Ban Chiang – một huyền thoại dở dang

Thứ Sáu, 15/09/2023, 10:42

Ban Chiang (Bản Chiềng) thuộc huyện Nong Han, tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan. Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, di chỉ Ban Chiang đã được phát hiện và khai quật.  Số lượng hiện vật thu được ở đây rất lớn bao gồm các chất liệu đá, gốm, đồng, sắt, thủy tinh và xương.

Di chỉ Ban Chiang trở nên nổi tiếng và có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu thời đại Kim khí ở Đông Bắc Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Tuy nhiên, dù được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới nhưng Ban Chiang không hấp dẫn khách du lịch.

Cú vấp ngã làm nên lịch sử

Một ngày tháng 8/1966, Steve Young, sinh viên ngành Nhân học trường Đại học Harvard, con trai Chủ tịch Hội châu Á của Mỹ và là cựu Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, trong khi đi lấy tư liệu làm luận văn bỗng vấp phải rễ một cây gạo trên đường làng Bản Chiềng. Ngã sấp bổ nhào, Steve thấy trên mặt đất miệng một chiếc bình gốm nhô ra, đào lên được thêm một loạt các đồ gốm có hoa văn màu đỏ đẹp và lạ.

1 a.jpg -0
Trang sức bằng đồng tìm thấy trong khu vực Di chỉ khảo cổ Ban Chiang

Một số mẫu vật gốm được Young gửi tới Công chúa Thái Lan Chumbhut. Công chúa lập tức báo cho Cục Mỹ thuật Thái Lan và Qũy Ford ở Bangkok.

Từ đó, di chỉ Ban Chiang giống một nàng công chúa truyện cổ tích bỗng tỉnh giấc ngủ dài… Năm 1967, cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên ở di chỉ Ban Chiang bắt đầu. Cuộc khai quật thứ hai vào năm 1974-1975…

Một số đồ gốm tìm thấy được gửi tới trường Đại học Tổng hợp Pennsilvania ở Mỹ để xác định niên đại bằng phương pháp nhiệt quang. Và kết quả thật không ngờ: chúng có niên đại khoảng 5.000-3.000 năm trước Công nguyên (TCN).

Các nhà khảo cổ ở đây cho rằng di chỉ Ban Chiang là nơi cư trú của những người trồng lúa định cư sống liên tục từ thời Đá Mới tới thời Đồng-Sắt. Các đồ đồng tiếp tục cho niên đại xấp xỉ 3.600 năm TCN, sớm hơn 1.000 năm so với đồ đồng Lưỡng Hà và 1.500 năm so với đồ đồng Trung Quốc. Các di vật khác chứng tỏ con người đã sống ở đây đã làm chủ nghề đúc đồng, nghề làm gốm và làm thủy tinh, và vào khoảng 2.000  TCN, họ đã biết rèn sắt.

Dựa vào niên đại trên, năm 1968, nhà khảo cổ học Đan Mạch nổi tiếng W. Solheim công bố Thái Lan cũng là một trung tâm luyện kim, thậm chí sớm hơn Trung Quốc.

Một bài báo khác năm 1976 của nhà khảo cổ học Mỹ Chester Gorman và nhà khảo cổ học Thái Lan Pisit Charoenwongsa khẳng định niên đại 4.000 TCN của di chỉ Ban Chiang và cho rằng đó là nơi có nghề rèn sắt sớm nhất trên thế giới. Phát hiện "gây chấn động" đó lập tức được lan truyền trên sách báo khảo cổ học cũng như các phương tiện truyền thông. Một học giả khác còn cho rằng đồ đồng pha thiếc ở Ban Chiang có trước và thậm chí là nguồn gốc cho đồ đồng pha thiếc ở Lưỡng Hà và Tây Á.

Năm 1992, di chỉ Ban Chiang được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới với thông báo:  Ban Chiang là di chỉ tiền sử quan trọng nhất cho đến nay được phát hiện ở Đông Nam Á với những bằng chứng sớm nhất về nông nghiệp và việc dùng kim loại. Đó là một trung tâm phát triển của loài người vào thiên niên kỷ 5 TCN. Cho đến những năm 1960, Đông Nam Á vẫn bị coi là một vùng đất lạc hậu thời tiền sử. Quan điểm phổ biến cho rằng văn hóa Đông Nam Á phát triển chủ yếu do ảnh hưởng từ Trung Quốc và Ấn Độ… Việc phát hiện di chỉ Ban Chiang cho thấy đó là một quan điểm sai lầm. Các tư liệu khảo cổ chứng minh Ban Chiang vào thiên niên kỷ 4 TCN đã trở thành trung tâm phát triển mạnh mẽ, độc lập, có tác động đến tiến trình phát triển văn hóa - xã hội của phần lớn vùng Đông Nam Á cả lục địa và hải đảo thời đó…

Ban Chiang – một huyền thoại dở dang -0
Những bình gốm cổ xưa trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia Ban Chiang

Trong lúc nhiều học giả rất hào hứng với phát hiện Ban Chiang thì một số khác lại tỏ ý hoài nghi. Họ cho rằng các mẫu than dùng để định niên đại Ban Chiang có xuất xứ đáng nghi, các niên đại đã bị đẩy quá xa xưa và các thông tin về Ban Chiang đã bị thổi phồng và lạm dụng.

Sau khi Chester Gorman qua đời, Joyce White, người thay thế Gorman làm Giám đốc dự án Ban Chiang của trường Pennsylvania, tiếp tục bảo vệ các niên đại sớm của thời Đồng Thau ở Ban Chiang.

