôn trọng, nạn nhân sẽ như con nhím xù lông, sẽ lấy "cái tôi tổn thương" để tấn công người khác và tự an ủi rằng nhiều người còn khốn khổ hơn.

Thủ phạm khi thực hiện những hành vi bắt nạt bên cạnh tâm lý hả hê, đắc thắng thì cũng thường bị căng thẳng, sợ bị phát hiện, sợ bị trả thù. Đôi khi thủ phạm thấy áy náy, hối hận nhưng bị ràng buộc bởi hiệu ứng đám đông nên đành "đâm lao thì phải theo lao". Bởi nếu dừng lại thủ phạm có thể bị tập thể tẩy chay, phản đối, cô lập và sẽ bị bắt nạt trở lại.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thúy Hằng, để biết con mình có phải là thủ phạm hay nạn nhân của bắt nạt qua mạng, phụ huynh hãy quan sát thái độ của con em mình xem có gì bất thường như mệt mỏi, chán ăn, học hành mất tập trung, đầu tóc không gọn gàng… Muốn nạn nhân nói ra vấn đề từ sớm thì người thân, thầy cô phải lắng nghe và tin lời họ nói. Thay vì bình luận, chỉ trích, phán xét thì hãy tìm hiểu cặn kẽ sự việc để tìm cách gỡ rối cho nạn nhân. Trong nhiều trường hợp phải đưa nạn nhân đi gặp chuyên gia tâm lý để được trị liệu kịp thời.

Có một thực tế là gen Z "trẻ người non dạ" nên cả người bắt nạt qua mạng và người bị bắt nạt đều chưa hiểu biết pháp luật. Thủ phạm vô tư bắt nạt mà không biết rằng những hành động đó là vi phạm pháp luật. Còn nạn nhân cứ cắn răng chịu đựng mà không tố cáo. Bố mẹ và thầy cô cần giúp các em nhận diện những hành vi như thế nào thì bị coi là bắt nạt qua mạng, những gì nên và không nên làm khi tham gia vào mạng xã hội để có đời sống tinh thần lành mạnh.

Huyền Châm
.
.