Tuy nhiên, trong một bài viết năm 1982, White công bố ngôi mộ sớm nhất ở Ban Chiang chỉ có niên đại 2100 TCN, ngôi mộ muộn nhất có niên đại 200 sau Công nguyên (SCN), một mũi lao đồng có niên đại 2000 TCN và bắt đầu thừa nhận với các niên đại đó, Ban Chiang không phải là một trung tâm luyện kim độc lập nữa mà nghề luyện kim ở đây có thể đến từ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, hai nhà khảo cổ học Thomas Higham từ Đại học Oxfort (Anh) và Charles Higham từ Đại học Otago (New Zealand) cho rằng niên đại 2.100 TCN của White đã dựa trên 6 niên đại carbon phóng xạ AMS (Gia tốc Quang phổ rộng) từ những mảnh gốm có chứa vỏ trấu và 1 niên đại từ thực thạch (cỏ cây hóa đá) là không đáng tin cậy bởi đất sét làm gốm có thể chứa than có tuổi phóng xạ sớm hơn. Các niên đại khác được xác định cũng bằng phương pháp đó nhưng từ xương người và động vật ở Ban Chiang lại cho thấy con người bắt đầu sống ở Ban Chiang chỉ vào khoảng 1500- 1000 TCN. Các niên đại này cũng phù hợp với 76 niên đại có được từ di chỉ Bản Non Vát có nhiều di vật hơn hẳn Ban Chiang.

Không hấp dẫn khách du lịch

Giờ đây, trên trang mạng của UNESCO, Ban Chiang vẫn tiếp tục là một Di sản Thế giới, vẫn là nơi cư trú thời tiền sử quan trọng nhất, giàu di vật nhất được phát hiện cho đến nay ở Đông Nam Á, nơi có bằng chứng sớm nhất về nghề nông, việc chế tác và dùng kim loại trong vùng, nhưng niên đại của di chỉ chỉ còn là 1495-900 TCN.

Ban Chiang – một huyền thoại dở dang -0
Các hố khảo sát được giới thiệu bên trong Bảo tàng Quốc gia Ban Chiang

Dù vậy, một số trang mạng du lịch của Thái Lan vẫn đưa những thông tin cũ về Ban Chiang để lôi cuốn khách du lịch quốc tế. Các lời giới thiệu tại Bảo tàng Ban Chiang vẫn viết đồ gốm ở đây đã được tạo ra cách đây 5.600 năm và cư dân cổ ở Ban Chiang đã đúc đồng muộn nhất cách đây 4.000 năm…

Charles Higham, nhà khảo cổ học hàng đầu về tiền sử Thái Lan và Đông Nam Á chính là một trong những người sớm nghi ngờ niên đại quá sớm của di chỉ Ban Chiang. Năm 2019, ông vẫn phải nhắn nhủ: "Ai thăm Bảo tàng Ban Chiang cần phải biết các niên đại trong các chú thích ở Bảo tàng là sai. Ban Chiang có người ở vào khoảng 1.500 TCN. Thời Đồng Thau ở đó bắt đầu khoảng 1.000 TCN, thời Đồ sắt khoảng 450 TCN. Các đồ gốm vẽ màu có niên đại 200 SCN". Vì thế khác với những di sản thế giới khác của Thái Lan, Ban Chiang không thu hút được sự quan tâm của du khách như kỳ vọng mặc dù chính phủ đã có nhiều chương trình quảng bá rầm rộ.

Cũng cần nói thêm, việc công bố niên đại 4-5000 TCN của di chỉ Ban Chiang vào những năm 1970 đã dấy lên một trào lưu sưu tầm, kéo theo sự bùng nổ của nạn đào bới, làm giả và buôn lậu đồ cổ Ban Chiang để đưa đến nhiều bảo tàng khắp nước Mỹ. Một hệ lụy của trào lưu này là năm 2008, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra, khám xét nhiều bảo tàng, cửa hàng, nhà của các nhà sưu tập tư nhân ở California và Chicago, tịch thu hơn 10.000 di vật, trong đó nhiều di vật đến từ Ban Chiang. Một số kẻ buôn lậu bị kết án tù. Để tránh bị kết án, nhiều bảo tàng đã phải đem trả lại di vật cho Thái Lan.

Câu chuyện Ban Chiang là một ví dụ điển hình về việc có thể sai lầm và say mê quá đà của các nhà khảo cổ học, của giới truyền thông, các viện bảo tàng và cả UNESCO cũng như việc có thể thừa nhận và khắc phục sai lầm và cơn mê đó, trước hết là của các nhà khảo cổ học. Thực tế, niên đại quá sớm của gốm Ban Chiang không phải từ một sự tưởng tượng hoang đường nào mà chỉ là kết quả sai của một phương pháp định niên đại đồ gốm đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Vai trò quan trọng của việc định niên đại các di chỉ, di vật khảo cổ là điều không phải bàn cãi bởi không có niên đại là không có lịch sử. Nhưng việc định niên đại đó, dù bằng các phương pháp vật lý học hiện đại nhất đi nữa vẫn là một việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Các niên đại được xác định theo phương pháp carbon phóng xạ (C14) thường được gọi là "niên đại tuyệt đối" nhưng thực tế chúng vẫn rất tương đối, bởi  cùng một di chỉ hay một văn hóa khảo cổ với những mẫu vật khác nhau, nơi giám định khác nhau có thể có những niên đại C14 rất khác nhau, thậm chí cách nhau hàng ngàn năm.

Nhìn chung, kết quả các nghiên cứu về thời tiền sử (thời chưa có chữ viết) cũng như về thời lịch sử (thời đã có chữ viết) luôn mang tính tương đối và có thể thay đổi để ngày càng phù hợp hơn với quy luật và đến gần hơn với sự thật.

Tạ Đức
.
.